Góc Hồng Ngọc: Cần tái tạo thị trường cầu thủ (Bài 2)

25/10/2011 14:48 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Phát biểu của bầu Kiên làm sững sờ VFF và BTC V-League, dẫn đến sự ra đời của một mô hình mới quản lý V-League. Nhưng một mô hình quản lý mới không bảo đảm V-League và bóng đá VN sẽ phát triển đúng hướng, nếu không xây dựng những thể chế bảo vệ sự phát triển bền vững.

Bài 2: Cần tái tạo thị trường cầu thủ

Thị trường cầu thủ hiện nay của bóng đá Việt Nam đang giết chết hệ thống đào tạo. Rất dễ hiểu: Không ai dại gì nuôi dạy cầu thủ cả chục năm nhưng khi anh ta vừa trưởng thành thì chẳng thu lại được gì. Vậy thì đi “cướp” người của đội khác cho nhanh và… an toàn.

Hệ thống bán… mình

Thị trường cầu thủ Việt Nam hiện tại nằm ngoài mọi lý thuyết nào về lao động hay kinh doanh, và tất nhiên là không giống với bất kỳ thị trường cầu thủ nào trên thế giới.

Đó là hệ thống “bán mình”. Cầu thủ hết hợp đồng với một đội bóng, anh ta được quyền tự do ký hợp đồng với một đội bóng khác, đội bóng mới phải trả cho anh ta “tiền chuyển nhượng”, cũng có khi gọi là “tiền lót tay”, được định giá như với trường hợp đội bóng này phải trả tiền cho đội bóng khác để mua cầu thủ. Tất nhiên, tiền lương, thưởng sau đó anh ta vẫn lĩnh đều!

Về lý luận, cầu thủ là người lao động. Anh ta sở hữu sức lao động của mình, chứ không sở hữu chính mình với tư cách là người lao động. Kẻ sở hữu anh ta, với tư cách là người lao động, chính là doanh nghiệp (ở đây là đội bóng) đang có hợp đồng thuê anh ta làm việc. Cầu thủ khi bán sức lao động thì nhận được tiền lương và thưởng. Đội bóng khi bán cầu thủ (đang trong hợp đồng) thì nhận được tiền chuyển nhượng. Chứ cầu thủ không có quyền bán chính mình.

Về chế độ thu nhập, tiền bán mình đó không được xếp vào loại hình thu nhập xác định rõ ràng nào cả, và trở thành loại hình dễ bị thất thu thuế nhất.

Về quản trị, thật nực cười khi người lao động chưa làm việc nhưng đã được nhận hầu hết phần thu nhập của mình trong toàn bộ thời hạn hợp đồng, hoặc ít ra là trong một năm. Đó là lý do các đội bóng cực kỳ khó khăn để kiểm soát và tạo động lực cho các cầu thủ của mình (vì phần lương quá ít so với thu nhập chính là tiền bán mình). Lại phải treo thưởng thật cao để thúc đẩy các cầu thủ thi đấu.

Hệ thống này tạo ra siêu quyền lực cho cầu thủ, thay vì quyền lực lẽ ra phải thuộc về đội bóng với tư cách là thực thể quan trọng nhất của hoạt động bóng đá.

Người đầu tư, kẻ hưởng lợi

Để đào tạo được một cầu thủ chuyên nghiệp là việc không dễ dàng. Phải qua ít nhất 7 năm, và có thể khoảng 10 năm.

Hệ thống đào tạo cầu thủ ở Việt Nam thường cho đào tạo tập trung từ rất sớm. Dễ hiểu vì nếu cầu thủ vẫn học văn hóa trong các trường phổ thông bình thường, anh ta đâu có thời gian chơi thể thao cho vui, chứ đừng nói tới việc tập luyện nghiêm túc để hành nghề sau này.


Để đào tạo được một cầu thủ như Danh Ngọc, Nam Định có thể đã  mất tới 5 tỷ đồng

Vì không có thời gian để chơi thể thao xen với học bình thường, cũng như các bậc phụ huynh không có nhu cầu cho con chơi thể thao thường xuyên từ nhỏ, nên các đội bóng buộc phải lo toàn bộ chi phí để nuôi ăn, ở, dạy học văn hóa, và đào tạo bóng đá cho các cầu thủ từ rất nhỏ. Phần lớn các trung tâm đào tạo thành công đều đào tạo tập trung hoàn toàn muộn nhất là từ 14 tuổi, đôi khi từ 11 tuổi. Đôi khi đội bóng còn phải trả thêm phụ cấp cho cầu thủ trẻ.

Nhưng tốn kém nhất là xây dựng hệ thống sân tập và cơ sở vật chất tập luyện, đặc biệt là ở những thành phố lớn khi giá nhà đất vô cùng đắt đỏ.

Và không phải tất cả mọi cầu thủ sau khi hoàn tất việc đào tạo đều có thể thi đấu chuyên nghiệp. Không chỉ do chất lượng đào tạo, mà còn do giới hạn tuyển chọn đầu vào, bởi số lượng trẻ em chơi bóng đá ít thì càng thiếu điều kiện chọn lựa những em có năng khiếu.

Tính trung bình sau 2 năm một trung tâm đào tạo cho ra một lứa, còn tuổi thọ nghề nghiệp trung bình của cầu thủ là 10 năm, thì bình quân 5 cầu thủ ra lò có 1 người tìm được chỗ đứng. Tức là nếu chi phí để nuôi một cầu thủ trẻ mỗi năm là 100 triệu, 10 năm là 1 tỷ, thì chi phí trung bình để đào tạo một cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp được là 5 tỷ đồng.

Nhưng sau khi ra lò, họ ký hợp đồng 3 năm (thời hạn phổ biến ở Việt Nam hiện nay), thực chất chỉ là thời gian học việc, rồi tự do. Đội bóng đã chi rất nhiều tiền để đào tạo nên anh ta chưa kịp hưởng lợi thì anh ta tự do bán mình và thu lợi, như chúng ta nói ở phần đầu.

Vậy thì ai còn muốn đào tạo cầu thủ?

Thiết lập lại quy tắc chuyển nhượng

Quy luật của thị trường là ai cũng mưu cầu lợi ích của mình. Cầu thủ sẽ làm giá nếu họ được tự do làm giá. Đội bóng sẽ đi “cướp” cầu thủ, nếu họ được tự do đi cướp. Nhưng điều đó sẽ khiến nền bóng đá mất gốc vì không tạo ra cầu thủ. Rốt cục, tiền đổ vào không làm bóng đá phát triển hơn, mà làm nó suy yếu đi. Thị trường tự nó là không hoàn hảo.

Việc của những nhà làm chính sách và quản lý là phải sửa chữa chỗ khiếm khuyết của thị trường để có cạnh tranh lành mạnh, sao cho việc mưu cầu lợi ích riêng của các đối tượng cũng xây dựng lợi ích chung, tạo ra sự phát triển bền vững. Những việc cần làm ở đây là:

Thứ nhất, chúng ta phải hủy bỏ hệ thống bán mình của các cầu thủ. Việc các cầu thủ nhận tiền chuyển nhượng (hay lót tay) phải bị cấm. Phần thu nhập chủ yếu của cầu thủ là lương, và sau đó là thưởng. Nếu có một chế độ nào khác khi ký hợp đồng, đó chỉ là tiền hoa hồng, và bị giới hạn. Tôi đề xuất giới hạn hoa hồng cho cầu thủ là 15% phí chuyển nhượng, khi cầu thủ được bán từ đội này sang đội khác (như tại Tây Ban Nha). Trong trường hợp cầu thủ tự do, giới hạn hoa hồng mà họ nhận được là tối đa một năm lương khi ký hợp đồng.

Thứ hai, các cầu thủ bắt buộc phải ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với đội bóng đã đào tạo ra mình (có những quy định để làm rõ việc này) với thời hạn 5 năm.

Thứ ba, toàn bộ hợp đồng giữa đội bóng và cầu thủ phải được nộp cho cơ quan quản lý để giám sát việc thực hiện. Những hợp đồng khác với hợp đồng nộp cho cơ quan quản lý là vô hiệu, và người ký những hợp đồng đó phải bị trừng phạt. Hợp đồng có những điều khoản trái với quy định tất nhiên cũng vô hiệu.

Hồng Ngọc

Đón đọc kỳ 3: Kiểm soát và minh bạch tài chính

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm