Góc Hồng Ngọc| V-League - Một thập kỷ bong bóng (Bài 1)

24/10/2011 11:45 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Phát biểu của bầu Kiên làm sững sờ VFF và BTC V-League, dẫn đến sự ra đời của một mô hình mới quản lý V-League. Nhưng một mô hình quản lý mới không bảo đảm V-League và bóng đá VN sẽ phát triển đúng hướng, nếu không xây dựng những thể chế bảo vệ sự phát triển bền vững.

Chi phí hoạt động của các đội bóng tăng khoảng 10 lần, thu nhập của các cầu thủ hàng đầu cũng tăng khoảng 10 lần so với khi V-League ra đời, nhưng khán đài thì thưa dần và các tài năng trẻ cũng thưa dần…

Thành Lương là tuyển thủ QG hiếm hoi mà HN.ACB tự đào tạo

được trong 10 năm qua. Ảnh: VSI

Bơm căng

Mùa giải đầu tiên của V-League, 2000-2001, ngân sách hoạt động trung bình của các đội bóng vào khoảng 4-5 tỷ đồng. 10 năm sau, ngân sách hoạt động trung bình của các đội bóng vào khoảng 60 tỷ đồng. Bội số là hơn 10 lần, gần bằng mức tăng giá của… nhà đất Hà Nội.

Năm đầu tiên mà HA.GL thi đấu ở V-League và đăng quang là 2003, nếu không tính đầu tư vào tài sản cố định, chi phí hoạt động của “nhà giàu mới nổi” này chỉ chừng hơn 10 tỷ đồng, là đội chơi trội nhất khi đó. Bây giờ với hơn 60 tỷ đồng/năm, họ chỉ là đội chi tiêu ở mức trung bình khá của V-League. Còn những đội tốn kém nhất hiện chi gần 100 tỷ mỗi mùa.

Vụ chuyển nhượng đình đám đầu tiên của bóng đá VN khi lên “chuyên nghiệp” có trị giá 150 triệu đồng, khi Minh Phương rời CSG đến GĐT.LA năm 2002. Còn kỷ lục hiện tại được xác nhận là 12 tỷ đồng, khi Phước Tứ “bán mình” cho SG.XT. Gấp 80 lần! Nếu đầu cơ bất động sản, chỉ khi người ta mua đất ruộng mà bỗng dưng thành đất ở mặt đường tại nội thành Hà Nội thì mới tăng giá tới ngần ấy trong chưa đầy 10 năm!

Xì hơi

Trào lưu các doanh nghiệp nhảy vào làm bóng đá nở rộ sau khi 2 doanh nghiệp tiên phong là HA.GL và GĐT nhanh chóng gặt hái được những thành quả về thể thao và kinh doanh. Từ vai trò đi đầu, họ nhanh chóng bị tụt lại sau vì những doanh nghiệp vào sau luôn chịu chi hơn.

Cũng nhờ tiết kiệm hơn, họ là 2 đội bóng hiếm hoi không đổi chủ tính từ khi đội bóng được chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân, bên cạnh T&T. Phần còn lại, rất ít đội bóng từng chơi ở V-League trải qua ít hơn… 3 chủ chỉ trong 10 năm.

Có thể nêu các vị dụ về Hải Phòng, ĐSVN, CAHN, CSG, CATP.HCM. Đến mức không nhiều người còn nhận ra các đội đó hiện nay là đội nào! Ở mức độ đổi tên (nhà tài trợ ghép tên) còn có Nam Định, Bình Định… với số lần cũng không ít hơn.

Những doanh nghiệp nhảy vào bóng đá chỉ một mùa không ít, khiến cho những người hâm mộ theo dõi V-League nhớ được tên các đội bóng trong lịch sử V-League 10 năm qua là… vô cùng khó khăn.

Không chỉ đổi doanh nghiệp mà còn có cả đổi… địa bàn hoạt động. QK 4 chuyển vào… địa bàn của QK 7 (TP.HCM), còn Thể Công thì vào… Thanh Hóa, hay Ngói ĐT từ Long An ra Ninh Bình…

Vào nhanh, ra nhanh, điều đó thể hiện bóng đá không giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu mà doanh nghiệp kỳ vọng, như quảng cáo hay xây dựng thương hiệu, chứ chưa nói tới hiệu quả kinh doanh từ chính hoạt động bóng đá.

Cũng có thể, các doanh nghiệp sau khi đạt được mục tiêu cụ thể (như đổi bóng đá lấy ưu đãi và tài nguyên chẳng hạn) đã bỏ bóng đá chạy lấy người, vì không có ràng buộc gắn bó dài hạn hoặc ràng buộc lỏng lẻo.

Nhưng sự xì hơi đáng lo ngại nhất của bóng đá chính là lượng khán giả sụt giảm. Cảnh tượng khán đài chật cứng thường diễn ra ở Hải Phòng, Nam Định, Đà Nẵng… trong rất nhiều mùa giải đã không tái diễn trong hai mùa giải gần đây, ngoại trừ vài trận đấu cuối mùa giải của SLNA khi họ đứng trước ngôi vô địch.

Nếu bóng đá mất khán giả, nó sẽ kiếm tiền bằng cách nào nuôi chính nó để được gọi là “bóng đá chuyên nghiệp”?

Đào tạo tụt dốc

Tiền đổ vào “mua” cầu thủ thì rất nhiều, nhưng tiền để tạo ra cầu thủ thì rất ít. Hầu hết các doanh nghiệp nhảy vào bóng đá bằng tinh thần chụp giật, ăn xổi.

Sau hơn 10 năm V-League lên chuyên, và sau 9 năm từ lúc các doanh nghiệp nhảy vào làm bóng đá, chưa có một cầu thủ nào đủ sức khoác áo đội tuyển quốc gia được tạo ra từ lò đào tạo của các doanh nghiệp. Ngoại lệ hiếm hoi là Thành Lương cũng không trải qua đầy đủ quy trình đào tạo của ACB.

Duy nhất T&T bắt tay gây dựng đội bóng từ đầu, cũng đồng thời gây dựng hệ thống đào tạo. Đến thời điểm này, chỉ có HA.GL và Hòa Phát xây dựng hệ thống đào tạo quy mô, riêng HAGL dám đột phá với mô hình được kỳ vọng (dù sản phẩm chưa ra lò nên không ai dám chắc nó nằm ở vị thế nào), còn Hòa Phát chuyển giao cho ACB thì cũng không ai chắc nó được kế tục ra sao.

Hệ quả là, những tài năng trẻ đáng kể nhất vẫn được sản sinh ra từ các lò đào tạo truyền thống từ thời bao cấp, như Thể Công, SLNA, Nam Định, Đồng Tháp, hay Đà Nẵng, ở thời điểm hệ thống ấy chưa do doanh nghiệp kiểm soát (nếu phải nói ngoại lệ, đó là lứa Thể Công do Viettel rót tiền cho tập huấn nước ngoài, nhưng cũng chỉ là đoạn cuối của quy trình đào tạo).

Thay cho việc đào tạo cầu thủ “mất thời gian”, là việc nhập tịch cầu thủ vô tội vạ, một giải pháp ăn xổi điển hình. Để làm tăng sức chiến đấu, đạt thành tích cao cho đội bóng của mình, nhưng không tạo thêm chút giá trị nào cho bóng đá VN, cả về năng lực cho cầu thủ lẫn giá trị kinh tế cho giải đấu.

Hệ quả là, 10 năm qua đội tuyển U23 VN không một lần giành HCV SEA Games, dù thế lực lớn nhất là Thái Lan đã sa sút. Còn ĐTQG cũng chỉ một lần lên ngôi ở khu vực, nhờ không ít may mắn.

Hồng Ngọc

Đón đọc kỳ 2: Bài 2: Cần tái tạo thị trường cầu thủ



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm