Góc Hồng Ngọc: Các thế lực bóng đá châu Âu mùa giải mới

01/09/2013 13:34 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(Thethaovanhoa.vn) - Tương quan giữa các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu và triển vọng của các câu lạc bộ lớn trước mùa giải 2013-14 là chủ đề của Cà phê thể thao với nhà báo Hồng Ngọc tuần này.

* Cà phê thể thao: Chúng ta đã chứng kiến sự trỗi dậy của các đội Bundesliga ở Champions League, nhưng có vẻ anh vẫn không thừa nhận Bundesliga sẽ thống trị châu Âu trong giai đoạn tới?

- Hồng Ngọc: Sự trỗi dậy của Bundesliga là rõ ràng, không thể phủ nhận. Đó là một sự trỗi dậy mạnh mẽ và chắc chắn, nhưng vào lúc này thì chưa thể nói là nó thống trị châu Âu. Hiện Bundesliga chỉ có duy nhất Bayern Munich là “cùng chiếu” với Barcelona, Real Madrid, Manchester United. Để các câu lạc bộ khác có thể vươn tới vị thế đó là một hành trình rất dài, nhanh nhất cũng phải hàng chục năm. Ý tôi là một vị thế chắc chắn, chứ không phải là một hiện tượng nhất thời như đã từng xảy ra với Leverkusen hay Schalke.

Bundesliga làm tôi liên tưởng tới Premier League 20 năm trước, với lối chơi đầy cống hiến ở dưới sân, và không khí đầy sôi động trên khán đài. Nhưng Bundesliga hiện hơn Premier League trước đây ở chất lượng kỹ chiến thuật, nền tảng đào tạo, và sự vững chắc tài chính. Và họ có ngay những câu lạc bộ cầm cờ tiên phong có thể đoạt cúp châu Âu.

* Bundesliga đang chứng kiến ưu thế vượt trội của Bayern và Borussia Dortmund. Phải chăng nó sẽ đi theo con đường của Real và Barca ở Liga?

- Hiện tại chúng ta đều nhận ra điều đó. Nhưng đó sẽ không phải là tương lai lâu dài của Bundesliga, vì sự khác biệt từ nền tảng chính trị và kinh tế. Ở Tây Ban Nha, Real từng được hậu thuẫn của chính quyền, còn Barca được hậu thuẫn bởi toàn xứ Catalan. Vào nhiệm kỳ đầu của Chủ tịch Florentino Perez, chúng ta từng chứng kiến chính quyền Madrid “phù phép” giúp Real giảm đi khoản nợ khổng lồ, và giờ thì họ vừa trở thành câu lạc bộ giàu nhất thế giới. Cả hai đội bóng này còn được hưởng quy chế “thành viên” đặc biệt, nhờ thế giảm bớt thuế phải nộp so với các đội hoạt động như một doanh nghiệp. Còn bản quyền truyền hình thì chiếm một tỷ lệ áp đảo tại Liga, bất chấp kết quả thi đấu của họ.


Bundesliga với hai đại diện ưu tú là Bayern và Dortmund đang không ngừng lớn mạnh

Tại Bundesliga, Bayern và Dortmund không được hưởng một quy chế đặc biệt nào tương tự. Sự lớn mạnh của họ bắt đầu từ thành công thể thao, nhờ tổ chức tốt, dẫn đến thành công về mặt tài chính. Với Bayern, họ đạt được một cơ chế hoàn hảo để bảo đảm tính thừa kế liên tục, nên vị thế của Bayern cũng tương tự như Real hay Barca ở Liga. Nhưng Dortmund thì chưa có sự chắc chắn như vậy. Không chỉ vì họ chưa biết cách duy trì sự thành công chắc chắn, mà còn vì các câu lạc bộ khác có thể nổi lên thay thế họ.

Chúng ta đã thấy Premier League thoạt đầu do Manchester thống trị, nhưng rồi có thêm các đội khác nổi lên, như Arsenal, Liverpool, Chelsea. Một giải vô địch quốc gia giàu tính cống hiến và thị trường nội địa đủ lớn sẽ giúp các câu lạc bộ lớn mạnh về mặt tài chính và thể thao. Bundesliga cũng sẽ như vậy, với sự chắc chắn còn lớn hơn.

* Thật ra Liga đâu chỉ có Real và Barca! Họ còn có những Valencia, Villareal, hay Atletico Madrid có trình độ rất cao và từng rất thành công ở cúp châu Âu?

- Chính là vì Liga cũng có tính cống hiến cao, thị trường nội địa rộng lớn. Chất lượng đào tạo cầu thủ cũng rất cao. Đó là môi trường gieo mầm cho các câu lạc bộ phát triển. Những điểm này Bundesliga hiện đều làm được. Vấn đề là các đội không phải Real và Barca chịu bất công quá lớn, khiến họ không thể vươn lên một cách chắc chắn về mặt tài chính, nếu không có sự thay đổi về cách phân chia bản quyền truyền hình hay quy chế “thành viên” của hai ông lớn kia.

* Anh chưa đề cập tới Serie A, vì nó không đáng để tính tới hay vì tình cảm tiêu cực?

- Tôi là người luôn cổ vũ sự phát triển lành mạnh và tự thân. Đó là cách thức phát triển duy nhất bảo đảm được sự phát triển bền vững, tuy rằng mất nhiều thời gian. Nói đến Serie A, chúng ta phải nói tới Juventus, Milan và Inter. Juventus có nền tảng tự thân chắc chắn nhất, nhưng bê bối dàn xếp tỷ số đã hủy hoại họ. Mất gần 10 năm họ mới trở lại, nhưng để có được vị thế từng có ở châu Âu thì chưa phải là lúc này. Inter từng chớp thời cơ khi Juventus bị trừng phạt, và mua được sự thành công bằng tiền. Nhưng họ, cũng như Milan, đều phải dựa dẫm vào túi tiền của các ông chủ. Giờ là lúc khủng hoảng kinh tế, các ông chủ thắt chặt chi tiêu thì tình hình khác đi. Thậm chí Inter đang có nguy cơ bị bán.

Thể thao chuyên nghiệp là cuộc chơi gắn chặt với tiền bạc. Thường thì sự thành công về thể thao là nền tảng cho sự thành công về tài chính, và đến lượt nó sự giàu có về tiền bạc lại là sự bảo đảm và nâng tầm cho sự thành công về thể thao, dù không tuyệt đối. Khi những ông chủ rót tiền vào thì tính chất cuộc chơi bị đảo ngược. Sự giàu có về tiền bạc là cơ sở để mua những thành công về thể thao. Nhưng nó có thể bị kết thúc bất kỳ lúc nào, như Lazio, như Malaga, và sắp tới có thể là Inter.

Khi thị trường thể thao toàn cầu hóa, sự thành công về thể thao làm nền tảng cho sự thành công về tài chính không đơn thuần là những chiếc cúp, mà còn là tính trình diễn, và thái độ với bóng đá, với khán giả nói chung. Về điểm này nhìn chung Serie A chưa bằng ba nền bóng đá chúng ta đã nhắc tới, dù chất lượng kỹ chiến thuật của bóng đá Ý là hàng đầu. Đó là lý do Serie A cứ rơi dần trên bảng xếp hạng của UEFA, từ nền bóng đá số một xuống vị trí số bốn, chỉ còn ba suất dự Champions League.

* Và họ có thể rớt xuống thứ năm trong tương lai, khi giải vô địch Pháp vươn lên nhờ túi tiền không đáy của ông chủ Paris Saint-Germain và Monaco?

Tiền bạc của hai gã trọc phú này có thể mua được sự thành công ngắn hạn nhưng không thay đổi được nền văn hóa bóng đá của cả một quốc gia. PSG là kinh đô ánh sáng, còn Monaco là thiên đường thuế của nhà giàu, nên chúng ta dễ hiểu họ nhận được sự đầu tư của các tỷ phú. Nhưng đó sẽ là những đầu tư thất bại về mặt thể thao, vì không có nền tảng về văn hóa bóng đá phù hợp. Bóng đá Pháp từng làm rất tốt công tác đào tạo, nhưng chỉ để làm mạnh cho các câu lạc bộ nước ngoài, vì văn hóa Pháp thiếu sự cuồng nhiệt so với bốn nền bóng đá chúng ta đã đề cập. Nếu có một đội xứng đáng để đầu tư về mặt thể thao thì chỉ có duy nhất Marseille. Thời hoàng kim của bóng đá cấp câu lạc bộ ở Pháp chính là thời Marseille cầm cờ tiên phong, còn PSG, Monaco chạy theo. Lúc này thì PSG và Monaco quá giàu so với phần còn lại, nên chắc họ vẫn thống lĩnh Ligue I, nhưng sẽ khó có vị thế vượt trội và càng khó có thể chinh phục châu Âu. Đó là chưa kể tới nguy cơ các ông chủ của họ có thể rút đi hoặc cắt giảm đầu tư bất kỳ lúc nào, như đang xảy ra với “gã trọc phú” Anzhi ở Nga.

* Anh có thể dự đoán về các câu lạc bộ sẽ vô địch năm giải hàng đầu mùa tới?

- Bayern Munich, Juventus và PSG sẽ là những nhà vô địch quốc gia mùa tới. Tại Premier League và Liga, Chelsea và Barca có nhiều cơ hội hơn, nhưng không chắc chắn.

Cà phê thể thao

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm