Góc Hồng Ngọc: Bóng đá Việt và các ông bầu: Sự cộng sinh tùy tiện

14/10/2012 13:16 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Cuối tuần) - Bị nhiều ông bầu quay lưng, bóng đá Việt Nam đang rơi vào hụt hẫng tới mức V-League có nguy cơ gián đoạn. Cà phê bóng đá trở lại chủ đề này với nhà báo Hồng Ngọc sau một cuộc tổng kết V-League đầy căng thẳng.

Cà phê bóng đá: Chào Hồng Ngọc! Trong lần trao đổi gần đây, bạn đã nói tới việc các ông bầu mệt vì tiền ở V-League?

Hồng Ngọc: Đúng vậy. Trong thời điểm kinh tế khủng hoảng như thế này, nếu doanh nghiệp đầu tư vào câu lạc bộ không duy trì được lợi nhuận ở mức ngàn tỷ đồng/năm thì họ sẽ gặp vấn đề khi chi cả trăm tỷ đồng nuôi đội bóng mỗi mùa giải! Đó là lý do Navibank bỏ cuộc, và bán chẳng ai mua. Đội bóng mới thăng hạng của bầu Hiển cũng không bán nổi, đội trẻ Đà Nẵng phải giải thể, và bầu Hiển thoái vốn ở cả Hà Nội T&T và Đà Nẵng. Hai đội bóng của bầu Kiên đang bơ vơ. Sông Lam Nghệ An hết hợp đồng tài trợ. Bầu Đệ của Thanh Hóa thì dọa rút. Tình hình sẽ không dừng lại ở đây.

* Cả châu Âu cũng đang khủng hoảng, nhưng các giải đấu bóng đá hàng đầu châu Âu vẫn tăng giá trị, như Champions League, Premier League. Và có thêm những ông chủ rót tiền vào các câu lạc bộ chứ không phải là rút đi như ở V-League?

- Trong khủng hoảng vẫn luôn có những ngành, những doanh nghiệp phát triển. Như ngành quảng cáo trực tuyến với Google và Facebook, ngành điện thoại di động với Apple và Samsung, hay ngành kinh doanh bóng đá ở châu Âu với Real Madrid, Barcelona, Manchester United, Arsenal… Vấn đề là họ kinh doanh một cách tự thân, không lệ thuộc vào hầu bao của ai cả. Thậm chí các câu lạc bộ bóng đá hàng đầu còn có một sức mạnh đặc biệt nhờ sức hút truyền thông, sự gắn kết với cộng đồng, và sức hút đặc thù là thể thao khiến các thực thể kinh tế phải dựa vào họ. Nhờ thế mà họ vẫn phát triển trong thời đại khủng hoảng.


Siêu sao Zinedine Zidane trong một sự kiện khuyến khích các cầu thủ nhí chơi bóng. Bóng đá ở châu Âu luôn mang giá trị cộng đồng rất lớn

Còn các câu lạc bộ bóng đá Việt Nam thì không có các giá trị thể thao đích thực, không tìm cách gắn kết cộng đồng, và không tăng cường hoạt động kinh doanh bóng đá. Họ chỉ tìm ông bầu nào đó lắm tiền để ký sinh, không phải để tạo nền tảng phát triển tốt hơn cho đội bóng mà chỉ để cho những người hiện làm bóng đá có thu nhập cao hơn. Hầu hết các ông bầu đến với bóng đá cũng chẳng giúp các câu lạ bộ phát triển trên bất cứ phương diện nào kể trên, thậm chí còn có phương diện thụt lùi như sự gắn kết với cộng đồng. Rất nhiều trong số họ nuôi đội bóng chỉ để đổi lấy tài nguyên, cơ chế, hay làm thú chơi tương tự như bộ sưu tập siêu xe hay biệt thự… Vậy thì làm sao bóng đá phát triển được?

* Vậy phải làm sao khi bóng đá vẫn chưa tự nuôi sống được chính mình, nếu không dựa vào các ông bầu?

- Rõ ràng là bóng đá Việt Nam cần các ông bầu. Cũng như bóng đá Nhật Bản từ đầu những năm 1990 phải cần dựa vào các doanh nghiệp. Tôi tin là đến giờ các câu lạc bộ hàng đầu Nhật Bản vẫn chưa tự chủ được về tài chính, nhưng bóng đá Nhật 20 năm qua vẫn rất phát triển, khi đội tuyển liên tục vào vòng chung kết cúp thế giới và ngày càng có vị thế cao, và cầu thủ Nhật ngày càng có chỗ đứng ở các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu. Vấn đề là bóng đá Việt Nam phải tìm đến các ông bầu giúp nó phát triển, chứ không phải bám vào các ông bầu hủy hoại nó.

Những ông bầu bỏ tiền vào bóng đá, trả lương cho cầu thủ thật cao, lót tay cho các cầu thủ thật nhiều không làm bóng đá phát triển thêm chút nào cả, vì vẫn chỉ là những cầu thủ đó, những huấn luyện viên đó thì hay hơn làm sao được! Tiền có thể giúp đội bóng đó cướp được cầu thủ giỏi từ đội khác để rồi mạnh hơn, nhưng không làm tăng số lượng cầu thủ giỏi cho cả nền bóng đá. Họ chỉ hủy hoại bóng đá, vì làm những đội bóng khác chán nản không muốn đào tạo cầu thủ để rồi bị cướp. Và làm cho các cầu thủ thay vì toàn tâm nghĩ tới việc đá sao cho tốt hơn, thì lại phân tâm vào việc dùng chiêu trò sao cho nhận được tiền lót tay nhiều hơn! Đến một ngày tiền tiêu cho bóng đá tốn quá, mà thú chơi của trọc phú thì nhanh chán vì không có giá trị văn hóa hay tinh thần có chiều sâu, đùng một cái ông bầu bỏ bóng đá, và các đội bóng bơ vơ! Mà tôi thấy V-League có quá nhiều các ông bầu dạng này, nên mới dám võ đoán rằng tình trạng các ông bầu bỏ rơi đội bóng như đã diễn ra sẽ chưa dừng lại!

* Bạn nghĩ rằng bóng đá Việt Nam cần các ông bầu làm gì cho mình?

- Phải làm gì để bóng đá phát triển? Thứ nhất là phải đào tạo tốt hơn để có nhiều cầu thủ giỏi hơn. Ngoài bầu Đức với Hoàng Anh Gia Lai, tôi chưa thấy ông bầu nào thật sự đầu tư cho đào tạo. Thứ hai là thay đổi thái độ đối với bóng đá và với trận đấu của cầu thủ, để xóa bỏ những hành vi và ứng xử xấu xí trên sân, tạo hình ảnh đẹp với khán giả, để các bậc phụ huynh không phải cấm con em mình xem bóng đá Việt Nam! Thứ ba là xây dựng sự gắn kết với cộng đồng thông qua các hoạt động giao lưu, công ích, để tăng số lượng người chơi bóng đá cũng như người gắn bó với đội bóng. 


 Bóng đá ở Việt Nam thì chỉ là những giá trị ảo?

Ngoài SLNA, tôi không biết đội bóng nào ở Việt Nam có mối liên hệ với các trường tiểu học để lôi kéo học sinh chơi bóng đá cả, mà không có người chơi bóng đá thì các đội bóng dựa vào đâu để tuyển lựa tài năng? Tôi cũng chưa từng biết câu lạc bộ nào tổ chức các hoạt động giao lưu bóng đá với cộng đồng, kiểu như thăm viếng người tàn tật, giao lưu bóng đá với trường học hay dạy bóng đá một vài ngày miễn phí. Thế thì làm sao câu lạc bộ trở thành đội bóng của cộng đồng được, mà chỉ là đội bóng của các ông bầu thôi!

* Bóng đá Việt Nam phải làm gì để chọn ông bầu tốt?

- Bằng các quy định hướng đến phát triển thôi. Nếu các ông bầu tự tìm đến, phải có cam kết gắn bó với đội bóng lâu dài, thông qua việc xây dựng hệ thống đào tạo. VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) cũng cần có biện pháp hạn chế các câu lạc bộ trả tiền lót tay cho cầu thủ, để cắt giảm chi phí vận hành, và giúp các đội bóng có động lực đào tạo cầu thủ để sử dụng hoặc để bán. VFF cũng phải cấm việc câu lạc bộ chuyển địa bàn hoạt động sang tỉnh, thành khác, vì đội bóng không giống các công ty, nó cần phải gắn bó với một địa bàn để xây dựng sự gắn kết với cộng đồng.

* Trở lại với V-League, liệu giải năm tới có thể tổ chức được hay không?

- Tôi ủng hộ cách tiếp cận của VFF và VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam). Nếu có đội bỏ cuộc thì đôn đội ở hạng nhất lên, hoặc cùng lắm thì tổ chức với 10 đội bóng. Không cần phải có 70-100 tỉ mới đủ cho một đội bóng hoạt động, vì quá nửa số đó là tiền lót tay rồi. Chỉ cần có đủ tiền trả lương, ăn uống, di chuyển, vận hành là các câu lạc bộ có thể thi đấu được rồi, vậy tại sao phải hoãn?

* Rất cảm ơn Hồng Ngọc.

Cà phê bóng đá

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm