Góc Hồng Ngọc: Bóng đá và thương hiệu

01/05/2013 06:55 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn một thập kỷ “chuyên nghiệp hóa”, V-League khốn khổ với vấn nạn ghép tên đội bóng với doanh nghiệp tài trợ, bị coi như “con đường tất yếu lên chuyên”. Nên khi một đội có “tên sạch” là Sông Lam Nghệ An dẫn đầu V-League thì nó đủ trở thành nguồn cảm hứng cho Cà phê thể thao bàn lại đề tài này với nhà báo Hồng Ngọc.

* Cà phê thể thao: Sau vòng 5 năm V-League, chúng ta đang chứng kiến một đội bóng không bị ghép tên với doanh nghiệp là SLNA dẫn đầu bảng xếp hạng. Trước vòng này, một đội khác là Thanh Hóa xếp thứ hai. Đó phải chăng là sự trở lại của những giá trị bóng đá, trước sự lấn át của các doanh nghiệp những năm qua?

- Hồng Ngọc: Một câu hỏi thú vị! Chúng ta từng bàn đến sự mệt mỏi về tiền của các ông bầu bóng đá trước mùa giải này, đó chính là thời điểm khiến những giá trị của bóng đá đích thực dần trở lại. Tiền đã chi phối V-League ngày càng mạnh mẽ trong một thập kỷ qua, nhưng không làm bóng đá phát triển, mà chỉ trở thành cuộc leo thang tiền bạc. Khủng hoảng kinh tế là lúc các ông bầu mệt mỏi với cuộc đua này và phải tự kiểm soát việc leo thang. Các đội bóng giờ phải quay sang những vấn đề chính của bóng đá. Những đội đã không có điều kiện chủ động trong cuộc leo thang tiền bạc trước đây đã tập trung vào các giải pháp bóng đá, và giờ là lúc họ phát huy ưu thế. SLNA là trường hợp tiêu biểu.

Tuy nhiên, tôi không xếp đội Thanh Hóa vào dạng này. Bản thân họ “nhập khẩu” về đây chưa lâu, và cũng không phải là đội làm tốt trong những vấn đề của bóng đá, nên sẽ không có ưu thế nào trong tình hình hiện nay cả. Sự xuất hiện của họ trong nhóm đầu chỉ là tạm thời thôi.



U21 SLNA đang nổi bật hơn phần còn lại V-League một phần nhờ công tác đào tạo trẻ tốt. Ảnh: V.V

* Các giải pháp bóng đá mà bạn nói tới là gì?

- Là truyền thống, tinh thần của đội bóng, đào tạo, và nền tảng bóng đá học đường, bóng đá phong trào. Từ khi V-League chuyên nghiệp hóa đến giờ, không đội bóng nào làm tốt điều đó như SLNA.

* Kể cả Hoàng Anh Gia Lai hay Đồng Tâm Long An?

- Khi V-League ra đời, SLNA đã là thế lực hàng đầu, còn HA.GL hay ĐT.LA còn chưa ra đời, và đội bóng tiền thân của họ đều khá khiêm tốn. Như vậy SLNA hơn về truyền thống. SLNA mang tinh thần địa phương vốn rất cao của mình vào đội bóng, và tạo ra tinh thần đặc trưng của đội SLNA, hơn hẳn HA.GL hay GĐT.LA. Đó là hơn về tinh thần. Đào tạo cầu thủ của SLNA đã có vị thế từ trước khi V-League ra đời, và hệ thống đó liên tục phát triển trong thời gian qua. Chúng ta chưa biết điều gì đáng kể về đào tạo của ĐT.LA, còn HA.GL thì lứa sản phẩm đầu tiên của họ còn chưa ra lò! Đó là hơn về đào tạo. Nhưng điểm vượt trội nhất chính là phong trào bóng đá học đường ở Nghệ An, mà ban lãnh đạo đội này góp công lớn gây dựng từ khi ông Nguyễn Hồng Thanh bắt đầu làm trưởng đoàn bóng đá SLNA trước khi chuyên nghiệp hóa. Chúng ta cảm thấy Nghệ An luôn dồi dào tài năng bóng đá, chính là vì điều này. Cho dù hệ thống đào tạo chính quy của họ chắc là khó so bì được với HA.GL JMG hiện nay.

* Phải chăng nhờ vậy mà họ không cần việc ghép tên?

- Tôi không dám chắc là họ từ chối việc ghép tên, vì đã từng xảy ra khi PJICO tài trợ cho đội bóng. Nhưng có thể việc họ kiên định giữ thành tố Sông Lam trước tên Nghệ An đã gây khó cho việc ghép tên đối với các doanh nghiệp. Và có thể chính cái tinh thần đội bóng đủ mạnh mẽ đã khiến cho những nhà tài trợ như Ngân hàng Bắc Á không gượng ép đòi ghép tên. Hầu hết các đội bóng khác không có “sức đề kháng” đủ mạnh như vậy. Còn tiền thì đội bóng nào cũng cần. Các đội khác cần tiền để đi mua cầu thủ, còn SLNA cần tiền để… giữ chân cầu thủ mình đã đào tạo.

Chi phí nuôi một đội bóng chơi V-League rất tốn kém, mà đa số đội bóng chỉ biết sống dựa vào hầu bao của ông chủ. Nếu coi đó là chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp, thì doanh nghiệp đó phải có ngân sách quảng cáo vài trăm tỷ mỗi năm trở lên. Không có nhiều doanh nghiệp thuộc dạng này mà lại thích đầu tư cho bóng đá. Trên thực tế, hầu hết việc “tài trợ - ghép tên” ấy là những cuộc đổi chác của doanh nghiệp lấy tài nguyên của địa phương, như đất, khoáng sản, rừng hay cơ chế đặc biệt trong các thành phố lớn.

Tài nguyên thì có hạn, nên khi hết doanh nghiệp lại rút lui. Nó giải thích cho tình trạng sang tên, đổi chủ vô tội vạ ở V-League kể từ khi thành lập. Chỉ có rất ít doanh nghiệp ở lại lâu dài với đội bóng, thường là doanh nghiệp của địa phương.

* Chúng ta hãy đặt vấn đề từ một góc độ khác. Các câu lạc bộ châu Âu không bao giờ bị ghép tên với doanh nghiệp, còn các đội V-League thì là hiện tượng phổ biến. Phải chăng nó thể hiện tầm nhìn hạn hẹp của các doanh nghiệp Việt Nam khi đòi ghép tên?

- Đó là một góc nhìn hay, tôi chia sẻ cách nhìn nhận này. Không cần ghép tên với doanh nghiệp của mình thì ai quan tâm đến bóng đá cũng biết Chelsea là của ông chủ Roman Abramovich, Milan là của trùm truyền thông Silvio Berlusconi, còn Inter là của nhà ông trùm dầu lửa Moratti. Họ tôn trọng câu lạc bộ và các cổ động viên, đổi lại họ và doanh nghiệp của họ nhận được sự tôn trọng từ các cổ động viên của đội bóng và từ giới truyền thông. Đó có thể coi như hoạt động PR (public relationship – quan hệ công chúng). Nó là phần việc rất quan trọng của các công ty hiện đại. Ở Việt Nam, hoạt động PR đích thực còn rất mờ nhạt, đến mức người ta hạ thấp khái niệm PR như những chiêu trò quảng cáo rẻ tiền. Nên các ông chủ doanh nghiệp ít quan tâm đến điều này. Chỉ có khái niệm về quảng cáo và đổi chác. Vậy thì phải ghép tên doanh nghiệp vào đội bóng thôi!

Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở ý muốn của các ông chủ, mà còn là sức mạnh nội tại của chính câu lạc bộ, thể hiện qua lịch sử, các giá trị thể thao, xã hội mà họ theo đuổi. Những đội hàng đầu châu Âu đều có lịch sử hàng trăm năm, là niềm tự hào, sự say mê của các cổ động viên hay của cả địa phương. Sẽ không có một doanh nghiệp nào đủ giàu để mua được quyền ghép tên với những câu lạc bộ như Barcelona hay Real Madrid. Chúng ta lại phải nhắc lại rằng, chỉ việc quảng cáo trên áo đấu thôi mà Barcelona phải đấu tranh hàng trăm năm, đội bóng mới chấp nhận điều này mới đây, khi Sandro Rosell làm chủ tịch.

Trong một chừng mực nào đó, các câu lạc bộ tự mình là những thương hiệu, và nếu cộng với cả những giá trị thể thao và xã hội thì nó lớn mạnh hơn cả những thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh. Những điểm này thì các câu lạc bộ bóng đá của chúng ta hầu hết là những con số không tròn trĩnh, mà SLNA là ngoại lệ hiếm hoi. Lẽ ra, Thể Công hay Cảng Sài Gòn có tiềm năng để trở thành một thực thể tương tự, thậm chí còn nhỉnh hơn SLNA, nhưng đáng tiếc là đã không có cuộc “chuyển giao hòa bình” nào.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm