Góc chuyên gia: Thể thao Việt Nam nhìn từ những điều đáng tiếc

16/05/2023 08:04 GMT+7 | SEA Games 32

Bên cạnh nhiều tấm huy chương và thành tích vượt bậc, Thể thao Việt Nam vẫn có những thất bại đáng tiếc ở SEA Games 32. Điều này đặt ra những vấn đề cần được mổ xẻ để rút kinh nghiệm cho các cuộc thi đấu tiếp theo.

1. Rất nhiều VĐV tên tuổi, kỳ cựu của Thể thao Việt Nam đã khẳng định được thành tích ở khu  vực, tiếp cận trình độ châu lục và thậm chí có cả huy chương thế giới đã không thành công trong cuộc thi đấu cá nhân ở SEA Games 32. Ví dụ như đương kim á quân thế giới Nguyễn Thị Tâm ở môn Boxing, lực sỹ Hoàng Thị Duyên môn cử tạ từng dự Olympic Tokyo 2021. Hay ở SEA Games, Nguyễn Thị Huyền không bảo vệ được tấm HCV 400m nữ sau 4 lần vô địch, kiếm thủ Vũ Thành An cũng lần đầu không giữ được tấm HCV cá nhân nội dung kiếm chém nam, rồi nhà đương kim vô địch đơn nam quần vợt Lý Hoàng Nam…

Việc không thành công của các tuyển thủ hay đội tuyển nhận được nhiều kỳ vọng, thực sự đem đến những điều đáng tiếc. Trước hết, họ cần sự chia sẻ của người hâm mộ vì đã nỗ lực hết sức. Còn với các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, thất bại cần được mổ xẻ nghiêm túc, phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân để khắc phục các hạn chế, nhằm có những chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc thi đấu sắp tới.

2. Trong thể thao thành tích cao, việc tuyển chọn những VĐV có tài năng, đào tạo và huấn luyện trong hệ thống theo trình tự từ 8 đến 12 năm, thậm chí đến15 năm. Đây là quy luật và phụ thuộc vào các yếu tố như việc tuân theo một cách nghiêm ngặt và trình tự chặt chẽ. Trong quá trình huấn luyện, việc chăm sóc, bồi dưỡng, rèn luyện VĐV phải được quan tâm, đầu tư về khoa học kỹ thuật, phương tiện tập luyện, dinh dưỡng và chăm sóc y học… Không có sự duy trì thành tích cao một các bất biến, không đổi. Điều này phụ thuộc vào tuổi tác (tùy từng môn), tổ chức huấn luyện, chăm sóc, cạnh tranh của đối thủ, việc chuẩn bị lực lượng hậu bị….

Góc chuyên gia: Thể thao Việt Nam nhìn từ những điều đáng tiếc - Ảnh 1.

Công tác đào tạo lực lượng kế cận tốt sẽ quyết định đến sự thành công của một môn hay cả nền thể thao. ẢNH: Hoàng Linh

Trên cơ sở quy luật này, chúng ta có thể lý giải được thành tích thi đấu của 1 VĐV, 1 đội tuyển, 1 thế hệ VĐV. Nếu có một quá trình chuẩn bị tốt và đúng quy luật thì sẽ có thành tích cao và ổn định. "Kẻ thù" lớn nhất của thể thao thành tích cao là tuổi tác. Các tính toán đã chỉ ra, với VĐV ngoài 25 tuổi những yếu tố như thể lực, kỹ thuật sẽ bắt đầu giảm sút và cần có các VĐV kế tiếp. Đồng thời, nếu những điều kiện như trên không đảm bảo thì sẽ không đáp ứng được mong muốn chiến thắng, chưa tính đến yếu tố rủi ro như chấn thương.

3. Sự chuẩn bị lực lượng kế tiếp là yếu tố vô hình và trong thi đấu điều này chưa được quan tâm nhưng một nền thể thao vững chắc, thì lực lượng kế tiếp luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ví dụ như ở môn bóng đá hay kể cả các môn cá nhân, chúng ta đến thi đấu ở SEA Games nhưng lực lượng, người dẫn dắt và đối thủ đều đã khác. Các điều kiện khác nhau không thể tạo ra thành tích giống nhau. Những yếu tố khách quan như thời tiết hay chấn thương hoặc thiếu kinh nghiệm dẫn đến thất bại chỉ là hiện tượng. Còn việc chuẩn bị chưa tốt và thiếu lực lượng kế cận mới là nguyên nhân chính.

Bóng chuyền nữ Thái Lan thống trị sân chơi khu vực trong gần 3 thập kỷ và đang vươn tầm ra châu lục và thế giới. Điều này không hoàn toàn ngẫu nhiên mà xuất phát từ việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong đào tạo như đã nêu trên. Với Thể thao Việt Nam, không thể trông đợi mãi vào một thế hệ VĐV, mà cần tuân thủ những quy luật phát triển thể thao thành tích cao, quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo lực lượng hậu bị sẵn sàng kế tiếp đàn anh, đàn chị đi trước với một quy trình nghiêm ngặt, bền bỉ. Chỉ khi làm được như vậy, những điều đáng tiếc trong các cuộc thi đấu mới được giảm thiểu. 


Nguyễn Hồng Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm