26/03/2013 13:05 GMT+7 | Bóng đá Italy
(Thethaovanhoa.vn) - Đằng sau thành công bước đầu của Italia trên con đường của bóng đá tấn công mà Cesare Prandelli đã chọn, có một bí quyết quan trọng: kĩ thuật cao
HLV Prandelli (phải) rất giỏi về công nghệ thông tin.
"Mắt người không thể nhìn thấy những gì mà mắt điện tử ghi nhận được", Prandelli đã từng nói như thế và nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những ngày đầu mà ông chính thức nắm quyền ở đội tuyển Thiên thanh.
Công nghệ để chiến thắng nhiều hơn
Việc sử dụng các phương tiện kĩ thuật hiện đại nhằm phân tích trận đấu và đánh giá các đối thủ cũng như chính các cầu thủ ở đội tuyển Italia thực ra không mới. Donadoni đã đưa kĩ thuật cao vào đội tuyển từ trước EURO 2008. Lippi kế thừa nền tảng hi-tech mà Donadoni áp dụng trước chiến dịch World Cup Nam Phi. Nhưng đến thời của Prandelli, người rất giỏi về công nghệ thông tin, thì việc sử dụng công nghệ cao mới được nâng lên một tầm vóc mới.
Theo đánh giá của một số chuyên gia Châu Âu, thì hiện tại, Italia đã đi trước một số đội tuyển khác trong lĩnh vực này, trong đó có Tây Ban Nha (HLV Del Bosque không tin tưởng lắm vào công nghệ) và Anh (HLV Hodgson theo trường phái nghiên cứu bóng đá kiểu cũ, với việc xem băng hình đối thủ là chính). Người Đức đã vượt tất cả từ lâu, bắt đầu với HLV Klinsmann và bây giờ là Loew.
Từ tháng 7/2012, tại trung tâm Coverciano của LĐBĐ Italia (FIGC) ở miền trung Italia, người ta đã đưa vào áp dụng hình thức phân tích phong độ thi đấu của đội tuyển Italia và các đối thủ. Prandelli đưa vào nhóm nghiên cứu một chuyên viên phân tích video (Gagliardi) và lập ra hai đội chuyên viên đặc biệt. Đội chuyên viên phân tích chiến thuật gồm HLV phó Pin, chuyên gia chiến thuật Viscidi và HLV thủ môn Di Palma. Đội chuyên viên phân tích về thể lực gồm chuyên gia thể lực Venturati và trợ lí Casellato. Tất cả các buổi tập đều được ghi hình và từ băng hình ấy, các chuyên gia tiến hành phân tích khả năng thể lực của từng cầu thủ, để rồi từ đó, Prandelli sẽ ra quyết định về việc các cầu thủ sẽ tăng hoặc giảm khối lượng tập.
Nghiên cứu, nghiên cứu và nghiên cứu
Trước các trận đấu, các cầu thủ được xem băng hình về lỗi của chính họ để không lặp lại và phân tích các điểm mạnh, yếu của đối phương. Khi trận đấu diễn ra, chỉ cần sau hiệp một là Prandelli đã có ngay trong tay các thông số thống kê của các cầu thủ cũng như một danh sách các lỗi mà họ mắc phải để từ đó đưa ra những điều chỉnh (chẳng hạn những điều chỉnh về cự li đội hình, sự chính xác của các đường chuyền... ). Sau trận đấu, Prandelli tiếp tục nhận được các thông tin tổng kết về từng cầu thủ, từng tuyến, những đồ họa về sự di chuyển không bóng và có bóng của các cầu thủ, để rồi từ đó ông họp ban huấn luyện và các cầu thủ để rút kinh nghiệm.
Một tiêu chí hết sức quan trọng đối với một đội bóng chính là cự li các tuyến. Ở trận đấu với Brazil, Italia đã đạt mức độ lí tưởng về chiều dài đội hình (trung bình là 36 mét, giữa tuyến trên cùng và tuyến phòng ngự). Trong khi đó, đội bóng của Scolari có chiều dài 43 mét và cự li đội hình quá lớn là một trong những nguyên nhân khiến họ bị Italia liên tục tập kích vào hậu phương và chia cắt đội hình. Ngay cả quãng đường mà các cầu thủ chạy trên sân (trung bình 10-11 km) cũng rất quan trọng.
Trong công nghệ này, việc xem lại các băng hình là tối cần thiết và được Prandelli hết sức coi trọng. Một camera đặc biệt theo dõi toàn bộ mặt sân trong cả trận luôn được ông cho sử dụng. Chính từ những phân tích trên máy tính toàn sân trận giao hữu thắng Tây Ban Nha 2-1 tháng 8/2011 ở Bari, mà Prandelli đưa ra đối sách cho trận mở màn EURO 2012 với đội bóng của Del Bosque. Quả penalty mà Buffon chặn được từ chân Cole trong trận đấu với Anh ở Kiev cũng là từ nghiên cứu của Di Palma.
Ngay cả sự tiến bộ của Balotelli trong đội tuyển cũng "có công" rất lớn của máy tính. Từ các phân tích riêng về Balotelli và lối chơi tấn công của Italia, Prandelli đưa ra chỉ đạo, yêu cầu Balotelli phải làm tường nhiều hơn cho đồng đội và tích cực tìm cách để đối phương phạm lỗi khi anh di chuyển ra hai biên nhằm kiếm những quả phạt gián tiếp.
Nhưng xét cho cùng, công nghệ chỉ giúp chiến thắng chứ không thể quyết định được tất cả, nếu yếu tố con người không đảm bảo được thắng lợi. Điều ấy, chắc chắn Prandelli hiểu hơn ai hết.
Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa
5,7 Tại EURO 2012, Italia sút trung bình mỗi trận 5,7 quả trúng khung thành, chỉ đứng sau Đức (6,4) và Tây Ban Nha (7). 22,7 Cũng tại EURO 2012, Italia là đội đứng đầu về số lượng bóng cướp được hoặc chặn được từ đối phương, với trung bình 22,7 quả mỗi trận. Theo lí thuyết, đội bóng chơi càng cao và cự li các tuyến càng ngắn, thì họ sẽ càng chiếm được nhiều bóng hơn. 653 Trung bình tại vòng loại và vòng chung kết EURO 2012 vừa rồi, Italia chuyền mỗi trận 653 đường chuyền, chỉ đứng sau Hà Lan (722 đường) và Tây Ban Nha (793 đường). |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất