23/02/2023 18:57 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Ngày nay, việc bạn có thể nói hai hoặc nhiều ngoại ngữ là một lợi thế rất lớn trong mọi phương diện của cuộc sống.
Haruki Murakami - một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật, từng nói rằng: “Learning another language is like becoming another person” (Tạm dịch: Học một ngôn ngữ mới là trở thành một con người mới).
Quả thực là vậy bởi khi bạn có thể nói được hai hay nhiều ngoại ngữ, nó sẽ là lợi thế rất lớn trong mọi phương diện của cuộc sống. Nắm bắt được xu thế, hiện nay nhiều bạn trẻ đang rất quan tâm đến việc học ngoại ngữ. Không chỉ thuần thục tiếng Anh - ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, mà nhiều bạn còn đầu tư tiền bạc, công sức học thêm cả 2-3 ngoại ngữ khác cùng lúc.
Xu hướng học nhiều ngôn ngữ của các bạn trẻ
Ngọc Mai là sinh viên năm cuối Đại học Ngoại thương Hà Nội. Được biết, hồi cấp 3 Mai từng là học sinh chuyên Anh của trường THPT chuyên Ngoại ngữ (viết tắt: CNN hoặc FLSS) - Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN). Bản thân cô bạn đã có chứng chỉ IELTS 8.5 ngay từ khi còn học lớp 11. Nhận thấy kiến thức tiếng Anh của bản thân khá "cứng cáp", nên Mai đã quyết định học thêm một ngoại ngữ nữa là tiếng Hàn.
Trên thực tế, dù mong muốn hay không nhưng trong phân phối chương trình giảng dạy của CNN, việc học thêm một ngoại ngữ khác ngoài ngoại ngữ chính là điều bắt buộc. Tuy nhiên, quyền quyết định học tiếng nào thuộc về học sinh. Vậy là giữa "hàng tá" thứ tiếng như: Trung, Nhật, Pháp... Ngọc Mai đã chọn tiếng Hàn. Lý do lớn nhất xuất phát từ việc Mai là một BLINK (fandom của nhóm nhạc BLACKPINK - PV) chính hiệu và nữ sinh từng mơ ước có thể "đu idol" của mình mà không cần phiên dịch.
Tuy nhiên, với ngần ấy năm học tiếng Anh, tiếng Việt với bảng chữ cái latin, Ngọc Mai không khỏi bỡ ngỡ khi chuyển sang học dạng chữ cái biểu âm của tiếng Hàn. Song với sự giúp sức của thầy cô, cộng thêm đi học thêm ở trung tâm bên ngoài nên tiếng Hàn của Mai ngày càng tiến bộ khá rõ rệt.
Thật ra, còn một lý do khiến Ngọc Mai quyết tâm chinh phục thêm một ngoại ngữ khác nữa đó chính là... áp lực đồng trang lứa. Chắc hẳn ai cũng đã biết, THPT chuyên Ngoại ngữ là một trong những ngôi trường có tiếng nhất Hà Nội. Đây là nơi hội tụ những bản trẻ cực tài năng và có niềm đam mê, yêu thích với ngôn ngữ. Do đó, không quá khó hiểu khi học sinh tại đây có thể thuần thục 3-4 ngoại ngữ cùng lúc. Học tập trong một môi trường toàn người giỏi như vậy khiến Mai áp lực rất nhiều.
Kết thúc cấp 3, Mai cuối cùng cũng đã có thêm cho mình Topik 5 - một chứng chỉ đánh giá năng lực tiếng Hàn, bên cạnh IELTS. Việc sở hữu cùng lúc 2 chứng chỉ mở ra cho Mai vô vàn cơ hội. Theo đó, ngay từ khi còn là sinh viên năm 2, Mai đã đi làm gia sư dạy IELTS với thu nhập cả chục triệu đồng một tháng. Còn hiện tại, nữ sinh đang là Trợ lý giám đốc cho một công ty Hàn Quốc có trụ sở tại Việt Nam cũng với một mức lương hậu hĩnh.
Tương tự như Ngọc Mai, Tuấn Dương - học sinh lớp 11 tại Hà Nội, cũng học 2-3 ngoại ngữ cùng một lúc. Nhưng khác một điều là nam sinh chọn tiếng Trung. Sau gần 3 năm học ngôn ngữ "được nhiều người sử dụng nhất trên thế giới này", mới đây cậu bạn đã chính thức có được tấm bằng HSK 5 - một chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Trung.
Tuấn Dương chia sẻ: "Việc sở hữu 2 chứng chỉ ngoại ngữ này mở cho mình rất nhiều cơ hội chẳng hạn việc tìm kiếm học bổng du học, hay được tuyển thẳng vào các trường đại học top đầu trong nước. Ngoài ra, nhiều người cũng khuyên mình rằng, trong thời buổi như hiện tại, việc thuần thục 3 ngôn ngữ bao gồm: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung và Ngôn ngữ lập trình là điều cực kỳ cần thiết. Có thể nói mình đã có sương sương 2 ngôn ngữ đầu tiên rồi, còn Ngôn ngữ lập trình mình sẽ đợi lên Đại học để trau dồi nốt bởi mình định hướng sẽ theo chuyên ngành AI trong tương lai".
"Mong muốn mở rộng cơ hội cho tương lai" cũng là yếu tố khiến Bùi Minh Phương (17 tuổi, học sinh lớp 12 Oxford hệ Song bằng tú tài, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) quyết định học đa ngoại ngữ cùng lúc. Dù hiện tại đang sở hữu IELTS 8.0 và cũng biết "sương sương" tiếng Trung, nhưng cô bạn không coi đó là điểm giới hạn của bản thân trong hành trình khám phá ngoại ngữ. Tương lai, Phương còn có dự định học thêm cả tiếng Pháp.
"Một phần mình muốn chuẩn bị tốt nhất cho tương lai của bản thân. Mình thấy tiếng Anh giờ quá phổ biến trở rồi nên nếu muốn cạnh tranh với người khác thì mình phải học và thành thạo thêm nhiều ngôn ngữ khác. Hơn nữa, mình rất thích việc học tiếng bởi bên cạnh học các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mình còn được mở mang đầu óc về kiến thức liên quan đến văn hoá của đất nước đó", cô bạn chia sẻ.
Cách học nhiều ngôn ngữ cùng lúc hiệu quả
Theo nguyên cứu, việc học đa ngôn ngữ cùng lúc giúp mở rộng chức năng tư duy và điều hành của não bộ. Và việc thường xuyên chuyển đổi ngôn ngữ khi nói hoặc tư duy giúp những người học đa ngôn ngữ xây dựng được khả năng linh hoạt, sự tập trung. Điều đó mang lại cho họ tư duy rõ ràng, rành mạch và chú ý tốt vào những thông tin trọng điểm. Nhưng đôi khi việc học đa ngoại ngữ cùng lúc cũng gây rất nhiều phiền toán và điều đó đã được Ngọc Anh (sinh viên năm 2 Học viện Ngoại Giao) chứng tỏ bằng câu chuyện thực tế của mình.
Cụ thể, với mong muốn sau khi ra trường có thể sở hữu 2 tấm bằng ngoại ngữ cùng lúc nên ở thời điểm hiện tại Ngọc Anh vừa ôn thi IELTS, lại vừa học tiếng Tây Ban Nha. Việc học nhiều ngôn ngữ cùng lúc đôi khi khiến bộ não của nữ sinh "quá tải", học trước quên sau rồi "râu ông nọ cắm cằm bà kia", sử dụng nhầm lẫn ngữ pháp, từ vựng của ngôn ngữ này thành ngôn ngữ khác.
Cô bạn kể lại: "Trong một lần thuyết trình trên lớp bằng tiếng Anh, mình đã sử dụng nhầm từ 'conversation' trong tiếng Anh thành từ 'conversación' trong tiếng Tây Ban Nha. 2 từ đó đều có nghĩa là 'cuộc hội thoại' nhưng được phát âm khác nhau. Lúc đó, cả lớp không hiểu mình nói gì, cho đến khi cô giáo nhận xét mình phát âm sai lúc đó bản thân mới ngớ người ra mà ngậm ngùi thừa nhận rằng: Em dùng nhầm sang tiếng Tây Ban Nha cô ạ!".
Nói là "phiền toái" thế thôi nhưng Ngọc Anh khẳng định, việc học đa ngoại ngữ đem lại rất nhiều lợi ích. Hiện tại, nhờ có bí quyết của bản thân nên hiện tại cô bạn không còn bị nhầm lẫn giữa tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha nữa.
Cụ thể, để giỏi nhiều ngoại ngữ đồng thời là việc rất khó. Vậy nên, cô bạn sẽ tập trung học 1 ngôn ngữ bản thân đang chưa tốt bằng sách vở và 1 ngôn ngữ học mà bản thân thuần thục bằng việc đọc sách vở, xem phim, nghe nhạc... Bởi lẽ, chúng ta sẽ lãng quên khiến thức nếu không trau dồi và luyện tập 2 ngôn ngữ thường xuyên.
Ngoài ra, hãy luôn mang ngôn ngữ mình học áp dụng vào cuộc sống như viết nhật kí, viết blog... Thậm chí khi đang học tiếng Anh có thể chêm thêm cả tiếng Tây Ban Nha vào. Ví dụ: Khi bạn học 1 từ mới tiếng Anh là từ "cat" (con mèo), bạn có thể đồng thời tra cả từ điển xem từ "con mèo" trong tiếng Tây Ban Nhà là gì (gato).
Cũng chia sẻ về vấn đề này, Minh Thùy (sinh viên năm 4 ngành ngôn ngữ Nhật tại trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, cô bạn thường hay áp dụng phương pháp "quả cà chua" Pomodoro vào trong việc học cùng lúc tiếng Anh và tiếng Nhật của mình. Cho những ai chưa biết, phương pháp Pomodoro do Francesco Cirillo sáng lập là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp tăng cường sự tập trung. Nó đã được nhiều người áp dụng và đạt nhiều hiệu quả trong học tập, công việc. Cụ thể các bước như sau:
Bước 1: Chọn công việc mình sẽ làm.
Bước 2: Đặt thời gian, thông thường là 25 phút.
Bước 3: Làm việc cho đến khi hết 25 phút
Bước 4: Nghỉ giải lao 5 phút.
Bước 5: Sau 4 lần nghỉ giải lao trên thì nghỉ dài hơn với 10 phút (hoặc 15 - 30 phút tùy công việc và sức của mỗi người).
Tổng hợp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất