Gặp ai má con tui cũng được chào đón, tươi cười thật nồng hậu. Má tui cũng vậy, tay bắt mặt mừng, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chỉ có tui đứng xớ rớ không quen, không thân, không biết ai, đứng như cây cột giữa cái đám giỗ chộn rộn, tưng bừng tá bạ này!
Tui nghĩ chắc đám trẻ tụi mình cũng lâm vào tình trạng sượng ngắc như tui trong mấy cái đám tiệc xã giao loại này khá nhiều. Thời của người lớn, sống gần gũi, học chung, làm ruộng rẫy chung, giỗ quảy gặp mặt hoài, riếc rồi thân thuộc, còn tụi mình giờ, cở anh em chú bác còn một năm mười hai tháng gặp chừng hai ba lần là quý rồi, chớ bà con hơi xa xa một chút thì mãn năm hỏng biết tới, đó cũng là cái dở, cái hậu quả của cuộc sống hiện đại, mạnh ai nấy làm, nấy lo cho cuộc sống của riêng mình, ít biết tới lễ nghĩa ông bà xưa.
Hỏng chừng cỡ vài chục năm nữa, khi những người lớn trong đám giỗ hôm nay, đang ngồi khì khà li rượu đế, hay móm mén nhai trầu bàn chuyện cải lương... sẽ nằm xuống, rồi không biết đám con nít tụi mình bây giờ có còn nhớ ngày giỗ quảy ông bà, có còn biết mời gọi hú hí nhau ghé ăn bữa cơm, chắc không biết nấu tộ canh kiểm, nồi càri hay mần dĩa gỏi ngó sen cho ra hồn cúng ông bà, hỏng biết cúng vái ra làm sao, làm mấy mâm, đốt mấy cây nhang, lạy mấy lạy...
Cái lối sống "liên hiệp quốc" hiện nay sẽ dần dần thay thế cái mà hiện giờ đám trẻ tụi mình bài xích, hoặc sẽ hạn chế tham gia vì cho rằng tỉ mẩn, mất thời gian, hay đơn giản là cổ hủ. Sắp tới, khi mà tui "đăng cai" mần đám giỗ sẽ là gọi điện thọai thay vì tới tận nhà mời, đặt mấy bàn cho nó khỏe khỏi phải thức đêm nhổ lông gà, đổ rau câu, sẽ rất gọn gàng và tới hết giỗ cũng khỏi phải ăn món xà bần (là tổng hợp mấy thứ "ế" lại: cá kho, thịt kho, nem chả, đồ nấu...tất cả dồn chung kho lại mặn mặn ăn với cơm), sẽ uống "ken" thay vì rượu đế như giờ...
Tất cả sẽ thay đổi, sẽ thích nghi, nghĩ hơi tiếc một chút, nhưng biết làm sao được, thời buổi WTO mà!
Nguyễn An Trường Nhựt