17/01/2023 17:19 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Cuối năm là thời điểm mọi người nhìn lại 1 năm vừa qua đã đạt được mục tiêu gì và còn điều gì vẫn còn đang dang dở.
Nhiều người trẻ cùng dành thời gian để xem năm qua bản thân đã chi tiêu bao nhiêu và những sai lầm rút kinh nghiệm cho năm 2023.
Hoàng Lan (1998, sale ô tô) trong năm 2022 đã chuyển công tác từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và nhận được mức lương cao hơn. Khi thu nhập tăng, đồng nghĩa với những nhu cầu mới bắt đầu phát sinh. Nếu so với mức sống trước đây ở Hà Nội, số tiền cô bạn chi tiêu cho năm qua ước chừng gấp 3 lần, chiếm hơn 2/3 thu nhập.
“Mình chi tiêu nhiều nhất cho việc sinh hoạt của bản thân. Vì đây là năm đầu tiên sống xa gia đình, mình phải tự bỏ tiền để thuê nhà, chi trả sinh hoạt phí hàng tháng,... nó tiêu tốn nhiều tiền hơn mình nghĩ. Mấy tháng đầu, mình quay cuồng trong việc cân đối giữa thu nhập và chi tiêu, vì nhận lương tháng nào cũng hết sạch”.
Theo Hoàng Lan, phần lớn là do những quyết định mua sắm sai lầm của bản thân. Cô tốn hàng chục triệu đồng chỉ để trang trí căn nhà thuê. “Muốn có 1 không gian sống thật đẹp không sai, sai ở chỗ mình đã dồn tiền để mua hết đống đồ decor đó trong 1 tháng. Không chỉ rút tiền tiết kiệm, mình còn quẹt thẻ tín dụng liên tục chỉ để thỏa mãn nhu cầu ngay lập tức. Việc đó để lại hậu quả rất lớn, phải mất tận mấy tháng làm việc chỉ để trả hết số tiền dư nợ trong tín dụng”.
Một năm đam mê mua sắm hàng hiệu, khiến cô nàng Jun Đỗ (27 tuổi, Hải Phòng) đã chi tiêu vài trăm triệu: "Tổng thu nhập của vợ chồng mình trong 1 tháng ước chừng gần 100 triệu. Nhưng 1 năm qua, gần như tháng nào gia đình mình cũng tiêu hết sạch. Trừ tiền sinh hoạt phí gia đình và tiền học cho con khoảng 30 triệu/ tháng, riêng mình tiêu gần hết 70 triệu. Nói chung, 2 vợ chồng làm ra bao nhiêu thì tiêu hết bấy nhiêu. Nếu cứ đà này, chẳng mấy chốc mà mình tiêu sang cả phần của chồng và con”.
Bên cạnh những chiếc túi hiệu, Jun Đỗ còn mua thêm phụ kiện, trang phục đắt tiền để phù hợp hơn. Đến mức chồng cô đã từng phải thốt lên rằng: "Dừng lại đi em, vì em đang đưa gia đình đến bờ vực nguy hiểm cả về tài chính lẫn hạnh phúc đấy!" Và sau đó là chuỗi ngày gia đình lục đục, chồng cũng bày tỏ thái độ rất không hài lòng về cô.
Để vượt qua khủng hoảng tâm lý này, chồng Jun Đỗ đã động viên và giúp cô siết chặt chi tiêu hơn. Mấy tháng sau đó, việc quản lý tài chính trong gia đình mình do chồng phụ trách là chính, Jun Đỗ sẽ phụ thêm và không chịu trách nhiệm về việc cầm tiền nữa. “Thay vào đó, chồng mình đặt ra các mức chi tiêu, và đề nghị góp 80% thu nhập của 2 vợ chồng vào quỹ chung. Còn 20% còn lại, mỗi người sẽ được tự do xài theo ý. Nếu quỹ chung thiếu, thì sẽ được trích từ quỹ riêng của mỗi người”.
"Hồi mình 20 tuổi, đã bắt đầu vào TPHCM để lập nghiệp. Đầu óc lúc nào cũng ước mong về 1 mức thu nhập cao để có 1 cuộc sống khác”. Lê Hoàng Sơn (30 tuổi) cho biết hiện tại thu nhập khoảng 50-70 triệu/ tháng. So với công việc trước đó, thu nhập bây giờ đã gấp đôi, còn so với hồi 20 tuổi, thì gấp khoảng 10 lần.
“Khi thu nhập tăng dần, mình có xu hướng tiêu xài nhiều hơn. Nhưng sau đó, khi thu nhập càng tăng, dù chi tiêu nhiều hơn vẫn còn dư nên mình đã suy xét lại xem nên tiêu xài cho điều gì chính đáng hơn. Và cuối cùng, mình quyết định học đầu tư. Mới đầu, số vốn mình bỏ ra chỉ khoảng vài chục triệu. Với những lần đầu tư thành công, mình lại bỏ ra nhiều hơn. Có thêm sự xúc tác từ những người bạn đã thành công trước đây, mình mạnh dạn vay ngân hàng 1 tỷ, mỗi tháng trả góp hơn 15 triệu”.
Nhưng thời điểm việc đầu tư ngày càng lỗ vốn, cộng thêm tính nhẫn nại không cao nên anh chàng đã bán sạch số cổ phiếu đang cầm, phần vì muốn giữ lại được tiền, phần cũng vì nhận ra bản thân trước đây chỉ là ăn may, chứ chẳng có kiến thức hay kinh nghiệm gì về chuyên môn.
Huệ Nguyễn (28 tuổi) chia sẻ rằng do lương hàng tháng của cô khá thấp, số tiền đó chi tiêu sinh hoạt trong gia đình không đủ nếu không có sự hỗ trợ phần lớn từ chồng. Số tiền chi tiêu trong năm qua cũng gấp 1.5 lần tổng thu nhập của cô trong năm, chủ yếu phát sinh thêm do chi phí bảo vệ sức khoẻ.
“Mình nghĩ khoản chi bản thân cảm thấy xứng đáng nhất là mua gói bảo hiểm nhân thọ cho cả gia đình. Phí đóng bảo hiểm khoảng 40 triệu/ năm. Cuối năm vừa rồi mình quyết định mổ mắt xoá cận, tổng chi phí 45 triệu. Đây là 2 khoản chi lớn nhất trong năm vừa qua. Tiền đầu tư cho sức khoẻ và đầu tư vào bản thân là 2 khoản chi “không bao giờ lỗ” cũng là sự đầu tư an toàn, mang lại nhiều giá trị lâu dài”.
Bên cạnh đó, nhìn lại 1 năm vừa qua, Huệ Nguyễn cảm thấy những khoản chi tiêu hầu hết đều có mục đích, hợp lý, được cân đối giữa tài chính và nhu cầu sử dụng. “Tất nhiên là có những khoản chi chưa thực sự cần thiết, mua sắm thừa thãi. Nhưng những khoản đấy không quá lớn, không gây ảnh hưởng lớn đến chi phí hàng tháng. Ví dụ như việc mình mua 1 chiếc áo, 1 chiếc váy mà mặc rất ít, chỉ mặc 1 lần rồi để không. Đó là những khoản chi tiêu mua sắm không cần thiết”.
Năm qua, Hằng Trần (24 tuổi) vừa đổi việc, thu nhập tăng gấp 2,5 lần so với công việc cũ do vậy chi tiêu “mạnh tay" hơn. Đầu năm cô bạn đã đổi điện thoại và cuối năm mua máy tính mới. “Công việc của mình yêu cầu phải làm online nhiều. Bên cạnh đó, điện thoại và máy tính đã mua được khoảng 4 năm nên đã đến lúc đổi mới. Điện thoại mình mua 20 triệu còn laptop là 30 triệu".
Cô bạn chia sẻ rằng đây là 2 khoản chi lớn nhất trong năm, ngoài ra cô bạn chi khoảng 15 triệu để đi du lịch. Hằng Trần cho rằng đây cũng là những khoản chi tiêu xứng đáng nhất do đã giúp cô bạn làm việc hiệu quả hơn và giảm căng thẳng.
“Mình nghĩ nếu tính toàn bộ chi phí sinh hoạt, ăn uống lặt vặt năm qua mình chi khoảng 150 triệu đồng. Đây là con số khá lớn so với một người đang độc thân, tuy nhiên mình nghĩ bản thân vẫn có thể chấp nhận khoản chi này. Nó chiếm khoảng ½ so với thu nhập của mình".
Bên cạnh đó, cô bạn cũng cho rằng bản thân có những khoản chi khá lãng phí chẳng hạn như thường xuyên gọi trà sữa, ăn uống lặt vặt. “Thật ra, điều này cũng giúp mình giảm áp lực công việc. Tuy nhiên, nó lại khiến mình béo lên, và thêm phần áp lực về ngoại hình. Năm qua, mình cũng học được bài học tiêu tiền lẻ, mất tiền tỷ. Những khoản chi bản thân cho rằng chỉ vài chục nghìn khi tích lên có thể trở thành con số khổng lồ".
Bài học tài chính rút ra:
Hoàng Lan: Những tháng sau khi chi tiêu quá tay, mình tự kỷ luật bản thân bằng cách dành 30% cho chi tiêu: Tiền nhà và sinh hoạt phí; 10% cho mua sắm hoặc nhu cầu du lịch; 5% cho quan hệ, ngoại giao; 10% để dành cho những khóa học; 5% cho những chi tiêu khác; 40% để tiết kiệm. Trong 40% tiết kiệm, mình chia thành 2 khoản: 20% bỏ ngân hàng để phòng hờ những trường hợp cần tiền khẩn cấp, và 20% còn lại dành cho việc học đầu tư. Việc chia nhỏ thu nhập hàng tháng thành nhiều khoản như thế, giúp cho mình chi tiêu có kiểm soát hơn rất nhiều.
Hoàng Sơn: Nhìn lại 1 năm qua, tuy thất thoát số tiền chẳng nhỏ, nhưng mình được bài học nhớ đời về việc đầu tư: Nếu như chưa nắm chắc lĩnh vực gì đó, thì tất cả sự thành công đều là ăn may. Phải đầu tư kiến thức trước, rồi hãy nghĩ đến việc đầu tư để tiền đẻ ra tiền. Chỉ vì tâm lý muốn kiếm tiền nhanh hơn, mà mình đã bỏ lỡ mục tiêu mua nhà vào năm 30 tuổi.
Jun Đỗ: Hiện tại, mình đã kiểm soát được tâm lý muốn sở hữu đồ hiệu liên tục lại. Thay vào đó, mình tiết kiệm 20% quỹ riêng kia, và lâu lâu mới tự thưởng bản thân 1 món đồ mình thực sự yêu thích. Việc này có ý nghĩa hơn nhiều so với khoảng thời gian trước đây. Lời khuyên từ 1 người từng trải, mình chỉ muốn nhắn nhủ đến những bạn giống mình. Hãy kịp nhận ra nguy cơ tài chính của chính mình, dừng lại và nghiêm túc sửa sai!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất