“Tín ngưỡng thờ Hùng Vương”: Đáp ứng cả 2 tiêu chí di sản thế giới

10/04/2011 10:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của Việt Nam có những thế mạnh nào trong việc đáp ứng những tiêu chí của một di sản thế giới do UNESCO đưa ra? Đó là nội dung cuộc trao đổi giữa TT&VH với PGS-TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam).


PGS-TS Bùi Quang Thanh
PGS-TS Bùi Quang Thanh là một trong những người tham gia khảo sát và xây dựng bộ hồ sơ về Tín ngưỡng thờ Hùng Vương (đã được gửi tới UNESCO vào cuối tháng 3 vừa qua). Ông cho biết:

- Sự tồn tại lâu dài theo dòng thời gian và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng nhân dân - đó là những tiêu chí quan trọng nhất để UNESCO đánh giá một di sản. Khi đệ trình lên UNESCO, hồ sơ về Tín ngưỡng thờ Hùng Vương cũng tập trung đánh giá việc đáp ứng 2 tiêu chí ấy.

Thật ra, trên thế giới khá phổ biến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hay thờ cúng những ông vua sáng lập ra một quốc gia. Nhưng, so với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay khu vực Đông Nam Á thì tín ngưỡng thờ Hùng Vương rất đặc biệt về sự liền mạch theo thời gian. Chẳng hạn, Hàn Quốc có Nghi lễ thờ cúng tổ tiên Hoàng gia và Nhạc lễ được xây dựng từ 1395 và được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại vào năm 2001. Tại Nhật Bản, các sử liệu cho biết từ thế kỷ VIII trước Công nguyên, người Nhật thờ vị vua Jimmu dưới cái tên Thần Vũ Thiên Hoàng.

Trong khi đó, tín ngưỡng thờ Hùng Vương của Việt Nam không chỉ kéo dài theo nhiều ngàn năm mà còn được thử thách và bảo tồn qua vô số lần “va đập” với sự xâm lấn cưỡng chế từ văn hóa tín ngưỡng Trung Quốc.

* Còn sự tham gia của cộng đồng vào “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” thì được đánh giá ra sao?

- Ở các nước khác, việc thờ cúng tổ tiên hoặc nhân vật khai sáng cho dân tộc thường chỉ dồn tụ về một không gian nhất định và ít có sự mở rộng tới cộng đồng. Chẳng hạn, Hàn Quốc thờ các vua và hoàng hậu triều đại Joseon ( 1392- 1910) tại Tông Miếu thuộc vùng Jongmyo. Nhật Bản thờ Thần Vũ Thiên Hoàng tại đền Kashiara thuộc tỉnh Nara. Trong một thời gian dài tồn tại, đó là những nghi lễ thờ cúng bó hẹp trong phạm vi hoàng tộc và không có sự tham dự của người dân. Thậm chí tại Nhật, mãi tới cuối thế kỷ XIX, chính phủ Minh Trị mới cho người dân vào đền Kashiara để dâng tế.


Ngược lại, chúng ta đều biết tín ngưỡng thờ Hùng Vương mở rất rộng từ trung tâm Phong Châu - Phú Thọ tới mọi địa phương trên cả nước và có sự tham gia không “độc quyền” của bất kì thành phần cư dân nào.

* Ngoài ra, còn những nét độc đáo nào trong tín ngưỡng thờ Hùng Vương ?

- Rất nhiều. Chỉ đơn cử một đặc điểm riêng: khi khảo sát gần 1.500 di tích thờ tự tại Phú Thọ, chúng tôi nhận thấy bên cạnh hệ thống các di tích tín ngưỡng thờ Hùng Vương, người dân cũng duy trì các hệ thống thờ tự riêng rẽ hoặc phối thờ các con gái vua Hùng, các bộ tướng Cao Sơn - Quý Minh, Đức Thánh Tản (Sơn Tinh), Hai Bà Trưng hay nhiều danh nhân văn hóa khác. Nghĩa là, các vua Hùng được nhân dân tri ân như người mở ra quốc gia đầu tiên cho dân tộc, nhưng cũng không chiếm thế độc tôn, duy nhất tại bất kì sinh hoạt tín ngưỡng nào.

Thậm chí, cư dân Việt Nam còn “bình dân hóa” hình tượng Hùng Vương, đón bài vị Ngài về phối thờ cùng bàn thờ tổ tiên của dòng họ mình và tạo ra sự gần gũi thường nhật. Như vậy, tùy vào sự sáng tạo của từng địa phương, tín ngưỡng Hùng Vương vừa đảm bảo tính thiêng lại vừa hòa hợp rất chặt với sinh hoạt của từng cộng đồng.

1 triệu người hành hương Giỗ tổ năm 2011

Giỗ Tổ Hùng Vương 2011 đã bắt đầu từ ngày 7/4/2011 (mùng 5/3 Âm lịch) tại khu di tích đền Hùng (Việt Trì - Phú Thọ ) và sẽ kết thúc vào 12/4 tới. Trong 2 ngày đầu của lễ hội đã diễn ra các nghi thức dâng hương tới Lạc Long Quân và Âu Cơ , lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng sẽ diễn ra vào ngày 12/4 tại đền Thượng.

Các hoạt động phần lễ được tổ chức trong ba ngày 5, 6 và 10/3 Âm lịch. Phần hội diễn ra trong sáu ngày với nhiều hoạt động văn hóa phong phú. Dự kiến, giỗ tổ Hùng Vương 2011 sẽ đón 1 triệu lượt khách du lịch

* Ông có thể cho biết đôi nét về bộ hồ sơ đệ trình lên UNESCO lần này?


- Hồ sơ được Viện VHNT VN và tỉnh Phú Thọ xây dựng suốt một thời gian dài, trong đó giai đoạn cao điểm diễn ra khoảng 5 tháng. Để không bị pha loãng và có sức thuyết phục cao hơn trước UNESCO, chúng tôi tập trung khai thác các tư liệu về khu vực tín ngưỡng quanh Phong Châu – Phú Thọ. Ngoài ra, hồ sơ cũng có tham khảo nhiều tư liệu của các chuyên gia đi trước như Phạm Huy Thông, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Quốc Vượng, Lê Văn Lan... cùng một số tư liệu của Pháp, Trung Quốc...

Tôi nghĩ, lập hồ sơ nghiên cứu, khảo sát về tín ngưỡng thờ Hùng Vương là một nhu cầu mà thực tế đặt ra chỉ không chỉ đơn thuần vì việc xin UNESCO xét tặng danh hiệu. Về lâu dài, chúng ta rất cần khảo sát cụ thể để xây dựng một bản đồ về hiện trạng phân bổ, phát triển tín ngưỡng Hùng Vương trên khắp Việt Nam, thậm chí là nghĩ tới việc phục hiện lại những diễn xướng, phong tục thờ cúng Hùng Vương vốn đang bị đứt đoạn khá nhiều từ 1945 tới nay.

* Năm nay là năm lẻ nên lễ hội đền Hùng chỉ do tỉnh Phú Thọ tổ chức. Nhiều người lo ngại rằng làm như vậy thì liệu chúng ta có bỏ mất cơ hội cho việc vận động UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ Hùng Vương hay không?

- Tôi lại nghĩ khác. UNESCO thường quan tâm tới sức sống của từng loại hình di sản, cũng như tính sáng tạo và sự nhiệt tình của cộng đồng quanh sự tồn tại của di sản đó. Sự tham gia tổ chức của Nhà nước không phải là vấn đề được họ quan tâm nhiều.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này

Cúc Đường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm