28/01/2023 18:50 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Giáo sư Lý Mai Cẩn là một chuyên gia trong lĩnh vực Tâm lý Tội phạm và Nuôi dạy con cái. Hiện tại, bà đang công tác tại Đại học Cảnh sát Nhân dân Trung Quốc. Những chia sẻ của bà về lĩnh vực giáo dục luôn được giới chuyên gia, các bậc phụ huynh đánh giá cao vì tính đúng đắn, thiết thực.
Theo nữ giáo sư, hành vi và tâm lý của một người sau trưởng thành là biểu hiện của những trải nghiệm quá khứ, liên quan mật thiết đến phương pháp giáo dục của cha mẹ. Vì thế, bà đã đưa ra một số cách nuôi dạy con theo từng giai đoạn cụ thể, các bậc cha mẹ nên tham khảo
0 – 3 tuổi là giai đoạn hình thành sự gắn bó 1-1 giữa trẻ với các thành viên trong gia đình. Sự gắn bó này tiếp tục được tích lũy cho đến khi 12 tuổi.
Sự gắn bó là nguồn gốc của cảm xúc. Khi trẻ hình thành sự gắn bó với ai đó, trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Và khi trẻ rơi vào cảm xúc buồn bã, trẻ sẽ chỉ cảm thấy được an ủi khi có sự hiện diện của người đó.
Giáo sư Lý Mai Cẩn chia sẻ, ngoài đời có nhiều đứa trẻ bị tổn thương ở tuổi vị thành niên. Nguyên nhân đều do trẻ thiếu sự đồng cảm, gắn bó với cha mẹ từ khi còn nhỏ tuổi.
Trong giai đoạn trẻ 0 – 3 tuổi, phương pháp giáo dục "miễn dịch khóc" – nghĩa là cấm trẻ không được rơi nước được nhiều cha mẹ áp dụng. Phương pháp này có nguồn gốc từ Mỹ và trở nên phổ biến trên toàn thế giới. "Miễn dịch khóc" giúp trẻ hình thành thói quen tốt, rèn khả năng tự lập, tránh mè nheo, quấy khóc.
Tuy nhiên, giáo sư Lý Mai Cẩn không đồng tình với quan điểm này. Bà cho rằng, trong giai đoạn trẻ từ 0 – 3 tuổi, trẻ không thể tự chăm sóc bản thân, chỉ biết thể hiện sự khó chịu qua hành vi khóc. Lúc này, cha mẹ nên bế con dỗ dành, tránh để con khóc quá lâu. Khi trẻ khóc lâu, hệ thống thần kinh tự trị bên trong sẽ hình thành những ký ức căng thẳng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách.
Điều này có thể dễ dàng nhìn thấy trong cuộc sống thường ngày khi có nhiều "hung thần" trên đường, "anh hùng bàn phím",… Họ suy nghĩ tiêu cực, khá nóng nảy và đôi khi không kiểm soát được cảm xúc dẫn đến hành vi nguy hiểm. Nguyên nhân có thể xuất phát từ cách dạy dỗ thiếu đúng đắn của cha mẹ khi còn nhỏ.
Tình yêu thương là điều quan trọng để nuôi dưỡng trẻ khôn lớn nhưng không phải là tất cả. Từ 3 tuổi, trẻ dần có khả năng thấu hiểu và diễn đạt. Vì thế, đây là giai đoạn quan trọng để thiết lập quy tắc.
- Trẻ 3 tuổi: Cha mẹ cần học cách nói "không" trong một số trường hợp.
- Trẻ 4 tuổi: Cha mẹ nên dạy trẻ biết chờ đợi và hình thành sự kỷ luật.
- Trẻ 5 tuổi: Cha mẹ nên dạy trẻ cách quản lý cảm xúc bản thân trước những cám dỗ và biết chia sẻ với người khác.
- Trẻ 6 tuổi: Trẻ phả học được tinh thần chăm chỉ, siêng năng và đam mê một vài bộ môn thể thao.
Trong giai đoạn này, cha mẹ có thể rèn luyện tính cách cho con qua những hoạt động sau:
1. Nói với con khóc là điều vô ích
Khi trẻ 3 tuổi, tiếng khóc của trẻ không còn là nhu cầu thể chất mà là nhu cầu tâm lý. Vậy làm thế nào để con ngừng cơn khóc vô lý?
Chẳng hạn khi trẻ khóc để đòi xem hoạt hình trên điện thoại di động, cha mẹ có thể đưa trẻ vào phòng, mặc kệ trẻ. Trẻ sẽ khóc đến khi mệt, tự dừng lại. Lúc này, cha mẹ lấy khăn lau mặt để trẻ cảm nhận được tình cảm yêu thương, sự quan tâm mà cha mẹ dành cho mình.
Khi cảm xúc của trẻ đã ổn định, cha mẹ sẽ bình tĩnh giảng giải lý lẽ: "Nếu cha/mẹ đã quyết định không cho con sử dụng điện thoại thì khóc lóc, mè nheo là điều vô ích. Khóc không giải quyết được vấn đề, con hiểu rồi chứ?".
Đặc biệt, trong trình dạy trẻ, cha mẹ phải thực hiện quy tắc "4 không: Không la mắng, không đánh trẻ, không đáp ứng sự đòi hỏi vô lý và không bỏ rơi trẻ.
Giáo sư Lý Mai Cẩn chia sẻ: "Khi trẻ đang khóc, cha mẹ nào cũng cảm thấy ồn ã, khó chịu. Và nhiều người thường bỏ mặc con cái trong phòng, đi ra chỗ khác với mong muốn để trẻ tự suy ngẫm hành vi của mình. Nhưng đây là sự giam cầm, không có ý nghĩa giáo dục. Thay vì vậy, cha mẹ nên đợi con ngừng khóc và lắng nghe ý kiến của trẻ, từ đó thiết lập chế độ giao tiếp phù hợp".
2. Hướng dẫn con hình thành tính kiên nhẫn bằng việc đi mua đồ chơi
Nhiều phụ huynh phàn nàn con cái họ thiếu tập trung trong lớp, thường nói chuyện riêng, không chịu ngồi yên học bài. Điều này ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập. Giáo sư Lý Mai Cẩn phát hiện ra rằng những đứa trẻ không tập trung đều do phần lớn lỗi giáo dục thiếu quy tắc của phụ huynh. Vậy làm cách nào để rèn cho trẻ sự kiên nhẫn, tự giác ngay khi còn nhỏ?
Cha mẹ có thể hình thành tính kiên nhẫn cho con bằng việc dẫn đi mua đồ chơi. Vào cuối tuần, cha mẹ hãy đưa con đến khu trung tâm thương mại để chọn đồ chơi. Sau khi con đã chọn xong, phụ huynh có thể nói với trẻ: "Món đồ chơi này nằm ngoài kế hoạch của chúng ta? Theo kế hoạch, chúng ta chỉ được mua món đồ dưới 100 NDT (~ 345k VNĐ) còn món đồ này lên tới 120 NDT (~415k VNĐ). Nếu vẫn tiếp tục mua, gia đình ta sẽ không đủ tiền sinh hoạt cho tuần sau. Thế nhưng, nếu con chăm ngoan, học tốt thì sang tháng mẹ sẽ mua cho con". Cách làm này dạy trẻ biết kiên nhẫn chờ đợi.
Ngoài cách trên, Giáo sư Lý Mai Cẩn đưa ra một phương pháp để rèn luyện sự tập trung, kiên nhẫn là để trẻ ngồi vẽ tranh, xếp hình hay tập trung làm một việc gì đó. Lúc đầu có thể trẻ chỉ tập trung được trong 10 phút nhưng dần dần, khả năng này sẽ được cải thiện.
3. Hướng dẫn trẻ chống lại sự cám dỗ
Ngoài ra, từ 5 tuổi trở lên, trẻ cần được hình thành kỹ năng quản lý cảm xúc và biết cách sẻ chia với người khác. Tại thời điểm này, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ chống lại sự cám dỗ để phát triển những kỹ năng trên.
Cha mẹ hãy chuẩn bị sẵn những món ăn vặt trẻ yêu thích như: Kẹo ngọt, socola,… Chẳng hạn hãy chia socola thành 3 phần, lấy 2 phần đưa cho trẻ và dặn: "Con có 2 phần socola, con cầm lấy nhé. Mỗi ngày con sẽ được ăn một phần, khi nào hết mẹ lại cho con thêm".
Trong tình huống này, hầu hết trẻ em đều ăn hết socola cùng một lúc và dĩ nhiên là không được thưởng viên socola thứ 3. Một tháng sau, cha mẹ hãy lặp lại trò chơi này. Bài học trẻ nhận được sẽ là: Ăn socola theo lời hẹn để được nhận thưởng. Từ đó, trẻ sẽ học được thói quen tự giác, kiên nhẫn, biết chờ đợi.
Trẻ sẽ bước vào giai đoạn dậy thì trong độ tuổi này. Vì thế trước tiên, cha mẹ cần thay đổi quan niệm giáo dục, thay vì kiểm soát thì nên tôn trọng quyền lựa chọn của con.
Chẳng hạn như khi con lên cấp 2, cha mẹ đã có thể cùng con thảo luận về dự định nghề nghiệp, định hướng tương lai. Giai đoạn này cha mẹ tuyệt đối không nên kiểm soát, ép buộc con thực hiện điều con không thích. Dưới đây là một số cách uốn nắn con mà các bậc phụ huynh nên tham khảo.
1. Giúp con phát triển bản thân mà không cần ép buộc
Trẻ trong độ tuổi 12 – 18 tuổi cũng gặp nhiều vấn đề trong học tập vì càng học lên cao, chương trình học càng khó. Vậy cha mẹ nên làm cách nào để hỗ trợ con trong học tập?
Trước vấn đề này, giáo sư Lý Mai Cẩn chia sẻ câu chuyện trong gia đình của bà. Con gái của bà học kém môn Toán, điểm số lẹt đẹt. Thế nhưng con bà lại học rất tốt môn tiếng Anh và Lịch sử. Thấy con như vậy, vị nữ giáo sư tôn trọng ý kiến của con, để con tập trung phát triển 2 môn con yêu thích và cũng là thế mạnh của con.
Về môn Toán, bà không yêu cầu nhiều ở con nhưng vẫn tìm gia sư tốt giúp con nắm được kiến thức cơ bản. Kết quả là cuối học kỳ, điểm số môn Toán của con được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, mối quan hệ giữa nữ giáo sư và con gái trở nên thân thiết, không rơi vào căng thẳng.
2. Dạy con chọn đồ dùng cũng giống như chọn bạn đời
Khi con gái bước vào cấp 3, giáo sư Lý Mai Cẩn đã mượn việc chọn quần áo để dạy con gái cách thiết lập quan điểm trong tình yêu.
Trong một lần đến trung tâm thương mại mua sắm, ngay tại cửa hàng đầu tiên, con gái bà đã đòi mua bộ đồ yêu thích. Thấy vậy, giáo sư Lý Mai Cẩn khuyên con nên tới các cửa hàng quần áo khác để xem thêm. Bà muốn con có nhiều sự lựa chọn để có thể so sánh, đánh giá rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng.
Nhân cơ hội này, vị giáo sư ôn tồn nói với con: "Chọn bạn đời cũng giống như việc lựa quần áo. Nếu con vội vàng chọn lựa sẽ đánh mất cơ hội, có thể không gặp được chàng trai tốt hơn trong tương lai".
Nuôi dạy con khoa học là một kiểu đầu tư thông minh. Và đây là loại đầu tư vô giá!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất