Giao hữu là 'liều thuốc tâm lý'

24/12/2016 10:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Thất vọng sau thất bại của đội tuyển ở AFF Cup 2016, CĐV Việt Nam lại quay về xem “những đứa trẻ nhà bầu Đức” thi đấu để lấy niềm vui ở giải giao hữu mang nặng tính thương mại.

Tìm chỗ dựa từ bóng đá trẻ

Thất vọng với thực tại, con người ta thường tìm đến cho mình một chỗ dựa. Với CĐV bóng đá Việt Nam, hình ảnh đội tuyển (tượng trưng cho cái ngọn) muối mặt từ giải đấu khu vực đến châu lục đã rất đỗi bình thường. Để tìm niềm vui với môn thể thao mình yêu thích vốn đã ăn sâu vào máu mình như bóng đá, người ta không thể dễ dàng vứt đi nên đặt niềm tin vào bóng đá trẻ.

Thực tế bóng đá trẻ Việt Nam vài năm qua cũng không ít điểm nhấn để CĐV tin rằng, chí ít Việt Nam sẽ hạ bệ Thái Lan, nhà vua sừng sững ở Đông Nam Á từ lâu nay. Gần nhất cho cơ sở đó là việc U19 Việt Nam qua mặt U19 Thái Lan để đến World Cup U20 ở Hàn Quốc năm 2017, đỉnh cao mà người Thái chưa làm được.

Hay hiện tại là U21 HAGL, những tuyển thủ quốc gia trở về tham dự sân chơi U21 Quốc tế Báo Thanh Niên 2016. So với U19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn, lứa Xuân Trường, Công Phượng của U21 HAGL được yêu thích hơn dù thành tích không sánh bằng. Mới thấy thứ bóng đá đẹp, nhuyễn dễ làm CĐV mủi lòng hơn tập thể chơi bóng bằng tinh thần chiến binh, bất chấp kết quả cuối cùng của bóng đá là thành tích.


Công Phượng nỗ lực tìm lại phong độ từ giải U21 quốc tế

Những cầu thủ U19 Việt Nam trong quá khứ lẫn hiện tại mang vinh quang về cho bóng đá Việt Nam đang tề tựu tại Thống Nhất và không có lý do gì để các CĐV không đến sân. Những tấm vé thông hành vào sân không quá chát, chỉ hơi khổ cho họ để sở hữu được nó họ phải cạnh tranh với dân “cò” đông đúc hơn cả CĐV chân chính.

CĐV Việt Nam dễ tính, lại thiếu niềm vui nên chấp nhận đến với tình yêu của mình với điều kiện rất đơn giản. Họ có thể xuề xòa bỏ qua mọi tiểu tiết. Anh Tài, một CĐV đến sân Thống Nhất mua vé sáng 19/12 để đón xem trận đấu U21 HAGL gặp U21 Thái Lan diễn ra tối 20/12 cho hay: “Tôi đã thích các em HAGL từ lâu và giờ mới có cơ hội xem họ tái xuất. Thực ra chuyện tuyển thủ quốc gia về đá giải giao hữu cũng có gì đó kỳ kỳ. Thái Lan gửi quân sang đá để cọ sát đơn giản không quan trọng giải này, họ hướng tới SEA Games còn U21 HAGL phải vô địch giải này như 2 năm qua. Quân tuyển thủ mà đá thua giải này thì chắc khó coi lắm, nhưng thôi, tính toán nhiều cũng mệt đầu”.

Thái Lan rất xa, Campuchia đã rất gần

Sẵn chuyện CĐV háo hức xem thế hệ U19 Việt Nam thể hiện ở Thống Nhất, người ta lại liên tưởng đến nỗi ám ảnh phải thắng Thái Lan để khẳng định vị thế bóng đá Việt Nam. Bất cứ giải đấu nào có Thái Lan tham dự, giải đấu đó gần như thành công về công tác tổ chức khi CĐV sẵn sàng đến sân để chờ đợi kết quả. Và mỗi khi các đội bóng Việt Nam thắng được bất cứ đội bóng nào khoác trên mình màu áo Thái Lan, CĐV đều nức lòng.

Từ những nốt thăng được ghi nhận vài năm qua, để xoa tan nỗi ám ảnh người Thái không hề đơn giản bởi nó đã ăn sâu vào tiềm thức những người hoạt động trong lĩnh vực bóng đá. Chỉ riêng đội U21 Thái Lan sang Việt Nam dự giải giao hữu, những ánh mắt khách quan có thể nhìn thấu đáo sự việc hơn. HLV Sritharo thừa nhận đội hình U21 Thái Lan lần này là chất lượng, nhưng thiếu vắng vài trụ cột khi CLB chủ quản không chấp nhận nhả người đi đá giao hữu. Nó chắc chắn khác với trường hợp Xuân Trường, Công Phượng và các đồng đội sau khi hoàn thành nghĩa vụ Quốc gia lại về chơi một giải trẻ. Và nhiều CĐV sau khi xem U21 Thái Lan vùi dập đội trẻ Gangwon với những cầu thủ U17, không hiểu họ mường tượng thế hệ trẻ tương lai bóng đá Việt Nam học hỏi được gì ở những trận đấu khập khiễng như thế.

Xuân Trường được xem là của hiếm của bóng đá Việt Nam, rất khôn khéo khi trả lời phỏng vấn về chuyện “có bị lợi dụng hình ảnh của mình để khai thác ở góc độ thương mại” cho biết mình vẫn là cầu thủ của HAGL dù vừa được Incheon United gia hạn hợp đồng (?). Xuân Trường cùng các đồng đội không muốn đánh mất hình ảnh của mình và chỉ có việc vô địch giải này như 2 năm qua, họ mới được toại nguyện. Nếu không bảo vệ được Cúp, U21 HAGL không biết giải thích ra sao bởi sau 2 năm tu nghiệp đỉnh cao, không lý gì thành tích lại đi thụt lùi.

Ai nói “những đứa trẻ của bầu Đức” không bị sức ép từ giải giao hữu mà nhiều người cho là vô thưởng vô phạt này cũng cần xem lại. Bấy giờ mới thấy áp lực từ sự thành công và kỳ vọng quá lớn vào thầy trò HLV Guillaume vô tình là trở ngại cho những sao mai. Họ có nhiều lý do phát triển không bình thường, đơn cử như Công Phượng, thời gian đi du học Nhật Bản của cầu thủ này không thể gọi là thành công. Công Phượng chia sẻ gần đây rằng thời gian còn dài và tiền đạo gốc Nghệ An muốn lấy lại phong độ để trở lại Nhật, môi trường bóng đá cao hơn V-League.

Chu trình ngược tồn tại luẩn quẩn trong nền bóng đá Việt Nam, một phần thấy được ở 2 đời HLV gần nhất. HLV Miura xây dựng triết lý không phù hợp với người Việt và suốt 2 năm trời, điều này mới được nhìn nhận thấu đáo. Nhưng di sản HLV này để lại từ đống đổ nát mà ông gầy dựng nên cũng có vài cái tên. Đến thời HLV Hữu Thắng, thuyền trưởng gốc Hà Tĩnh không thừa hưởng và không có nhu cầu xây dựng đội tuyển từ những tinh túy của HLV tiền nhiệm. Cựu HLV SLNA cũng không có nhiều phát hiện mới mẻ ngoài việc gạt đi hầu hết tàn tích ông thầy người Nhật để lại. Kết quả cho ra là mục tiêu đầu tiên ông nhận lúc ký hợp đồng thất bại.

So với Hữu Thắng, HLV Kiatisak không may mắn sở hữu những ngôi sao tuổi “teen” trong đội hình vừa nâng cao AFF Cup vừa qua. Sự phân cấp rõ ràng ở các cấp độ đội tuyển cho cựu cầu thủ HAGL vô số sự lựa chọn. Đẳng cấp của cầu thủ trẻ như Samphaodi được bóng đá Thái Lan ví như “Messi mới” cần thêm thời gian để chứng tỏ giá trị. Những cái tên này cũng không được bơm vá vượt giá trị thực và đương nhiên, thừa điều kiện để phát triển bình thường.

Công Phượng phải biết tự ‘cứu mình’

Công Phượng phải biết tự ‘cứu mình’

Công Phượng đã từng là biểu tượng, niềm hy vọng của nhiều thế hệ những người yêu bóng đá, được ví là thần đồng, thậm chí là “Messi Việt Nam”. Nhưng chính những mỹ từ đó đã và đang “giết chết” tiền đạo này.

Chỉ vài tiểu tiết so sánh để thấy người Thái sẽ phì cười nếu đặt trên bàn cân so sánh với bóng đá Việt Nam. Nền bóng đá hái ra tiền khác biệt với nền bóng đá “đốt” tiền. 17 năm gắn mác chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam cũng có 4 cấp bậc nhưng số lượng CLB chưa bằng một nửa so với 3 hạng đấu cao nhất ở Thái Lan. Nguy hiểm hơn khi mô hình tháp ngược tồn tại như chân lý. Chưa đến chục năm trước, suất hạng Nhất cũng có giá hơn chục tỷ đồng và giờ, nó thực sự là của nợ khi các CLB “bỏ của chạy lấy người”.  

Thái Lan tiến lên nấc thang mới trong khu vực, bóng đá Việt Nam loay hoay ôm giấc mộng so bì với người Thái đã là hãnh tiến. Thái Lan bước xa, Việt Nam đuổi kịp đến đâu chưa thấy nhưng đã biết sức nóng từ Campuchia đang hầm hập vào gáy. Cụ thể, chuyện các CLB Campuchia đánh bại CLB Việt Nam là bình thường trong 2 năm qua. Không tin hãy nhìn B.Bình Dương và SHB Đà Nẵng. Đến đội tuyển quốc gia, Campuchia giờ đây không phải là đối thủ ưa thích của Việt Nam và ai cũng thấy tại AFF Cup 2016, duy nhất “cậu bé vàng” Chan Vathanaka của họ đã khiến Việt Nam khốn đốn cỡ nào trước khi có cả giải đấu thất bại.

Bóng đá Campuchia vừa bước trên con đường chuyên nghiệp nửa thập kỷ gần đây và được đón nhận rầm rộ bằng những khán đài đông đúc. Họ bước những dấu chân khá giống Việt Nam như cũng có những doanh nghiệp lớn chống lưng, dùng tiền mua sắm ngoại binh (đa phần gốc Phi) và cầu thủ châu Á (chủ yếu đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản) để nâng cấp CLB. Hạn chế của bóng đá nước này như người làm bóng đá Campuchia cho hay là nguồn nhân lực (16 triệu người so với gần 100 triệu người của Việt Nam) và vẫn phải duy trì mô hình tháp ngược (10 CLB ngoại hạng và 8 CLB hạng Nhất).

Tìm niềm vui từ bóng đá trẻ để khỏa lấp cách biệt mênh mông về đẳng cấp với bạn bè châu lục vì thế là khả dĩ nhất lúc này.

Việt Hà
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm