Trương Quý Hải: Đâu chỉ... "vắng những cơn mưa"!?

04/05/2009 14:08 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Nhiều người biết Trương Quý Hải với Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, nhưng ít người biết đến những ca khúc đầu tiên của anh cũng “hot” không kém. Gặp anh tại cơ quan, trên đường Phạm Hùng, thấy anh đang tất bật điện thoại để điều hành công việc tổ chức Liên hoan âm nhạc học sinh sinh viên tận trong Đắk Lắk. Với trách nhiệm là Phó Ban truyền thông và cộng đồng của FPT, lại là một nhạc sĩ tên tuổi tham gia Ban tổ chức nên anh Hải bận tít mù. Nhân lúc nhạc sĩ ngừng việc “a lô”, chúng tôi tranh thủ phỏng vấn về con đường âm nhạc của anh.

Từ bài hát “đầu tiên”

* Đâu là sáng tác đầu tiên của anh nhỉ, thưa nhạc sĩ Trương Quý Hải?

- Thực ra, mình sáng tác bài hát đầu tiên từ hồi đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Đó là bài hát Mùa thi nhớ mãi, có giai điệu nhẹ nhàng, man mác của của tuổi thơ ngây:

Nhớ mãi từng nụ cười
Lung linh mỗi tên người
Nhớ mãi những khi tan trường đường về chung lối
Nhớ mãi mùa phượng này hoa bay khắp phương trời
Nhớ mãi tháng năm tuyệt vời đời học sinh...
 
Và thật may mắn là tuy được sáng tác lúc “tay nghề” còn hết sức vụng về và non nớt, nhưng có lẽ xuất phát từ tình cảm chân thật mà bất cứ người học sinh nào cũng trải qua, nên đến nay bài hát vẫn được nhiều học sinh yêu thích và hát lên khi chia tay mái trường, chia tay tuổi học trò.

* Vậy hẳn bài hát phải có hoàn cảnh ra đời gắn liền với kỷ niệm đáng nhớ trong thời học sinh của anh?

- Đúng vậy, lúc đó bọn mình chuẩn bị học xong lớp 10, trường mình (PTTH Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) chuẩn bị tổ chức hội diễn văn nghệ. Với vốn liếng âm nhạc của 7 năm học đàn violon, mình hăng hái xung phong dàn dựng chương trình cho lớp, và còn rất “máu” nhận sáng tác một bài về tuổi học trò. Lúc đó, trong đầu mình, ca từ đã được đúc kết sẵn sau khi đọc tâm sự của bạn bè qua những dòng lưu bút đầy lưu luyến. Cứ thế, các nét nhạc được chắp nối lại, cứ như kể chuyện thôi:

Bạn ơi thấm thoắt mùa thi sắp đến rồi
Chợt nghe lòng ta sao bồi hồi.
Dòng lưu bút đêm thâu Ngày xanh nước qua cầu.
Từ đây sẽ chia xa thời áo trắng,
Từng ánh mắt rưng rưng Trường lớp yêu ơi mai xa rồi...

* Và anh đã viết luôn thành bản nhạc?

- Ồ không, lúc đó mình vẫn còn chưa thạo ký âm kia. Cứ ôm guitar thùng dạo nốt cho nghe “lọt tai” xong, truyền tay ngay cho 2 người bạn bập bõm biết chơi đàn nữa. Thế rồi 3 guitar, cùng tốp ca nam nữ của lớp cũng lên sân khấu, cũng chia bè “như thật” và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của bạn bè và thầy cô. Tiết mục của lớp mình hồi đó được giải Nhất hội diễn toàn trường, sau đó được cử tham gia hội diễn cấp thành phố và còn đoạt tiếp giải Nhì nữa đấy. Còn bài hát, từ hồi những năm 1980 đó đến nay cứ lan truyền mãi trong giới học sinh Hà Nội, mình đã nhìn thấy nó được chép tay trong rất nhiều tập lưu bút của các thế hệ đàn em và đặc biệt, được học sinh Trường PTTH Kim Liên thường xuyên hát như một ca khúc truyền thống riêng của học sinh trong trường đấy.

* Sau đó, hình như Mùa thi nhớ mãi cũng đã được đưa vào một số album dành cho tuổi học trò?

- Đúng rồi, sau này mình mới hoàn thiện phần nhạc cho bài hát. Người đầu tiên hát Mùa thi nhớ mãi là ca sĩ Thùy Dung, sau đó Tam ca Áo trắng cũng đưa bài này vào một album dành cho tuổi học trò. Gần đây, một ca sĩ nhạc trẻ được các bạn trẻ yêu thích là Điền Thái Toàn cũng đã gọi điện xin phép mình đưa bài hát này vào một album của anh.

Lúc đó, nhiều người tưởng mình nói... khoác!

* Trở lại với Hà Nội mùa vắng những cơn mưa. Anh ở Hà Nội, nhà thơ Bùi Thanh Tuấn ở TP.HCM, cơ duyên nào đã đưa bài thơ của Bùi Thanh Tuấn đến tay anh để rồi ra đời một ca khúc nổi tiếng?

- Bài hát ra đời cũng khá tình cờ, đó là trong một chuyến tập huấn của cán bộ Đoàn các trường đại học, cao đẳng miền Bắc tại TP.HCM Hè năm 1993. Mình hồi ấy cũng mới về làm Phó bí thư Đoàn của Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Trong một buổi gặp mặt, Bùi Thanh Tuấn, cán bộ Đoàn khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, lúc đó đang cộng tác với báo Mực tím và cũng có một số bài thơ đăng báo, đã đọc tặng các đồng nghiệp từ Hà Nội vào bài thơ Hà Nội mùa vắng những cơn mưa mà khi đó Tuấn còn chưa đặt tên (sau này Tuấn gọi đó là bài Chia tay người Hà Nội, còn người yêu nhạc thì vẫn gọi tên bài thơ giống tên bài hát). Tuấn kể, bài thơ được làm để tặng một người bạn gái thân thiết, khi tác giả chưa một lần đặt chân đến Hà Nội. Những tứ thơ đặc sắc “cái rét đầu đông giật mình bật khóc”, “quán cóc liêu xiêu dăm ba tiếng nhạc”...đã làm rung động tâm hồn tất cả những người ngồi nghe, trong đó có cả nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, khi đó là cán bộ Đoàn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Nghe Tuấn đọc thơ, mình đã thích ngay những “tứ thơ độc đáo” và đã cao hứng tuyên bố “sẽ lập tức phổ nhạc bài thơ này” khiến những người ngồi cùng ngỡ ngàng, tưởng mình nói... khoác.

* Và Hà Nội mùa vắng những cơn mưa đã làm tên Trương Quý Hải trở nên nổi tiếng?

- Có thể nói là như vậy. Hồi “cực thịnh” của chương trình Làn sóng xanh, ca khúc được yêu cầu và bình chọn rất nhiều lần. Năm 2007, kỷ niệm 10 năm Làn sóng xanh, mình đã được nhận giải thưởng cũng nhờ bài này. Cho đến nay, thì mình cũng chỉ biết là bài bát đã được đưa vào rất nhiều chương trình, album, chứ không nhớ nổi là những ca sĩ nào hát nữa. Nhiều người bảo các ca sĩ ở hải ngoại cũng hát bài này, nhưng mình chưa xem đĩa. Còn từ hồi đó đến nay, đi đâu mà nói tên ra, người ta cũng chỉ nhớ ngay là tác giả của Hà Nội mùa vắng những cơn mưa.

* Xin cảm ơn anh.
 
Tiên Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm