The Sex Pistols với ca khúc 'Anarchy In The UK': 'Tôi không ở đây để giải trí'

18/07/2021 11:36 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Anarchy In The UK của ban nhạc The Sex Pistols tới như một tia chớp vào ngày 26/11/1976, không ai biết nó đang tới và sẽ xoay chuyển văn hóa. Ca khúc này để lại cho nước Anh những biểu tượng punk rất riêng, những con người đi ra từ ga-ra ô tô nhưng năng lượng tràn trề.

'The Mesage' - ca khúc vĩ đại nhất của hip-hop

'The Mesage' - ca khúc vĩ đại nhất của hip-hop

Hip-hop ngày nay được đông đảo mọi người ghi nhận như là dòng nhạc phản ánh tiếng lòng của những người thấp cổ bé họng, mà cụ thể là từ người da đen ở Mỹ. Nhưng thật ra xuất phát điểm của nó lại giống nhiều hit gần đây: Tràn ngập những lời khoe mẽ vật chất.

The Sex Pistols là sự xác quyết và thủ lĩnh hấp dẫn của họ - Johnny Rotten - chất chứa ý nghĩa trong từng câu từ anh gầm gừ.

“Đôi khi cách tích cực nhất anh có thể làm trong một xã hội buồn chán là hoàn toàn tiêu cực. Tôi không ở đây để giải trí” - Rotten nói thẳng về âm nhạc của mình.

Cú mở màn sấm sét

Năm nay, Johnny Rotten đã bước sang tuổi 65, có thể hơi tròn trịa hơn so với hồi trẻ, nhưng ánh mắt vẫn lém lỉnh, tóc trên đầu vẫn nhọn hoắt và quan điểm xã hội vẫn như xưa.

Rotten tên thật là John Lydon, sinh ra ở London năm 1956, là con trai của những người nhập cư Ireland thuộc tầng lớp lao động. Khi lên 7, ông bị mắc bệnh viêm màng não. “Căn bệnh quái ác suýt giết chết tôi” - ông nhớ lại. “Dù sống sót nhưng khi thoát khỏi tình trạng hôn mê, não tôi có những khoảng trống. Phải mất 4 năm mới phục hồi hoàn toàn”. Chính trải nghiệm này đã thúc giục tinh thần nổi dậy của Rotten, khi vẫn đang là thanh thiếu niên, ở thập niên 1970 - thời điểm ông gia nhập The Sex Pistols (tên ban nhạc đã gây sốc!) với nghệ danh Johnny Rotten (tức Johnny răng sún do hàm răng hỏng của Rotten).

Chú thích ảnh
Johnny Rotten hiện nay vẫn giữ vững lập trường và vẻ ngoài phản diện mà ông có từ thời trẻ

Anarchy In The UK là đĩa đơn đầu tay của The Sex Pistols, phát hành vào ngày 26/11/1976, khi Rotten mới 20 tuổi. Dù non trẻ và còn ít tiếng tăm như vậy nhưng ca khúc lập tức gây chấn động ở Anh với ca từ không thể bộc trực hơn. “Tôi đã đánh thẳng vào đất nước đang trên bờ vực sụp đổ về chính trị. Anh biết đấy, chính phủ bảo thủ, không cởi mở về bất cứ điều gì” - Rotten nhớ lại thời điểm viết ca khúc, 1 tuần trước khi ra đời một bản mỉa mai đình đám khác là God Save The Queen.

Anarchy In The UK leo lên tới No.38 trên BXH đĩa đơn ở Anh mặc dù các đài miễn cưỡng bật vì lý do chính trị. Album Never Mind The Bollocks, Here’s The Sex Pistols cũng bị hoãn phát hành tới gần cả năm vì lo ngại vấn đề phân phối: Sau khi nghe Anarchy In The UK, nhiều đơn vị từ chối giao hàng album.

The Sex Pistols cũng bị 2 hãng thu âm buông tay trước khi có thể phát hành album với Virgin Records. Bản thân Virgin cũng rất khó khăn để quảng bá ca khúc vì chẳng ai muốn quảng cáo nó. Nhưng quản lý ban nhạc, Malcolm McLaren, biết rõ cách biến bất lợi thành lợi thế.

Vào vai các diễn viên đóng thế, The Sex Pistols đã biểu diễn Anarchy In The UK trên sông Thames từ một chiếc thuyền có tên Nữ hoàng Elizabeth vào ngày 7/6/1977, 2 ngày trước khi Nữ hoàng lên kế hoạch chèo thuyền trên sông để kỷ niệm 25 năm trị vì. Họ định cho thuyền bơi qua tòa nhà Quốc hội nhưng bị cảnh sát chặn lại. Các giám đốc điều hành hãng thu âm - những người tổ chức sự kiện - bị bắt ngay khi lên bờ.

Và như thế, cả nước Anh ai cũng biết tới Anarchy In The UK!

Chú thích ảnh
Minh họa và lời viết tay của “Anarchy In The UK” trong cuốn sách nhạc “Mr.Rotten’s Songbook”

Người tiên phong

Trong tuyển tập sách nhạc của Rotten - dày 300 trang, phát hành năm 2017 - Anarchy In The UK được ghi chú là “hát với tình yêu” và được minh họa bởi “những kẻ vô chính phủ nhỏ bé tốt bụng chạy quay với kiếm”.

Theo Brian Cogan, tác giả cuốn The Encyclopedia Of Punk, Rotten đã viết nhạc để gây ấn tượng, gây sốc và thách thức. “Ca từ của ông ấy có cái nhìn sâu sắc, chúng dí dỏm nhưng bỡn cợt. Ông luôn cố khiến mọi người khó chịu theo nhiều cách và cố khiến mọi người nghĩ lại về những gì họ đã nghĩ về thế giới”. Đứng sau Rotten có thể là cả một ban bệ với dây giật nhưng ông rõ ràng không phải những con rối.

Anarchy In The UK là vô song khi tuyên bố chính xác bạn là ai chỉ với 3 phút rưỡi. Tuyên ngôn chống giáo điều hung hãn chạy rần rần trong huyết quản đưa The Sex Pistols trở thành tiếng nói nổi dậy của giới trẻ ở Anh, những người đã chán ngán sự gò bó của hệ thống. Mọi thứ về Johnny Rotten đều rất mới mẻ, từ nghệ danh, phong thái phản diện và nhất là giai điệu chính trị hung tợn. Và ông thật sự đã làm rúng động cả một hệ thống chỉ với một ca khúc.

The Sex Pistols đã làm được chính xác những gì họ muốn làm, khiến những người thích họ phải yêu họ và những người khác thì thù ghét. Các thái cực đều rất rõ ràng. Các ca khúc (Anarchy In The UK và những “đàn em”) cũng rất đơn giản vì nó hướng về một mục tiêu duy nhất. Anarchy In The UK có thể coi là đỉnh cao trong phát ngôn của họ. Nếu nó không đúng gu anh, anh có thể xem thường nó đến từng nốt. Nhưng nếu “đồng bệnh tương lân”, thì Rotten lập tức trở thành vị cứu tinh của thế hệ, mang lại tiếng nói cho những người không có tiếng nói.

“Nó tới với tôi khá tự nhiên” - Rotten nói với Mojo năm 2008. “Có những động lực bền vững, lâu dài luôn ở đó và anh không thể, không thể, không thể đánh giá thấp năng lượng nghèo đói tuyệt đối mang tới cho anh. Bị từ chối mọi thứ, mất quyền truy cập vào mọi thứ. Chính phủ, trường học, rất nhiều, nói rằng anh không có suất. Anh là đồ cặn bã. Thuận theo dòng chảy hay đi chỗ khác. Đó là một năng lượng thúc đẩy đáng kinh ngạc, để trở nên tốt hơn những gì họ nghĩ về anh”.

“Tôi luôn nghĩ nổi dậy là trò chơi trí óc của giới trung lưu” - Rotten sau đó nói với Rolling Stone. “Đó là một điều xa xỉ. Nó chỉ có khả năng trong một xã hội dân chủ, thế nên ở đây nó nghèo nàn thảm hại. Cũng chẳng có câu trả lời nào và tôi hy vọng trong sáng tác của mình, tôi có thể đưa ra câu trả lời nào đó, hơn là cố ý phá hoại mọi thứ không lý do”.

Quả thật, Anarchy In The UK không thật sự đưa ra một câu trả lời nào nhưng nó mang tới cho mọi người nhiều ý nghĩa, rằng cuối cùng cũng có ai đó nói lên điều họ muốn nói nhưng không thể. Hay, đơn giản hơn, họ đã được lắng nghe.

Anarcy In The UK cuối cùng là bản thu duy nhất của The Sex Pistols mà EMI phát hành. EMI sau đó đã bỏ rơi nhóm vào ngày 6/1/1977 vì họ chửi thề liên tục trong một buổi lên sóng trực tiếp. Đó chỉ là một ví dụ về những trò hề hoang dã nhưng với The Sex Pistols thì quá bình thường.

Vào thời điểm phát hành Anarchy In The UK, không có ban nhạc chính trị nào công khai như The Sex Pistols. Mặc dù sau này có nhiều ban nhạc khác noi theo hình ảnh của họ, say sưa trong nổi loạn, nhưng không nghi ngờ gì nữa, những chàng trai vô tổ chức từ tầng lớp lao động này chính là tiên phong trong việc biến âm nhạc thành một thứ gì đó khác ngoài việc giải trí tai nghe và ăn mặc màu mè.

Ca khúc thay đổi lịch sử “Anarchy In The UK”:

“Bức tường âm thanh nhức nhối” cho guitar

Malcolm McLaren có thể là người chiêu trò nhưng không sai khi tuyên bố Anarchy In The UK là “lời kêu gọi gửi tới những đứa trẻ nghĩ rằng rock and roll đã bị tước khỏi chúng. Nó là một tuyên bố về sự tự trị, sự độc lập tối thượng”. Không chỉ ca từ, phần sản xuất của ca khúc cũng được đánh giá cao khi nhà sản xuất Chris Thomas xếp nhiều lớp nhạc, tạo thành “bức tường âm thanh nhức nhối” cho phần guitar, trong khi giọng của Rotten nghe “như thể rằng anh ta bị mài mòn”.

Anarchy In The UK được Rolling Stone xếp thứ 56 trong danh sách 500 ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại và nằm trong 500 ca khúc định hình Rock and Roll của Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm