Rock Việt Nam có không? (Bài cuối)

11/11/2009 07:37 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Cuộc tranh luận xung quanh câu hỏi: “Việt Nam có nhạc rock hay không?” cũng chính là tìm về cội nguồn bản chất của rock. Tham gia bàn tròn này hầu hết là những nhân vật “ngầm” (underground) trong giới nhạc rock ở TP.HCM:

Phạm Hữu Phúc: Ca sĩ, chơi guitar và viết ca khúc, thành lập ban nhạc rock Hero in Danger (1999-2001), tham gia với tư cách ban nhạc thành viên RFC (Rock Fan Club) trực thuộc NVH Thanh Niên, hiện là kiến trúc sư và đang hoàn tất một album rock indie.


 Rocker Tinna Tình
Huỳnh Chí Viễn:
có nickname Barry Gibson, ca sĩ, viết ca khúc, cựu thành viên nhóm Wickends (tiền thân của Microwave) từ 1999-2001, hiện là giáo viên dạy tiếng Anh trường Anh ngữ Thượng Đỉnh Premier thuộc hệ thống ngoại ngữ Không Gian, CTV báo Sóng Nhạc, Thanh Niên (TP.HCM), Rock Vision, Rock Today (HN), Moderator của box Rock Hall of Fame và Beatles trên diễn đàn http://www.facebook.com/l/ 663fa;ttvnol.com.


Hồ Quang Hưng: ca sĩ, chơi guitar và viết ca khúc; cựu chủ nhiệm CLB RFC trực thuộc NVH Thanh Niên (1999- 2002).

Dương Thụ: nhạc sĩ.

Cùng nhiều khán giả là những người quan tâm tới nhạc rock ở TP.HCM.

Khán giả: Điều tôi thường băn khoăn là, rock xuất phát từ nước ngoài, chúng ta nghe hoài rồi chơi theo, vậy liệu có rock Việt hay sẽ chỉ là rock copy.

Phạm Hữu Phúc: Lúc đầu tôi chơi rock vì sở thích, thích rock vì rock làm mình cảm thấy ngất ngây, cảm xúc dâng trào và muốn hòa mình vào nó. Sau một thời gian cover bài nước ngoài, tôi nghĩ tại sao không tự làm bản nhạc của mình. Vấn đề nảy sinh khi sáng tác chính là nên copy theo rock nước ngoài hay làm những bản nhạc chỉ của mình? Vì thực tế, hầu hết những người thích rock đều chủ yếu nghe nhạc nước ngoài... Nhưng sau một thời gian tìm hiểu về cội nguồn của rock, mới thấy thật sự nên quên đi những tác động từ ngoài, hãy thật sự làm cái gì đó xuất phát từ cuộc sống, xã hội xung quanh mình, đang ảnh hưởng đến mình. Khi đó tôi mới viết được những bài hát của tôi sau này. Rock là tự do, buồn thì hát mình buồn, bực tức về vấn đề gì, mình hát mình bực tức. Nhưng rõ ràng quan niệm về âm nhạc ở Việt Nam vẫn có nhiều định kiến, trói buộc, do đó người làm nhạc rock không thể phát huy hết những gì mình suy nghĩ và muốn thể hiện. Nhiều khi cho một số bạn bè nghe nhạc của mình, người ta nói chắc nhạc của mình sẽ khó được phổ biến, nếu vậy thì “ngầm” còn hơn! Nếu hỏi Việt Nam có rock hay chưa thì tôi có thể nói là chưa bởi vì ở ta chưa có điều kiện đầy đủ cho rock sáng tạo đúng như nó cần - đơn giản vậy thôi.

Huỳnh Chí Viễn: Vấn đề được mổ xẻ lâu nay của rock thực chất là nội dung, rock nằm ở nội dung tư tưởng chứ không phải là cách thể hiện. Anh có thể cần một cây guitar thùng lên hát mà anh vẫn là rock. Anh có thể mang nguyên một ban đầu tóc thế này thế kia, xăm mình đủ thứ thì anh vẫn không là rock, anh chỉ là cái gì đó bắt chước rock thôi! Hiện tại, các ban nhạc theo hướng thể hiện phong cách rock chứ chưa phải là rock. Một bài rock thật sự hay mình nghe nổi gai ốc, từng lời ca thấm vào người mình như được uống rượu say... Còn nhiều ban rock ở ta hiện nay tôi không “cảm” được ban nào cả. Rock phải là cái gì mình cảm nhận thật sự bằng tâm hồn mình kia, còn sự gào thét chỉ là giải tỏa cái bức bối của mình thôi. Vấn đề ở đây là làm sao mình nói lên tiếng nói thật của mình, không phải tiếng nói giả tạo, không ngọng...

Khán giả: Tại sao nhạc rock Việt là như thế này, nói thẳng ra là bắt chước! Bởi vì nhạc rock xuất phát từ châu Âu và châu Mỹ, Việt Nam chỉ tiếp thu nó, nhưng không đưa tâm hồn con người Việt Nam vào mà chúng ta bê cái gọi là “underground”. Theo tôi chúng ta đang thực hiện những cái của người Mỹ, người châu Âu. Chúng ta là người châu Á thì làm sao giống người Mỹ được. Cái cốt của mình không bao giờ như vậy được, tại sao đi theo cái đó để chúng ta vô lối thoát, không làm gì được cho chúng ta. Con người châu Á rất là trầm, khép, thầm kín khác với phương Tây. Khi chúng ta thể hiện được tâm hồn mình thì chắc chắn sẽ thoát được và phát triển theo một đường lối riêng.

Huỳnh Chí Viễn: Bởi vì nói thẳng ra rock là một loại nhạc ngoại lai, không phải của người châu Á...

Hồ Quang Hưng: Có một điều quan trọng, nói nhạc rock là nhạc ngoại lai nhưng rock là một loại nhạc quốc tế, nó đã phá vỡ các biên giới rồi. Giống như nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác là tinh hoa của nhân loại, mình là con người, mình được tự hào về thành quả của con người và có quyền được thừa hưởng nó. Tôi muốn nói với các bạn là ranh giới văn hóa trong nhạc rock gần như bị xóa bỏ. Bởi vì người ta chỉ cần chung cái khát vọng của tự do thôi, người ta tìm đến nhạc rock.


Ban nhạc Unlimited

Huỳnh Chí Viễn: Vấn đề là mình chưa nhận thức được điều đó và chưa phát huy được điều đó, chưa kết hợp chất của mình và chất của nó.

Dương Thụ: Tôi thấy âm nhạc cũng như là như toán học ấy mà, không thể nói toán học Việt Nam khác toán học Mỹ được - vô lý lắm. Một cộng một thì ở đâu cũng bằng hai thôi. Tất cả những kỹ thuật trong mọi lĩnh vực, người phát minh ra đầu tiên là người nước nào có thể quan trọng mà có thể cũng không quan trọng. Bây giờ chúng ta học tập, tiếp thu những cái đó sao có thể gọi là vọng ngoại . Chúng ta học của con người vì chúng ta là con người. Nhạc rock, về mặt cơ bản, về kỹ thuật, nó cũng kiểu như toán học, nó là tư duy, là cái chung của con người. Nên hiểu như thế. Nhưng âm nhạc lại gắn với con người văn hóa, con người tinh thần mà các xứ sở khác nhau thì con người văn hóa khác nhau, mỗi con người khác nhau thì tinh thần khác nhau cho nên hiển nhiên có màu sắc khác nhau. Đây là chuyện tự nhiên, muốn cũng không được, chẳng muốn cũng không được. Hiện nay, tại sao có người chê rằng rock Việt phần lớn chỉ là sự “copy”? Là copy bởi chúng ta chỉ mới bắt chước cái hình thức bên ngoài của rock, còn cái tinh thần thật sự bên trong thì không có, là vì chúng ta không có cái gì để nói cả, bởi thế người ta nói mình ngoại lai. Nói thế chẳng oan vì loại rock đó, “nội” rỗng tuếch, có gì đâu nên ngoại lai là phải. Rock Việt không có nghĩa phải có môtip dân ca, hoặc nói theo cách nói dân gian như Gạt Tàn Đầy chẳng hạn. Bạn là rocker, là người thành thị bạn có thể thích đủ thứ. Một trong những đặc điểm của văn minh đô thị là tính quốc tế và thái độ cởi mở trong cảm nhận văn hóa. Nếu bạn thích dân ca, thích những câu cải lương, bạn có thể đưa vào. Cũng như bạn có thể thích nhạc Campuchia, nhạc Ấn Độ, bạn đưa vào đâu có sai miễn là cái đó nó nói lên được cái điều bạn muốn và nó có con người bạn ở trong đó. Như anh Nguyễn Cường chẳng hạn, là dân tộc Kinh nhưng lại thích nhạc Tây Nguyên, anh “chế” ra một loại nhạc gọi là “rock Tây Nguyên” Tây Nguyên và ai cũng bảo là đậm đà bản sắc dân tộc. Vậy dân tộc ấy là dân tộc nào? Anh ấy tại sao gọi là dân tộc trong khi người khác viết thích thú với chất liệu âm nhạc không phải là của dân tộc mình lại bảo người ta ngoại lai. Cho nên tất cả cái đó chúng ta phải thông cảm.

Chỉ có điều còn có một số người làm văn hóa chưa hiểu điều này. Đó là một cản trở, nhưng cũng là cản trở tự nhiên. Mọi nhận thức phiến diện, lạc hậu với sự phát triển của xã hội và với thời gian cũng sẽ phải thay đổi thôi. Còn chuyện “ngầm” và chính thống nên được hiểu đúng. Cái đó rất là quan trọng. Xã hội phương Tây vẫn có “underground”, chứ không chỉ ở Việt Nam. Cái chính thống là cái được thừa nhận, còn nếu ngược lại cái đó thì anh không thể công khai, và có lẽ hiếm có nhà nước nào mà lại đi ủng hộ những cái chưa được thừa nhận. Tôi thấy đó cũng là điều bình thường. Bởi vì nhà nước cần sự ổn định, nhà nước nào cũng thế. Nước ta còn nghèo và kém phát triển nên cái sự văn minh không thể nào sánh được với thế giới nên các bạn chơi nhạc rock sẽ gặp khó khăn gấp bội phần. Nhưng chính vì thế mà tôi hy vọng dần dà chúng ta sẽ có rock thật sự. Một xã hội lành mạnh bao giờ cũng có ngầm và có sự phản biện. Mà đã ngầm thì đừng bao giờ mơ tưởng mình sẽ nổi lên như một giá trị chính thống. Nên hiểu điều đó và không nên hy vọng nhiều vào tiếng vỗ tay của công luận, của báo chí nói chung với nhạc rock, và việc rock bị bắt bẻ cũng là đương nhiên. Đã muốn ăn món có ớt thì phải chịu được cay chứ... Tất cả các bạn sinh ra trong một xã hội mới, tư duy khác, ăn uống khác, yêu khác, rất nhiều thứ khác mà thế hệ tôi hoặc dưới một ít lại không sinh ra trong cái điều kiện như các bạn, nên không phải ai cũng hiểu được các bạn. Nếu băn khoăn quá nhiều vào những chuyện đương nhiên như thế này, bạn sẽ khó có thể làm việc và chắc sẽ đi vào con đường bế tắc. Âm nhạc là hành động chứ không phải lý thuyết, nó cần được sáng tạo ra mỗi ngày chứ không phải là để suy ngẫm mỗi ngày.

Huỳnh Chí Viễn: Sự hiểu của những người gọi là rock fan ở Việt Nam kỳ cục lắm. Rock là phải gào thét nên nếu có một anh cầm guitar thùng lên và nhận tôi là rock thì đám đông sẽ phản ứng như thế nào, anh không phải là rock. Rock phải là cái anh lên gào kìa. Đó là phần nhận thức làm hẹp thị trường nhạc rock của mình... Thị hiếu làm bó buộc vào một dạng của rock, chứ không phải toàn bộ rock, thành ra rock của ta nếu có thì cũng rất đơn điệu. Muốn đa dạng để có rock thật sự cần phải giáo dục thẩm mỹ, nhận thức cho khán giả về rock...


Rocker Nguyễn Đạt (trái) và Trần Lập

Hồ Quang Hưng: Nếu thị trường bó hẹp mình thì Rocker chiến đấu một mình để thể hiện tiếng nói riêng của mình.

Trở lại vấn đề Việt Nam có rock hay không, nếu nhìn vào lịch sử phát triển của nhạc rock thì thấy nó biến đổi từ danh từ thành tính từ. Hồi xưa nói rock, nó là thể loại âm nhạc, về sau nói rock, he‘s rock , She‘s Rock. Nó không là âm nhạc nữa, mà đạo diễn phim cũng nói: “Thằng này rock lắm. Thằng kia rock”. Nó có phải trở thành tính cách không, thí dụ nói cô này dịu dàng, anh này ga lăng, anh này rock, thì rock đâu còn là một định nghĩa mang tính thể loại mà nó là tính cách của người ta, là một lối sống, một văn hóa rồi. Theo tôi, ở thập niên 1960, nhạc rock biến từ danh từ trở thành tính từ. Đó là thời kỳ người phương Tây hướng về phương Đông. Người dân Mỹ tưởng rằng họ được tự do, họ được tham gia vào chính trị đất nước, nhưng đỉnh điểm mà người Mỹ cảm thấy mình bị lừa dối là cái chết của John. F. Kennedy. Giới trẻ Mỹ từ năm 1963 đến 1969 là thời kỳ nổi loạn, sinh viên không để tóc ngắn nữa, không tin vào những gì khuôn mẫu nữa. Nó bùng nổ. Khi đó, giá trị phương Đông là những giá trị nổi bật, hoặc là những giá-trị-của-người - người Mỹ gọi là Native American. Khi đó, giới trẻ da trắng hướng về những giá trị tự nhiên. Sách mà bán chạy là sách của Lão tử và của Phật và sách của trào lưu hiện sinh. Và ban nhạc hàng đầu thời kỳ đó là những ban trải nghiệm những tính chất gần như tự vấn. The Door đi vào sa mạc, theo tiếng gọi của người da đỏ ở sa mạc. Còn The Beatles đi sang Ấn Độ tìm niềm tin mới vào cuộc sống. The Who làm rock opera từ việc trải nghiệm học thiền và yoga với các vị đạo sĩ người Ấn Độ... Tất cả họ hướng về cội nguồn phương Đông của chúng ta đây. Rock cuối cùng thật ra là một tiếng kêu đau đớn. Mình không nhất thiết phải mô tả tiếng kêu đó nếu mình không bị đau. Cách giải tỏa nỗi đau, hướng về sự bình ổn, nội tâm nhiều hơn, nhạc rock mà tinh tế hơn. Một điều đặc biệt nữa, nhạc rock toàn người da trắng hát trong khi người da đen mới phát minh ra rock - đó là cách tìm tự do theo kiểu da trắng. Còn da đen là họ thích dùng nhạc R & B, nhạc Rap hơn để phản biện. Vấn đề vươn đến tự do là nhạc rock nhưng cách thể hiện ra bên ngoài là tùy mỗi cá nhân.

Người da vàng mình thì cách nào? Da vàng, người Việt Nam mình có cái hay là sự tổng hòa. Văn hóa người Việt Nam là sự giao lưu, hội nhập và tổng hợp thành cái hay. Ví dụ; Đạo Phật vào Việt Nam tổng hợp thành tam giáo đồng quy. Đạo Lão, đạo Khổng, đạo Phật vào đây thành một. Đạo Phật sinh ra Phật Bà. Nền văn hóa phía Nam Trung Quốc, phía Bắc Việt Nam - nền văn hóa nó mang tính dung hòa, mình chấp nhận những cái hay, loại bỏ những cái dở, không cực đoan.

Những người da vàng có “năng khiếu về tâm linh” - chính dân da trắng nhận xét vậy. Và dòng nhạc rock chuyển biến từ danh từ sang tính từ là giai đoạn người ta đang chuyển sang tâm linh. Nếu như mình thực sự muốn hướng đến tự do thì mình đã có sẵn trong bản chất của mỗi người Việt Nam - khuynh hướng khát khao tự do rồi. Chỉ cần mình giải tỏa những khúc mắc thực ra chỉ là cái “xác” của rock như rock là gì, hình thành như thế nào v.v... thoải mái cầm cây đàn, thoải mái bỏ qua nỗi lo cơm áo gạo tiền thì chắc chắn mình sẽ có âm nhạc của mình và nó là rock. Không nhất thiết phải gào thét, không nhất thiết phải như người da đen, không nhất thiết phải như người da trắng. Mình thừa hưởng tinh hoa của nhân loại và mình phát triển nó bằng cách của mình.

Dương Thụ: Cho nên con đường tích cực nhất là chúng ta đừng bao giờ mơ tưởng những chuyện dễ dàng, mà phải làm. Viết cái gì, hát cái gì, hãy làm đi rồi cuộc sống sẽ cho bạn biết có phải là rock hay không. Chúng ta cần phải sống thật và chấp nhận cái số phận không thể khác của rock thì mới thật là rock. Chúng ta hãy làm cho Việt Nam có nhạc rock, như một số bạn đang ngồi đây, nhiều bạn sáng tác, đáng lẽ tôi mời theo nhiều người nữa, tôi muốn nhiều người hát những cái của mình, những cái thật sự là nội tâm của mình, để chúng ta thấy rock từ bên trong, rock có thật. Sáng tác như thế của các bạn mới chính là mầm mống rock, chứ đừng nhìn vào phong trào, vào các ban nhạc đang chơi một thứ nhạc rock copy.

Tiêu chuẩn duy nhất của rock là thật, thật đến cùng, thật đến có thể cởi áo, phanh ngực để thấy mình là thật, đấy mới là rock. Chứ không có che đậy, không giấu giếm, không có đóng vai trò để người ta hiểu ngầm, không có ẩn dụ gì xa xôi cả. Rock là “toạc móng heo” ra, là thẳng thắn.

Rock là âm nhạc, không phải chỉ của tuổi trẻ. Nó rất là sâu sắc, tôi đã nghe và xem được những video-clip của Pink Floy, Metallica, sâu sắc kinh khủng.. Nhưng họ không phải là nhà triết học. Họ không bao giờ làm triết cả nhưng những suy tư của họ cao ở mức giống như là triết học. Triết học nằm trong chính cái suy nghĩ con người về đời sống chứ không nằm ở sự rao giảng của anh về đời sống. Sự rao giảng về triết là của mấy ông triết gia, còn chúng ta làm nghệ thuật chúng ta không có cái đó.

Thanh Hà - Ngọc Hương (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm