Ra mắt 'The Lion King' phiên bản live-action: Đẹp mãn nhãn nhưng thiếu sự nhiệm màu

17/07/2019 19:35 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - The Lion King (Vua sư tử) là phiên bản làm lại thứ 3 mà Disney tung ra rạp trong năm nay và dù có thể bị so sánh là hay hơn hoặc dở hơn, nhưng đây chắc chắn vẫn là bộ phim sát với nguyên gốc nhất.

'The Lion King' phiên bản 2019 công chiếu toàn cầu, được dự đoán 'gây sốt' phòng vé

'The Lion King' phiên bản 2019 công chiếu toàn cầu, được dự đoán 'gây sốt' phòng vé

Hãng Disney vừa ra mắt bộ phim bom tấn được remake (làm lại) từ siêu phẩm "The Lion King" 1994 với các buổi công chiếu trên toàn cầu tại Mỹ, Trung Quốc... Riêng tại thị trường Việt Nam, The Lion King có các suất chiếu đặc biệt vào ngày 17/7 và chính thức khởi chiếu vào 19/7.

Trong khi Dumbo của đạo diễn Tim Burton mở rộng câu chuyện sau đoạn kết của bản hoạt hình, thì Aladdin phiên bản người thật đóng của Guy Ritchie sáng tạo thêm vai trò của Công chúa Jasmine với một bài hát hoàn toàn mới, dù cấu trúc của câu chuyện vẫn như cũ.

Màn thử nghiệm an toàn của Disney

Tuy không tới mức chính xác tới từng cảnh quay, nhưng sự tương đồng đáng kinh ngạc trong The Lion King của đạo diễn Jon Favreau so với tác phẩm kinh điển năm 1994 đã làm nổi bật một bài học đối với tất cả phiên bản làm lại của Disney trong tương lai.

Khi sản xuất một phiên bản làm lại, đặc biệt là với bộ phim từng được đón nhận nồng nhiệt như The Lion King, chúng ta dễ nhận thấy thực tế rằng Disney sẽ không muốn đi quá xa so với những gì đã phát huy hiệu quả trong bản gốc. Nhưng dù đích đến hầu như phải giữ nguyên, nhiều người đặt câu hỏi rằng tại sao hành trình cũng phải như vậy?

Chú thích ảnh
Một cảnh trong “The Lion King” phiên bản “live-action”

Nghĩa là khi ý tưởng làm lại của Disney là mang câu chuyện kinh điển của họ đến với một thế hệ khán giả mới, mà vì lý do nào đó, chưa được xem bản gốc, thì bản làm lại không nhất thiết phải giống với bản gốc.

Người ta nói rằng yếu tố sáng tạo nhất trong The Lion King “live-action” (quay phim không sử dụng hoạt hình)là cặp nhân vật Timon và Pumbaa, lần lượt do Billy Eichner và Seth Rogen lồng tiếng.

Bộ đôi rõ ràng đã mang tới tiếng nói riêng cho các nhân vật, thông qua những cảnh vui nhộn và mới mẻ nhất trong phim. Nhìn chung, họ không chỉ đọc lại những câu thoại pha trò từ phiên bản hoạt hình mà đã khiến người hâm mộ bản gốc phải ngạc nhiên với sự mới mẻ, bao gồm cả trò đùa về người đẹp và quái vật.

Mặc dù Eichner và Rogen mang tới một nguồn năng lượng mới, khán giả vẫn có thể nhận ra Timon và Pumbaa quen thuộc. Tinh thần là như nhau, chỉ có cách truyền tải hơi khác mà thôi.

Ở phần còn lại, The Lion King mới rất trung thành với bản gốc, tới mức khi mà sự kinh ngạc về hình ảnh sống động trên màn hình lớn biến mất, có thể khán giả sẽ thấy... không còn gì để thưởng thức nữa.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trên trailer phim

Tất nhiên, có một số cảnh nhất định phải giữ trong bản làm lại, chẳng hạn như đại cảnh vụ giẫm đạp đầy đau đớn. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ khác cũng phải y hệt.

Có thể Disney e ngại phản ứng dữ dội từ một bộ phận người hâm mộ, như việc phim Hoa mộc lan (có khả năng) không có bất kỳ bài hát nào, hay việc chọn một nữ diễn viên da màu đóng Ariel trong Nàng tiên cá.

Tuy nhiên, bộ phận đó hẳn chỉ là thiểu số, trong khi những thay đổi mới là yếu tố có thể thu hút đối tượng khán giả mới, điều mà chắc chắn là một trong những mục tiêu lớn của việc làm lại.

Giới phê bình nói gì?

Tương đồng với những phân tích ở trên, các nhà phê bình dường như bị chia thành hai phe, với một bên bị "thổi bay" bởi những hình ảnh hùng vĩ, hoành tráng đáng kinh ngạc, trong tác phẩm được coi là bản "live-action" sống động nhất từ trước đến nay. Bên còn lại thì than phiền vì thấy bộ phim của Jon Favreau thất bại trong việc đẩy đưa câu chuyện gốc theo những hướng mới hơn, thử thách hơn.

Với số điểm 59% trên trang phê bình phim Rotten Tomatoes và 57% trên Metacritic, dư luận ban đầu dường như ít cho thấy tín hiệu The Lion King có thể phá được mốc 1 tỷ USD mà nhiều người dự đoán trước đó.

Phóng viên Alissa Wilkinson của Vox nhận định: "Phim thiếu đi sự kỳ diệu của bản gốc. Nói cách khác, bản làm lại gây mất tập trung theo cách không lý tưởng, vừa kỳ cục vừa rời rạc, như thể khán giả đơn thuần đang xem những động vật trong vườn thú được nhân cách hóa mà thôi".

Trong khi đó, A.O. Scott của New York Times cho rằng The Lion King giống "một vở nhạc kịch trên màn ảnh rộng, đầy những giọng ca của người nổi tiếng, cố gắng trông như một bộ phim tài liệu về tự nhiên phát trên truyền hình".

"Không mang lại cảm giác vui vẻ, không có tính nghệ thuật, và cũng rất vô hồn. Nó đã biến một trong những tựa phim sáng giá nhất dưới trướng "Chuột Mickey" thành một tác phẩm thương mại đắt đỏ, quy tụ nhiều ngôi sao" - biên tập A.A. Dowd của A.V Club mạnh miệng phê bình bộ phim có kinh phí 250 triệu USD.

"Các nhân vật hiện lên sống động, nhưng hầu hết chúng thiếu mất ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm khuôn mặt đầy cảm xúc như phiên bản hoạt hình. Những con thú chỉ đứng đó và đọc thoại với biểu cảm tương đối trống rỗng. Hình hài của chúng trông rất thật nhờ kỹ xảo nhưng biểu hiện thì thường xuyên thiếu thuyết phục" - William Bibbiani của The Wrap tỏ ra cân bằng khi bình luận về cả điểm cộng và điểm trừ của phim.

Tất nhiên, những màn thể hiện ca khúc từ Donald Glover, Beyonce, Knowles-Carter và John Olive vẫn giành được cảm tình từ một số nhà phê bình.

"Ơn chúa vì những màn khoe giọng xuất sắc, phim mới về Vua sư tử có thể không mới mẻ nhưng vẫn đủ sống động để khuyến khích khán giả một lần nữa dành trọn cảm xúc vào câu chuyện mà họ đã quá quen thuộc” - Tim Grierson từ Screen Daily bày tỏ.

The Lion King bắt đầu mở suất chiếu sớm tại Việt Nam vào 17/7 và chính thức công chiếu thế giới từ 19/7.

Duy An (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm