Phim Việt giữa thời toàn cầu hóa: Phải thành công trong nước, trước khi ra quốc tế

04/12/2015 06:36 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 - 2015, sáng qua (3/12) hội thảo “Chính sách hỗ trợ và biện pháp ưu đãi nhằm phát triển nền công nghiệp điện ảnh trong xu hướng toàn cầu hóa” đã diễn ra tại khách sạn Rex (TP.HCM), với một số tham luận thuyết phục đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Anh, Canada… Từ hội thảo này, cái câu “think globally, act locally” (nghĩ toàn cầu, hành động địa phương) càng trở nên thiết thực hơn với bối cảnh phim Việt.

Trong Trăm năm cô đơn, văn hào Gabriel García Márquez dùng cách nghĩ quẩn quanh tại ngôi làng Macondo để cắt nghĩa về thế giới. Nửa thế kỷ sau, bối cảnh toàn cầu hóa cho thấy cách nghĩ đó quả thật tiền phong, vì đôi khi chỉ bằng một ngôi làng, một bộ phim (như Avatar), một phương tiện (như Facebook) mà ban đầu là chuyện cá nhân, về sau đã trở thành cách nghĩ, cách hành xử của phần lớn nhân loại.

Nói như vậy để thấy rằng ngày nay phim Việt không thể quay lưng với bối cảnh toàn cầu hóa, và toàn cầu hóa cũng không thể quay lưng với phim Việt.

1. Một ví dụ, theo thống kê tháng 10/2014, bang Missouri (Mỹ) cho biết có 116 người địa phương và 1.400 người vãng lai được thuê làm phim và truyền hình, tạo ra 8.700 lượt công việc trực tiếp và trả 325 triệu USD tiền lương tại bang này.


Tại hai cuộc hội thảo thuộc khuôn khổ LHPVN lần thứ 19, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được nhiều lần đưa ra như một ví dụ về cách hành động cho địa phương, vì vậy mà có thể mở dần được cách cửa ra toàn cầu

Các số liệu tương tự đến từ các bang khác của Mỹ và từ các nước như Hàn Quốc, Anh, Canada… cũng cho thấy việc điện ảnh tác động đến nhiều khía cạnh như đời sống, kinh tế, du lịch… của từng địa phương.

Nhiều phim của Hollywood không chọn quay tại Mỹ mà đi đến nhiều nước, trong đó có Canada, Australia, New Zealand, Thái Lan… là vì chính sách tài chính và thuế ở đó ưu đại hơn, chứ không phải vì vấn đề giấy phép hoặc cảnh đẹp.

New Zealand cho biết nhờ bộ ba phim Chúa tể những chiếc nhẫn của Mỹ mà họ thu về 42 triệu USD nhờ kích cầu du lịch. Ngay cả bộ phim cổ trang làm nên thương hiệu điện ảnh Hoa ngữ là Ngọa hổ tàng long, thì phần 2 cũng quay chủ yếu tại New Zealand. Rõ ràng sức hút và tư duy toàn cầu hóa đã dẫn đến những hành động này.

Khi chấp nhận suy nghĩ toàn cầu, chấp nhận đa dạng văn hóa, thì ngày càng có nhiều nước chấp nhận cuộc chơi chung, mà trong đó các liên mình về pháp lý, về kinh tế, về văn hóa... được nới lỏng và ký kết.

Thương hiệu và vị thế phim Việt: Giấc mơ đã có cơ sở để thành hiện thực?

Thương hiệu và vị thế phim Việt: Giấc mơ đã có cơ sở để thành hiện thực?

Trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ XIX, sáng 2/12, tại khách sạn Rex (141 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM) đã diễn ra hội thảo “Xây dựng thương hiệu, vị thế của phim Việt Nam”, với những phân tích, phản biện khá thiết thực.


Trong nước, có nhiều ý kiến cho rằng ngành du lịch đã bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh, vì nhiều cảnh đẹp Việt Nam vừa xuất hiện trong phim Pan và vùng đất Neverland. Thế nhưng, điều bỏ lỡ lớn hơn là việc chậm thiết lập các cơ chế, các quan hệ để thu hút các đoàn phim khác. Phía sản xuất Pan và vùng đất Neverland cho rằng lộ trình xin phép vẫn còn quá rườm rà, chậm chạp, trong khi thời đại kỹ xảo, nhiều khi hình ảnh thực tế chỉ là cái nền, cái cớ, còn máy tính mới là sáng tạo, là “hiện thực”.

2. Nhìn lại bối cảnh điện ảnh thế giới khoảng 20 năm qua, nếu hỏi điều gì là bất ngờ nhất, chắc chắn có nhiều ý kiến đề cập đến Hàn Quốc. Trong top 10 thị trường tính theo tổng doanh thu phòng vé từ năm 2010 đến 2014, Hàn Quốc xếp thứ 6, sau Mỹ/Canada (thường gọi là Bắc Mỹ), Trung Quốc, Pháp, Anh, Nhật, trước Ấn Độ, Đức, Nga, Australia. Trong khi đó dân số của Hàn Quốc vào khoảng 51 triệu người, chỉ hơn Canada và Australia, bằng khoảng 1/25 dân số Trung Quốc, Ấn Độ.

“Nếu chúng ta quan sát các nền điện ảnh như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… thì sẽ thấy một trong các thế mạnh làm nên thương hiệu của họ là phim lịch sử. Đơn cử như việc bình chọn 100 phim Mỹ hay nhất mọi thời đại thì đã có hơn 50% là phim lịch sử, trong đó có 11 phim đoạt nhiều giải Oscar. Trung Quốc mỗi năm làm hơn 30 ngàn tập phim truyền hình, phần lớn cũng là phim lịch sử; và phim lịch sử của họ thì được chiếu khắp châu Á. Năm 2014, Hàn Quốc có phim lịch sử Đại thủy chiến, được làm với kinh phí gần 19 triệu USD, nhưng kết quả đã thu về hơn 100 triệu USD tại thị trường nội địa, với tỷ lệ 1/3 dân số đi xem. Bài học ở đây là gì? Muốn có thương hiệu trên quốc tế, các nhà làm phim trước tiên phải đáp ứng được các nhu cầu căn bản tại quốc nội” - nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc phân tích.

Bài học nghĩ toàn cầu, hành động địa phương càng đúng với các nền điện ảnh mới tái xuất như Nollywood (Nigeria), Iran, Thái Lan, Campuchia…

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm