Phim chiến tranh Việt: Nước mắt khán giả không là thước đo thành công

26/04/2014 08:24 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Sau Mùi cỏ cháy, hai năm sau mới có thêm Những người viết huyền thoại, Sống cùng lịch sử. Cả ba phim đều để lại cảm xúc, vui có, buồn có, nhưng để khiến khán giả thực sự hài lòng thì chưa. Có rất nhiều cái "giá như" trong những bộ phim này.

1. Trong các suất chiếu Mùi cỏ cháy, phòng chiếu nào cũng có tiếng sụt sùi. Khán giả không cầm được nước mắt với số phận của 4 thanh niên Hoàng, Thành, Thăng, Long. Phim có rất nhiều tình tiết dí dỏm, trẻ trung lấy được tiếng cười của khán giả. Nhưng đến phần cuộc chiến, thì phim lộ ra quá nhiều nhược điểm. Khán giả gần như không thể chịu được những cái "giả" được dàn dựng sơ sài trong phim. Ê-kíp cho thấy họ chưa đủ khả năng để làm phim chiến tranh.

Phải vài năm sau Mùi cỏ cháy, mới có thêm 2 phim chiến tranh Những người viết huyền thoại, Sống cùng lịch sử.  Cả hai phim cho thấy công nghệ làm phim chiến tranh đã có những bước tiến nhất định. Trong suất chiếu ra mắt Những người viết huyền thoại, không ít khán giả bất ngờ, vì lâu lắm rồi mới có một phim chiến tranh cháy nổ… như thật.

Mới đây, Sống cùng lịch sử - bộ phim được nhà nước đầu tư kinh phí 22 tỉ đồng đã ra mắt khán giả. Suất chiếu đầu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho khách mời đã lấy được kha khá nước mắt. Đến suất chiếu thứ hai cho các nhà báo, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn tự tin tuyên bố: "Anh chị nào xem phim xong mà không khóc, đảm bảo hoàn tiền vé". Sau buổi chiếu, đến lúc ra ngoài phòng chiếu có phóng viên mắt đỏ hoe thật.


Sống cùng lịch sử có thể làm khán giả khóc nhưng chưa thể làm họ nhớ

2. Có thể nhà biên kịch đã rất tự tin khi tuyên bố "không có nước mắt không lấy tiền vé". Tuy nhiên, nếu ông có thời gian tìm hiểu kĩ hơn thái độ của khán giả, ông sẽ thấy nước mắt của khán giả không đồng nghĩa với thành công của bộ phim.

Sống cùng lịch sử được quay rất đẹp, âm nhạc, âm thanh hay, dàn diễn viên trẻ diễn xuất ổn, phim có nhiều chi tiết thú vị, có những khoảnh khắc cảm động... Nhưng lạ một điều, rất nhiều khán giả nói ra khỏi rạp phim, họ không còn nhớ gì về bộ phim.

Nội dung phim kể về 3 người trẻ đi “phượt” Điện Biên đã tình cờ được "nhập vai" trở về quá khứ, tham gia vào cuộc chiến. Họ đã hòa mình vào dòng dân công vận lương, công binh kéo pháo, và lực lượng chiến đấu trực tiếp.

Cuộc chiến được trải ra trong không gian rất rộng, như một bản tóm tắt về chiến dịch Điện Biên Phủ. Tính chất ác liệt, đau thương của cuộc chiến được thể hiện bằng cái chết của rất nhiều người, nhưng đáng tiếc không có một trận chiến nào, một số phận nào trong phim ám ảnh được khán giả. Phim như một tập hợp hình ảnh minh họa lại những thứ chúng ta đã đọc trong sách vở, có điều vì là phim nên sinh động hơn. Khán giả có thể khóc, có thể cười với những chi tiết trong phim, nhưng về tổng thể bộ phim không đủ sức mạnh để khiến khán giả phải nhớ về nó.

Những người viết huyền thoại cũng ở trong tình trạng như vậy. Ý đồ của đạo diễn là khắc họa chân dung những con người đã cùng hoàn thành đường ống dẫn dầu dài 5.000 km xuyên Trường Sơn trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1968-1969). Và phim cứ bị phân tán giữa việc khắc họa chân dung tập thể, hay số phận từng con người. Việc làm đường ống dẫn dầu, nhiệm vụ quan trọng nhất của phim cũng không được dành thời lượng thích đáng. Phim này đoạt giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 18, nhưng tới giải Cánh diều nó chỉ được trao một giải đặc biệt đề tài phim chiến tranh cách mạng. Trưởng BGK Cánh diều, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn thẳng thắn nhận xét: “Bếp núc phim còn nhiều lủng củng, đạo diễn cần hoàn thiện thêm về tay nghề”.

Trong điều kiện làm phim ở Việt Nam, ở mức độ nào đó vẫn phải thông cảm với những người làm phim chiến tranh. Khán giả muốn phim thật như Hollywood, nhưng có nghe các đạo diễn nói mới hiểu ta có những khó khăn đặc thù. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết riêng việc vận chuyển những đường ống dẫn dầu lên để quay cũng đã là cả một kì công; hay việc phá nguyên cây cầu cho xứng với hiệu quả bom đạn trong Những người viết huyền thoại là việc không thể làm với điều kiện kinh phí có hạn.

Đạo diễn Thanh Vân khi làm xong Sống cùng lịch sử đã nói: "Chúng tôi luôn ý thức rằng, với số tiền này ở Việt Nam cứ ham làm hoành tráng dễ đi vào ngõ cụt, phải tìm con đường đi phù hợp vừa tầm vóc, suy nghĩ, khả năng, mặt bằng kinh tế xã hội".

3. Chiến tranh tại Việt Nam là một kho tư liệu cực kỳ đồ sộ, có vô vàn chất liệu cho những bộ phim hay. Trong hoàn cảnh khó khăn, thế hệ đi trước đã làm ra những bộ phim chiến tranh xúc động lòng người. Giờ công nghệ điện ảnh đã hiện đại hơn, lẽ nào ta lại chịu bó tay? Cho đến giờ khán giả vẫn đang chờ đợi những bộ phim chiến tranh thực sự xứng với tầm vóc của lịch sử.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm