Nhạc sĩ Quốc Bảo: "Tôi đã chết đâu!"

08/06/2012 10:01 GMT+7 | Âm nhạc

Cay đắng hay ngọt ngào với tôi đều có ý nghĩa như nhau, đáng quý như nhau. Trải nghiệm nào cũng tốt cả!

Xuất hiện đột ngột vào "giai đoạn vàng" của nhạc Việt - Quốc Bảo ngoài sáng tác còn được đánh giá cao với vai trò nhà sản xuất. Quốc Bảo gặp hạn, một cú vấp với dư luận. Mất vài năm để mùa quả đắng đi qua, mùa quả ngọt lâu lắm vẫn chưa về với anh.

 



Đã loại bỏ gần hết định kiến

* Thưa, sau rất nhiều năm chúng ta không nói chuyện với nhau, không rõ thời điểm này anh có còn là một nhạc sĩ tài năng, kiêu hãnh và nhiều định kiến như trước kia tôi từng nghĩ về anh không?

- Tôi của ngày hôm nay không còn trẻ nữa, tức là đã đến cái tuổi bằng lòng với cuộc đời mình, với cả những món quà ngọt hay đắng mà đời cho mình. Tôi không chắc là liệu “biết đủ” có phải cũng là một kiểu kiêu hãnh hay không, nhưng tôi thấy hài lòng, nhẹ nhõm. Hẳn là tôi đã loại bỏ được gần hết định kiến và hẳn là tôi cũng ý thức được cái tài hữu hạn của mình.

Vâng, vô cùng hữu hạn, nên dùng vào việc gì, nên tập trung vào đâu và gạt ra ngoài những gì. Nhưng tôi không thay đổi theo hướng trở thành người khác. Phẩm chất lớn, mà cũng có thể là nhược điểm lớn trong tính cách tôi, là nhất quán. Không thỏa hiệp, không biến chất.

* Thuở ấy, tôi yêu từng ca khúc của anh và chờ nghe từng tiếng lòng của anh trong ca khúc. Có cảm giác nó chất chứa nhiều thời gian hơn những tác phẩm mới gần đây của anh?

- Từ khi khởi sự sáng tác, tôi đã có ý thức rèn luyện bản thân để thành người chuyên nghiệp. Không vội vã, không cẩu thả, nhưng phải đều đặn và hiệu quả. Không nhất thiết phải vắt óc vật vã mà viết thì mới là viết hay, còn nhàn nhã thì là dở. Vả lại, hai mươi năm viết, dù muốn dù không tôi vẫn phải trải qua nhiều phong cách. Ở mỗi phong cách, dẫu viết ít viết nhiều, tôi vẫn phải rất tập trung và rèn luyện kỹ năng đúng mức.

Như thuở 2002-2003, viết dance cho Ngô Thanh Vân, tôi chỉ "ghé ngang" qua dance music thôi chứ đâu có ăn đời ở kiếp, mà cũng phải chăm chỉ học, phải tập DJ-ing, phải hiểu rõ ngọn nguồn. Viết gothic cho Thủy Tiên, cũng chuyên cần học mới làm được. R&B hay dân ca mới cũng vậy, phải nghiên cứu tiếng Mỹ da màu, hơi thở và tình tự của dân ca, phải làm rất nhiều bài tập do mình tự đặt ra. Mà thực ra, dance music và gothic còn gần gũi với tôi, hợp tôi hơn, vì nó là văn hóa Âu châu. Chứ tôi dở lắm lắm và có phần nào dị ứng văn hóa Mỹ, nên động vào R&B và jazz là sợ xanh mắt.

Mỗi trải nghiệm phong cách đối với tôi là một "cơn" lao động mới, cật lực, gian khó. Chẳng có điều gì từ trên trời rơi xuống cả. Tôi thuộc về mẫu lao động miệt mài, không dừng được, một chứng nghiện làm việc, nghiện học.

* Cái riêng nhất trong âm nhạc của anh, hóa ra lại là... ngôn từ nhỉ? Bởi đúng như anh nói, anh viết nhiều thể loại nhưng thể loại nào nghe ca từ cũng nhận ra Quốc Bảo. Anh chú tâm vào việc tạo nét riêng đó hay bản năng đã thế?

- Ai hoạt động nghệ thuật cũng có chút ít chủ định trong việc tạo dấu ấn riêng, "chữ ký" riêng. Nhạc đại chúng Việt vốn không phân dòng một cách lý tính, rạch ròi, cứ trộn vào nhau hết trong một rổ gọi là nhạc pop. Thế nên, mọi ý muốn cá nhân hóa, đặc biệt hóa giai điệu hay hòa âm, có thể sẽ thất bại cả. Lối đi khả dĩ nhất, mà lại đúng sức tôi nhất, là làm mới về ca từ. Đây cũng là một thử thách, nhưng tôi vượt qua được.

* Câu chuyện ca từ của anh, tôi biết nhiều người đã thắc mắc, phân tích. Nhiều người nói nó khó hiểu, nhiều người nói anh học Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương... Còn chính anh thì tự nhận, nó được gạn nhiều từ thơ. Vậy theo anh, giá trị của ngôn ngữ trong âm nhạc của anh là gì?

- Ta cứ tuần tự nói từng chuyện nhé. trước hết, về ca từ: Tôi có thể đoán chắc không ai học anh Sơn được, vì anh Sơn là dạng tài năng thiên bẩm, hơn nữa hệ thống ca từ của anh Sơn chỉ "ăn" với giai điệu của chính anh thôi, không thể "vận dụng linh hoạt" mọi tình huống được. Còn anh Lộc (Lê Uyên Phương) thì tôi quý trọng đôi song ca đó, cảm động trước mối tình của họ, đời sống nghệ sĩ của họ, yêu thích một số tình khúc của họ, chứ có cơ sở gì để chứng minh tôi "học" cách viết lời từ anh Lộc?

Tiếp đến là các thành tố âm nhạc khác, như cấu trúc, hòa âm, giai điệu: đấy chính là thứ tự tôi xếp theo mức độ quan trọng nhất, quan trọng nhì. Vâng, cấu trúc là điều tiên quyết, phải cân đối rõ ràng. Hòa âm phải khớp vào cấu trúc ấy. Rồi mới đến giai điệu (dựa trên nền hòa âm mà viết, phù hợp với từng thể loại nhạc). Tôi làm nhạc trước, viết lời sau. Niềm vui lớn nhất của tôi xảy ra vào lúc tôi hoàn thành phần nhạc, vậy nếu nhạc mà lôi thôi thì làm sao tôi viết được lời? Tóm lại, khó mà nói rằng tôi câu nệ lời hơn hay coi trọng nhạc hơn, nhất là khi bạn biết các sáng tác đầu tay của tôi là tiểu khúc dành cho guitar độc tấu, song tấu, chứ không phải ca khúc.     

Giờ đến việc tôi "học" cách dùng chữ ở đâu. Vâng, phần nhiều trong thi ca Việt. Rất nhiều từ “Kiều”, từ di sản ngôn ngữ thế hệ cha anh tôi để lại.

* Âm nhạc như thế, ngôn ngữ như thế..., vậy người nghe nhạc anh chắc cũng bị thách thức lắm nhỉ?

- Ca khúc là để nghe đi nghe lại (tôi là người lạc quan nên luôn nghĩ đến tình huống may mắn), tôi chủ trương không làm bản thu âm nào dài quá 3 phút rưỡi, không hát lặp lại nhiều lần vì người nghe vẫn có thể bấm tua lại hoặc nghe vào lúc khác. Chẳng riêng gì nghệ thuật, ngay cái cây cái lá, bạn vẫn thấy nó khác biệt khi nhìn nó ở thời điểm khác, góc độ khác kia mà!


Tôi thuộc loại… linh tinh

- Người ta yêu nhạc của anh, phần lớn là qua Trần Thu Hà và sau Hà, hình như chưa có thêm ai để chúng tôi có thể yêu thêm lần nữa. Điều gì - những người hát đẹp đã qua đi hay những nốt nhạc đẹp đã không ở lại?

Nhạc đại chúng như nước triều, lên lên xuống xuống; cảm xúc người nghe còn chập chờn hơn. Hay nói cách khác, thời vàng của những bản tình ca đẹp đẽ đã qua. Cũng chẳng sao cả!

* Nhắc lại thời "vàng son", thấy sự kiêu hãnh của anh vẫn còn. Tôi vẫn đọc những dòng viết xưng "Tôi" của anh. Nhưng "Tôi" giờ đây quan tâm nhiều quá: văn chương, nhiếp ảnh, thi ca, và cả người đẹp nữa... Vẻ như với "Tôi" - Âm nhạc giờ không còn là lựa chọn duy nhất?

- "Tôi" đây không có gì chung với lòng kiêu hãnh. "Tôi" chỉ là sự phân biệt một cách hình thức những gì là trải nghiệm của riêng tôi, của đời sống tôi, của thế hệ tôi, của Sài Gòn, với những gì "của chung", theo nhịp thời đại. Nói đơn giản là "tôi" đồng nghĩa với chủ quan và... cổ hủ. Tôi có nhiều mối quan tâm trong đời, và âm nhạc, suy cho cùng, là cái tôi có thể làm ra được không khó khăn mấy. Có những thứ đẹp đẽ khác mà tôi muốn làm, và phải dành thì giờ cho nó.

* “Cổ hủ”, công nhận! Tôi thấy anh nhiều hoài niệm quá, về một Sài Gòn của riêng anh nay đã khác. Một mặt, tôi lại thấy anh thích công nghệ thích những thứ mới mẻ. Tại sao có sự tồn tại của một người mê cái mới bên cạnh những hoài niệm mà thừa biết, thời thế thay đổi, đến xã hội rồi cũng sẽ khác cơ mà?

Sài Gòn thực ra chẳng của riêng tôi, thành phố này thuộc về những ai yêu nó. Thế hệ tôi có chút gì đó để được gọi là thế hệ mất mát (lost generation) hay không thì tôi không dám chắc, nhưng hẳn là có những thứ đã mất mà tôi cảm thấy tiếc nhiều. Đời sống thị dân bình lặng, văn hóa nền của người dân rất vững, tình người đậm đà. Tôi cũng đang sống đời sống của ngày hôm nay, và yêu các thành tựu công nghệ theo kiểu của tôi, xuất phát từ việc yêu cái mặt thẩm mỹ trong các sản phẩm công nghệ, yêu cái vẻ đẹp lịch sử của các máy ảnh tôi sưu tập, ví dụ vậy. Vâng, thời thế đã khác, xã hội khác đi, nhưng cũng chẳng mâu thuẫn gì với việc gìn giữ một hệ thẩm mỹ và cảm xúc riêng của mình. Theo cách lý luận của bạn, chẳng lẽ ta có thể nói: tiếng Việt thay đổi rồi, đọc Kiều làm gì?

* Nhạc của anh bảng lảng của rất nhiều phong vị Sài Gòn những năm 1970. Anh có phủ nhận điều đó không?

- Đứng về mặt nhạc học, phân tích thấu đáo, thì tôi nghĩ Tuấn Khanh mới là người gìn giữ được phong vị ca khúc Sài Gòn xưa. Tôi thuộc loại linh tinh.

* Anh không thích làm con người đương đại à? Khi làm nhà sản xuất thì anh đi tìm cái mới, nhưng khi viết lại cố đưa "Tôi" về những vùng trời xưa sao?

- Ký ức không mờ đi theo ý muốn, nó có lý lẽ và cách thức của riêng nó. Vả lại, hồi nhớ một thời bình yên để sống đời hiện tại cho tử tế, đừng lôm côm xu thời, theo tôi là một thái độ sống tốt.

* Anh có ám ảnh nào về âm nhạc, thuở “xinh - trầm – ngoan” đầy ngọt ngào ấu thơ và những hoài vọng hoa niên?

- Tôi có nhiều điều chưa nói được, chưa làm được cho Sài Gòn của tôi. Chưa viết đủ về Sài Gòn và về nhiều cuộc đời rất đặc biệt của thế hệ tôi từng gắn liền với thành phố này. Còn thì tôi chẳng có ám ảnh đặc biệt nào về âm nhạc!

* Sự mềm mại, mướt mát và êm đềm ngày xưa trong âm nhạc của anh đâu rồi? Vì đời sống của anh không còn những trong lành hay thời gian đã làm đầy tràn những trải nghiệm?

- Tôi đã trả lời từ đầu: Không thể cứ viết mãi một kiểu, nói mãi một lối. Cũng chẳng phải tươi hơn hớn là hạnh phúc và trầm tư là bất hạnh đâu! Có nhiều câu chuyện để kể, và nhiều cách kể.

* Liệu có phải những biến cố đời sống, biến cố nghề nghiệp làm anh trở nên đắng hơn và xù xì hơn?

- Không. Cay đắng hay ngọt ngào với tôi đều có ý nghĩa như nhau, đáng quý như nhau. Trải nghiệm nào cũng tốt cả!

* Nhưng nếu thứ âm nhạc mềm mại xưa kia ăn khách, làm đĩa Quốc Bảo bán chạy như tôm tươi, anh có quay trở lại?

- Tất nhiên là không!



Tôi không câu nệ chuyện “dán nhãn” mình

* Một thời "hit maker" của anh đâu rồi? Có khi nào anh tự hỏi, vì sao những bài hát của mình hiện giờ lại lặng lẽ đến vậy?

- Ủa thế giờ thì bài hát nào là "hit"? Bạn có thuộc không? Những bài hát mới của tôi thường là phục vụ cho một dự án cụ thể, ý nghĩa và đời sống của chúng khác hẳn xưa rồi!

* Dường như tôi có cảm giác âm nhạc tái sinh anh, rồi lại vùi anh xuống “huyệt mộ”?

- Tôi đã chết đâu! Nhạc, văn chương, nhiếp ảnh, hội họa, là những "phương tiện thiện xảo" để đạt đến hạnh phúc mà!

* "Phương tiện thiện xảo" là thế nào?

- À, xin lỗi, đây là một khái niệm Phật học! Hiểu theo cách đơn giản nhất, đó là các cách thức hay công cụ để đạt đến giác ngộ. Tôi mê nhiều thứ và không câu nệ chuyện “dán nhãn” mình, à nhạc sĩ thì thế này chứ không được thế kia…

* Anh viết những tiểu luận tạp văn rất sắc sảo. Nhưng sao không phải là một bút danh nào khác đi chứ đôi khi người ta cứ bảo anh làm nghệ thuật, rồi làm phản biện kiểu "Vừa đá bóng vừa thổi còi". Giống như Lê Hoàng, anh cũng là người bị yêu nhiều và cũng bị ghét nhiều... chỉ bởi bọn anh nói ngoa và nói hay.

- Tôi lại phải xin lỗi bạn một lần nữa, ấy là tôi không có gì chung, hay là giống, dù chủ quan hay khách quan, với anh Lê Hoàng. Còn chuyện "người ta nói", sao cứ phải chăm chăm quan tâm đến người ta làm gì. Tôi muốn ký tên gì là chuyện của tôi mà!

* Thời anh làm âm nhạc, người ta không nhắc nhiều đến những tham vọng sáng tạo, chỉ có khát vọng được làm âm nhạc?

- Thuở xưa người ta cố gắng hơn, chăm chỉ hơn, ngây thơ hơn.

 *  Xin hỏi: "tham vọng" và "khát vọng" đối với anh cụ thể là cái gì, nhất là trong âm nhạc?

- Tôi không có tham vọng gì, trong âm nhạc cũng như trong đời sống cá nhân. Còn khát vọng thuở xưa, là được làm việc, hết mình, được sử dụng cho tận cùng vốn liếng tinh thần mà mình có.


Đừng bóng gió, tôi không hiểu đâu!

* Tôi còn nhớ, ai đó đùa anh giống như ông hàng xén, phấn hương, gấm vóc lụa là và những thứ thướt tha... đều có đủ? Sau mùa quả đắng, ông lái xưa giờ bán hàng gì?

- Tôi chả bao giờ để ý những lời đùa nhả. Tôi dân Sài Gòn, vốn không hiểu hay là không muốn hiểu những lời bóng gió.

* Thì người ta cũng chỉ nhận xét... vui vui về âm nhạc của anh thôi mà. Nhưng có một thắc mắc không liên quan nhé! Một người rất thân với anh tiết lộ, anh là người cực kỳ giỏi "tự hoàn thiện" bản thân. Cái gì anh thích, anh sẽ học sâu cho bằng biết, thật sành điệu để khẳng định sự sâu sắc của mình. Có đúng không?

- Học để tự hoàn thiện là "khát vọng" của những người dốt, như tôi. Lãnh vực nào tôi cũng muốn tìm hiểu, nói cho kỳ cùng là để thỏa mãn cái sự ham hiểu biết của mình thôi. Người hoàn thiện bẩm sinh rồi thì cần gì học. Và cũng có ai sành điệu mà lại đồng thời sâu sắc đâu?

* Đó có phải là cách mà tất cả những người muốn làm việc gì đó, nên học hỏi anh?

- Tôi nói nhiều lần về nguyên tắc “Mười nghìn giờ luyện tập” rồi, tưởng không cần nhắc lại ở đây. Không có con đường tắt nào cả!

* Chẳng hạn về máy ảnh Leica, hay về nước hoa... hai thứ chẳng liên quan gì đến "nhạc sĩ Quốc Bảo", nhưng luôn được anh tìm tòi, anh viết và nói rất sâu... Anh thích và đến với những thứ đó vì sở thích hay là vì nó rất phù phiếm - điển hình lối sống thị dân mà anh chuộng?

- Leica không phù phiếm và mùi hương thì càng không. Tôi không ngại đi bênh vực cho chúng. Còn tôi thích là vì tôi thích, hoàn toàn cá nhân.

* Khối người không thích "thị dân Quốc Bảo" suốt ngày nói chuyện đi làm móng tay, đi spa, hoặc ngồi đọc tiểu thuyết tiếng Anh và uống espresso hàng ngày đấy!

- Hà hà, cái chuyện người ta thích hay không thích này hoàn toàn chả ảnh hưởng gì đến hương vị espresso tôi uống hay cái hay của cuốn sách tôi đọc.

* Lối sống đó có ích cho công việc hay đời sống của anh?

- Cái gì tôi làm và duy trì thì tất nhiên phải có ích cho đời sống của tôi, cả về tinh thần lẫn thể chất.


Sao cứ phải “cố tỏ ra nguy hiểm”?

* Tôi nhìn thấy những cuộc kiếm tìm giọng ca tri âm của anh từ Hòa Trần, Mai Khôi, Tóc Tiên đến Hoàng Anh, Nguyên Hà... Kết quả của những lần đến rồi đi ấy thế nào?

- Bạn nhầm đấy, tôi chưa hề tìm kiếm bất kỳ giọng ca nào. Tôi làm được điều gì tốt cho người khác, thì làm!

* Anh có biết năm nay cũng còn một cuộc tái hồi nữa chứ, Hà Trần và Đỗ Bảo?

- Vậy à? Vui chứ! tôi muốn thông qua bạn, gửi lời chúc mừng cả hai người.

* Hà Trần luôn coi cô ấy có hai cộng sự đặc biệt, hai mặt của âm nhạc cùng tên Bảo: Quốc Bảo và Đỗ Bảo. Còn nhớ, chính anh khi đứng vai trò nhà báo âm nhạc, đã có những nhận xét gây mất lòng “Bảo kia". Đến giờ, anh có còn dõi theo một nhạc sĩ vừa gần vừa xa như Đỗ Bảo nữa không, nhất là khi anh ấy quay lại với Trần Thu Hà?

- Chẳng có gì là vừa gần vừa xa. Đỗ Bảo là một nhân cách đáng quý, và có tài. Tôi đâu có thì giờ dõi theo những ai không đáng quý, bất tài.

* Còn anh, tại sao không phải là Hà Trần mà lại là cuộc tái hồi với Mỹ Tâm?

- Tôi làm việc theo dự án, không có khơi khơi làm chơi. Dự án Mỹ Tâm đã định ra từ hai năm trước, giờ là lúc phải hoàn tất.

* Bắt đầu từ Mỹ Tâm hay từ anh?

- Từ cả hai, nói cho chính xác, và rất tự nhiên. Kiểu thế này: Anh, anh em mình phải làm cái gì đó đi! Ừ, làm album chơi! Yes, anh viết hết cho bé nhé! Ừ, anh nghĩ ra cái gì là lạ vui vui thì sẽ email cho bé.

* Vậy là một dự án được đặt hàng. Tôi thấy anh khoe 1 tuần viết được 4 bài mới cho Tâm. Khiếp, làm gì mà anh viết như lấy nhạc từ trong túi ra thế?

- Chẳng phải là điều gì "gay cấn" (chữ của Bùi Giáng) cả! Tôi nghĩ chậm nhưng khi chín rồi thì viết ra rất nhanh…

* Tôi vẫn cứ thấy Mỹ Tâm đang thiếu một chiều sâu nào đó cho con đường của mình trong khoảng 10 năm qua - từ lúc anh làm "Hai mươi" đến giờ?

- Không, tôi thấy nên để mọi chuyện diễn ra tự nhiên hơn là cố "tỏ ra nguy hiểm", gồng lên chứng tỏ mình mạnh mình giỏi. Tâm đã định hình rồi, là chính cô ấy, không sao chép ai, không cố trở thành người khác. Ta còn muốn gì hơn?

 * Anh có nắn chỉnh gì cô ấy không?

- Quá trình định hình phong cách của Tâm, cũng như đường hướng sự nghiệp cô ấy, là hoàn toàn do cô ấy quyết định, và đã thành công. Tôi, hay bất kỳ nhà sản xuất nào, cũng chẳng dại gì thay đổi Tâm, vì đổi khác nghĩa là làm biến dạng. Tôi làm điều gì tôi thấy vui, hợp lý.

* Dường như những nàng thơ trong sáng tác của anh chưa bao giờ là những giọng ca, mà là những giai nhân trong đời sống khác của anh? Và bởi thế, người hát đến với anh chứ chưa hẳn anh sẽ chờ và tìm đến người hát?

- Cũng có thể đúng phần nào đó. Căn bản là vì tôi coi trọng việc viết ra được cái gì hơn là viết cho ai. Muốn viết được, thì ngoài chuyện kỹ thuật và kỷ luật như ta đã trò chuyện ở trên, còn có yếu tố cảm hứng. Cảm hứng từ môi trường tôi sống, từ tình yêu. Còn trong các giọng hát, thì chỉ có hai người khiến tôi thực sự xúc động và có thể viết bao nhiêu bài cũng được, theo cách bạn gọi là "nàng thơ", là Trần Thu Hà và Nguyên Hà. Có lẽ giữa tôi và hai bạn ấy có chung một tần số nào đó, cảm nhận trùng nhau về một thông điệp nào đó. Thật đấy, thật khó giải thích bằng lời!  

* Không có Mỹ Tâm ư?

- Tôi viết cho Tâm không khó khăn. Còn rất vui nữa. Nhưng Tâm khác. Cũng như Mai Khôi, là trường hợp khác.

* Còn hai nhân vật: NTV Virus và Thủy Tiên, một người anh tự nhận đã dành tình cảm và một người tự nói về mối quan hệ tình cảm với anh? Xem ra, cả hai mối lương duyên không lâu dài này đều khẳng định một điều: Cứ làm nàng thơ, cứ có tình cảm lại càng không thể bền vững như những mối quan hệ đơn thuần là đồng nghiệp, cộng sinh?

- Việc này thì xin miễn bàn, nó nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi!

Thích hoa thì cứ trồng hoa, sao phải quan tâm tới cỏ!

* Anh sống bằng nghề gì: viết báo hay làm âm nhạc?

- Tôi vẫn nuôi thân và nuôi gia đình bằng âm nhạc.

*  Anh viết nhiều thế, sao không ngại rằng sự tò mò và chờ đợi con người âm nhạc Quốc Bảo cứ loãng đi...

- Tôi viết cho Sài Gòn của tôi. Sài Gòn đáng để vinh danh hơn là "con người âm nhạc" cá nhân tôi. Và tôi bán hết sách.

* Tôi chẳng hiểu vì sao anh lại nhận lời làm Giám khảo - cái nghề chấm thí sinh nhưng thiên hạ lại chấm mình như thế?

- Tôi nhận lời sau khi đã thỏa thuận được với ban tổ chức là được quyền nói hoặc không nói tùy thích, và tôi chỉ làm những gì tôi thấy cần làm. Đặc biệt là tôi thấy quý các bạn thí sinh, mặc dù hồi đầu, lúc họp báo, tôi chẳng biết ai vào với ai. Còn những chuyện râu ria của dư luận nghiệp dư, tôi vốn dĩ đâu có quan tâm!

Chúng ta thường đánh đồng hai khái niệm "dư luận" với "công chúng". Thực ra khác nhau xa. Tôi tôn trọng công chúng, một nhóm công chúng cụ thể, gần gũi, có xương có thịt, mà tôi hãnh diện xếp vào hàng công chúng của tôi. Tôi giao lưu với họ, biết họ cần gì thích gì. Còn "dư luận" hay "thiên hạ" chung chung, vô thưởng vô phạt thì giống như cỏ mọc tự nhiên. Thôi ta thích hoa thì cứ trồng hoa, không nên lấy việc có cỏ làm điều phiền muộn.

* Những cuộc chơi ở truyền hình nước nhà, tôi có cảm giác tất cả chúng ta đều đang diễn một vở kịch lớn. Giám khảo nói thoại của những kẻ nắm quyền sinh sát, thí sinh thuộc thoại của những vai bi, dư luận hùng hồn phần thoại của những người hùng? Một vở diễn kinh điển. Và vai diễn của anh thất bại, anh Bảo ạ!

- Như đã nói, tôi không diễn vở, mà tuân thủ đúng hợp đồng giữa tôi với nhà tổ chức. Tôi mà nhảm nhí ngớ ngẩn, rất có thể mẹ tôi không mở cửa cho tôi vào nhà, con tôi thấy tôi quay mặt đi và người yêu tôi xấu hổ. Tôi làm gì cũng vì những người thân của mình trước.

*  Nửa năm nữa trôi qua rồi, vậy kỳ vọng nào cho nửa năm còn lại?

- Một cuốn sách mỏng, một album riêng, ba album làm cho Đồng Lan, Mỹ Tâm và Hoàng Anh, vài dự án riêng về nhiếp ảnh...

* Tôi muốn anh nói kỹ hơn về album riêng, thứ mà tôi tin là tôi luôn nhìn thấy Quốc Bảo rõ nhất?

- Một giọng ca duy nhất: Nguyên Hà, người mà lúc nãy tôi vừa bảo: có thể viết bao nhiêu bài cũng được. Chuyện này hóa ra lại gây họa: Cứ viết nữa viết mãi, làm bao nhiêu cũng chưa thỏa, chưa thấy đủ. Thành thử, từ bài hát đầu tiên viết cho Hà, "Địa đàng" hồi cuối năm 2010, đến giờ tôi mới xong đĩa, tức là ngăn mình đừng viết tiếp nữa, bỏ đi các bản thu chưa thích, để hoàn tất. Tôi đặt nhan đề đĩa là “Địa đàng”, toàn tình khúc, và phần lớn, tươi hơn hớn như ý thích của bạn.

* Tôi thấy anh cũng rất lạ. Luôn đưa ra cho mọi người biết trước những kế hoạch của mình? Anh thích khoe hay anh muốn mọi người tạo động lực để thúc đẩy anh hoàn tất kế hoạch?

- Các dự án của tôi cho dù là cá nhân đi nữa, không chỉ mình tôi làm. Cần đưa ra những thông tin chính xác và trung thực về dự án để những người trong nhóm có động lực thực hiện. Riêng tôi thì nghĩ, mình làm điều đàng hoàng thì có gì phải giấu.

* Anh không thích "lần nào đến cũng mang theo bí mật" à?

- Nói chung tôi không thích và không biết cách tỏ ra bí ẩn.

* Cả những mảng đời riêng tư nữa! Nhiều blog cá nhân, nhiều trang mạng xã hội kết nối cũng được anh tham gia nhiệt tình. Cả những dòng nhật ký viết vội cũng được anh ghi lại và phơi lộ. Anh không giữ lại gì cho riêng mình sao?

- Đó chỉ là một phần nhỏ trong thế giới của tôi thôi! Phần ngầm, chẳng ai động vào được, chẳng ai chia sẻ được đâu, đừng lo!

Theo Đẹp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm