Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Ly Hương: Tất cả đang còn ở phía trước

18/11/2014 16:07 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - 24 tuổi và có trong tay gần như tất cả những gì mà một nghệ sĩ trẻ mơ ước: Tài năng, danh tiếng, biểu diễn chuyên ngiệp, được đào tạo thêm tại nước ngoài… nhưng nghệ sĩ sáo flute Nguyễn Ly Hương vẫn cho rằng mọi thứ vẫn còn ở phía trước.

Ngày 18/11 tới, tại Nhà hát TP.HCM cô sẽ là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất được mời biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng danh tiếng đến từ Nhà hát giao hưởng vũ kịch London (Anh), Convent Garden tại chương trình Toyota Classics 2014.

* Một năm trước, cái tên Nguyễn Ly Hương cũng gây sửng sốt với  giới chuyên môn khi  giành giải Nhất tại cuộc thi quốc tế cho các nghệ sĩ sáo lần thứ 1 tại Nam Ninh, Trung Quốc. Mà lần ấy, có số liệu so sánh rằng, Trung Quốc có 1 triệu người theo học sáo flute và cử 78 thí sinh dự thi; trong khi Việt Nam chỉ có khoảng 70 người theo học bộ môn này, bạn là thí sinh duy nhất, lại chưa tốt nghiệp đại học. Bạn vẫn còn nhớ giây phút đó chứ?

 - Vâng, tôi luôn nhớ những giây phút đó khi Ban giám khảo gọi tên tôi và tôi đã khóc trên sân khấu vì quá sung sướng. Thật sự là đã có một giây để tôi định thần lại xem có đúng là tên mình được xướng lên hay không. Vì cuộc thi này phải cạnh tranh với các thí sinh rất giỏi, ngay cả cây sáo họ mang đi thi cũng là những cây sáo rất đắt tiền, rất nhiều người sử dụng cây sáo vàng mà cả Việt Nam đến nay chắc cũng chỉ có mấy cây như vậy. Đấy là một trong những giây phút tuyệt vời nhất của tôi.

* Cổ điển tại Việt Nam đã khá kén người nghe và bạn lại chọn một nhạc cụ còn kén hơn: Sáo flute. Có bao giờ bạn nghĩ mình sao không chọn piano hay violin đã tiếp cận công chúng rộng hơn?

- Cây sáo flute là nhạc cụ thứ 2 của tôi. Khi bắt đầu học nhạc tôi theo học đàn organ điện tử và đã thi đỗ nhạc viện cũng là bộ môn này. Nhưng các giáo sư bộ môn kèn đã nhìn thấy trong tôi có tố chất của người thổi sáo và đề nghị tôi thử học. Sau đó, càng học tôi càng yêu thích loại nhạc cụ này. Mặc dù đối với nữ thì không có nhiều thuận lợi trong việc học các loại kèn vì cần nhiều đến sức khỏe, cần trường hơi nhưng tôi rất yêu thích flute. Âm nhạc được yêu thích là do người chơi chứ chưa hẳn là vì nhạc cụ gì, tôi nghĩ vậy.

* Tôi đã được nghe bạn biểu diễn bài Nocturne op.9 no.2 của Chopin. Bạn thổi rất tuyệt. Và đến lúc đó tôi tự hỏi, liệu cô gái xinh đẹp này sẽ theo đuổi bộ môn này đến hết đời hay sẽ có những cú lấn sân khác khi nhận những lời mời thỏa đáng, tất nhiên, không phải là thổi sáo…

- Hiện nay thì tôi chỉ có một hướng đi là hoàn thiện nốt những kỹ năng của mình. Âm nhạc cổ điển rất rộng lớn và để làm chủ được cây sáo, tôi cần thêm nhiều thời gian và sự tập trung. Hiện nay tôi muốn hoàn toàn chơi cổ điển. Có thể trong một giai đoạn nào đó   về sau này, tôi sẽ sử dụng một số thể loại pop, rock... làm nền để phát triển âm nhạc cổ điển dành cho các bạn trẻ, đương nhiên sẽ gắn liền với cây sáo flute. Nhưng nếu bước hẳn sang những lĩnh vực khác thì chắc chắn là không.

* Toyota Classics 2014  mời Nguyễn Ly Hương là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất tham dự đêm hòa nhạc đánh dấu 25 năm của thương hiệu này. Bạn có nghĩ rằng đây là cơ hội cho mình hay là cơ hội cho khán giả chưa từng biết đến mình?

- Tôi nghĩ là cả hai, đúng là cơ hội cho bản thân được biểu diễn trong những đêm hoà nhạc lớn, mang nhiều ý nghĩa nhưng cũng là cơ hội cho khán thính giả có thể biết thêm, hiểu thêm về nhạc cổ điển, biết thêm được các nghệ sĩ trẻ mà với tài năng của mình hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh. Và cả hai điều này sẽ giúp nền âm nhạc nước nhà có được những động lực mạnh mẽ để phát triển.

Với cá nhân tôi, được biểu diễn trong đêm nhạc Toyota Classic và cùng với một dàn nhạc tuyệt vời, là một vinh dự lớn. Tôi sẽ cống hiến hết sức mình để có thể đưa đến cho khán giả TP.HCM một tiết mục đặc sắc.

* Chương trình năm nay có một số thay đổi gây chú ý là sự xuất hiện của một số tác phẩm nhạc phim. Có vẻ như vì thế, hay nhờ thế, mà âm nhạc cổ điển đang được phổ thông hóa?

- Thực ra, trong âm nhạc có rất nhiều phong cách khác nhau, nhiều hướng phát triển khác nhau. Tại Việt Nam, nhạc giao hưởng đang bị âm nhạc thị trường lấn át, theo tôi việc tạo điều kiện cho đông đảo quần chúng được tiếp xúc, được lắng nghe nhạc giao hưởng là rất cần thiết. Trong chương trình lần này ngoài nhạc phim còn có các bản cổ điển của các nhạc sĩ W.Mozart, S.Rachmaninoff, J.Strauss. Sự kết hợp này sẽ tạo cho chương trình sự đa dạng về thể loại, phong phú về màu sắc âm nhạc và điều cốt lõi là sẽ đáp ứng được thị hiếu của đông đảo khán thính giả. Là dân cổ điển nhưng tôi cũng cảm thấy rất hứng thú với những kết hợp, giao thoa phong cách âm nhạc trong chương trình lần này.

* Trên thế giới không ít nghệ sĩ đã chọn con đường pop hóa cổ điển, cổ điển hóa pop, rock, jazz, có những nghệ sĩ như Jacques Loussier còn trở thành huyền thoại vì chơi jazz bằng nhạc của Bach. Ly Hương không chỉ tài năng mà còn rất trẻ và xinh đẹp khiến tôi tự hỏi:  Cô ấy có nên giam chân trên lối đi truyền thống,  rồi trở thành một giảng viên nhạc viện, hay sẽ trở thành một James Galway nữ, tìm một lối đi mới cho cổ điển đến với thị trường đại chúng?

- Thật sự trước mắt thì tôi vẫn phải học xong cao học và sau đó sẽ học thêm về chuyên ngành biểu diễn. Nhưng trong tương lai lâu dài có lẽ tôi sẽ trở thành một giảng viên nhạc viện. Tuy vậy, song song với việc giảng dạy tôi vẫn muốn trở thành một nghệ sĩ biểu diễn và sẽ cố gắng phát hành những sản phẩm âm nhạc gần gũi với giới trẻ. Tôi rất muốn chinh phục đối tượng ấy để họ sẽ thấy vẻ đẹp của cổ điển như thế nào. Việc trở thành một giảng viên và cũng là một người biểu diễn tôi nghĩ cả hai chẳng ảnh hưởng gì đến nhau cả. Thật ra tôi cũng là một người tham lam trong công việc và tôi thấy mình hoàn toàn có thể làm tốt cả hai con đường đó.

* Bạn thường nghe ai và muốn trở thành ai lúc này?

- Tôi vẫn luôn dành sự ưu tiên cho những tìm tòi về flute. Tôi hay nghe và học tập theo những bản nhạc được trình diễn bởi nghệ sĩ flute người Pháp Emmanuel Pahud, một người rất có tầm ảnh hưởng trong làng flute thế giới. Tôi ngưỡng mộ Pahud không chỉ vì tiếng sáo đẹp mượt mà mà kỹ thuật của anh rất điêu luyện, phong thái trình diễn trên sân khấu rất lôi cuốn. Đó là người nghệ sĩ có ảnh hưởng rất lớn với tôi.

* Bài học lớn nhất bạn học được từ sáo là gì?

- Kiên trì và nghị lực.

Nguyễn Ly Hương sinh năm 1990, bắt đầu học sáo từ năm 2000 và tốt nghiệp đại học với điểm số xuất sắc về chuyên ngành sáo năm 2014. Năm 2007 cô đoạt giải Nhất về hòa tấu kèn gỗ trong cuộc thi âm nhạc thính phòng toàn quốc “Mùa Thu” do Bộ VH, TT&DL tổ chức. Năm 2013 cô lại giành giải Nhất tại cuộc thi quốc tế cho các nghệ sĩ sáo lần thứ 1 tại Nam Ninh, Trung Quốc.

Với tư cách là nhạc công, từ năm 2006 đến nay, cô đã tham gia hơn một trăm buổi biểu diễn trong các chương trình giao hưởng của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc Nhà hát Nhạc Vũ kịch, Dàn nhạc giao hưởng Học viện Huế, các nhóm hòa tấu thính phòng, hòa tấu kèn… cùng với đó là những lời mời biểu diễn quốc tế cùng nhiều dàn nhạc nổi tiếng.

Cung Tuy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm