Một lần “thám hiểm” show-biz Việt Nam

25/12/2008 09:34 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Nhân vật của mục Gặp gỡ cuối tuần hôm nay là một người nước ngoài, bà Helle Rysholt. Hellee hiện là giám đốc nghệ thuật của Train, một câu lạc bộ âm nhạc lớn ở Đan Mạch, tổ chức khoảng 120 buổi biểu diễn mỗi năm. Lý do Helle có mặt tại TP.HCM là tham gia giảng dạy khóa đào tạo về quản lý và tổ chức sự kiện âm nhạc dành cho các đạo diễn và nhà tổ chức sự kiện âm nhạc tại Việt Nam do Đại sứ quán Đan Mạch, Nhạc viện TP.HCM và Học viện Âm nhạc Hoàng gia Aarhus phối hợp tổ chức. Trong thời gian lưu lại TP.HCM, bà đã tham dự một số sự kiện âm nhạc diễn ra tại đây cùng với các học viên của mình để được tận mắt chứng kiến, đồng thời giúp học viên phân tích bài học dựa trên những ví dụ cụ thể. Và vì thế, chúng tôi có rất nhiều chuyện để nói trước khi Helle Rysholt kết thúc khóa giảng dạy và chuẩn bị về nước.

Nhiều điều làm tôi ngạc nhiên…

* Đầu tiên, xin hỏi đây là lần thứ mấy bà đến Việt Nam?

- Lần đầu tiên.

* Vậy bà đã có những hình dung gì về Việt Nam nói chung và công việc tổ chức biểu diễn âm nhạc ở Việt Nam nói riêng trước khi tham gia giảng dạy tại khóa đào tạo này?

- Tôi hoàn toàn không biết về Việt Nam cũng như việc tổ chức biểu diễn ở Việt Nam trước khi đến đây, tôi đã tìm thông tin về tổ chức biểu diễn của nước bạn trên internet nhưng không thấy. (Nhân tiện, nếu bạn biết website nào như thế thì giới thiệu cho tôi nhé.) Tuy nhiên, trước đây tôi từng sống một năm ở Thái Lan, đất nước láng giềng của các bạn, nên tôi hình dung Việt Nam có một nền văn hóa gần như Thái Lan. Mặt khác, qua internet hay các cuốn sách về du lịch, tôi cũng thấy rằng cơ chế hình thành văn hóa của nước bạn có gì đó gần với Thái. Nhưng dù vậy, trong hai tuần ở Việt Nam, đi xem một số chương trình biểu diễn, nói chuyện với những học viên đang làm công việc tổ chức biểu diễn, tôi đã rất ngạc nhiên.
 
Bà Helle Rysholt
 
Điều gây ngạc nhiên đầu tiên với tôi là chuyện bán vé, những chương trình tôi đã xem (Vietnam Idol và lễ trao giải Làn sóng xanh) vé đều được phân phối miễn phí bởi chính nhà tài trợ. Ở Đan Mạch nước tôi, bạn phải mua vé nếu muốn xem buổi diễn. Ví dụ tại Train, nơi tổ chức 120 show diễn mỗi năm, chúng tôi tồn tại nhờ việc bán vé (và trợ cấp từ Bộ Văn hóa).
 
Điều thứ hai, gọi là chương trình sống nhưng ca sĩ lại hát bằng nhạc playback, có người còn hát nhép. Tôi nghĩ rằng người ta đến xem các buổi biểu diễn sống để cảm nhận sự khác biệt giữa việc xem ca sĩ biểu diễn thật trên sân khấu so với việc nghe CD hoặc xem DVD. Một điều nữa, qua cách mà các nghệ sĩ biểu diễn, tôi thấy rất khó tìm ra tính truyền thống trong âm nhạc truyền thống của các bạn. Có lẽ vì họ hát nhạc truyền thống theo kiểu hát nhạc pop, lồng nhạc hiện đại vào nhạc cổ truyền chăng ? Đáng tiếc nhất là tôi không thể tìm được những thông tin như opera có mặt ở Việt Nam từ bao giờ, nghệ sĩ Việt Nam có thể chơi được bao nhiêu loại nhạc cụ hiện có trên thế giới hay những thông tin về nhạc dân tộc của các bạn.v.v. trên internet, tôi cũng không thể tìm được nhà hát nào chuyên biểu diễn nhạc dân tộc cho khách du lịch ở TP.HCM.

* Vietnam Idol và chương trình trao giải thưởng Làn sóng xanh là hai sự kiện âm nhạc được nhiều người quan tâm ở Việt Nam. Bà có thể cho biết nhận xét cụ thể của mình về cách tổ chức 2 chương trình này được không ?

- Với Vietnam Idol, đây là một chương trình có quy mô lớn và đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới nên tôi không có ý kiến gì về cách thức tổ chức của các bạn. Tuy nhiên, nếu biết cách “bơm” chất Việt Nam vào, chương trình của các bạn sẽ nổi bật. Với lễ trao giải thưởng Làn sóng xanh, tôi thấy rằng tổ chức chương trình như vậy là chuyên nghiệp, các ca sĩ tuy còn hát playback nhưng đã biểu diễn khá tốt, họ còn đi xuống dưới khán đài để giao lưu với khán giả. Tôi rất thích phần biểu diễn của ca sĩ Hồ Ngọc Hà trong chương trình này, tôi đánh giá cao khả năng của cô ấy.

Hồ Ngọc Hà và tiết mục biểu diễn hấp dẫn tại lễ trao giải Làn sóng xanh
Ngoài ra, theo kế hoạch giảng dạy của khoá học, tôi cùng các học viên của mình có đến quán cà phê Piano của nghệ sĩ Bích Hồng để thực hiện một bài thực hành, tôi thấy rằng đây là mô hình biểu diễn ca nhạc rất hay ở nước bạn. Nó làm cho những người phương Tây như chúng tôi rất chú ý. Không cần phải có những nhà hát opera vĩ đại các bạn mới có thể phát triển được nền âm nhạc của mình, chỉ cần những mô hình như thế thôi. Các bạn hoàn toàn có thể thu được tiền, tức là hướng đến mục đích thương mại, với mô hình biểu diễn ca nhạc này. Và tôi đã gặp những mô hình như vậy ở Thái Lan. Người Thái tạo ra những sân chơi riêng cho từng tầng lớp, nhóm người trong cộng đồng. Thế nhưng, đáng tiếc, một nơi hay như thế lại ít được quảng cáo, điều này khiến cho khách du lịch không biết đến.

Tài trợ phải chạy theo người tổ chức biểu diễn chứ không phải ngược lại

* Mỗi năm CLB của bà tổ chức tới 120 sự kiện âm nhạc, xin bà cho biết thời gian để chuẩn bị cho mỗi một sự kiện là bao lâu?

- Mỗi sự kiện cần từ một đến một năm rưỡi để chuẩn bị từ khâu xây dựng ý tưởng đầu tiên đến khi công diễn. Trong nửa năm đầu, ê-kíp của chúng tôi chỉ có 3 người, 3 người này sẽ xây dựng ý tưởng, làm công tác tổ chức, truyền thông đến thiết kế sân khấu. Tất cả mọi việc được hoàn tất trước khi buổi công diễn diễn ra khoảng từ 1 - 2 tháng.

* Lúc nãy bà có nói đến việc tài trợ trong các chương trình ở Việt Nam, bà có thể làm một phép so sánh với các chương trình mà công ty bà tổ chức?

- Qua những chương trình mắt thấy tai nghe, rồi qua trò chuyện với các học viên Việt Nam - những người làm việc trong ngành tổ chức biểu diễn - tôi được biết các sự kiện âm nhạc của nước bạn vẫn phải kêu gọi, xin tài trợ. Nhà tài trợ lại có quyền chi phối tính nghệ thuật của chương trình. Xin nói thẳng, nếu nghệ thuật mà phải chạy theo tiền thì những cái gì là cốt lõi, là đẹp, là tốt của nghệ thuật sẽ mất đi. Chúng tôi cũng tổ chức những chương trình có tài trợ nhưng các nhà tài trợ tự tìm đến với chúng tôi để xin được tài trợ chứ chúng tôi không đi xin. Có những chương trình từ thiện của chúng tôi thu hút sự tham gia của 1.000 nghệ sĩ, họ biểu diễn không cát - sê và các nhà tài trợ thì tự tìm đến, đưa cho chúng tôi tới cả triệu euro, còn khán giả đến xem cũng tặng lại tiền bạc hoặc hiện vật.

Tôi nghĩ rằng, giữa tiền và nghệ thuật cần phải có sự cân bằng, trong từng thời điểm có thể sử dụng cách này hay cách khác nhưng điều mấu chốt là phải làm thế nào để nhà tài trợ phải chạy theo người tổ chức biểu diễn. Muốn vậy thì mình phải làm hay, làm giỏi. Đó cũng chính là lý do khiến chúng tôi thực hiện khóa đào tạo này. Chúng tôi thực sự muốn chia sẻ một số kinh nghiệm với các bạn.

* Theo bà, những thách thức mà ngành biểu diễn âm nhạc của chúng tôi phải vượt qua là gì ?

- Thách thức lớn nhất chính là việc “định hướng cho nhà tài trợ” như tôi vừa nói. Thách thức không nhỏ khác là chuyện bản quyền. Điều này không chỉ nước bạn phải đối diện mà tất cả các nước trên thế giới, nhất là trong thời đại mà sự trao đổi nghệ thuật diễn ra sâu rộng như hiện nay. Trò chuyện với tôi, nhạc sĩ Quốc Trung có nói rằng ở Việt Nam, nhạc sĩ muốn được biết đến phải thông qua truyền hình vì truyền hình là kênh thông tin rất quan trọng đối với người Việt. Thế nhưng, sự thật là các nghệ sĩ Mỹ lại nói không với truyền hình vì họ sợ khi tác phẩm được công bố trên truyền hình, họ sẽ phải đối mặt với nạn ăn cắp bản quyền.

* Bà đã nói đến những hạn chế, thách thức của chúng tôi một cách rất thẳng thắn. Bây giờ, xin bà hãy nói về những mặt mà chúng tôi đã làm được ?

- Tôi nhận thấy Việt Nam có khá nhiều người tài. Ngay trong lớp học này, nhiều bạn trẻ rất sắc sảo. Họ ham học hỏi, tham gia rất nhiệt tình vào khóa học. Qua những gì họ thể hiện, tôi thấy họ hoàn toàn có đủ khả năng để vực dậy nền âm nhạc của nước bạn. Mặt khác, các bạn cũng có những ca sĩ rất đẹp, hát hay, biểu diễn giỏi, đây chính là thế mạnh để các bạn phát triển âm nhạc. Ngoài ra, tôi thấy các bạn đã làm tốt công tác truyền thông cho các sự kiện âm nhạc.

* Bà có lời khuyên nào cho chúng tôi không?

- Các bạn cần phải tập trung rất nhiều vào những công việc mang tính mục đích lâu dài. Nhà quản lý cần đầu tư đúng mức cho các nghệ sĩ lớn, những gương mặt có triển vọng. Nếu chỉ giới thiệu các nghệ sĩ không tham gia ban nhóm, biểu diễn vài bái hát thì người ta sẽ không bỏ tiền mua vé. Đó chính là lý do khiến nhà tài trợ mới là người đặt ra tiêu chuẩn về nghệ thuật chứ không phải đạo diễn.

Điều quan trọng hơn cả, hãy làm việc hết lòng để nghệ thuật có thể dễ dàng đi vào trái tim công chúng. Để bán vé, phục vụ mục đích thương mại, hãy tập hợp những nghệ sĩ có tài, những người sáng tác giỏi. Cách truyền đạt thông tin trong tổ chức biểu diễn rất quan trọng bởi nghệ thuật là phải làm cho công chúng hiểu được. Khi tổ chức một chương trình, hãy dựng một, hai tiết mục cho ca sĩ lỗi lạc biểu diễn thì chương trình sẽ có chiều sâu. Đối với cá nhân tôi, những gì cụ thể mắt nhìn được ở một buổi hòa nhạc như sân khấu thế nào, nghệ sĩ ăn mặc ra sao, vóc dáng thế nào, diễn đạt ra sao… rất quan trọng. Điều này đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn. Một điều quan trọng, các show diễn nếu muốn cạnh tranh với băng đĩa thì phải sử dụng nhạc sống, nghệ sĩ phải biểu diễn sống.

Ngoài ra, tôi cho rằng chính quyền thành phố nên làm một trang web có tính chuyên môn cao về nghệ thuật, về âm nhạc và những chương trình biểu diễn để phục vụ chính cộng đồng dân cư của mình chứ không phải để phục vụ mục đích phát triển du lịch, khi làm việc này, hãy tạm rời xa mục đích thương mại một chút.

* Cảm ơn bà đã dành thời gian cho TT&VH cuối tuần!

Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm