LHP Quốc tế Hà Nội: Chờ phim Việt 'thắng' trên sân nhà

27/11/2014 09:01 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Mùa đầu tiên, LHP Quốc tế HN gọi tên Nhật Kim Anh ở giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (trong phim Long Thành cầm giả ca). Lần thứ hai, điện ảnh Việt được “an ủi” với giải Giám khảo dành cho Thiên mệnh anh hùng. Ở lần thứ ba này, liệu Đập cánh giữa không trungNhững đứa con của làng có làm nên “kỳ tích”?

Đạo diễn người Đức Jan Schuette - Chủ tịch Ban Giám khảo phim truyện tại LHP Quốc tế Hà Nội lần 2 – từng khá bất ngờ khi xem Thiên mệnh anh hùng. Ông đánh giá bộ phim đạt trình độ kỹ thuật chuyên nghiệp. Điều đó có nghĩa, chúng ta chỉ có thể thi thố khi mang tới “cuộc chơi” quốc tế những bộ phim đúng nghĩa.

Đập cánh giữa không trungNhững đứa con của làng có đạt được tiêu chí đó không?

So với đại diện của Việt Nam ở hai kỳ LHP trước đó, lần này, điện ảnh Việt thực sự đã có những phim dài dự thi đồng đều về chất lượng. Những đứa con của làng do Hồng Ngát Films – hãng phim của nữ biên kịch kỳ cựu Nguyễn Thị Hồng Ngát – thực hiện theo đặt hàng của Bộ VH,TT&DL. Các suất chiếu ra mắt của phim ở LHP Quốc tế Hà Nội lần III cũng đều chật kín khán giả.


Cảnh phim “Những đứa con của làng”

Những đứa con của làng kể về câu chuyện hậu chiến ở một làng quê nghèo miền Trung. Câu chuyện ấy khiến khán giả có lại cảm giác ám ảnh như khi xem Sống trong sợ hãi của Bùi Thạc Chuyên. 20 năm sau cuộc thảm sát 106 người làng Hà, vì căm thù ông Đổng -  người dẫn lính về làng năm xưa, dân làng vẫn quật vào mộ ông Đổng và không cho con trai ông Đổng hương khói cho cha... 10 năm sau chiến tranh, người làng Hà vẫn sống trong khốn khó, một phần vì vết thương của cuộc chiến và những lề thói lạc hậu ở miền quê... Diễn biến câu chuyện phim khá chặt chẽ với có dàn diễn viên diễn xuất đồng đều từ Trung Anh (vai ông Thập), Trần Bảo Sơn (Đông), Huy Cường (Bè khùng)... Phim có những cảnh quay đẹp, nhiều trường đoạn đặc tả nét đẹp văn hóa, con người Việt.

Trong khi đó, Đập cánh giữa không trung là câu chuyện về Huyền một cô sinh viên trót có thai với người yêu. Bị người yêu cuỗm hết số tiền dành dụm để phá thai, Huyền đã quyết định bán thân cho một người đàn ông, có sở thích kì dị với những người phụ nữ có bầu.

Cũng giống như Bi, đừng sợ, Đập cánh sử dụng tối đa bối cảnh ở đô thị Hà Nội chật chội, tù túng. Qua ống kính của đạo diễn hình ảnh Phạm Quang Minh, những ngóc ngách của Hà Nội hiện lên rất nghệ thuật. Chắc chắn những khán giả nước ngoài, thậm chí cả những khán giả Việt Nam ít nhiều sẽ thấy thích thú khi thấy những hình ảnh này. Lời thoại được đạo diễn khá chăm chút, rất đời, nhiều câu thoại khá thông minh, hài hước. Nữ diễn viên chính Thùy Anh đã thể hiện rất tự nhiên vai cô sinh viên Huyền. Gương mặt trong sáng, đôi mắt nâu buồn của Thùy Anh rất phù hợp nhịp điệu chậm buồn của phim.

Lan - Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm