Kinh doanh nhạc streaming, thách thức lớn của ngành công nghiệp âm nhạc

01/03/2010 15:49 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Khi hoạt động kinh doanh âm nhạc tiếp tục bị sụt giảm lợi nhuận theo những cách thức bán hàng truyền thống, thậm chí còn thua lỗ, người ta đã nói nhiều tới một hình thức bán hàng mới vẫn được tán tụng là “gà đẻ trứng vàng” và “tiên dược” cho căn bệnh doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc: Đó là kinh doanh streaming.

Quặt quẹo “gà đẻ trứng vàng”

Hoạt động kinh doanh này dựa trên một công nghệ gọi là streaming. Streaming là công nghệ cho phép người dùng cuối có thể nghe một bản nhạc, xem một bộ phim... ngay trong khi chúng đang được tải về máy tính của họ. Sự ra đời của công nghệ streaming từng được xem là “cuộc cách mạng” về giải trí do nó có chi phí thấp nhưng lại giúp đưa sản phẩm mới tới tay người dùng cuối với tốc độ cao nhất, qua đó được đánh giá có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh.


Một trang web cung cấp dịch vụ streaming nhạc.
Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây của tạp chí âm nhạc Billboard đã cho thấy “tiên dược” này không có tác dụng lớn như người ta đã mong đợi. Dòng tiền thu được từ việc kinh doanh nhạc streaming theo yêu cầu (người dùng chọn lựa bài hát họ ưa thích để nghe) và kinh doanh nhạc streaming phi tương tác (như các hình thức nghe radio qua Internet) thấp ở mức gây sốc.

Khi Billboard tính toán doanh thu của các nghệ sĩ để tiến hành xếp hạng trong báo cáo Money Makers, được công bố thường niên, tạp chí âm nhạc này đã rất ngạc nhiên khi thấy tiền thu được từ dịch vụ streaming “thấp thảm hại”. Trong số hơn 100 nghệ sĩ có mặt trong bảng danh sách, chỉ 10 người kiếm được hơn 2.000 USD từ các dịch vụ streaming nhạc phi tương tác trong năm 2009. Beyonce đứng đầu danh sách này, với số tiền “khổng lồ” là 5.000 USD. Chỉ 25 nghệ sĩ kiếm được hơn 1.000 USD từ các dịch vụ streaming theo yêu cầu, trong đó Michael Jackson đứng đầu bảng tổng sắp với doanh thu tăng vọt sau khi anh qua đời. Tuy nhiên mối quan tâm của công chúng cũng chỉ mang lại cho Michael có 10.000 USD.

Những con số trên là rất nhỏ nếu so với số tiền các nghệ sĩ kiếm được từ những kênh điện tử khác. Việc bán album nhạc qua mạng đạt doanh thu ít nhất 200.000 USD với 13 nghệ sĩ. Dẫn đầu là Michael Jackson với 800.000 USD. Trong khi đó hơn 26 người khác bán được 100.000 USD hoặc hơn thế. Ba người có doanh thu bán lẻ từng bài hát đạt hơn 1 triệu USD trong năm 2009, dẫn đầu là Lady Gaga. Trong khi đó hơn 33 người khác thu về hơn 100.000 USD từ việc bán lẻ các bài hát của họ.

Ngay cả các dịch vụ tải nhạc có giới hạn (tethered subscription downloads), với các bài hát tải về từ một nhà cung cấp thu phí như Rhapsody hoặc Napster, dù đã được mã hóa để chỉ có thể nghe được trên máy tính và không thể ghi ra đĩa CD hoặc vào các thiết bị nghe nhạc di động cá nhân) cũng đang gia hạn nhiều thuê bao đăng ký, cho thấy hoạt động kinh doanh của họ đã khá lên. Nickelback, Jackson và Taylor Swift mỗi người kiếm được khoảng 500.000 USD từ các dịch vụ này, dẫn đầu danh sách 26 nghệ sĩ kiếm được hơn 100.000 USD.


Với 108 triệu USD, U2 là ban nhạc kiếm nhiều tiền nhất theo xếp hạng của
Money Makers song streaming chẳng đóng góp mấy vào thành tích này.

Căng thẳng vì doanh thu

Thực tế trên khiến các chuyên gia tuyên bố dịch vụ streaming nhạc là tương lai của ngành công nghiệp, hơn cả dịch vụ mua và tải nhạc trực tuyến, có thể hiểu vì sao cả các nghệ sĩ và các hãng phát hành đĩa có chút căng thẳng. Doanh thu thấp kém là nguyên nhân khiến Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Warner Music, Edgar Bronfman Jr; đặt trọng tâm vào mô hình kinh doanh nhạc steaming trong cuộc hội thảo liên quan tới doanh thu của công ty mới diễn ra.

“Các dịch vụ streaming nhạc miễn phí không mang lại gì tích cực cho ngành công nghiệp, như những gì Warner Music quan ngại lâu nay, sẽ không được cấp phép” - Bronfman nói - “Vì thế mô hình ‘hãy nghe đủ loại nhạc bạn thích thông qua dịch vụ streaming miễn phí rồi khi lựa chọn, bạn sẽ được chuyển tới khu bán hàng trực tuyến với giá ưu đãi’ sẽ không phải là hướng tiếp cận mà chúng tôi ủng hộ trong tương lai”.

Có thể nói, mối quan ngại lớn nhất hiện nay của các hãng đĩa là dịch vụ streaming sẽ “ăn sống nuốt tươi” các hình thức kinh doanh truyền thống, gồm dịch vụ tải nhạc trực tuyến và bán đĩa CD. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Nếu các nghệ sĩ và hãng đĩa đã tổn thất doanh thu từ những hình thức kinh doanh truyền thống, làm sao họ có thể thay thế chúng bằng dịch vụ streaming với doanh thu mang lại còn ít hơn?

Câu trả lời là họ không có nhiều lựa chọn. Các hãng đĩa có thể đang cố gắng chối bỏ tầm quan trọng của mô hình streaming và buộc người dùng phải thưởng thức âm nhạc theo cách họ áp đặt. Nhưng bài học từ trang chia sẻ âm nhạc Napster vẫn còn nóng hổi. Là đứa con tinh thần của nhà lập trình trẻ tuổi Shawn Fanning, Napster giúp người dùng máy tính có thể chia sẻ file nhạc trên mạng Internet một cách dễ dàng. Khi ra mắt vào năm 1999, Napster đã trở thành một kho nhạc khổng lồ và người sử dụng có thể tự do tải các bài hát họ ưa thích về mà không phải trả tiền cho các hãng đĩa. 2 năm sau khi Napster chấm dứt hoạt động đó trước cơn mưa kiện tụng của các hãng ghi âm, người ta tưởng như đã tìm lại được trật tự trong ngành công nghiệp âm nhạc. Tuy nhiên tới nay việc quản lý bản quyền số vẫn rất khó khăn và nạn đánh cắp bản quyền vẫn diễn ra lan tràn trên mạng Internet. Điều này cho thấy một thực tế rằng các hãng đĩa khôn ngoan nên biết cách chiều lòng người dùng thay vì đối đầu với họ.

Các chuyên gia tin rằng trong tương lai, người dùng sẽ thích dịch vụ streaming hơn các hình thức khác bởi nó cho phép họ ngay lập tức nghe nhạc từ đủ loại thiết bị giải trí khác nhau, thay vì tốn công tải về máy tính rồi chuyển sang máy nghe nhạc cá nhân. Nhưng để việc đó xảy ra, ngành công nghiệp âm nhạc phải có chiến lược cụ thể. Mô hình nghe nhạc cao hơn sở hữu bản nhạc chỉ thực sự hoạt động nếu nó phù hợp với tất cả các đối tượng có liên quan, gồm các nghệ sĩ, các hãng đĩa, nhà cung cấp dịch vụ và người dùng cuối. Trong khi streaming ẩn chứa tiềm năng tiêu thụ và doanh thu to lớn, những kết quả kinh doanh nó mang lại tới nay cho thấy rằng vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi mô hình này thực sự trở thành “gà đẻ trứng vàng”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm