Khi 'gió hiện đại' tràn vào Hoàng Thành!

18/10/2015 06:35 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Trong nhịp sống bây giờ, Hoàng Thành Thăng Long không còn là “vùng cấm”, như lịch sử tồn tại của nó gần một ngàn năm trước. Nhưng, ngoài việc phục vụ khách tham quan, không gian đặc biệt này có nên được khai thác vào những hoạt động khác?

Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Moonsoon Music Festival) 2015 diễn ra từ 8 - 11/10 tại Hoàng Thành mà không để lại một sự cố gì. Đó là điều mừng, so với những lời than về việc khán giả xả rác bừa bãi, hoặc xéo bừa lên thảm cỏ trước Đoan Môn trong lần tổ chức “gió mùa” năm ngoái.

Nhưng, với những ý kiến khắt khe, việc đưa một lễ hội âm nhạc hiện đại vào không gian cổ kính, trang nghiêm của lịch sử này vẫn là một cái gì đó không…bình thường. Bởi, đây không phải là một di sản đơn thuần, mà còn là trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của Việt Nam trong cả ngàn năm lịch sử.

Nên “niêm phong”để Hoàng Thành mãi là không gian của lịch sử và ký ức, hay “mở cửa” để mang lại những màu sắc mới cho nó?

PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học: Đừng tạo ra “di sản chết”

Về nguyên tắc, các di tích văn hóa lịch sử đều luôn cần sự có mặt của du khách. Chúng ta thường chỉ nhìn điều này ở góc độ kinh tế mà quên mất một lý do khác cũng vô cùng quan trọng: chính sự có mặt thường xuyên của khán giả sẽ làm di tích “sống lại”, từ đó giúp những giá trị văn hóa, lịch sử của nó lan tỏa tới cộng đồng.

Với trường hợp Hoàng Thành, điều ấy lại càng đúng - khi bản thân di sản này chỉ còn lại một số ít những kiến trúc cũ, so với sự hoành tráng và kỳ vĩ như nó đã tồn tại trong lịch sử.


Khán giả và ca sĩ cùng phấn khích trong đêm "Gió mùa" tại không gian Hoàng Thành Thăng Long

Tôi tán thành việc tổ chức và duy trì những hoạt động văn hóa tại Hoàng Thành, thay vì thụ động, chỉ mở cửa và trông chờ du khách mua vé tham quan.Chỉ có điều, khi tổ chức, việc gìn giữ cảnh quan và hiện trạng của Hoàng Thành cần được đặt lên đầu. Và, đó cũng phải là những sự kiện được lựa chọn kỹ, chứ không thể là những hoạt động xô bồ ầm ĩ, thiếu  ăn nhập với không gian đặc thù của nơi đây.

Thêm nữa, các sự kiện này cũng nên được diễn ra song song với việc giới thiệu các giá trị của Di sản Thế giới này. Chẳng hạn, trong những lần tổ chức hội chợ sách tại Hoàng Thành, lẽ ra chúng ta nên có một khu vực riêng để bày bán các sách nghiên cứu, cẩm nang du lịch, hoặc trưng bày tranh ảnh, tư liệu về di sản này.

Hoặc, nếu tổ chức các chương trình âm nhạc, những hoạt động giới thiệu về Hoàng Thành cũng cần được nghiên cứu để bố trí đan xen. Cách làm ấy vừa góp phần quảng bá giá trị của Hoàng Thành, vừa mang lại thêm cho các chương trình một màu sắc mới, thay cho việc duy trì một “di sản chết”.

Tới thăm Angkor Wat (Campuchia), tôi từng có dịp tham dự một đêm biểu diễn nhạc thính phòng tại đây. Chương trình tổ chức rất nhẹ nhàng và lịch sự, còn khán giả đặc biệt ấn tượng bởi hiệu ứng mà âm nhạc mang lại ngay trong lòng tháp. Có nghĩa, câu hỏi không nằm ở việc có nên tổ chức hoạt động tại di sản hay không, mà thuộc về  sự văn minh, chuyên nghiệp, cũng như tính chất của chương trình.

Vũ Anh Long, đại diện chương trình Hà Nội đẹp và chưa đẹp: Hãy đề cao ý thức và sự tự giác

Tôi còn nhớ, năm 2013, một nhóm sinh viên từng xếp thành chữ “Sex” để chụp ảnh tại Hoàng Thành và bị dư luận phản ứng gay gắt. Đó chỉ là sự đùa vui bồng bột của các bạn trẻ, nhưng cho thấy một thực tế: Hoàng Thành là một không gian đặc biệt trong tâm thức của mỗi người, và luôn cần được ứng xử với một thái độ trân trọng.

Nhưng, từ kinh nghiệm của bản thân, cũng như từ chia sẻ của những người xung quanh, tôi được biết nhiều quốc gia vẫn tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong các di sản của mình. Tôi nghĩ, đó cũng là một cách tôn vinh di sản, với việc mang lại cho nó một lớp giá trị văn hóa khác, bên cạnh những gì đang có.

Chẳng hạn, tại một Di sản Thế giới như Hoàng Thành, hẳn du khách sẽ khá ấn tượng nếu được đồng thời thưởng thức những di sản văn hóa phi vật thể khác của Việt Nam như ca trù, quan họ hay thậm chí là đờn ca tài tử, hát xoan… Và, nếu tìm địa điểm tổ chức những chương trình giao lưu về văn hóa truyền thống giữa Việt Nam và các quốc gia khác, tôi nghĩ Hoàng Thành cũng là một lựa chọn lý tưởng.

Ngược lại,  những chương trình biểu diễn sử dụng nền nhạc mạnh như các thể loại rock, rap, hay có màn trình diễn của DJ…, sẽ khó phù hợp để tổ chức tại Hoàng Thành. Hội chợ cũng vậy, nếu đó không phải là hội chợ có liên quan tới các yếu tố về văn hóa.

Năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô, chúng tôi cũng tham gia thực hiện cầu truyền hình “Hà Nội niềm tin và hy vọng” với một đầu cầu đặt tại Hoàng Thành Thăng Long. Tại điểm cầu này, các bài hát về Hà Nội được biểu diễn và kết hợp với nền nhạc nhảy flashmob.

Các bạn trẻ đến khá đông và nhiệt tình, nhưng vẫn rất có ý thức gìn giữ vệ sinh và cảnh quan tại Hoàng Thành. Có lẽ, việc xuất hiện tại một không gian đặc biệt như vậy cũng là yếu tố đánh thức sự tự giác và nghiêm túc của những người tham gia.

Nhà báo Lê Anh Hoài: Câu trả lời thuộc về đạo diễn

Khách quan, không gian tại Hoàng Thành Thăng Long là một không gian đẹp, có cây xanh, sức chứa lớn, và lại nằm ngay trung tâm Hà Nội. Vẻ cổ kính của những kiến trúc cũ, cũng như bề dày văn hóa lịch sử mà di tích mang theo, hoàn toàn có thể trở thành chất liệu để khai thác trong những chương trình nghệ thuật tại đây.

Tôi nghĩ, sẽ hơi cứng nhắc, nếu chúng ta mặc định rằng có những không gian chỉ phục vụ cho nghệ thuật truyền thống, còn nghệ thuật mới thì “ra chỗ khác”. Bởi, Hoàng Thành cũng không thể tự giới hạn du khách ở những người đứng tuổi, yêu chuộng sự trầm mặc tĩnh mịch.

Di sản này cần được tiếp cận với khán giả trẻ, với những hoạt động nghệ thuật hiện đại của nhịp sống mới - với điều kiện có một đạo diễn chương trình giỏi và tự biết được giới hạn trong sự kết hợp của mình.

Chẳng hạn, không gian của Hoàng Thành có thể trở thành nơi diễn ra hội chợ sách, nhưng sẽ lại vô cùng phản cảm nếu ta tổ chức  trưng bày các mẫu ô tô, xe máy hiện đại. Thi người mẫu trong trang phục áo tắm tại đây là điều không thể chấp nhận, nhưng một cuộc trình diễn trang phục áo dài truyền thống lại hoàn toàn có thể diễn ra.

Hoặc, năm 2013, thành phố Hồ Chí Minh đã từng khá thành khi tổ chức trình diễn nghệ thuật ánh sáng và công nghệ 3D trên nền  một di tích đặc biệt là dinh Độc Lập. Vậy, có gì là sai, nếu chúng ta làm điều tương tự, để có một đêm trình diễn tại Hoàng Thành Thăng Long, với việc thử mang lại cho di sản này một “lớp áo” mới bằng màu sắc, hình ảnh, và những câu chuyện kể.

Như tôi được biết, tại một số thành phố châu Âu, di sản của họ cũng từng được khai thác để làm nơi biểu diễn thời trang hiện đại (tất nhiên là không đến mức hở hang quá đáng). Có thể, điều này không phù hợp với cách nghĩ của chúng ta.

Nhưng, như đã nói, một đạo diễn giỏi hoàn toàn có thể tìm được tiếng nói chung giữa không gian của quá khứ, với những màu sắc độc đáo mà nghệ thuật đương đại mang lại. Khi ấy, 2 yếu tố hiện đại và truyền thống sẽ không triệt tiêu nhau, mà ngược lại, tạo nên sự cộng hưởng đa dạng và phong phú.

Sơn Tùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm