Dòng chảy âm ỉ của nhạc trẻ thập niên 1970

25/08/2014 07:51 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 23/8, tại nhà hát Hòa Bình đã diễn ra đêm nhạc với chủ đề Nhạc Việt thập niên 70. Những bài hát của một thời sôi nổi âm nhạc đã được trình diễn với các giọng ca: Đức Huy, Đàm Vĩnh Hưng, NSƯT Ái Xuân, Đông Đào, Hiền Thục, Xuân Phú…  

Thật ra bấy lâu nay, những đêm nhạc tình ca hoài niệm phần lớn đều có âm nhạc từ thời 1970 nhưng nhạc Việt thập niên 70 không chỉ là những tình khúc và dù không còn thời hoàng kim, nó vẫn là một dòng chảy ngầm trong lòng nhiều thế hệ.

Nhạc trẻ náo nhiệt một thời

Chương trình được chia thành 2 phần riêng biệt với 17 tiết mục. Trong đó, phần 1 với chủ đề Những chặng đường nhạc trẻ gồm 7 tiết mục là những ca khúc ra đời đầu tiên trong trào lưu mới này trở thành một hiện tượng để lại ký ức khó phai trong lòng khán giả như: Tôi muốn, Đồng xanh, Biết đến thuở nào, Mai, Hãy yêu như chưa yêu lần nào,Thương nhau ngày mưa, Bên nhau ngày vui, Còn yêu em mãi, Ai đưa em về…

Phần 2 với chủ đề Nhạc việt thời vàng son gồm 10 tiết mục là những ca khúc vốn đã rất quen thuộc như: Diễm xưa, Tình khúc cho em, Rồi mai tôi đưa em, Tuổi 13, Cơn mưa phùn, Lệ đá, Trên đỉnh mùa Đông…


Ca sĩ Đức Huy biểu diễn ca khúc “Cơn mưa phùn”

Điểm đáng chú ý nhất có lẽ nằm ở phần 1 chương trình khi những ca khúc của chặng đường nhạc trẻ đầu những năm 1970 đã khá lâu không được đánh bóng lại, nhưng không khí nhạc trẻ của thời 1970 không được đượm lắm. Chưa kể có nhiều ca khúc như Hãy yêu như chưa yêu lần nào, Còn yêu em mãi đều là những sáng tác của thập niên 1980. Điểm nhấn gây chú ý nhất của chương trình có lẽ là sự xuất hiện của Đức Huy, nhân chứng duy nhất của nhạc trẻ Sài Gòn thời đó. Anh đã hát Cơn mưa phùn, sáng tác đầu tay của anh vào năm 1969.

Trước thập niên 1970, nhạc Việt Nam chủ yếu là các ca khúc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoàng Trọng, Cung Tiến, Dương Thiệu Tước, Hoàng Thi Thơ, Y Vân… Cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, nhạc rock Anh - Mỹ len lỏi dần vào nhịp sống của một bộ phận không nhỏ thanh niên miền Nam với sức ảnh hưởng to lớn. Các ban nhạc lúc ấy chủ yếu là hát nhạc ngoại quốc bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Sau đó, nhiều nhạc sĩ bắt đầu soạn lời Việt cho các ca khúc quốc tế nổi tiếng. Trong phong trào “Việt hóa” nhạc trẻ, đáng chú ý là nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang (ban nhạc Phượng Hoàng) tiến một bước xa hơn là sáng tác những ca khúc nhạc trẻ thuần Việt đầu tiên, đặt nền móng cho nhạc trẻ Việt Nam.

Những Tuấn Ngọc, Duy Quang, Đức Huy, Elvis Phương, Khánh Hà…, những người sau này được biết đến trong vai trò ca sĩ chuyên hát tình ca thì ở thập niên 1970 này họ là một mẫu hình hoàn toàn trái ngược: rock tận tình và rất bụi bặm. Duy Quang sôi nổi với nhóm nhạc gia đình The Dreamers, Elvis Phương với nhóm Phượng Hoàng, Đức Huy với Strawberry Four, Khánh Hà, Anh Tú, Thúy Anh với Blue Jets, Tuấn Ngọc với The Top Five… Họ và những nhóm nhạc khác đã tạo nên một không khí nhạc trẻ cực kỳ náo nhiệt tại Sài Gòn những năm đầu 1970.

Có còn đất sống?

Thời gian làm thay đổi nhiều thứ, những ca sĩ ngày xưa giờ thành danh ở hải ngoại với những bản tình, nhẹ nhàng, say đắm. Nhưng họ không đại diện cho toàn bộ sự thay đổi của nhạc trẻ Sài Gòn trước đây, khi dòng nhạc này nhiều thập niên qua vẫn âm ỉ chảy trong lòng phố thị.

Cách đây vài năm, nhóm “kích động nhạc” nổi tiếng một thời, The Peanuts' Company, đã tái hợp trong một đêm diễn tại nhà sách Phương Nam. Dù tin biểu diễn chỉ đăng tải khá chừng mực nhưng đêm đó không còn một chỗ ngồi. Rất nhiều người đến tham dự và có người rơi nước mắt khi nghe lại tiếng đàn của Bernard Trần.

Tuy vậy, dòng nhạc trẻ Sài Gòn không “bật” lên được như những dòng nhạc tình ngày xưa vẫn được cực kỳ yêu thích. Ngay cả ngày xưa, những bài nhạc trẻ cũng nhận phải sự khó chịu của những ông bố bà mẹ sợ con mình mê rock bỏ học, đàn đúm, chơi bời.

Trước khi qua đời, ca sĩ Duy Quang từng tụ tập anh em trong nhà làm lại những đêm nhạc của nhóm The Dreamers khi xưa, cho dù chỉ diễn vài ba buổi ở phòng trà nhưng họ vẫn có cảm giác như được trở về thời âm nhạc vàng son. Em trai Duy Quang, ca sĩ Duy Hùng, mỗi lần về nước đều tụ tập bạn bè làm đêm nhạc trẻ như trước đây. Dù không rầm rộ nhưng vẫn nhận được rất nhiều tình cảm.

Nhạc trẻ Sào Gòn giờ lẩn quất trong những quán cà phê nhỏ, quán bar xa trung tâm, trong những cuộc hội họp bạn bè. Đã rất lâu mới có một chương trình khơi lại không khí của kích động nhạc ngày xưa.

Và vì thế, cho dù những gương mặt ngày xưa không xuất hiện thì ít nhiều nó cũng để lại cho những người đồng cảm, một sự an ủi, rằng nhạc trẻ Sài Gòn những năm 1970 vẫn còn đất sống, vẫn còn người nghe và chẳng bao giờ lụi tàn. Và cũng hy vọng một ngày không xa sẽ có một đêm nhạc đặc mùi nhạc trẻ Sài Gòn thật sự để cho thế hệ mới biết rằng, ngày xưa âm nhạc đã tưng bừng như thế nào.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm