Điện ảnh Việt: Câu chuyện xuất khẩu (Bài 1)

20/12/2010 07:20 GMT+7 | Phim

 Điện ảnh Việt: Câu chuyện xuất khẩu

So với 6 “người anh” nghệ thuật ra đời trước, thì đặc thù duy nhất tạo nên sự khác biệt của Nghệ thuật thứ bảy là khả năng xuất khẩu và nhập khẩu. Khả năng này xuất phát từ sự dễ dàng trong việc chia sẻ kỹ thuật làm phim và sự dễ dàng trong việc sao chép thành phẩm điện ảnh để công chiếu. Chính sự dễ dàng này đã làm nên sự phổ cập, tính quốc tế và triết lý riêng biệt của điện ảnh.

 

Nhìn lại lịch sử, dù còn non yếu và có những đứt quãng, nhưng điện ảnh Việt không quá non trẻ, vì kỹ thuật chiếu bóng xuất hiện tại Việt Nam chỉ vài năm sau thế giới. Nếu lấy cột mốc 1897, khi Hãng phim Pathé của Pháp quay những thước phim tư liệu đầu tiên tại Việt Nam thì với lịch sử 113 năm, điện ảnh Việt Nam đã bắt đầu bằng phim nhập khẩu. Và tới nay, sau hơn một thế kỷ sinh ra và lớn lên, điện ảnh Việt đang nỗ lực tìm đường xuất khẩu. Song câu chuyện xuất khẩu của điện ảnh Việt trên thực tế đã bắt đầu từ rất lâu trong quá khứ.

Điện ảnh Việt - câu chuyện xuất khẩu trong chuyên đề số này sẽ nhìn lại những dấu mốc quan trọng của “lịch sử xuất khẩu phim Việt” cùng một bàn tròn nho nhỏ với những góc nhìn khác nhau của ba nhà xuất khẩu phim Việt hiện nay.

(TT&VH Cuối tuần) - Nếu lấy cột mốc 1897, khi Hãng phim Pathé của Pháp quay những thước phim tư liệu đầu tiên tại Việt Nam thì với lịch sử 113 năm, điện ảnh Việt Nam bắt đầu bằng phim nhập khẩu.  

Dấu vết nhập khẩu
 
Theo sử liệu, đoạn phim đầu tiên có tên Roundhay Garden Scene của nhà phát minh người Pháp Louis Le Prince được quay với tốc độ 12 khung hình đã trình chiếu ở Leeds, Anh quốc vào năm 1888. 
 
28/12/1895 anh em Auguste và Louis Lumière tổ chức buổi chiếu phim có bán vé đầu tiên, với bộ phim La Sortie de l’Usine Lumière à Lyon (Buổi tan ca của nhà máy Lumière ở Lyon) có độ dài 46 giây, phim câm, quay 16 hình/giây, kích cỡ 35mm, tỉ lệ khung hình 4:3. 
 
Những năm cuối thế kỷ 19, trong chuyến du hành giới thiệu tại Đông Nam Á, phim này cũng được chiếu tại một buổi sinh hoạt trí thức ở Hà Nội. Trong tiếng Pháp, lumière cũng có nghĩa là ánh sáng, cho nên cũng có cách chơi chữ gọi Auguste và Louis là “anh em nhà ánh sáng”. Mà ánh sáng thì phải “soi sáng”. 
 
Từ năm 1897, hãng phim Pathé của Pháp đã quay những cuốn phim tư liệu, phim sinh hoạt tại Việt Nam. Năm 1898, chiếu bóng khá quen thuộc với các đô thị tại Việt Nam, các quảng cáo về việc chiếu phim đã xuất hiện trên các báo, dán ở các chợ, bến xe… Đây có thể xem là những dấu vết đầu tiên của việc nhập khẩu điện ảnh vào Việt Nam. 
 
Theo báo L’Avenir du Tonkin số ra ngày 29/4/1899 thì ngày 28/4/1899 Gabriel Veyre có buổi chiếu phim miễn phí tại Hà Nội, thu hút nhiều người xem. Với cột mốc tháng 4/1897, điện ảnh du nhập vào Việt Nam trước cả những nền điện ảnh lẫy lừng hoặc đang lên như Nhật Bản (ra đời ngày 20/6/1899), Hàn Quốc (1903), Iran (khoảng 1900), Indonesia (1926), Thái Lan (9/1897), Mông Cổ (giữa những năm 1903 và 1913)… 
 
Trong khoảng 1910-1920, người Pháp đã quay khoảng 40 phim tài liệu và tổ chức nhiều buổi chiếu ở nông thôn, biên giới tại Việt Nam. Điều này một mặt giúp họ tuyên truyền các chính sách, một mặt, kích hoạt sự ham thích và phát triển điện ảnh nội địa.
 
Với sự kiện chiếu phim La Sortie de l’Usine Lumière à Lyon tại Hà Nội đầu thế kỷ 20, Việt Nam không chỉ chứng kiến sự khai sinh của bộ môn nghệ thuật thứ bảy từ rất sớm, mà còn phải gánh vác chung trách nhiệm về việc khai sinh và xiển dương ngành công nghiệp điện ảnh
 
Điện ảnh được du nhập vào Việt Nam năm 1899 với buổi chiếu phim đầu tiên của Gabriel Veyre ngày 28/4. Tiếp đó, có những buổi chiếu phim trong các khách sạn, nhà hàng lớn nhân những ngày lễ quan trọng hoặc sự kiện chính trị nào đó cho những quan chức, viên chức, chủ công ty công nghiệp và doanh nghiệp, đơn vị quân đội Pháp chiếm đóng thuộc địa.  
 
Ngày nay, nếu có dịp đi qua đền Bà Kiệu ở Hà Nội, thì kế bên, gần đối diện với đền Ngọc Sơn, nơi đặt tượng đài Cảm tử, chỗ ấy ngày xưa là rạp chiếu bóng Pathé. Rạp này do Aste (người Pháp) bỏ tiền xây dựng, khánh thành ngày 10/8/1920 - đây là rạp chiếu phim lâu đời nhất Việt Nam và Đông Dương. Cũng chính Arte xây dựng rạp Tonkinois ở phố Hàng Quạt, khánh thành 12/6/1921. 
 
Đến năm 1930, Việt Nam có khoảng 35 rạp chiếu bóng ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Chợ Lớn, Sài Gòn, Cần Thơ…; riêng Sài Gòn - Chợ Lớn có 10 rạp. Đến năm 1939, số lượng rạp chiếu phim tại Việt Nam là 60. Giai đoạn 1955-1960, tại miền Nam (chủ yếu Sài Gòn, Chợ Lớn) có đến 120 rạp chiếu bóng. Giai đoạn sau 1975, Việt Nam có 350 rạp chiếu phim, 1.400 đội chiếu bóng lưu động. Đến nay (2010), dù điện ảnh đang rất hồi sinh, cả nước mới khôi phục được khoảng 150 rạp chiếu đủ chất lượng. 
 
Cuối năm 1937, ông Nguyễn Văn Đinh (chủ Hãng Đĩa hát Asia) lập Hãng phim Á châu (Asia Film) tại Sài Gòn, rồi nhập khẩu thiết bị từ Pháp về sản xuất phim nói cỡ 35 mm đầu tiên tại Việt Nam. Đầu năm 1938, hãng này khởi quay bộ phim đen trắng 35 mm Trọn với tình (ĐD: Nguyễn Văn Danh, tức nghệ sĩ cải lương Tám Danh). 
 
Năm 1953, Công ty Kim Chung điện ảnh mời đạo diễn người Hong Kong về Hà Nội sản xuất phim Kiếp hoa (KB của bầu Long, chủ gánh hát cải lương Kim Chung). Phim này thành công, không chỉ ở Hà Nội, Sài Gòn, mà còn các tỉnh miền Tây. Được gợi hứng, ông Hà Quang Định (chủ gánh hát cải lương Ái Liên) cùng vợ là Ái Liên cũng mời đạo diễn Hong Kong về thực hiện hai phim Nghệ thuật và hạnh phúc, Phạm Công - Cúc Hoa. 
 
Năm 1955 tại miền Nam, Phòng Điện ảnh được thành lập, năm 1959 Trung tâm Quốc gia điện ảnh ra đời, những nhà làm phim nội địa được các chuyên gia “nhập khẩu” từ Mỹ, Philippines đào tạo. 
 
Cuối năm 1956, đạo diễn Joseph L.Mankiewicz tới Sài Gòn thực hiện phim Người Mỹ trầm lặng (The Quiet American, hoàn tất năm 1958) và đạo diễn Vĩnh Noãn của phim Chúng tôi muốn sống được mời hợp tác, một dấu vết của liên doanh giữa nhập khẩu và xuất khẩu. 
 
Năm 1957, các hãng phim tư nhân của điện ảnh miền Nam đã sản xuất hơn 37 phim - con số kỷ lục của lịch sử điện ảnh Việt Nam - tất cả nhờ liên doanh. Đây cũng là năm xuất hiện phim màu (eastman a color) đầu tiên của Việt Nam, phim Lục Vân Tiên, do Tống Ngọc Hạp và Thu Trang (Hoa hậu Hội chợ Thị Nghè) sản xuất và đóng vai chính, được báo chí nội địa cũng như quốc tế nhắc đến khá nhiều. Đây cũng là năm xuất hiện của hai tài tử lớn là Thẩm Thúy Hằng và Kiều Chinh, những người mà sau này, bằng tài năng và sự nổi tiếng của mình, đã được biết đến tại thị trường phim quốc tế. 
 
Năm 1960 tại miền Nam, các phim nhập khẩu thao túng thị trường, với trong 120 rạp, số phim nhập khẩu vào Sài Gòn từ năm 1954 đến 1960 khoảng 1.850 bộ, trong đó phim Mỹ chiếm hơn 85%. Năm 1962, phim Mỹ thấp xuống còn 15,4%, nhường ngôi vị nhập khẩu cho phim kiếm hiệp của Hong Kong và tâm lý xã hội của Đài Loan, chiếm khoảng 41%. 
 
Những năm sau này thì xin không nhắc lại, vì thông tin đã khá phổ cập đến những ai có quan tâm đến điện ảnh. Với lịch sử khoảng 110 năm, điện ảnh Việt đã liên tục chịu ảnh hưởng từ việc nhập khẩu kỹ thuật, nhân lực, vật lực từ Pháp, Nhật, Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc… và sau này, là điện ảnh quốc tế, thời toàn cầu. Có thể nói, không có nhập khẩu không có lịch sử điện ảnh Việt Nam. 
 
So với tuổi đời của nghệ thuật cải lương, phở hay áo dài, điện ảnh Việt có thể nói là “người cùng thời”, xuất hiện sớm tương đương, nhưng do “tính chất em út” của nền nghệ thuật thứ bảy sự hòa đồng quốc tế, dễ nhập khẩu và xuất khẩu nên phim gần với bản sắc văn hóa quốc tế hơn và văn hóa nội địa. 
 
Xuất khẩu, những cột mốc 
 
Nếu tính từ bộ phim Kim Vân Kiều (1923), người Pháp và người Việt cùng thực hiện, thì nhờ nhập khẩu mà điện ảnh nội địa Việt Nam hình thành từ đó. Ngay sau đó, bộ phim này cũng được xuất khẩu sang Pháp, cũng như vài nước thuộc địa khác, để chiếu giới thiệu. Từ năm 1925 đã có vài hãng phim Việt Nam xuất hiện, có nhiều phim câm do Việt Nam hợp tác với nước ngoài sản xuất. 
 
Năm 1924, ông Nguyễn Lan Hương, chủ tiệm nhiếp ảnh Hương Ký ở Hà Nội, mời người Pháp về dạy nghề rồi làm bộ phim hài Đồng tiền kẽm tậu được ngựa, dài 6 phút, phỏng theo ngụ ngôn của La Fontaine. Sau vài phim hài và tài liệu có tiếng vang, tỉnh trưởng Vân Nam, Trung Quốc đã đặt ông làm hai phim phóng sự, quay tại Trung Quốc, ví dụ phim Đám tang tướng Đường Kế Nghiêu, năm 1929. Đây được xem là cộc mốc của việc xuất khẩu đạo diễn. 
 
Năm 1937, nhóm làm phim Đàm Quang Thiện cùng Công ty Điện ảnh Nam Trung Hoa (The South China Motion Picture Co.) làm bộ phim Cánh đồng ma (KB: Nguyễn Văn Nam, tức Đàm Quang Thiện), nói tiếng Việt. Đây là giai đoạn bắt đầu kỷ nguyên phim nói, 22 diễn viên Việt được “xuất khẩu” sang Hong Kong để quay phim. 
 
Năm 1945, danh họa - nhà quay phim Mai Trung Thứ (1906-1980) cùng các Việt kiều Pháp đã lập nhóm Sao Vàng, quay vài phim tài liệu như Hồ Chủ tịch tại Pháp, Hội nghị Fontainebleau, Sinh hoạt của 25.000 Việt kiều tại Pháp… Cũng nên xem việc làm phim của các Việt kiều và các nhà điện ảnh gốc Việt từ xưa đến nay là một phần của việc xuất khẩu điện ảnh Việt - dù có thể không trực tiếp, nhưng tên tuổi (có dính tới tiếng Việt) của họ đã góp phần quảng bá cho “danh tiếng” (theo nghĩa rộng) của điện ảnh Việt Nam. 
 
Từ năm 1948, điện ảnh miền Bắc đã thực hiện Trận Mộc Hóa ở miền Nam, phim này được trình chiếu tại Liên hoan Thanh niên thế giới New Delhi, Ấn Độ năm 1950. Năm 1959, phim Đứa con của biển cả do Trung tâm Quốc gia điện ảnh miền Nam thực hiện đã đoạt giải thưởng đặc biệt của Liên hoan phim Berlin 1959. Năm 1966, tại Đại hội Điện ảnh Á châu lần thứ 13, Xuân Dung được trao giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất với phim Đôi mắt người xưa, giải thưởng lớn đầu tiên của điện ảnh miền Nam. Phim truyện màu này do Nguyễn Văn Liêm đạo diễn, Liêm Phim sản xuất, với sự hỗ trợ của chuyên gia và ê-kíp Nhật Bản. 
 
Việc điện ảnh Việt tham gia các liên hoan và đoạt giải thưởng quốc tế sau này thì rất nhiều, không cần kể lại. Tuy nhiên, phải khẳng định một điều rằng việc tham gia này là một phần dấu ấn của việc xuất khẩu tác phẩm điện ảnh Việt Nam ra thế giới. 
 
Tất cả những điều vừa nêu là chưa nói đến các đạo diễn, diễn viên, nhà biên kịch, nhóm cascadeur Việt Nam được mời sang nước ngoài cộng tác làm phim, thực chất cũng là… xuất khẩu.
 
*** 
 
Cũng xin nói thêm, cột mốc lớn nhất của việc xuất khẩu phim Việt phải kế đến sự xuất hiện và liên doanh của các chuyên gia người Việt ở hải ngoại.
Năm 1985, người mở đầu “làn gió ngoại” có thể là đạo diễn Hồ Quang Minh khi từ Thụy Sĩ về nước thực hiện phim Con thú tật nguyền, Hãng phim Giải Phóng sản xuất. Năm 1993, Trần Anh Hùng thực hiện phim Mùi đu đủ xanh, kể chuyện đời một cô gái ở thập niên 1950 tại Sài Gòn. Rồi Xích lô (1995) của anh đoạt giải Sư tử Vàng tại Liên hoan phim Venezia (quen gọi LH phim Venice) vào năm 1995 - giải thưởng quan trọng nhất của một đạo diễn người Việt. 
 
Tiếp theo, năm 1999, Tony Bùi về nước làm Ba mùa, mở ra một thập niên (2000 - 2010) nhiều tiến bộ về nghệ thuật và doanh thu của điện ảnh Việt Nam. Những tác phẩm liên doanh “nội ngoại” làm nên dấu ấn của thập niên này có thể kể Hạt mưa rơi bao lâu (ĐD: Đoàn Minh Phượng - Đoàn Thành Nghĩa), Áo lụa Hà Đông (ĐD: Lưu Huỳnh), Dòng máu anh hùng (ĐD: Charlie Nguyễn), Huyền thoại bất tử (ĐD: Lưu Huỳnh), Bẫy rồng (ĐD: Lê Thanh Sơn), Để Mai tính (ĐD: Charlie Nguyễn), Giao lộ định mệnh (ĐD: Victor Vũ), Cánh đồng bất tận (ĐD: Nguyễn Phan Quang Bình)… 
 
Tuy nhiên, dấu ấn xuất khẩu rõ rệt nhất (nghĩa là bán và thu tiền) phải chờ đến Dòng máu anh hùng do Hãng phim Chánh Phương sản xuất với kinh phí hơn 1,5 triệu USD, công chiếu ngày 27/4/2007 tại Việt Nam. Bộ phim không thu được vốn tại thị trường nội địa, những nhờ chiếu tại Mỹ và phát hành DVD tại các nước nói tiếng Anh mà hòa vốn. Phim này hoặc mở cảnh cửa, hoặc tạo sự tự tin để Chuyện tình xa xứ (ĐD: Victor Vũ), 14 ngày phép (ĐD: Nguyễn Trọng Khoa), Bẫy rồng, Để Mai tính, Bi, đừng sợ! (ĐD: Phan Đăng Di), Chơi vơi (KB: Bùi Thạc Chuyên), Giao lộ định mệnh, Cánh đồng bất tận… tìm kiếm doanh thu tại thị trường nước ngoài ở hiện tại, cũng như trong tương lai. Phim Cú và chim se sẻ (ĐD: Stephane Gauger) do Hãng Chánh Phương sản xuất lần đầu tiên đánh dấu việc hiện diện tại AMC (hệ thống rạp lớn nhất của Mỹ) - một chiến thắng nhỏ của việc xuất khẩu điện ảnh. 
 
Riêng phim Để Mai tính (2010) thì thu về tương đương 3 tỷ đồng tại thị trường Mỹ có thể xem là đỉnh điểm của việc xuất khẩu điện ảnh Việt Nam. Sau 113 năm, có vẻ như tương lai của điện ảnh Việt Nam đang hé lộ rõ ràng hơn.
 
Văn Bảy 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm