Danh ca Bạch Yến: Theo chồng bỏ nhạc “Tây”?

10/11/2009 15:09 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Danh ca Bạch Yến, con dâu của GS-TS Văn Khê, có thể nói là ca sĩ Việt Nam rất thành công ở Mỹ trong thập niên 1960-1970 khi tham gia một tour diễn kéo dài 12 năm và biểu diễn với rất nhiều ngôi sao ca nhạc thời đó. Nhưng từ khi gặp TS Trần Quang Hải, chị đã chấm dứt những hợp đồng biểu diễn và đi theo con đường âm nhạc dân tộc, biểu diễn cùng Quang Hải trong các buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Nhân chuyến về thăm và biểu diễn tại quê hương, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với chị.

* Từng là ca sĩ rất thành công với nhạc “Tây”, nhưng sau đó lại quay sang hát dân ca khi kết hôn với anh Trần Quang Hải, đó là do tình nghĩa vợ chồng chứ đâu phải vì lòng yêu dân ca Việt?


- Thật ra không phải vì thương chồng mà tôi chuyển hướng trong cuộc đời ca hát để theo con đường âm nhạc dân tộc chồng mình đang theo đuổi. Lý do chính nằm ở tình yêu âm nhạc Việt Nam, nhưng trước đây tôi chưa có điều kiện và cơ hội. Khi gặp anh Quang Hải, ngoài cái duyên trong tình yêu còn là cái duyên trong âm nhạc, tôi gặp được một người hiểu biết sâu sắc về âm nhạc Việt Nam. Tôi rất yêu thích và muốn đi vào con đường âm nhạc dân tộc từ lâu, nhưng đây mới là cơ hội thật sự. Khi gặp anh Quang Hải, tôi vẫn còn những hợp đồng biểu diễn, nhưng sau đó tôi đã hủy để chú tâm vào âm nhạc dân tộc. Anh Quang Hải chỉ mời tôi nghe nhạc Việt Nam chứ không áp đặt hoặc tác động, khuyến khích. Anh đã giúp tôi hiểu biết về âm nhạc dân tộc, biết thưởng thức cái hay, cái đẹp của nó và từ đó tôi đã có một sự chuyển hướng trong cuộc đời ca hát của mình.


Danh ca Bạch Yến. Ảnh Phạm Thành Nhân

* Hiện nay chị và anh Quang Hải vẫn tiếp tục công việc giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam chứ?

- Có, chúng tôi vẫn tiếp tục, sau khi dự Liên hoan cồng chiêng quốc tế tại Pleiku, chúng tôi sẽ trở về Pháp và tiếp tục công việc giới thiệu âm nhạc dân tộcViệt Nam theo lịch đã có sẵn.

* Là người ưu ái với nhạc dân tộc Việt Nam như thế, nhưng trở về Việt Nam lần này, lý do nào mà chị chưa có một buổi biểu diễn dân nhạc Việt Nam?

- Thật ra tôi biểu diễn lần này là do yêu cầu của phòng trà. Phòng trà Văn Nghệ chuyên trình diễn những bài nhạc trữ tình nên khán giả rất muốn tôi hát lại những bài hát xưa...

* Trong những buổi trình diễn để giới thiệu âm nhạc dân tộc cùng anh Quang Hải, chị thường hát những thể loại nào?

- Tôi thường hát những bài dân ca nhẹ nhàng, thường là hát các bài hát ru của cả 3 miền Nam, Trung, Bắc. Đó là những khúc hát rất đặc trưng trong âm nhạc dân gian Việt Nam và cũng là cách để giới thiệu cho người phương Tây biết được sự phong phú vê thang âm trong dân ca Việt. Ngoài ra, tôi còn hát các bài hò: hò lao động của miền Trung và miền Bắc, đặc biệt là những điệu hò với giai điệu trữ tình, lãng mạn của các tỉnh miền Tây Nam bộ mênh mông sông nước như hò Đồng Tháp, hò Bến Tre... Thỉnh thoảng tôi cũng cùng với anh Quang Hải hát vè.

* Chị và anh Quang Hải có đào tạo được người học trò nào để tiếp nối sự nghiệp quảng bá dân ca Việt ra thế giới?

- Thật ra bây giờ tìm một người yêu nhạc dân tộc và làm công việc quảng bá cũng rất khó. Thứ nhất chúng tôi chỉ nhận những người thật sự có tình yêu với nó, sống chết với nó, chứ nếu dạy cho họ để họ đi hát “chơi” thì mất thì giờ lắm.

Làm văn nghệ thì mới kiếm được nhiều tiền chứ làm văn hóa thì không thể giàu được, có lẽ cũng vì lý do đó mà rất nhiều người làm văn nghệ chứ không làm văn hóa, tôi thấy ở hải ngoại và cả trong nước gần như là vậy.

Trước đây, có một thời gian khá dài tôi đi hát nhạc “Tây” và cũng kiếm được khá nhiều tiền, anh Quang Hải là một công chức tại Pháp, vì vậy chúng tôi có nhiều điều kiện thuận lợi, ngoài ra chúng tôi đi biểu diễn giới thiệu nhạc dân tộc chúng tôi cũng được trả thù lao.


Danh ca Bạch Yến. Ảnh Phạm Thành Nhân

* Nhiều người nói, một bộ phận khá lớn giới trẻ Việt kiều nói toàn tiếng “Tây” và nghe nhạc “Tây”, theo chị làm thế nào để họ hiểu được văn hóa Việt nói chung và nhạc Việt nói riêng?

- Ở nước ngoài, cũng có một số ít Việt kiều trẻ đi nghe và đó là những người thiết tha với văn hóa Việt Nam. Nói số ít là bởi những người trẻ bị ảnh hưởng nhiều từ nhạc rap, nhạc world music hiện nay, nhưng điều đó không có nghĩa là nhạc Việt Nam không có chỗ đứng trong lòng họ. Tôi chỉ lưu ý là muốn cho giới trẻ quay về với nguồn cội văn hóa Việt Nam, chúng ta phải làm nhạc Việt đúng chất nhạc Việt, thuần túy nhạc Việt; nếu có những pha tạp nhạc Tây phương vào nhạc dân tộc thì họ không thích.

Trong quá trình đi biểu diễn và giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam, cũng có một số những bạn trẻ đã tiếp xúc làm quen, xin địa chỉ E-mail của chúng tôi để trao đổi thêm về văn hóa Việt Nam, đó cũng là điều đáng mừng. Nhưng như trên tôi đã nói, họ muốn tìm hiểu văn hóa nguyên gốc chứ không phải có sự lai tạp.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Hữu Trịnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm