Ca sĩ opera Hàn Quốc Park Sung Min: Tìm thấy người 'trong mộng' ở Việt Nam

27/01/2014 07:02 GMT+7 | Âm nhạc

 (Thethaovanhoa.vn) - Yêu một cô gái Việt, tự nguyện ở rể Việt Nam, sẵn sàng trở thành “người đàn ông nội trợ” để vợ tỏa sáng trong sự nghiệp – điều đó vẫn chưa đủ khi nói đến giọng ca opera Hàn Quốc, Park Sung Min - chồng của pianist Trang Trịnh.

Trong căn hộ ấm cúng, giản dị nhưng tinh tế và sang trọng, ngồi bên vợ kiêm phiên dịch viên, Park Sung Min đã có những chia sẻ thú vị về cuộc sống mới của chàng rể Hàn tại Việt Nam.

* Anh vẫn nhớ những cảm xúc lần đầu khi đặt chân đến Việt Nam chứ?

Vâng, rất nhớ. Vì lần đầu đến Việt Nam (tháng 12/2009) là lần tôi đến thưa chuyện với gia đình Trang. Lúc ấy, mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ khi còn ở Hàn Quốc nhưng tôi vẫn cảm thấy rất lo lắng.

* Tại sao vậy?

-Khi chưa gặp tôi, tôi được biểt bố mẹ Trang không thích con gái yêu người nước ngoài. Nhất là thời điểm đó cũng khá nhạy cảm vì có những thông tin về việc chồng Hàn Quốc hành hung vợ Việt. Bản thân Trang khi sang Hàn Quốc gặp bố mẹ tôi cũng vậy, lúc đó cũng có thông tin vợ Việt đánh chồng Hàn. Đó thực sự là những trở ngại khách quan với chúng tôi trước phụ huynh của cả hai bên. Nhưng rất may, những trở ngại kia là lúc chưa gặp thôi. Gặp rồi, bố mẹ Trang lại rất quý tôi. Bố mẹ hai bên đã nhìn ra sự chân thành và nghiêm túc của chúng tôi trong mối quan hệ này nên không phản đối nữa.



Vợ chồng nghệ sĩ Park Sung Min và Trang Trịnh

* Lúc đó chắc anh chưa nói được tiếng Việt nhiều như bây giờ. Vậy anh thuyết phục gia đình Trang bằng cách nào?

- Tôi nói chuyện bằng tiếng Anh với bố còn với bà và mẹ thì bằng … ngôn ngữ cơ thể! (cười). Thực ra, thái độ và hành vi của mình sẽ quyết định tất cả thôi mà !

* Ấn tượng đầu tiên của anh khi gặp vợ mình bây giờ?

-Lúc đó, tôi đã nghĩ cô ấy là người Hàn Quốc ! Vì cô ấy chào tôi bằng tiếng Hàn. Tôi đã ấn tượng với Trang bởi sự hiền dịu và đôi mắt trong sáng của cô ấy ngay từ lần gặp đầu tiên.

* Còn để quyết định cưới một cô gái Việt Nam, anh có mất nhiều thời gian lắm không?

-Chúng tôi chính thức yêu nhau hồi tháng 6/2009 nhưng ngay sau đó, Trang về Việt Nam còn tôi trở lại Hàn Quốc. Chỉ mấy tháng xa nhau, yêu nhau trong nỗi nhớ khiến tôi không chịu được và tôi nghĩ phải bay sang Việt Nam thưa chuyện với bố mẹ Trang thôi

* Tiêu chuẩn về một người vợ của anh trước và sau khi gặp Trang có gì thay đổi?

- Không có gì thay đổi cả. Với tôi, một người phụ nữ hiền dịu là quan trọng nhất cho cuộc sống gia đình và Trang có điều đó. Tôi rất hạnh phúc vì đã tìm được người “trong mộng” của mình.

* Khi chọn lấy vợ “ngoại quốc”, anh có lường trước được sự khác biệt về văn hóa sẽ là những trở ngại trong cuộc sống gia đình của hai người?

- Nếu nói về văn hóa gia đình giữa Việt Nam và Hàn Quốc, tôi thấy không có sự khác biệt nhiều lắm. Đàn ông vẫn là trụ cột, phụ nữ là người “giữ lửa” với việc chăm sóc gia đình, con cái, đối nội đối ngoại… Nhưng tôi nhìn thấy phụ nữ Việt Nam thậm chí còn mạnh mẽ hơn phụ nữ Hàn Quốc. Ngoài làm việc ở xã hội, chăm sóc gia đình, họ còn làm thêm ngoài giờ. Họ thật chăm chỉ.

Hiện nay, cuộc sống gia đình tôi vẫn còn rất mới mẻ nhưng cũng không có trở ngại gì trước những khác biệt văn hóa. Bởi thực ra, Trang tuy là người Việt nhưng cô ấy sống ở Anh từ nhỏ, chịu ảnh hưởng của văn hóa Anh còn nhiều hơn ở Việt Nam, nhất là về tư duy. Cô ấy cũng có rất nhiều bạn bè Hàn Quốc nên tôi không nghĩ là mình đã cưới một cô dâu thuần Việt đâu!

* Ý anh là vợ anh tuy là người Việt nhưng không phải mẫu phụ nữ chuẩn trong gia đình Việt?

-Tôi không biết một phụ nữ Việt Nam trong gia đình phải như thế nào mới là chuẩn theo văn hóa của các bạn nhưng tôi dám chắc Trang thì không. Vợ tôi có được sự cộng hưởng của những nền văn hóa khác nhau, bao gồm Anh, Hàn Quốc và Việt Nam. Ví dụ như ở nhà, tôi thường xuyên phải nói “làm ơn” (please) vào cuối câu khi có việc gì đó cần đến sự giúp đỡ của cô ấy. Mà tôi biết, văn hóa ứng xử đó là của người Anh chứ không phải người Việt.  
 


* Ở quê hương anh, ở rể có phải là điều làm mất “thể diện” đàn ông không? Bố mẹ anh nói gì về quyết định này của anh?

- Ở Hàn Quốc, chúng tôi không đặt nặng chuyện ở rể đâu. Sức mạnh của người đàn ông trong gia đình không phụ thuộc vào việc anh ấy ở đâu mà trên hết, nơi nào sống thuận lợi nhất cho cả gia đình thì đó là sự lựa chọn tối ưu. Bố mẹ tôi tôn trọng quyết định của tôi.

* Nhưng với một nghệ sĩ opera quốc tế, ở Việt Nam sẽ là một sự thiệt thòi để phát triển sự nghiệp. Ít ra ở Hàn Quốc cũng vẫn hơn?

- Tôi biết, ở Việt Nam, cụ thể là Hà Nội, chỉ có hai đơn vị nghệ thuật cổ điển lớn là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam hay Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Ở đây, tôi ít có những buổi biểu diễn cho nghệ thuật opera. Ở Hàn Quốc, các địa phương đều có những nhà hát nhỏ, các vở opera được dựng thường xuyên. Tuy nhiên, như tôi đã nói, ở Việt Nam là để thực hiện giấc mơ dành cho những trẻ em nhỏ. Hơn nữa, tôi vẫn có những cơ hội biểu diễn tại Việt Nam và quốc tế.

* Anh nghĩ gì về tính gia trưởng ở đàn ông châu Á? Một người đàn ông chịu ở rể như anh chắc không có tính gia trưởng đâu nhỉ?

- Đúng là ở Việt Nam hay Hàn Quốc, đàn ông đều có tính gia trưởng. Hàn Quốc còn nổi tiếng về tính cách này ở đàn ông. Ở nhà tôi, bố cũng là một người gia trưởng nhưng tôi lại không “thừa hưởng” tính cách đó. Và ở góc nhìn của tôi, ở một khía cạnh nào đó, tính gia trưởng không phải là xấu. Hơn nữa trong xã hội hiện đại như bây giờ, những người đàn ông như vậy sắp thành “của hiếm” rồi!

Thực ra, hai vợ chồng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc sống ở đâu thì tốt nhất, ở Anh, Hàn Quốc, Singapore hay Australia? Và chúng tôi đã chọn Việt Nam vì muốn thực hiện giấc mơ của mình: đem âm nhạc đến với những trẻ em nghèo, khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống. Như bạn đã biết, đó chính là dự án Hợp xướng kỳ diệu vừa triển khai tháng 11 vừa qua. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng cân nhắc giữa Hà Nội và TP.HCM nhưng Hà Nội là lựa chọn cuối cùng vì có nhiều thuận lợi hơn cả.

* Anh không gia trưởng, đi ở rể mà vợ anh lại không được “thuần Việt” lắm. Vậy trong gia đình anh, ai  là người “cầm đầu”?

- Tôi nghĩ là tôi. Nhưng khi ra ngoài xã hội, vị trí này lại thuộc về vợ tôi. Vì đây là “đất” của cô ấy nên để cô ấy quyết định, tôi rất yên tâm. Còn trên sân khấu, chúng tôi linh hoạt thay đổi vai trò cho nhau.

(Thực ra khi được hỏi câu này, hai vợ chồng Park Sung Min đã nhìn nhau, đùn đẩy nhau trả lời và khi phóng viên chỉ định người được phỏng vấn là người trả lời, nghệ sĩ Park Sung Min mới “chịu” đưa ra quyết định – TT&VH)

* Anh mới ở Việt Nam được một năm. Khoảng thời gian đó chắc chưa đủ để anh hòa nhập được ngay với cuộc sống ở nơi đây?

Tôi không thấy khó khăn gì trong việc hòa nhập. Ngay cả hiện tại tôi nói tiếng Việt chưa được tốt nhưng có vợ là người Việt Nam ở bên cạnh nên tôi không phải lo gì cả ! (cười)

Thực ra tôi là người dễ thích nghi. Tất nhiên, lúc đầu có những sinh hoạt thuộc về cách sống của người Việt mà tôi chưa hiểu nên tôi cũng có những khó chịu. Song tôi nghĩ, điều đó cũng không quá to tát khi mình đã lựa chọn sống ở đây bởi những ưu điểm của đất nước các bạn, đặc biệt là con người Việt Nam sống rất thoải mái, lại hiền lành và chăm chỉ.

* Ồ, nghe anh nói thế, tôi lại nghĩ đến những vị khách du lịch đến Việt Nam. Họ vẫn thường phát biểu về người Việt Nam với những tính từ như thân thiện, ấm áp… Song, tôi nghĩ đó là phép lịch sự vì họ là “khách đến chơi nhà” . Còn anh, một người đàn ông đã là rể Việt thì có lẽ nên thành thật với thực tế hơn chăng?

-Nói thật là lúc đầu tôi cảm thấy khó chịu vì sự sai giờ, sai hẹn của người Việt Nam. Tất nhiên, khi đã hòa nhập rồi thì tôi thấy bình thường. Hoặc như ra đường mua hàng, tôi hay bị “bắt nạt”, bị nói “thách” rất cao mà tôi lại không biết trả giá. Việt Nam, mọi người cũng chưa có sự tôn trọng không gian riêng của mỗi cá nhân. Như khu nhà tôi đang ở, thi thoảng ở dưới đường lại thấy có những chương trình văn nghệ bật loa rất to đến tận 11 -12giờ đêm. Hàng xóm thì hát karaoke cũng để loa lớn. Đi đường khá lộn xộn vì các phương tiện tham gia giao thông thì đa dạng mà sự phân làn và tín hiệu đèn đường không rõ ràng. Tôi đã từng bị công an “tuýt còi” cũng vì thế.

* Vậy điều gì khiến anh dễ chịu nhất và điều gì khiến anh khó chịu nhất khi sống ở đây?

Ở Việt Nam không bị căng thẳng thần kinh vì áp lực cuộc sống như ở Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc, một người đàn ông có thể làm việc từ 7 giờ sáng đến 12 giờ khuya, đi ra khỏi nhà khi con chưa ngủ dậy và về nhà lúc con đã ngủ nên cả tuần có thể không gặp con là bình thường. Trẻ con cũng học tập rất căng thẳng. Vào mùa thi, đèn ở các trường cấp 3 luôn sáng đến 10 giờ tối, chưa kể việc, sau thời gian đó, học sinh tiếp tục đi học thêm ở ngoài đến đêm. Nếu so với cuộc sống ở Việt Nam mà tôi biết thì ở Việt Nam dễ chịu hơn rất nhiều, từ môi trường làm việc đến con người. Tôi chỉ cảm thấy khó chịu là môi trường ở đây khá ô nhiễm.

* Theo anh, làm thế nào để mình sống ở đâu cũng thấy thoải mái trước những khác biệt về văn hóa?

-Tôi nghĩ đó là sự tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt đó.

* Ngoài lý do vì vợ, vì giấc mơ, còn điều gì ở Việt Nam hấp dẫn anh?

- Hiện nay, ở Hàn Quốc, tiền vẫn là mục tiêu hàng đầu trong cuộc sống. Ở Việt Nam, tôi thấy gia đình vẫn được coi trọng hơn. Mà tôi là người coi trọng gia đình nên tôi rất thích ở đây. Với tôi, gia đình luôn là 100%.

* Vậy, nếu cơ hội phảt triển sự nghiệp của vợ tốt hơn, anh có sẵn sàng đứng sau hậu thuẫn, sẵn sàng vào bếp làm người đàn ông nội trợ không?

- Tôi rất sẵn lòng ! 10 năm sống tự lập của tôi hi vọng là đủ để tôi có những kỹ năng làm việc nhà giúp vợ đấy!

* Năm ngoái, anh đón Tết thế nào? Tết này anh có ở Việt Nam không?

Năm ngoái và năm nay tôi đều đón Tết ở Việt Nam trước, sau đó mới về Hàn Quốc thăm hỏi gia đình. Việt Nam và Hàn Quốc khá giống nhau về phong tục cúng giỗ ngày Tết, chỉ khác nhau ở những món ăn. Nhưng đặc biệt nhất ở Việt Nam có mà Hàn Quốc không có vào dịp Tết, đó là phong tục sắm cây cảnh như quất, đào trong nhà. Năm ngoái, tôi đã được vợ đưa đi sắm cây ở chợ hoa và sắm Tết ở phố cổ. Nhìn thấy mọi người trong vườn cây, xem cây, chọn cây, đưa cây lên xe chở về nhà tíu tít, tấp nập, tôi cảm thấy rất vui với những hoạt động có ý nghĩa như vậy trong dịp Tết !

* Còn dự định trong tương lai?

Bên cạnh những chương trình biểu diễn, hai vợ chồng tôi hiện đang tập trung cho dự án Dàn hợp xướng kì diệu kéo dài từ nay đến 2015. Tôi hi vọng kết thúc dự án, chúng tôi sẽ có một chương trình biểu diễn dành riêng cho các bé và tiếp tục triển khai những dự án tương tự tiếp theo. Với cuộc sống riêng của hai vợ chồng, chắc chúng tôi sẽ có kế hoạch sinh bé. Chúng tôi là những người rất yêu trẻ con nên sẽ phấn đấu sinh được ba nhóc cho “vui cửa vui nhà”! (cười)

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Tenor (Giọng Nam cao) Park Sung Min, tốt nghiệp xuất sắc tại khoa Opera đại học danh tiếng YonSei, Hàn Quốc và tu nghiệp tại Anh Quốc với học bổng của Học Viện Âm Nhạc Hoàng Gia Scotland. Anh bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình vào năm 2005 với nhiều buổi biểu diễn quốc tế: Seocheon recital hall (Hàn Quốc), Volgograd (Nga), St Mary và St Matthew Church tại Cheltenham và Canterbury (Anh Quốc), All Souls Church (Luân Đôn), Castle Rakozi (Hung), Uppsala (Thụy Điển), Hồng Kong và nhiều nơi khác.


Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm