20/12/2012 06:51 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày hôm qua 19/12 nhiều báo mạng đã đưa tin ca sĩ Duy Quang đã lìa trần. Anh được xem là nam ca sĩ hát nhạc Phạm Duy nhiều nhất và cũng là người có nhiều bản “hit” nhạc Phạm Duy nhất.
Ca sĩ Duy Quang
Với ca sĩ Duy Quang, có điểm đặc biệt là giai đoạn khởi đầu và giai đoạn cuối của sự nghiệp ca hát, anh đều gắn bó khá mật thiết với ca nhạc phòng trà.
Thời huy hoàng của ca sĩ Duy Quang cùng ban nhạc The Dreamers cũng là thời mà họ biểu diễn thường xuyên tại 3 phòng trà lớn của Sài Gòn lúc đó - Tự Do, Ritz và Queen Bee.
Giai đoạn cuối đời trở về hoạt động ở Việt Nam, Duy Quang lần lượt mở nhiều phòng trà, bản nhạc anh hát nhiều cảm xúc nhất và là bản nhạc cuối cùng hát cho 150 khách mời nghe cũng diễn ra tại một phòng trà.
Năm 2004 nhạc sĩ Phạm Duy chính thức về Việt Nam sinh sống và đã có live show Ngày trở về khá hoành tráng tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM.
Năm 2006 gia đình nhạc sĩ Phạm Duy (mà người đứng ra xúc tiến và tham gia điều hành trực tiếp công việc là ca sĩ Duy Quang) đã hợp tác với nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng để mở phòng trà Văn nghệ tại 14 Lam Sơn, P.6, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Tại đây cùng với một số ca sĩ hải ngoại và ca sĩ trong nước, những bản nhạc xưa trữ tình và nhạc Phạm Duy được trình diễn, Duy Quang cũng biểu diễn khá thường xuyên ở đây.
Nhưng năm 2007, ca sĩ Duy Quang ngưng hợp tác với phòng trà Văn nghệ và đến số 1A đường Phổ Quang, Q.Tân Bình để mở phòng trà mới mang tên Tình ca - cũng là tên của một bản nhạc nổi tiếng của bố anh, nhạc sĩ Phạm Duy. Buổi ra mắt đầu tiên của phòng trà là đêm 19/4/2007.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà các phòng trà ở TP.HCM sau một thời gian hoạt động đã định hình “phong cách” của mình. Mỗi phòng trà có một thế mạnh và có một số lượng công chúng riêng. Phòng trà ATB của Ánh Tuyết thì “chuyên trị” nhạc “sang”, đặc biệt là nhạc của Văn Cao, bởi chủ nhân là người được xem là hát nhạc Văn Cao hay nhất ở thời điểm đó. Phòng trà Không tên (do nhạc sĩ Lê Quang làm chủ) là nơi tập hợp các sao trẻ như Mỹ Tâm, Lam Trường, Quang Dũng… và các tài năng trẻ vừa thành danh ở các cuộc thi như Phạm Anh Khoa, Hà Anh Tuấn (Sao Mai - Điểm hẹn), Phương Vy (Vietnam Idol)…
Phòng trà Văn nghệ lúc đó có thế mạnh với sự xuất hiện của các danh ca hải ngoại và dòng nhạc bình dân. Phòng trà Đồng Dao thì với phong cách sang trọng, lịch lãm, rất phù hợp với các buổi xem ca nhạc mang tính chất xã giao hoặc quan hệ công việc làm ăn…
Trong bối cảnh như vậy, phòng trà Tình ca của Duy Quang không có nét đặc trưng gì riêng cho mình: cũng trình diễn chủ yếu những ca khúc “vượt thời gian” và ca khúc Phạm Duy đồng thời cũng trình diễn những bản nhạc trẻ hiện đại mà giới trẻ yêu thích.
Thêm vào đó, địa điểm của phòng trà Tình ca không nằm ở trung tâm TP.HCM, một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc thành - bại của một phòng trà. Vì vậy mà không bao lâu phòng trà Tình ca cũng ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, Duy Quang là người đam mê âm nhạc từ nhỏ và đã gắn bó với ca hát như một cái nghiệp, vì thế mà anh cũng luôn trăn trở nhằm có một nơi để vừa làm kế sinh nhai vừa được thường xuyên sống với ánh đèn sân khấu. Tuy vậy mãi 3 năm sau anh mới khai trương phòng trà Duy Tân của mình tại số 6B Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM vào ngày 17/12/2010.
Nhưng thời điểm này cũng là thời điểm “suy thoái” của các phòng trà TP.HCM bởi sự “thống trị” của các chương trình truyền hình giải trí, của rất nhiều chương trình ca nhạc miễn phí khác và ca nhạc phòng trà đã đi vào “bão hòa” cùng sự suy thoái về kinh tế của xã hội. Không bao lâu, phòng trà Duy Tân cũng đóng cửa.
Có thể nói với “nghiệp” phòng trà giai đoạn cuối đời, ca sĩ Duy Quang khá lận đận. Sau đó Duy Quang còn hợp tác với một số nơi khác như Bar Sixteen ở 16 lê Quý Đôn, Q.3 hoặc ở Phú Thọ. Nhưng có lẽ địa điểm để lại dấu ấn cho Duy Quang và rất nhiều bạn bè của anh là tại phòng trà ca nhạc H&M (101 Sương Nguyệt Anh, Q.1, TP.HCM). Bởi tại nơi đây có thể nói là nơi mà Duy Quang đã “biểu diễn” lần cuối cùng của cuộc đời một ca sĩ. Đó là vào đêm 4/11/2012, nhân sinh nhật anh và cũng là đêm gặp gỡ khá đông đảo bạn bè trước khi anh lên đường trở về Mỹ chữa bệnh.
Một vài nghệ sĩ có tham dự đêm sinh nhật này cho biết, dù hôm đó ca sĩ Duy Quang trông khá yếu nhưng anh rất tỉnh táo và lạc quan, không tỏ một chút buồn phiền. Đặc biệt, Duy Quang đã hát duy nhất một bản Ngậm ngùi để tặng người thân và bạn bè rất xúc động.
Giờ đây, anh đã vĩnh viễn lìa xa cuộc đời, lìa xa kiếp đam mê, để lại cho người thân, bạn bè và những khán giả yêu mến giọng hát của anh nhiều thương tiếc.
Ca sĩ Duy Quang là con trai trưởng của nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Hằng. Anh sinh năm 1950 tại Bạch Mai, Hà Nội. Được khán giả biết đến với ban nhạc The Dreamers cùng với Duy Hùng, Duy Minh, Duy Cường và Thái Hiền (trước đó là Julie). Anh là linh hồn của ban nhạc “gia đình” The Dreamers - một trong những ban nhạc trẻ danh tiếng của Sài Gòn vào thập niên 1970, Duy Quang với giọng hát trầm ấm, truyền cảm được xem là một trong những giọng ca nam hát nhạc trữ tình hay nhất của Sài Gòn, đặc biệt là những ca khúc của Phạm Duy như: Em hiền như masoeur, Thà như giọt mưa, Còn một chút gì để nhớ, Hai năm tình lận đận, Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, Đưa em tìm động hoa vàng… Đêm 4/11/2012 Duy Quang có buổi mừng sinh nhật của mình đồng thời chia tay bạn bè để về Mỹ chữa bệnh. Theo nhiều nguồn tin, anh đã từ trần trưa 19/12/2012 (giờ Việt Nam) tại Mỹ. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất