Ca khúc 'Under The Bridge' của Red Hot Chili Peppers: Sự cứu rỗi từ 'Bên dưới cây cầu'

17/04/2022 19:00 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Red Hot Chili Peppers không hẳn là ban nhạc đầu tiên lộ thiên những cảm xúc yêu mềm thật thà nhất trong nhạc rock. Nhưng năm 1991, khi phát hành album mang tính đột phá Blood Sex Suga Magik, bên cạnh những ca khúc đầy khoa trương đậm chất punk-rock như Suck My Kiss Give It Away, họ vẫn khiến khán giả run rẩy với bản ballad thê lương Under The Bridge (Bên dưới cây cầu).

Ban nhạc Red Hot Chili Peppers bán quyền xuất bản ca khúc cho Hipgnosis giá 150 triệu USD

Ban nhạc Red Hot Chili Peppers bán quyền xuất bản ca khúc cho Hipgnosis giá 150 triệu USD

Ngày 4/5, tạp chí âm nhạc Billboard (Mỹ) dẫn các nguồn thạo tin cho biết công ty đầu tư Hipgnosis (Anh) đã mua lại quyền xuất bản các bài hát của ban nhạc Red Hot Chili Peppers trong một thương vụ trị giá 140-150 triệu USD.

Chính tác giả, trưởng nhóm The Chili Peppers Anthony Kiedis, cũng e dè về sự lạc loài của ca khúc giữa giai điệu chung khi giới thiệu Under The Bridge với ban nhạc. Anh đã nhận lại phản ứng không ngờ.

Bài thơ cho riêng mình

Vào những năm đó, ma túy được coi như một phần của bộ ba không thể tách rời trong giới rocker California, bên cạnh tình dục và rock ‘n’ roll. Như một bầy thiêu thân lao vào ánh đèn nàng tiên nâu, không ít kẻ gục ngã. Với Red Hot Chilli Peppers, họ mất đi thành viên gốc Hillel Slovak vì sốc thuốc vào năm 1988.

Những thành viên còn lại cũng không khá khẩm hơn nhiều: Under The Bridge thành hình trong Anthony Kiedis vào khoảnh khắc anh muốn quên đi khi bước vào phòng thu và thấy cả John Frusciante và tay bass Flea đang phê thuốc tới mức không còn biết gì nữa.

Chú thích ảnh
Bìa đĩa đơn “Under The Bridge” của Red Hot Chili Peppers

Bản thân anh trước đó ít lâu cũng chẳng khác là bao. Kiedis luôn mang tâm trạng tội lỗi vớingười yêu Ione Skye, một thiên thần mà anh thấy mình không xứng với tình yêu hết lòng cô dành cho anh. Bởi khi cô cần, thay vì ở bên, anh lại đang phê túy lúy với những gã côn đồ.

Trở về nhà sau buổi thu âm hôm đó, như giọt nước tràn ứ những nỗi niềm, Kiedis đã viết ngay một bài thơ, gợi lại một kỷ niệm thức tỉnh đời mình ở bên dưới một cây cầu. Tất nhiên, bài thơ đó anh viết chỉ cho riêng mình.

Phải vài năm sau, khi Kiedis đang cùng The Chili Peppers làm album Blood Sex Sugar Magik đồng thời thu thập bản thảo cho cuốn hồi ký Scar Tissue, bài thơ mới được nhà sản xuất Rick Rubin - trong quá trình xem dữ liệu - phát hiện. Lập tức bị xúc động với những ca từ thâm trầm, Rubin khẩn khoản Kiedis mang nó cho mọi người trong nhóm xem.

Kiedis khá miễn cưỡng, bởi ca từ sầu thảm đó dường như không hợp với The Chili Peppers - những người vẫn đang giữ hình ảnh những chàng trai tiệc tùng với âm nhạc ồn ào, bừng bừng sức sống.Tuy nhiên, sau khi chia sẻ với Frusciante và tay trống Chad Smith nghe, Kiedis nhớ lại rằng hai người chỉ lặng lẽ “đứng dậy và đi tới chỗ nhạc cụ, bắt đầu tìm beat và hợp âm guitar cho hợp với ca khúc”.

MV "Under The Bridge":

Tình yêu thuần khiết

Người ta nói đêm tối sâu thẳm nhất chính là vào thời khắc trước khi mặt trời mọc.

Với Kiedis, màn đêm bắt đầu buông xuống từ rất sớm. Là người Los Angeles gốc, nhiều năm tuổi trẻ của Kiedis đã lăn lộn khắp các con đường nơi đây cùng bố mình Blackie Dammett, bán ma túy cho các rocker và lén lút vào các hộp đêm khi chưa đủ tuổi. Có lẽ là diễn tiến tự nhiên khi cuối cùng Kiedes bắt đầu dùng ma túy.

Ma túy đâm rễ sâu tới mức nó như sợi dây kết nối Kiedes với những người xung quanh. Ngay cả với bạn cùng nhóm Flea và Frusciante, họ gắn kết với nhau trong những cơn phê. Ngoài xã hội, “Tất cả những gì tôi có là mối liên hệ với một người tên Mario. Gã là cựu mafia Mexico. Gã và tôi thường lượn lờ quanh các con phố ở trung tâm, tìm chỗ chơi thuốc. Vào một buổi chiều nọ, vào giữa Hè rất nóng bức, sau nhiều ngày vật vờ, gã và tôi tìm thấy nơi chúng tôi đang kiếm tìm. Chúng tôi tới cây cầu nằm ở trung tâm Los Angeles, trong khu ổ chuột”.

“Có một cây cầu xa lộ, một lối đi nhỏ phải băng qua, và chỉ có một ít thành viên băng đảng Mexico - những người từng bị kết án - mới được tới đây. Lý do họ cho tôi qua là bởi gã Mario này nói tôi qua lại với em gái gã, một lời nói dối chỉ để chúng tôi được vào. Chuyện đó luôn khắc ghi trong đầu tôi như là điểm thảm hại nhất đời mình”.

Chú thích ảnh
Anthony Kiedis (ngồi) bên các thành viên Red Hot Chilli Peppers

Đó chính là khi - bên dưới cây cầu - Kiedes thức tỉnh, nhận thấy mình đã bỏ lỡ quá nhiều thứ trong cuộc đời vì ma túy. Nhưng đó cũng chính là thời khắc tối tăm nhất:Khi Kiedes dứt khỏi ma túy thì cũng là lúc xung quanh anh không còn một ai. Anh đã đánh mất gia đình, người yêu, bạn bè chân chính trong những cơn phê. Những người cuối cùng - bạn nghiện - cuối cùng cũng biến mất. Một cú hẫng rơi vào hố thẳm. Một cảm giác mà như Kiedes viết trong Under The Bridge là “Tôi không bao giờ muốn rơi vào cảm giác đó/ Như trong cái ngày đó”.

Chính vào lúc đó, sự cứu rỗi tới. “Thật khó mà tin rằng ngoài kia chẳng có ai/Thật khó mà tin rằng tôi hoàn toàn cô độc/Ít nhất tôi có được tình yêu của nàng, thành phố này, nàng yêu tôi/ Trong cô độc, chúng tôi khóc với nhau” - như trong phiên khúc cuối nổi tiếng của Under The Bridge. Phải, đó là lúc Kiedis tìm được tình yêu thuần khiết mà đất mẹ dành cho anh.

“Tôi đã dành rất nhiều thời gian lang thang trên những con đường Los Angeles và leo lên đồi Hollywood tới mức có cảm giác có một thực thể phi nhân, có thể là linh hồn của những ngọn đồi và thành phố, đang dõi bước và chăm sóc thôi. Ngay cả khi tôi là kẻ cô độc trong chính ban nhạc của mình, ít nhất tôi có thể cảm nhận thấy thành phố nơi tôi sống” - Kiedis tự sự. “Los Angeles - những ngọn đồi, tòa nhà, con người sống trong đó nói chung – dường như để tâm tới tôi hơn bất cứ một người thật sự nào”.

Tình yêu này cuối cùng đã nâng đỡ, ban sức mạnh cho Kiedes, giống như thần Antaeus mỗi lần ngã xuống lại được đất mẹ Gaia tiếp sức. “Một mối ràng buộc không lời giữa tôi với thành phố của tôi” - như Kiedes chia sẻ. Nhờ đó, anh cai nghiện thành công, tiếp tục sạch sẽ theo đuổi giấc mơ của mình một cách mạnh mẽ hơn.

Under The Bridge chính là ca khúc giúp The Chili Peppers tiến lên thành mainstream trong giới nhạc. Ca khúc được giới phê bình hết lời ca ngợi với Rolling Stone nhận định là nó “bất ngờ sút ban nhạc vào Top 10”. Under The Bridge cũng đạt thành công thương mại lớn, là đĩa đơn xếp hạng cao nhất của The Chili Peppers khi đó khi leo tới No.2 Billboard Hot 100 và đạt chứng nhận bạch kim.

Ca khúc sau đó còn là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ khác, là một phần quan trọng trong phong trào alternative rock vào đầu và giữa thập niên 1990. Nhưng trên tất cả, Under The Bridge, mặc dù là về nỗi cô đơn, bị xa lánh, lại mang tới cho The Chili Peppers nói chung và Kiedes nói riêng sự kết nối lớn chưa từng có với khán giả nhiều thế hệ. Tới nay, ca khúc vẫn là một biểu tượng, là chỗ dựa tinh thần cho nhiều khán giả cô quạnh, một khoảnh khắc huy hoàng khi mặt trời mọc giữa tình yêu tinh khiết.

Cây cầu ở đâu?

Kiedis không bao giờ tiết lộ chính xác vị trí cây cầu nhưng qua những manh mối trong các cuộc phỏng vấn và tiểu sử, nó có thể là đường hầm nhỏ dưới đại lộ Wilshire ở công viên MacArthur.

Tiếc là, đây không phải lần cuối The Chili Pepper bị tàn phá vì ma túy. Kiedis rồi sẽ tái nghiện còn tình trạng của John Frusciante trầm trọng tận đáy vào năm 1992, buộc anh rời nhóm lần đầu. Nhưng cũng như trong Under The Bridge, nhóm luôn tìm lại được sự cứu rỗi trong cơn bĩ cực để một lần nữa trở lại sân khấu lớn mạnh hơn. The Chili Peppers vẫn hoạt động tới ngày nay và là một trong những cái tên hàng đầu. Họ vừa phát hành album phòng thu thứ 12 Unlimited Love vào ngày 1/4/2022, ra mắt ở ngay vị trí No.1 Billboard 200.

Trong Under The Bridge, Kiedis cầu xin “Hãy đưa tôi tới nơi tôi yêu mến”. Có người mỉa mai rằng đó hẳn là nơi chứa đầy thuốc. Kiedis đáp: “Nơi yêu mến của tôi chính là hiện tại này”.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm