Ca khúc 'Beat It' của Michael Jackson: Lùi lại một bước, trời cao biển rộng

09/01/2022 19:00 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Mùa Hè năm 1982, Eddie Van Halen đang nghỉ ngơi tại nhà ở Los Angeles. Chuông điện thoại đổ, anh nhấc máy hỏi: “Ai đó?” Giọng phía kia đáp: “Quincy đây!”. Van Halen lại hỏi: “Quincy nào?” và nhận câu trả lời: “Quincy Jones!”. Van Halen tức giận gào lên: “Cút ngay!”, rồi dập máy.

Ca khúc 'Black Or White': Cơn giận dữ của 'báo đen' Michael Jackson

Ca khúc 'Black Or White': Cơn giận dữ của 'báo đen' Michael Jackson

Khi làn da của ông vua nhạc pop sáng màu hơn cũng là lúc âm nhạc của ông đậm tính chính trị hơn và album năm 1991 -"Dangerous"- với ca khúc nổi bật là "Black Or White" đã gói trọn khoảnh khắc cấp tiến này trong âm nhạc.

Cần phải thêm 4 lần như thế trước khi Van Halen cuối cùng cũng nhận ra đó không phải trò phỉnh phờ mà thật sự là Quincy Jones đang gọi anh. Đâu phải ngày nào nhà sản xuất đình đám bậc nhất thế giới cũng gọi mời mình chơi đoạn solo guitar vĩ đại bậc nhất lịch sử âm nhạc, nằm trong ca khúc vĩ đại bậc nhất mọi thời đại Beat It!

3 điều kiện cho màn solo huyền thoại

Khi đó, Quincy đang làm album mới cho Michael Jackson - album mà ông biết chắc rằng sẽ là thành công lớn. Ông giải thích với Van Halen rằng album - lúc này vẫn chưa có tên - sẽ “cứu lấy ngành công nghiệp thu âm (lúc đó đang suy sụp) và ông muốn huyền thoại guitar chơi solo trong một ca khúc có tên Beat It (Biến đi, phần nào giống câu trả lời của Van Halen!).

Trước đó, Jones nói với Jackson rằng ông muốn đưa vào album một ca khúc rock mang phong cách My Sharona của Knack. Dù Jackson xưa nay chưa từng có hứng thú với rock nhưng ông hoàng nhạc pop sau khi suy nghĩ đã quyết định: “Tôi muốn viết một ca khúc rock theo kiểu tôi sẽ mua nếu muốn mua một ca khúc rock… Nhưng phải là kiểu hoàn toàn khác so với rock tôi nghe trên Top 40 đài phát thanh”. Jackson muốn đây là “cách tôi tiếp cận nó và muốn lũ trẻ thật sự thích nó - lũ học sinh ở trường cũng như sinh viên đại học”.

Chú thích ảnh
Michael Jackson lập lại hòa bình bằng âm nhạc và vũ đạo

Jermaine Jackson đã truyền những hạt giống cảm hứng cho Beat It và MV đi kèm, tới từ những trải nghiệm băng đảng của gia đình Jackson ở Gary, Indiana. “Từ cửa sổ trước nhà chúng tôi, chúng tôi đã chứng kiến khoảng 3 vụ đấu súng tồi tệ giữa các băng nhóm đối đầu”.

Ban đầu, Van Halen khá miễn cưỡng với vụ solo này bởi anh đã có thỏa thuận với các thành viên trong nhóm là sẽ không bao giờ thực hiện bất kỳ hợp đồng biểu diễn phụ hay solo nào. Nhưng sau cùng, sức hấp dẫn của Jones và Jackson là điều quá khó cưỡng. Bởi vì nhóm hiện không có ở đây, Van Halen đánh liều tiến bước một cách âm thầm. Anh nói với Quincy rằng sẽ đồng ý thực hiện solo với 3 điều kiện: 1) Tên anh sẽ không được ghi nhận trong ca khúc bởi anh không muốn các thành viên khác của Van Halen phát hiện ra nó, 2) Anh không cần tiền công bởi đây như một ân huệ và do đó tất cả những gì anh muốn là một chầu bia, và 3) Mong Jackson có thể “lúc nào đó dạy anh nhảy”!

Khi Van Halen tới Westlake Audio ở Tây Hollywood (phòng thu huyền thoại nơi Thriller được thu âm và sản xuất), anh cũng mang theo ít bia của mình. Anh bắt tay vào việc ngay, dù Jackson lúc ấy đang làm việc với Steven Spielberg và nhà sản xuất Kathleen Kennedy trong phòng thu, thu âm cho phim E.T. The Extra - Terrestrial. Là người rất dễ xúc động khi biểu diễn hay đọc thoại nên khi Van Halen đang bận rộn chuẩn bị cho màn solo thì Jackson ngập trong nước mắt khi lạc vào thế giới E.T..

Ca khúc kinh điển “Beat It” của Michael Jackson:

Phút bùng cháy của hòa bình

Nhưng khi Quincy chơi bản gốc ca khúc mà họ muốn Van Halen có đoạn solo, anh liền nói rằng chuyện này là không thể! Không có thay đổi hợp âm bên dưới nào! Anh muốn cải biên lại ca khúc! Và anh đã làm ngay tại chỗ.

Thế nhưng, khi Jackson bước vào, Van Halen có phần e ngại. “Mọi người biết đấy, nghệ sĩ luôn hơi điên rồ. Chúng tôi đều có chút kỳ quái. Tôi không biết ông ấy sẽ phản ứng ra sao với việc tôi làm” - anh nhớ lại, ngờ rằng Jackson sẽ gọi vệ sĩ tới tống cổ anh vì dám làm thịt ca khúc.

“Ôi, hy vọng anh không phiền nhưng tôi đã thay đổi ca khúc của anh” - Van Halen nói. Nhưng nếu nghe kỹ Beat It hơn một chút, Van Halen đã biết Jackson là người ôn hòa. “Thế là ông ấy nghe rồi quay sang tôi và nói: Ồ, cảm ơn anh vô cùng vì niềm đam mê không chỉ cho đoạn solo bùng cháy mà còn thật sự quan tâm tới cả ca khúc, làm cho nó hay hơn”. Jackson cho Van Halen 100% quyền sáng tạo đoạn solo, cải biên lại bất cứ gì anh cần. Quincy cũng công nhận: “Tôi sẽ không ngồi đây và nói anh nghe phải chơi thế nào. Lý do anh ngồi đây là bởi những gì anh sẽ chơi”.

Chú thích ảnh
Eddie Van Halen (trái) suýt nữa thì làm mất một đoạn lịch sử âm nhạc lừng lẫy vì ngỡ mình bị lừa

Nhưng phần điên rồ nhất của câu chuyện là quá trình thu âm. Ngay khi Van Helen lên tới đỉnh điểm, các kỹ sư sốc nặng khi thấy loa kiểm âm của anh bốc cháy. “Phải là cực hay đây” - một kỹ sư reo lên. Màn bốc cháy như ăn mừng sớm cho đoạn phân đoạn sẽ trở thành đoạn solo guitar vĩ đại bậc nhất mọi thời đại.

Tuy giai điệu phừng phừng như vậy nhưng hóa ra Beat It là lời kêu gọi ôn hòa và triết lý, được miêu tả như “bình luận buồn thảm về bản chất con người”. Bối cảnh là một chàng trai đang bị băng đảng kẻ thù đe dọa. Có 2 giọng hát liên tục xen kẽ như cuộc đấu tranh nội tâm trong mỗi cá nhân khi đứng giữa tình huống phô trương cái tôi hay lẩn đi. Luôn là như vậy, khi bị thách thức, đe dọa, con người - mà phần nhiều là phái nam - cảm thấy mình yếu hèn, không phải đấng nam nhi khi “biến đi”. Nhưng một phần khác - thông thái hơn - trong họ hiểu rằng cần lùi bước trước bạo lực. Ấy thế nhưng cái tôi sĩ diện vẫn nhiều lần thắng và chu kỳ bạo lực cứ thế tiếp tục.

Qua Beat It, Jackson vạch trần quan điểm méo mó về dũng cảm và hèn nhát trong xã hội. Ông làm sáng tỏ quan điểm rằng đôi khi dũng cảm là để cho đối thủ hạ mình, ngay cả khi bạn có đủ sức đánh bại hắn một cách đường đường chính chính. Không ai muốn bị gọi là kẻ thất bại nhưng mọi người đều có thể thắng cuộc nếu ta để hòa bình chiến thắng. Đó có lẽ là bài học xương máu mà Jackson rút ra được từ chính cuộc đời mình khi ông từng bị cha đối xử tàn tệ trong suốt tuổi thơ.

Trong Hồng Lâu Mộng, khi Giả Vũ Thôn mưu toan đang thưởng ngoạn cảnh thôn quê thì bất ngờ bắt gặp một câu khiến hắn phải ngẫm ngợi: “Sau mình còn chỗ, không lùi bước/ Trước mắt cùng đường, muốn ngoảnh đầu”. Trong Tân Ước, Jesus dạy: “Nếu ai vả má bên phải của ngươi, hãy đưa luôn má bên kia cho họ”. Trong Phật giáo, đó là tâm trị - lấy từ bi để đáp lại hung tàn.

“Không cần phải là đấng nam nhi” như Jackson hát trong Beat It nghe có vẻ ngược đời nhưng lùi lại một bước, trời cao biển rộng.

Ca khúc có đoạn guitar hay nhất mọi thời đại

Beat It khi vừa ra mắt đã đứng đầu BXH Billboard Hot 100 trong 3 tuần. Giải hòa 2 băng nhóm bằng âm nhạc và vũ đạo, ca khúc đưa Jackson lên tầm biểu tượng nhạc pop quốc tế khi đứng No.1 ở nhiều quốc gia. Tại Grammy 1984, Beat It được trao giải Bản thu của năm và Màn biểu diễn giọng rock nam hay nhất; cũng như hai Giải Âm nhạc Mỹ.

Tới nay, với hơn 7 triệu đĩa bán ra, Beat It là một trong những đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời đại; được công nhận, trao giải và kỷ niệm nhiều nhất với âm nhạc lẫn MV đều có ảnh hưởng lớn tới văn hóa pop. Ca khúc được coi là “tiên phong” cho nhạc rock da đen và là một nền tảng của album Thriller biểu tượng.

Rolling Stone xếp Beat It đứng thứ 185 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại và thứ 81 trong danh sách Đoạn guitar hay nhất mọi thời đại. Nó cũng nằm trong 500 ca khúc định hình rock and roll của Đại sảnh Danh vọng rock and roll.

Về Van Halen, khi ban nhạc của anh phát hiện ra chuyện này, thay vì tức điên lên, họ liền trêu anh ngốc nghếch khi không lấy tiền hoa hồng! “Tôi hoàn toàn ngu ngốc, theo như lời mọi người trong ban nhạc, quản lý của tôi và mọi người khác” - Van Halen khúc khích kể - “Nhưng tôi biết mình làm gì. Tôi không làm gì trừ khi tôi muốn”.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm