16/09/2021 09:45 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu hệ thống các giải bóng đá sân 7 tại Việt Nam đã và đang trở thành một “trào lưu”, thì Công ty CP Bóng đá Việt (VietFootball) chính là cha đẻ của trào lưu ấy. Hà Nội Premier League (HPL) sẽ vắt qua tuổi thứ 9 và đồng thời, VPL (giải bóng đá sân 7 toàn quốc) cũng bước sang tuổi thứ 3, trong năm nay. Cùng với hệ thống các giải bóng đá trong nhà hoặc sân 5 cỏ nhân tạo, giải bóng đá sân 7 chính là cái nôi để tuyển chọn các VĐV futsal, cung ứng cho giải futsal VĐQG và Cúp quốc gia, xa hơn là đầu ra cho các ĐTQG futsal Việt Nam.
Rất nhiều lý do để nâng cấp hệ thống các giải bóng đá phong trào sân 5, sân 7 toàn quốc, khi chúng ta đã thấy được cái lợi của nó: Không chỉ tạo được sân chơi cho cộng đồng, mà qua đó còn cung ứng nguồn cầu thủ rất dồi dào cho bóng đá chuyên nghiệp, từ futsal đến sân chơi 11 người.
Những người đi tiên phong
Năm 2013, HPL mùa đầu tiên được tổ chức. Địa điểm là sân cỏ nhân tạo của CLB HN.ACB (còn gọi là sân ACB), đội bóng vốn đã giải thể sau khi bầu Kiên vướng vòng lao lý trước đó. Do không đo được sự hấp lực của nó, nên chỉ sau vòng đầu tiên, nhà tổ chức (HPL) đã phải chuyển địa điểm thi đấu. Lý do: Quá tải, do sân ACB không có sẵn hệ thống các khán đài đủ rộng để đáp ứng thị hiếu, cũng như sự tò mò của giới mộ điệu.
Vắt qua 8 mùa giải, HPL thêm đôi ba lần chuyển địa điểm thi đấu khác tại Hà Nội, hết sân Bộ Công An (đường Nguyễn Xiển), lại đến C500 Học viện An ninh và gần nhất là sân Hoàng Mai đủ tiêu chuẩn tổ chức thi đấu giải hạng Nhất quốc gia (sân nhà của CLB Phù Đổng). “Tất cả những thay đổi, kể cả về kích thước – chất lượng mặt cỏ, cũng như kích thước khung thành, hệ thống sân có mái che khán đài…, cũng là để đáp ứng như cầu thực tế của người chơi và người xem”.
“Chơi có ý thức, chơi để tận hưởng”, đấy là slogan của toàn bộ hệ thống các giải bóng đá sân 7 do VietFootball tổ chức, từ Bắc chí Nam. Nếu HPL bước qua mùa thứ 9, thì SPL (Saigon Premier League) và KPL (Khánh Hòa Premier League) cũng tuổi lên 4, VPL sẽ lên 3. Tại Hà Nội, đã có thêm các giải hạng Nhất, hạng Nhì và thậm chí là hạng 3; còn ở TP.HCM, số lượng đội đăng ký loạt trận play-off mùa giải năm ngoài lên tới gần cả trăm.
Với những ý tưởng nghiêm túc, VietFootball và VFF đang tính đến việc tổ chức giải sân 7 VĐQG, thay cho tên gọi VPL, ngay trong năm nay. Trước đó, sẽ tiếp tục phát triển thêm ít nhất 2 cụm giải sân 7 ở Đà Nẵng và Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống các giải bóng đá sân 7 trên mặt cỏ nhân tạo do VietFootball tổ chức lúc này đã trở thành một thước đo năng lực chơi bóng thực sự, với số lượng người chơi cực lớn, ở nhiều cấp độ.
Người trong cuộc đang tính đến các khả năng tổ chức giải sân 7 Đông Nam Á, để từ đó, có thể "cấy" vào SEA Games, trở thành một trong những bộ môn thi đấu chính của Đại hội Thể thao Đông Nam Á được tổ chức 2 năm một lần. Đây là một ý tưởng, thậm chí một chiến lược nghiêm túc và nó được đưa ra bởi những con người làm bóng đá thực sự.
Cái nôi của bóng đá chuyên nghiệp
Một trong những chương trì chủ đạo của Tầm nhìn châu Á, được AFC đưa về Việt Nam cách đây hơn 15 năm, đấy là phát triển bóng đá học đường và bóng đá phong trào. Bởi, song song với đào tạo trẻ tại các Trung tâm hay học viện, thì thể thao học đường, cũng như hệ thống sân chơi phong trào, là nguồn cung ứng bất tận cho chuyên nghiệp. Mặc dù vậy, bẵng đi một thời gia tính bằng cả thập niên, chúng ta lại bỏ quên các mỏ vàng này.
Nghiêm Xuân Tú trước khi được biết đến như một trong những cầu thủ chạy cánh hàng đầu V-League, với tỷ lệ các đường chuyền thành bàn không kém cạnh bất cứ ngôi sao làm bóng hàng đầu nào, anh đã được phát hiện ở HPL. Có khoảng vài chục cầu thủ như Xuân Tú được đề xuất từ sân bóng đá 7 người, để rồi phát tiết tài năng, chiếm lĩnh được đỉnh cao. Trong số này, vài người đã được cất nhắc lên ĐTQG, từ futsal đến sân 11.
Trong các số báo trước, chúng tôi đã điểm danh một số cái tên nổi bật trưởng thành từ bóng đá phong trào, khoác áo đội tuyển futsal Việt Nam. Cựu đội trưởng Hà Bảo Minh là một trong số đó. Thậm chí, một cựu đội trưởng khác của futsal Việt Nam là Nguyễn Bảo Quân, cũng không xuất phát trong môi trường futsal, mà là bóng đá 11 người. Thế hệ của Bảo Minh, Bảo Quân, còn có Đặng Phước Anh (Tâm Anh), vốn là cựu thủ môn của Trẻ Công an TP.HCM và TMN.CSG (cũ)…
Đội tuyển futsal Việt Nam đang chinh chiến FIFA Futsal World Cup 2021 tại Litva, có hơn phân nửa các tuyển thủ là dân tay ngang, tức từ phong trào mà lên, không thông qua đào tạo VĐV futsal chuyên nghiệp. Nói đào tạo chuyên nghiệp cho oách, chứ thực tế lúc này, ngoài Thái Sơn Nam tạo được hệ thống các tuyến trẻ vệ tinh, gần chục CLB còn lại cũng chỉ toàn là “hớt váng” các cá nhân xuất sắc từ sới phủi hoặc các trường Đại học – Cao đẳng.
Khi đào tạo trẻ trong futsal vẫn còn quá xa xỉ, việc phát triển bộ môn này phụ thuộc trực tiếp vào phong trào tập luyện, thi đấu, trên nền tảng là phong trào. Thế nên, việc hệ thống hóa và nâng cấp các giải bóng đá phong trào quy mô toàn quốc là đòi hỏi tất yếu của thời cuộc. Không thể chậm trễ hơn được nữa, bởi Thái Lan đã đi trước chúng ta nhiều năm, nói gì đến châu lục, thế giới.
Nguồn lực xã hội là rất lớn, nếu biết cách tập trung vào. Sự phát triển của thể thao đỉnh cao, ở đây là địa hạt bóng đá – futsal, như người bơi ngược dòng nước. Không tiến, ắt sẽ bị tụt lại phía sau.
Sổ tay: Duy trì phong trào, tốn bao nhiêu? Trong 2 năm liên tiếp đồng hàng với hệ thống giải bóng đá VPL toàn quốc, tập đoàn Thành Công (TC Hyundai Motor) được cho là đã bỏ ra không dưới chục tỷ đồng. Con số này so với việc tài trợ V-League, có thể không thấm vào đâu, song rõ ràng VPL đã gây được tiếng vang rất lớn. Ở một góc độ khác, rất nhiều người hiện còn khá mông lung khi tính đến chuyện các ông bầu (CLB) phải bỏ ra bao nhiêu tiền để nuôi một đội bóng tham chiến các giải bóng đá phong trào hàng năm, ví như HPL hay SLP chẳng hạn. Đó là con số tiền tỷ chứ không đùa. Tại hệ thống các giải bóng đá phong trào thuộc VietFootball, cơ chế chuyển nhượng cầu thủ cũng đã được mở ra từ nhiều năm nay, với các bản hợp đồng trị giá đến nửa tỷ đồng. Cũng tựa như bóng đá hay futsal chuyên nghiệp, các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng rất chi tiết. Bắc có Phương “vertu”, được ví như cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử HPL, với tiền tỷ nếu chuyển nhượng khỏi DTS, rồi Tuấn “vỉa”, Tuấn Anh, Hoàng “cheo”, Cán Cris, Mạnh “nát”, Dương “híp”, Long “thổ”…; thì Nam có Hưng “Nghệ” (cựu Quả bóng Vàng futsal Việt Nam 2018, Vũ Quốc Hưng), Hùng “Khổng” (Khổng Đình Hùng, người vừa ghi bàn thắng vào lưới Brazil), CápDevila (Nguyễn Văn Cáp), Tuấn Vinh (Dương Văn Tuấn), Trung “độ”, Hạnh “Ozil” hay Đạt “bo” trước đây…, toàn quái kiệt cả. Nhưng, điều đáng ngạc nhiên là phần lớn họ chỉ thích sới phủi, mà nhiều người thoái thác sân chuyên. Các ông bầu sới phủi là những tay chơi thứ thiệt và độ chịu chơi của họ, có lẽ không hề kém cạnh bầu chuyên. Trong vài năm đổ lại, dải đất hẹp miền Trung cũng nổi lên một số ông bầu rất chịu chơi, ví như Thảo “Thành Thành” ở Nha Trang hay mấy anh tài khác tại Đà Nẵng. Họ sẵn sàng bao vé máy bay, khách sạn hạng sang, kèm theo vài chục đến hàng trăm triệu, cho một ngôi sao phương Nam tìm ra “đánh” giải ngắn ngày cho đội bóng. Ở Phú Quốc, hẳn không ai không biết bầu Phong của Cảng hàng không Phú Quốc, đội bóng từng sở hữu cựu trung vệ ĐTQG Nguyễn Gia Từ trong nhiều mùa giải. Bóng đá với các ông bầu sới phủi, không phải là thứ trang sức để làm màu, mà là đam mê thực sự, với cả núi tiền đổ vào, để tạo nên bản sắc riêng cho đội bóng của mình. Trong 3 năm qua, bầu Thuận của Đạt Tín Minions hay bầu Lê của Quốc An Quốc Michael cũng là đã đổ nhiều tỷ đồng vào cái sới này rồi. |
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất