09/04/2025 06:40 GMT+7 | Giải trí
Cảm xúc về chiến tranh và lòng yêu nước vẫn luôn là chủ đề khắc khoải trong tâm trí của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đến mức anh không ngừng xúc động khi chia sẻ với báo chí sau các buổi ra mắt phim.
"Tôi tin rằng phim có những yếu tố hấp dẫn đối với thị giác ở những cảnh quay của phim hành động… Bối cảnh đơn giản nhưng hấp dẫn, người xem thấy ngạt thở, lo lắng, hồi hộp" - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lý giải - "Nhưng qua đó, khán giả còn hiểu về lịch sử của đất nước mình, hiểu những bài học lớn của dân tộc, hiểu về những anh hùng ở mảnh đất Củ Chi".
"Cuộc sống hay hơn rất nhiều những gì chúng ta đang làm"
* Điều gì khiến anh kiên trì theo đuổi dự án này suốt 11 năm, mặc dù gặp phải không ít khó khăn?
- Có một câu nói trong nghề làm phim: "Nếu đạo diễn không cảm thấy phát điên vì câu chuyện của mình, thì đừng mong người khác cũng phát điên vì nó". Nhiều khi viết xong mà để lâu là dễ mất hứng, nhưng với tôi, câu chuyện về Củ Chi hay đến mức càng để lâu lại càng quý, như mỏ vàng vậy. Mà đặc biệt hơn cả là tôi gặp được tinh thần người Việt Nam ở đây rất rõ nét. Đây thực sự là một đề tài có giá trị.
Năm 2014, tôi viết kịch bản với tiến độ khá nhanh, nhưng vẫn phải chỉnh sửa nhiều lần. Khi đó, tôi nhờ nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc hỗ trợ để lời thoại mang đậm chất Nam bộ hơn. Đến năm 2016, kịch bản đã hoàn thiện, nhưng tôi vẫn loay hoay tìm cách hiện thực hóa tác phẩm.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên
Sau nhiều năm không thể triển khai, tôi chuyển sang những dự án khác như Tro tàn rực rỡ. Nhưng điều lạ là dù thời gian trôi qua, tác phẩm Địa đạo vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn đối với tôi, thậm chí còn khiến tôi hào hứng hơn.
Tiếp đến, sự động viên từ đồng nghiệp, từ những người đã đọc kịch bản, cũng là nguồn khích lệ lớn đối với tôi. Tôi thậm chí đã nhờ người dịch tác phẩm sang tiếng nước ngoài. Trong số những người từng đọc, có cả một biên kịch Hollywood. Ông ấy đã gửi E-mail cho tôi, nhận xét rằng đây là một câu chuyện có tiềm năng trở thành một bộ phim xuất sắc. Không chỉ vậy, ông còn giúp tôi kết nối với một hãng phim tại Australia, nơi từng cân nhắc sản xuất dự án này. Đáng tiếc, năm 2019, khi dịch bệnh bùng phát, kế hoạch đã phải tạm dừng.
Những điều đó giúp tôi tin rằng mình không hề chủ quan khi theo đuổi dự án này. Có rất nhiều đôi mắt khách quan nhìn vào, và điều đó khiến tôi tự tin rằng sớm hay muộn, bộ phim này sẽ được thực hiện - chỉ là câu hỏi về thời gian và địa điểm mà thôi.
Năm 2022, tôi quyết định quay lại với dự án. Tôi cảm thấy đây là thời điểm quan trọng, bởi một bộ phim cần ít nhất vài năm để hoàn thành. Và tôi nghĩ tác phẩm này ra mắt vào năm 2025 sẽ là một cột mốc ý nghĩa, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Tôi cũng nghĩ rằng, chừng nào mình chưa thực hiện dự án này, mình còn nợ những người anh hùng đã hy sinh ở Củ Chi.
* Những khó khăn thực tế khi quay phim trong mô hình địa đạo đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất như thế nào, thưa anh?
- Tôi luôn nghĩ rằng, nếu các cô chú du kích ngày xưa có thể làm được những điều tưởng chừng như không thể, thì trước những khó khăn mình gặp phải, chỉ có cố gắng vượt qua. Những gì chúng tôi đối mặt ở đây, không thể nào so sánh với thế hệ trước được, bởi với họ, đó là chuyện sống còn.
Thế nên, khi mỗi thành viên trong đoàn phim cảm nhận được tinh thần của những du kích năm xưa, chúng tôi xác định: Ai cũng phải tự "đào" một địa đạo trong tâm trí mình - nghĩa là không bao giờ đầu hàng.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi gặp không ít thất bại. Có những cảnh quay tưởng chừng đơn giản nhưng lại mất rất nhiều công sức. Chẳng hạn, có một cảnh nhân vật Bảy Theo và Tư Đạp trốn trong cái hầm "hở hàm ếch", trước khi Bảy Theo bắn B40 vào máy bơm, cả đội phải dựng một hầm thật bằng khung sắt, có cây che phủ để thả xuống nước.
Nhưng khi quay, vấn đề phát sinh. Sông Sài Gòn chỉ có nước lớn trong ba tiếng một ngày, mà thời gian chuẩn bị cho một cảnh quay dưới nước khá tốn (riêng việc đưa máy quay vào hộp bảo quản chống nước đã mất hai tiếng) nên chưa kịp quay, nước đã dâng lên. Khi mọi thứ sẵn sàng, nước lại rút xuống. Khi đó, chúng tôi buộc phải đào sông sâu hơn để giữ được mực nước thấp nhất có thể.
Một cảnh trong phim “Địa đạo”
Song, khi đưa thêm máy xúc vào để giữ nước, lại phát sinh một rủi ro khác: phần khung sắt của hầm bị ngấm nước quá lâu, gãy sập. Chưa kể, khi máy xúc tiến đến gần bờ sông, nguy cơ sạt lở lại xuất hiện. Thế là phải làm lại từ đầu, dựng hầm mới, gia cố bờ sông cẩn thận hơn. Có những cảnh quay mà việc dựng phải làm đi làm lại rất nhiều lần.
Dù vậy, những thử thách chúng tôi gặp phải trong quá trình sản xuất vẫn chưa thể so sánh với những gì các chiến sĩ du kích từng trải qua trong lòng địa đạo ngày xưa. Và chính những khó khăn ấy giúp chúng tôi thấm thía hơn tinh thần chiến đấu của họ - kiên trì, không khuất phục. Và đó cũng là điều bộ phim muốn truyền tải.
* Vậy trong quá trình tìm hiểu về địa đạo Củ Chi và câu chuyện của những chiến sĩ du kích, đâu là chi tiết anh ấn tượng nhất và quyết định đưa vào phim?
- Có lẽ việc lựa chọn phải bỏ bớt đi hoặc giữ lại những chi tiết nào từ lịch sử vào phim là việc khó khăn nhất với tôi khi thực hiện bộ phim này. Bởi cuộc sống hay hơn rất nhiều những gì chúng ta đang làm, những câu chuyện, những chi tiết về địa đạo còn nhiều lắm. Tôi thấy mình như đang tạc một bức tượng, nên không phải đắp thêm, mà chỉ đẽo gọt những dư thừa.
"Tôi muốn khắc họa sức sống mãnh liệt của con người, đặc biệt là khi họ cận kề cái chết. Càng đứng giữa lằn ranh sinh tử, con người càng khao khát được sống" - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Cân bằng giữa sự khốc liệt và tính nhân văn
* Anh đã làm thế nào để cân bằng những yếu tố chiến tranh khốc liệt với yếu tố nhân văn trong phim?
- Nhân văn là yếu tố bao trùm toàn bộ phim. Chiến tranh luôn là những câu chuyện lôi cuốn về mặt nhân tính, bởi không có một hoàn cảnh nào đẩy con người đến mọi giới hạn như chiến tranh, từ sự chịu đựng, sự sợ hãi, tình yêu, lý tưởng... đến giới hạn về hiện sinh. Trong chiến tranh những người lính không ai nghĩ đến chuyện tích trữ…
* Còn những cảnh tình yêu được đưa vào bộ phim, dù là trong những giờ phút sinh tử, mang thông điệp gì?
- Tôi muốn khắc họa sức sống mãnh liệt của con người, đặc biệt là khi họ cận kề cái chết. Càng đứng giữa lằn ranh sinh tử, con người càng khao khát được sống.
Ngay tại Củ Chi, tôi từng nghe chú Tư Cang và nhiều người kể rằng, trong những giờ phút tưởng như không còn đường sống, người ta càng khao khát được yêu thương. Đó cũng là một khía cạnh rất thật của chiến tranh.
Nhưng kể cả khi nhắc đến chuyện tình yêu trong phim, thực tế cũng chỉ là thêm cho thời khắc đấy chân thực hơn thôi, còn điều lớn lao nhất trong phim là người xem cảm thấy được sự nghẹt thở mà nhân vật phải vật lộn với những thế lực lớn hơn rất nhiều. Trong hoàn cảnh đó, họ vẫn tìm mọi cách để thoát ra.
Từ trái qua: Hồ Thu Anh, Thái Hòa và NSƯT Cao Minh, trong vai Ba Hương, Bảy Theo và chú Sáu
Khi đã nằm trong "túi bom" B-52, khi những trận rải thảm đánh trúng mục tiêu, không ai nghĩ mình có thể sống sót. Nhân vật Út Khờ trong phim cũng vậy. Cô ấy sợ hãi, nhưng chính trong nỗi sợ đó, bản năng sinh tồn trỗi dậy, dẫn đến một khoảnh khắc âu yếm đầy nhân tính. Phụ nữ, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, vẫn không đánh mất khát vọng sống. Không có sự bi quan, chỉ có ý chí sinh tồn.
Có người thắc mắc: "Trong lúc nước sôi lửa bỏng, sao lại có những giây phút như vậy?" Nhưng xem kỹ, phim cho thấy bản tin cuối cùng đã được gửi đi, những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ.
Cảnh Ba Hương liều mạng bước ra để gặp Tư Đạp là 1 trong những khoảnh khắc tôi rất tâm đắc. Cô ấy biết rõ tình thế nguy hiểm, biết rằng xung quanh toàn lính Mỹ, nhưng vẫn đi, chỉ để ôm anh và nói một câu: "Ngày mai, tự lo".
Giữa Tư Đạp và Ba Hương vốn dĩ đã có tình cảm, nhưng bị dồn nén suốt bao năm. Và rồi khi đối mặt với hiểm nguy, giữa vô số lần mai phục và thoát chết, họ không cần nói lời yêu, nhưng ai cũng hiểu - đó là một tình yêu mãnh liệt.
Lại có người đặt câu hỏi: "Giữa lúc nguy cấp, một cô gái như Ba Hương sao có thể đâm chết một tên lính Mỹ?" Nhưng tôi tin rằng, khi bị dồn đến đường cùng, con người có thể làm những điều phi thường. Giống như rất nhiều chiến sĩ năm xưa đã vác cả thùng đạn chạy giữa mưa bom bão đạn - họ làm được không chỉ nhờ sức lực, mà nhờ ý chí thép.
Trong bộ phim này, tôi muốn khắc họa rõ rằng: Những con người Củ Chi tồn tại không chỉ nhờ sự khéo léo hoặc mưu trí, mà bởi một tinh thần chiến đấu kiên cường đến mức đáng kinh ngạc. Chính điều đó đã làm nên sức mạnh của họ.
* Nên nhiều khán giả sau khi xem phim có cảm nhận rằng dường như các nhân vật của anh không hề sợ chết?
- Thực tế là ai cũng sợ chết, nhưng càng cận kề cái chết, người ta lại càng khao khát sống. Trong phim, địch xuất hiện như một cơn bão, một dịch bệnh, mà những người du kích phải có ý chí kiên cường để vượt qua, bám trụ, để hoàn thành nhiệm vụ.
Có thể thấy, tuy là thể loại phim chiến tranh nhưng dạng thức phim này có sự khác biệt là không kể về những cuộc đối đầu giữa các đội quân như trong các phim chiến tranh thường thấy. Bởi cuộc chiến ở Củ Chi là một tiêu biểu cho chiến tranh nhân dân của dân tộc Việt Nam. Ở đây, mục tiêu của chúng ta không phải tiêu diệt từng đội quân địch, mà là bẻ gãy ý chí xâm lược của chúng. Và địa đạo Củ Chi là một nơi đặc biệt, bởi không có ai vẽ thiết kế, thước đo hoặc tổng công trình sư, mà của nhân dân. Nhân dân nghĩ ra những điều hay, mà đơn giản vô cùng.
* Nhưng với cái kết được cho rằng chưa rõ ràng, anh muốn chia sẻ gì với khán giả về điều này?
- Cái kết cho thấy những gì những người du kích muốn họ đều đã thực hiện được. Như lời chú Sáu nói trong phim: "Chúng mày cứ ở đó là bọn nó tức long trời". Điều đó có nghĩa, dù kẻ địch có làm gì, nhân dân vẫn ở đó, vẫn bám trụ với địa đạo, với quê hương của mình. Đó chính là tinh thần cốt lõi của chiến tranh nhân dân.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Vài nét về đạo diễn Bùi Thạc Chuyên
Đạo diễn - biên kịch điện ảnh Bùi Thạc Chuyên sinh năm 1968 tại Hà Nội. Anh có phong cách làm phim giàu chiều sâu tâm lý xã hội và giàu tính nghệ thuật. Anh có một số tác phẩm nổi bật như: Sống trong sợ hãi (giải Bông sen Vàng 2005), Chơi vơi (giải thưởng Tuần lễ phê bình quốc tế - LHP Venice 2009) và Tro tàn rực rỡ (Giải thưởng lớn của Ban giám khảo - LHP quốc tế Tokyo 2022). Anh cũng là người sáng lập chương trình đào tạo và kết nối điện ảnh độc lập Gặp gỡ mùa Thu, nơi có nhiều đóng góp cho thế hệ làm phim trẻ tại Việt Nam.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất