Giải hạng Nhất có thể chỉ có một suất thăng hạng duy nhất: Khi công lý không đứng về thiểu số

06/08/2010 10:58 GMT+7 | Hạng Nhất

(TT&VH) - Nỗ lực của Than Quảng Ninh hay SQC Bình Định ở mùa giải năm nay có thể sẽ chỉ là công dã tràng, nếu như tới ngày 31/8/2010, số CLB được công nhận là chuyên nghiệp ở giải hạng Nhất QG vẫn ít hơn con số 9. Khi ấy, chiểu theo Điều lệ của giải VĐQG và giải hạng Nhất QG, sẽ chỉ có duy nhất 1 suất thăng hạng trực tiếp từ giải hạng Nhất lên giải VĐQG.

Hiện tại, trong số 13 CLB ở giải hạng Nhất QG 2010, mới chỉ có 8 đội bóng đã tiến hành cổ phần hóa như một CLB chuyên nghiệp thực thụ, còn 5 đội bóng An Giang, HN.Tiền Giang, H.Huế, QN.XT và XSKT.Cần Thơ vẫn chưa.

Trong số 5 CLB này, chỉ có An Giang và QN.XT là có khả năng thăng hạng, nhưng không thực sự rõ ràng (An Giang đứng thứ 4, thua SQC Bình Định xếp thứ 3 với khoảng cách 4 điểm và QN.XT đứng thứ 5 với 1 điểm ít hơn An Giang), và không loại trừ khả năng 2 CLB này sẽ lờ luôn chuyện cổ phần hóa nếu như họ không lọt được vào tốp 3 chung cuộc ở giải hạng Nhất QG, đồng nghĩa với việc có cơ hội thăng hạng trực tiếp hoặc thông qua trận play-off.

Trong trường hợp này, VFF sẽ không có bất cứ chế tài nào để xử phạt An Giang hay QN.XT, bởi Điều lệ của giải hạng Nhất QG đã ghi rõ, phải tới mùa giải 2014, tất cả 14 CLB dự giải mới phải là các CLB chuyên nghiệp 100%. An Giang hay QN.XT đã không hào hứng với việc cổ phần hóa như vậy thì sẽ không ngạc nhiên nếu như HN.Tiền Giang, H.Huế hay XSKT.Cần Thơ cũng có thái độ hờ hững tương tự, đơn giản là vì điều kiện của họ hiện tại không cho phép, đặc biệt là HN.Tiền Giang, đội bóng đang đứng áp chót trên bảng xếp hạng.


Có thể Bình Định (phải) sẽ thêm một lần nữa rơi vào cảnh oái oăm, tưởng lên hạng mà vẫn chỉ trụ hạng

Như vậy, nếu An Giang, HN.Tiền Giang, H.Huế, QN.XT và XSKT.Cần Thơ vẫn tiếp tục im lặng trước công văn nhắc nhở sớm cổ phần hóa của VFF thì khả năng Than Quảng Ninh (đang xếp thứ nhì giải hạng Nhất QG 2010) hay SQC Bình Định phải tiếp tục ở lại giải hạng Nhất là khả năng không thể loại trừ. Đấy là một sự bất công, bởi bao nhiêu nỗ lực và công sức của Than Quảng Ninh hoặc SQC Bình Định trong cả mùa bóng cuối cùng lại đổ sông đổ biển chỉ vì số phận chiếc vé thăng hạng của họ lại nằm trong tay các CLB khác.

Tương tự như vậy là chuyện ở V-League, khi vẫn có 3 CLB chưa tiến hành chuyên nghiệp hóa là LSTH, TĐCS.ĐT và M.NĐ. Ngoại trừ trường hợp của M.NĐ thì cả LSTH lẫn TĐCS.ĐT vẫn có nguy cơ rớt hạng nếu như không kịp tiến hành cổ phần hóa trước 17h00 ngày 31/8/2010, và khi ấy Navibank SG nghiễm nhiên có quyền ở lại V-League.

Đây là mùa giải có tính chất bản lề đối với tiến trình chuyên nghiệp hóa bóng đá Việt Nam, nên sự chuyên nghiệp được đặt lên cao hơn cả yếu tố chuyên môn, và bản thân 28 CLB V-League và hạng Nhất cũng đã tán thành 100% với quy định này từ trước khi mùa giải 2010 khai mạc, nhưng nếu xảy ra chuyện một đội bóng dù chơi tồi song vẫn được trụ hạng, hay một CLB khác đã đủ điều kiện thăng hạng nhưng vẫn phải ở lại vì số phận của họ lại nằm trong tay đội bóng khác thì đấy cũng là một sự đáng tiếc.

Ở đâu cũng vậy, luật chơi được đặt ra để bảo vệ số đông, nhưng nếu chỉ vì tương lai của tập thể mà lại hy sinh quyền lợi của cá nhân thì rõ ràng là không công bằng, bởi bất cứ tập thể nào cũng được hình thành từ tập hợp của những cá nhân, và trước pháp luật thì mọi cá nhân đều bình đẳng như nhau.

Năm ngoái, SQC Bình Định hay Sài Gòn United đã rơi nước mắt tức tưởi vì phải chịu thiệt thòi do quyết định giáng hạng Quảng Ngãi, còn năm nay, sẽ còn những giọt nước mắt oan khuất của đội bóng nào nữa, nếu chẳng may “quota” thăng hạng V-League trực tiếp năm nay vẫn chỉ dừng lại ở con số 1?

G.Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm