Giá vàng sáng 31/7 cập nhật mới nhất

31/07/2023 10:59 GMT+7 | Bạn cần biết

Sáng 31/7, giá vàng trong nước ít biến động, giao dịch trên mốc 67,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Thời điểm 8 giờ 33 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào - 67,22 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào, nhưng giảm 50 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Giá vàng sáng 31/7 cập nhật mới nhất - Ảnh 1.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,55 triệu đồng/lượng mua vào - 67,25 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi với chốt phiên hôm qua.

Trước đó, giá vàng thế giới dao động với biên độ khá cầm chừng trong các phiên giao dịch của tuần qua. Dù đi lên phiên cuối tuần, song giá vàng vẫn chứng kiến tuần giao dịch kém nhất trong 5 tuần qua, sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phục hồi đã làm giảm dự báo về khả năng chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ chuyển sang hướng ôn hòa hơn.

Giá vàng giảm 0,2% trong tuần qua và ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong tuần vào ngày 27/7, sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ nhanh hơn dự báo trong quý II/2023.

Giá vàng hướng tới tháng tăng mạnh nhất trong bốn tháng

Giá vàng hướng tới mức tăng cao nhất trong bốn tháng nhờ kỳ vọng ngày càng tăng về việc các ngân hàng trung ương lớn có thể kết thúc sớm chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trong một vài tháng tới.

Tuy nhiên, trong sáng ngày 31/7, tại các thị trường châu Á, giá vàng giao ngay đi xuống, giảm 0,2%, còn 1.956,02 USD/ounce. Trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3%, còn 1.955,40 USD/ounce.

Ngày 26/7, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên 5,25-5,5%, mức cao nhất kể từ năm 2007, đồng thời để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng 9/2023.

Nhưng dữ liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/7 cho thấy lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 6/2023 đã tăng với tốc độ chậm nhất trong hai năm, cùng một loạt các dữ liệu lạc quan khác đã làm tăng mức độ kỳ vọng về kịch bản kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm" - giảm lạm phát thông qua chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn mà không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.

Quan điểm đó càng được củng cố thêm trong tuần qua, khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các quan chức của ngân hàng trung ương này không còn dự báo về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái. Lạm phát cũng đang có cơ hội quay trở lại mục tiêu 2% mà không dẫn tới tỷ lệ mất việc làm cao.

Tại châu Âu, hai nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 29/7 đã nâng triển vọng chấm dứt chuỗi tăng lãi suất dài nhất và mạnh nhất của ngân hàng này, do triển vọng của nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) đang xấu đi, bất chấp lạm phát cao.

Cùng ngày, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ra tín hiệu sẽ có một sự khởi đầu của quá trình đổi hướng chính sách, sau nhiều thập kỷ kích thích tiền tệ siêu lớn. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách của BoJ có thể nâng lãi suất để phù hợp với lạm phát và tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng.

Vào tuần trước, Trung Quốc đã tăng tỷ lệ dự trữ vàng lên mức cao nhất trong 4 tháng, do nhu cầu mạnh mẽ. Đồng thời, giá vàng giảm nhẹ đã thúc đẩy lượng mua ở Ấn Độ phục hồi.

Cùng ngày. trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay đã tăng 7%, lên mức 24,33 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,3% xuống còn 932,16 USD/ounce và giá palladium giữ nguyên ở mức 1.245,73 USD/ounce.

Thảo Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm