17/07/2021 10:00 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Chu kỳ lây nhiễm của SARS-CoV-2 hiện chỉ còn 2 ngày, không phải 5 ngày như trước. Các địa phương, đặc biệt là TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, đang đối mặt sự bùng phát rất phức tạp, có thể gia tăng nhiều trường hợp mắc và tử vong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định như trên tại Hội nghị giao ban trực tuyến phòng chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố. Ông cho biết đợt dịch này sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, tác động trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, phát triển KT-XH, nhất là các địa phương miền Nam.
Sáng nay, theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 18 giờ 30 ngày 16/7 đến 6 giờ ngày 17/7, Việt Nam có thêm 2.106 ca mắc Covid-19, trong đó có 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại An Giang. 2.105 ca ghi nhận trong nước tại Thành phố Hồ Chí Minh (1.769), Bình Dương (124), Đồng Nai (43), Vĩnh Long (42), Đồng Tháp (41), Bến Tre (34), Khánh Hòa (22), Bình Phước (7), Sóc Trăng (6), Cần Thơ (4), An Giang (3), Hà Nội (2), Bắc Ninh (2), Bình Định (2), Phú Yên (1), Lâm Đồng (1), Đắk Nông (1), Gia Lai (1).
Biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với trước, “chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày, chứ không phải 5 ngày như trước đây tính toán” - Bộ trưởng thông tin thêm.
Chính vì thế, tuần qua, Bộ Y tế đã có một số thay đổi cơ bản trong cách ly như giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 14 ngày, thí điểm cách ly F1 tại nhà. Bộ Y tế cũng thay đổi chiến lược về xét nghiệm tại các vùng có nguy cơ cao. Theo đó, trước đây xét nghiệm RT-PCR là chính, nay test nhanh là chính. Điều này giúp giảm thời gian, tối ưu hoá xét nghiệm, trả kết quả nhanh để nhanh chóng tách được F0 ra khỏi cộng đồng. Để đảm bảo tiết kiệm và đẩy tốc độ trong sử dụng test nhanh, Bộ Y tế chính thức cho phép gộp 3 hoặc 5 mẫu trong test nhanh ở những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến, tư lệnh ngành Y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị tình huống kịch bản xấu. Các địa phương cần nhanh chóng nâng công suất, năng lực xét nghiệm và cách ly.
Về máy móc, trang thiết bị, vẫn theo quan điểm “4 tại chỗ”, các địa phương cần chuẩn bị tất cả máy móc cơ bản nhất, như máy thở… Đối với ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể), ông lưu ý, những địa phương thành lập trung tâm hồi sức tích cực mới cần trang bị hệ thống này, không phải mọi tuyến đều có vì “EMCO đi kèm một loạt thứ khác, không phải nơi nào cũng dùng được”.
Bộ Y tế đã chuẩn bị đủ ôxy cho kịch bản số ca nhiễm cao hơn. “Một số địa phương có nguy cơ thiếu ôxy nếu dịch xảy ra, lây nhiễm trên địa bàn cục bộ”, ông nói.
Thảo Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất