Ghi chức danh vì phong bì hay vì chống phong bì?

18/09/2011 10:39 GMT+7

(TT&VH)  - Trong tuần qua, dư luận sôi sục quanh chuyện một ông quan ở Cần Thơ ghi chức danh trên thiệp cưới của con. Đó là ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Trưởng ban chỉ đạo TP.Cần Thơ về Phòng chống tham nhũng. Và ông Dũng đã tự nhận hình thức khiển trách vì đã để xảy ra vụ việc này.

Trên diễn đàn, ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội bình luận rằng ghi chức danh trên thiệp cưới “là biểu hiện trục lợi”, cụ thể: “Ghi chức danh trên thiệp cưới là lời nhắc nhở, khiến người nhận phải hiểu rằng việc đến dự không những là bắt buộc mà phong bì mừng cũng phải tương đối khá” (Xem VnExpress.net, 14/9).

Đó cũng chính là điều mà ai nhìn cái thiệp cưới “bất thường” này cũng sẽ hiểu như vậy. Khi xem lại ảnh chụp chiếc thiếp cưới có ghi chức danh của ông Nguyễn Hùng Dũng như một chiếc các-vi-dít, ai cũng phải bật cười, trước hết là ở sự lố bịch. Rồi nhân ý tếu táo, bạn tôi bình luận hóm hỉnh rằng, có khi “chủ nhân” của thiệp cưới đề rõ mình là “quan” trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng là có hàm ý... cảnh cáo những ai có ý đồ muốn phong bao, phong bì hối lộ nhân dịp này. Họ thấy ông là quan phòng chống tham nhũng tất sẽ phải “sợ” mà không dám làm chuyện tiêu cực nữa. Quan phòng chống tham nhũng, tức là khắc tinh của tham nhũng cơ mà!

Bình luận “ngược” như vậy để thấy rằng, khi tệ phong bao, phong bì trong đám cưới đã lan tràn trong xã hội, thì người ta sẽ không có cách hiểu nào khác ngoài cách hiểu như GS Nguyễn Minh Thuyết đã nêu. Dư luận đã bức xúc chính vì như thế.

Nhưng để giải quyết tận gốc nạn quà cáp, phong bì không chỉ trong đám cưới mà cả trong các dịp hiếu hỉ, lễ tết... nói chung, chúng ta cần phải đặt vấn đề rộng hơn. Rõ ràng quà cáp, phong bì là tiêu cực do con người sinh ra vì những mục đích thiếu trong sáng trong các quan hệ xã hội. Chúng ta phải thừa nhận với nhau như thế này, rất nhiều thiệp cưới khác, dù chẳng ghi chức danh bên trên (khiến người ta “sợ” mà phải chu đáo hơn) thì phong bao, phong bì vẫn tuôn ào ào... Khi nỗi “sợ” quan đã sẵn trong lòng cùng với tư duy quà cáp nặng nề và thói lợi dụng các dịp hiếu hỉ của nhà quan để lấy lòng..., thì kiểu gì tiêu cực cũng sinh ra. Có khi quan chưa gửi thiệp mời đám cưới con, thì họ đã chuẩn bị sẵn phong bì, quà mừng từ lâu rồi...

Sự bất thường trên một thiệp cưới, vì thế là hồi chuông cảnh báo những “bất thường” phía sau những đám hiếu hỉ của quan chức thời nay. Và một lần nữa nó khiến người ta phải nghiêm túc chấn chỉnh lại nếp sống văn minh trong cưới hỏi, tang ma. Sự cố lố bịch ghi chức danh trên thiệp cưới có thể không tái diễn trong tương lai sau vụ việc nhớ đời này, nhưng những vấn nạn đằng sau nó thì chỉ có thể giải quyết khi cả xã hội đều đồng lòng xóa nạn phong bao, phong bì.

Đông Kinh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm