21/07/2013 13:52 GMT+7 | Roma
Với tổng giá trị 35 triệu euro (32 triệu trả ngay + 3 triệu tùy thành tích), đây là một trong những vụ chuyển nhượng “bom tấn” mùa hè 2013, nhưng nó được thực hiện một cách rất chóng vánh và không hề ồn ào như vụ Cavani. Từ đầu đến cuối, chủ tịch James Pallotta của Roma thậm chí còn chẳng phải phát biểu câu nào trên truyền thông và trước lúc ra đi, trung vệ trẻ người Brazil cũng chỉ lặng lẽ chia tay Roma bằng dòng “twit” ngắn trên trang mạng xã hội Twitter. Việc PSG chi ra số tiền lớn như vậy mà không đắn đo nhiều như ở vụ Cavani tạo cảm giác họ thích làm việc với Roma của những ông chủ Mỹ hơn là với Napoli.
Marquinhos có đáng giá 35 triệu?
Một phần của sự dễ dàng này nằm ở chỗ Marquinhos chẳng phải ngôi sao của Roma và không tạo cảm giác tiếc nuối lớn lao như trường hợp Cavani. Đến ngay cả những tifosi của Roma cũng sốc với con số 35 triệu, cao gấp hơn 7 lần “giá gốc” của Marquinhos. Tháng 8/2012, Roma chỉ mượn Marquinhos với giá 1,5 triệu euro cùng điều khoản mua đứt 3 triệu euro nếu cầu thủ này ra sân đủ 8 trận, mỗi trận tối thiểu 45 phút. Rõ ràng Marquinhos chỉ được đánh giá rất thấp ở thời điểm đó. Bây giờ, cho dù đã có một mùa giải được đánh giá là “vươn mình như Thánh Gióng” và được định giá đến 35 triệu, khả năng thực sự của cầu thủ sinh năm 1994 vẫn là một dấu hỏi. Lợi thế của Marquinhos là trẻ và tương lai còn rộng mở, nhưng vì sao giá của anh chỉ kém không xa một siêu sao như Thiago Silva và cao hơn Jovetic? Cần biết rằng, trong 30 trận có Marquinhos thi đấu mùa trước, Roma thua 11 trận, thủng lưới tổng cộng 43 bàn.
Tỷ phú Nasser Al-Khelaifi không thiếu tiền, việc đầu tư 35 triệu euro vào canh bạc Marquinhos cũng chẳng phải điều gì to tát. Điều đáng nói hơn trong vụ này là cách Roma bán một cầu thủ còn ít tên tuổi với giá của một ngôi sao, điều người ta thường chỉ thấy ở các đội bóng “buôn người” kiểu Porto, Lyon hay Udinese. Đấy dường như là dấu ấn của các ông chủ Mỹ, những chuyên gia về kinh doanh chứ không phải về bóng đá. Ngay từ khi George Soros đặt vấn đề mua Roma, người ta đã hiểu rằng đội bóng này sẽ biến thành một công cụ làm tiền. Ông chủ mới Thomas DiBenedetto cũng chỉ nhắm tới Roma vì mục đích kinh tế, rồi khi quá ngán với việc phải ngồi xem 22 cầu thủ tranh nhau quả bóng, ông này lập tức bắt phó tướng James Pallotta ngồi thay ghế chủ tịch để trở về với công việc kinh doanh bên Mỹ. Pallotta cũng chẳng giỏi hơn trong việc hiểu Roma cần gì và nên làm gì về mặt bóng đá, nhưng nhìn ra ngay cơ hội kiếm tiền từ đội.
Giới romanista chẳng ưa gì các sếp Mỹ, nhưng họ đang rất hy vọng 32 triệu kia sẽ được tái đầu tư vào Roma. Chỉ có điều, không ai biết Pallotta và DiBenedetto đem khoản tiền lớn ấy đi đâu, sau khi đã mua Medhi Benatia để thay Marquinhos.
V.N
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất