Giám đốc điều hành CLB Bình Dương - Trần Văn Đường: Tôi biết vì sao có trục trặc

14/03/2009 19:22 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - Nổi tiếng là người kín đáo và kiệm lời, rất hiếm khi, hay có thể nói là chưa từng chấp nhận cuộc phỏng vấn nào dài quá 15 phút, nhưng cuối cùng ông Đường đã đồng ý dành cho TT&VH Cuối tuần một cuộc đối thoại thẳng thắn.

GĐĐH, nghề vui ít lo nhiều

* Xin chào ông, có vẻ như từ ngày làm bóng đá, ông xuống “sắc” nhanh hơn?

- (Cười) Làm bóng đá khó thật. Tôi đã từng làm kinh doanh, từng là trưởng đại diện của Công ty Becamex ở những tỉnh phía Bắc gần chục năm, nhưng không mệt bằng làm bóng đá. Lúc được công ty giao nhiệm vụ về làm GĐĐH đội bóng tôi cũng nghiên cứu kỹ, nhưng bước vô, mới thấy mệt.
 
* Một người chinh chiến trên thương trường nhiều như ông mà cũng cảm thấy sức ép từ bóng đá lớn đến vậy sao ?

- Làm kinh doanh, mình làm mình biết, công ty biết, nhưng làm bóng đá thắng thua ra sao cả làng, cả nước đều biết. Mà làm kinh doanh, thành công một cái là người ta nhớ đến ông giám đốc, ông lãnh đạo. Còn làm bóng đá khi đội thắng thì ông cầu thủ hay, ông HLV hay, chứ có ai nhớ tới ông lãnh đạo đội bóng. Nhưng lúc thua là nhớ ngay à nha.
 
Giám đốc điều hành Trần Văn Đường bắt đầu ghiền bóng đá. Ảnh: XUÂN HUY.
 
* Nghe có vẻ như làm bóng đá hơi thiệt thòi phải không ông ? Từ ngày làm bóng đá chắc ông nghe chê cũng nhiều ?

- Nghe chê thôi rồi luôn. Nhiều khi đi nhậu với bạn bè mà cáu. Đội thua, “nó” chê dở. Đội mà thắng trầy trật, “nó” nói mình thắng may. Còn khán giả thì khỏi nói. Thắng thì lên mây, còn thua thì anh thấy hết rồi đó. Nhiều khi nghe chửi từ trên đầu chửi xuống.
 
* Vậy từ ngày ông về làm đội bóng, bà nhà đã biết bóng đá chưa ?

- Ngày xưa bà xã tôi chẳng bao giờ coi bóng đá, nhưng bây giờ thì trận nào đấu ở sân Bình Dương cả nhà tôi cũng đi coi. Cũng như làm kinh doanh thôi mà. Vợ con phải biết chồng, cha mình làm ăn có được không, làm như thế nào, có lẽ nghĩ vậy nên vợ tôi đến sân xem bóng đá.
 
* Và bà xã có góp ý?

- Không! Vợ tôi đi coi rồi về nói lại với tôi người ta chê thế này, thế kia. Đó cũng là một kênh thông tin từ cổ động viên của tôi.
 
* Nghe ông nói có vẻ như nghề GĐĐH lo nhiều, buồn nhiều hơn niềm vui và hạnh phúc?

- Nói thật, làm đội bóng chỉ vui lúc mùa giải kết thúc mà CLB hoàn thành chỉ tiêu. Lúc làm kinh doanh mình có thể uống rượu với đối tác được, chứ làm bóng đá tôi đâu có dám nhậu trước khi diễn ra trận đấu. Sợ lúc vô trận căng thẳng quá “đứt” luôn. Trong mùa giải thắng thì vui một chút, thở phào một cái vì còn phải tính tiếp trận đấu kế tiếp, còn thua thì “oải” không thể tả được.
 
Sẽ không có chuyện thay HLV

* Mùa này đội đã thua ba trận, lượt đi AFC Cup cũng thua dù đá trên chân rất nhiều. Liệu Bình Dương có thay HLV như nhiều đội đã làm ?

- Tôi biết vì sao đội có trục trặc. Nhưng hội đồng quản trị đã thống nhất với nhau rồi. Không có chuyện chúng tôi thay HLV như tin đồn đâu. Nói thật, thử điểm xem có HLV nào nổi tiếng ở Việt Nam mà chưa đến Bình Dương đâu. Giờ chúng tôi muốn đưa đội bóng theo một hướng mới, chuyên nghiệp hơn chứ không phải cứ đụng chuyện là thay HLV. Khi nào cầu thủ đá quá nhiệt tình mà đội thua thì nói, đằng này…
 
* Chuyện mà ông nói là “tôi biết” dường như liên quan đến việc quản lý trong sinh hoạt. Ông có biết bên Thái Lan cầu thủ của họ lái xe đến sân, tập xong lái xe về nhà chứ chẳng ăn ở tập trung, quản lý chặt như ở các CLB Việt Nam ?

- Thật vậy sao ? Nếu cầu thủ Việt Nam mà chuyên nghiệp được như họ thì tôi sướng quá. Nói thật chẳng ai muốn quản lý cầu thủ kiểu này cả, tôi hiểu họ cũng là con người mà. Nhưng ngặt nỗi thả lỏng ra là có chuyện liền. Mà anh thấy đó, chuyện cầu thủ nhậu đến lê lết đâu phải mới và hiếm ở ta. Cầu thủ Việt Nam mà chuyên nghiệp, tự biết chăm mình thì tôi phát luôn tiền ăn cho ở nhà ăn cho khỏe chứ hơi đâu mà vẽ thêm chuyện. Tôi chỉ mong họ chuyên nghiệp hơn bằng cách hãy chơi cho đúng với những gì họ đang được nhận mà còn mệt đây.
 
Cùng với HLV Lê Thụy Hải trong việc chinh phục hai chiếc cúp vô địch V-League. Ảnh: XUÂN HUY.
 
* Nói đến chuyện lương thưởng, ở một đội bóng toàn sao, làm cách nào ông khiến cho họ không ganh tỵ với nhau về tiền ?

- Nói thật, giá trị cầu thủ thuộc về những gì họ có thể cống hiến cho đội bóng, nhưng ở Bình Dương chỉ có 3 khung lương chia theo loại 1, 2, 3. Các cầu thủ ở Bình Dương luôn biết vì sao mình được nhận lương loại nào. Còn tiền thưởng trận thì cũng có khung sẵn và cứ thế mà chia. Cái gì rõ ràng thì không ngại sự ganh tị.
 
* Không ồn ào tung tiền mua cầu thủ, không thay HLV dù đội nhà đã thua 3 trong 4 trận. Có phải mùa này Bình Dương không thiết tha vô địch?

- Nói phải vô địch thì không đúng, nhưng nói không đặt mục tiêu vô địch cũng sai. Làm bóng đá là làm dịch vụ. Đội bóng chúng tôi đặt mục tiêu mùa này chơi làm sao cho khán giả sướng. Chỉ có bằng cách đó các cầu thủ và đội bóng mới “sống” được chứ không phải thành tích này thành tích nọ.
 
* Một câu hỏi cuối, quá nhiều khó khăn quá nhiều điều vất vả vậy ông còn mê làm bóng đá nữa không ?

- Làm bóng đá mệt mỏi, nặng đầu nhưng ai dính vào rồi như bị "nghiện" vậy. Làm lâu rồi giờ thì tôi "nghiện" chứ chẳng ham hố gì. Tôi đã xác định với cả gia đình lẫn bản thân là không làm giàu từ bóng đá. Tôi khẳng định tới thời điểm này tất cả những tôi chỉ với mong muốn nhắc đến Bình Dương người ta nhớ tới ở đó có một đội bóng ngon lành. Thế thôi!

* Xin cảm ơn ông và chúc Bình Dương sớm ổn định để “ngon lành”.

Phạm Hoàng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm