10/04/2017 19:44 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Giới nghệ sĩ TP.HCM thường gọi anh bằng cái tên để dễ nhận dạng “Lâm mặt thẹo”. Nhìn gương mặt và mái tóc dài này, nhiều người càng dễ lầm tưởng anh thuộc giới anh chị giang hồ hơn là họa sĩ.
Nhưng chỉ cần nói chuyện với “Lâm mặt thẹo” chừng 30 giây, sẽ nhận ra đây là một nghệ sĩ hiền lành được bủa quanh rất nhiều tình bạn dẫu trong sâu thẳm là sự cô dơn.
Nhiều lần chết hụt vì thần chết chối từ
Từ ngày 8 - 17/4, tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ Bùi Quang Lâm triển lãm 54 bức tranh sơn dầu với chủ đề Miền đất lạ.
Miền đất lạ được vẽ trong 30 năm nay về những miền đất lần đầu họa sĩ đặt chân đến nhưng tạo được cảm xúc và có những dấu ấn khiến họa sĩ… cầm cọ khắc họa lại bằng đường nét và sắc màu. Miền đất lạ được vẽ từ miền Tây Nam bộ, Bắc bộ, Tây Bắc…
Họa sĩ Bùi Quang Lâm được giới vẽ pano quảng cáo ngoài trời biết đến đầu tiên như một người không… sợ chết. Khi một người bình thường vẽ pano ngoài trời kiếm được khoảng 50 ngàn đồng một ngày, thì Bùi Quang Lâm thường làm việc gấp 3 lần. Lý do, thời gian đó anh rất cần tiền để nuôi đưa cháu ruột vừa lọt lòng được hơn tháng thì mẹ cháu qua đời. “Lâm mặt thẹo” treo mình ngoài trời ở những điều kiện khó khăn nhất anh cũng nhận lời.
Trong giới “bầu show” vẽ pano quảng cáo ngoài trời, có một người tên H thường chạy xe vespa cổ, cứ gặp chỗ nào những người vẽ pano khác chê vì nguy hiểm, lập tức H đi tìm Lâm. Bùi Quang Lâm kể: “Sáng sớm đang ngồi trong nhà mà nghe tiếng xe vespa cổ của H đến, tui tự nói với mình: Thần chết đến gõ cửa”. Anh đã 3 lần bị tai nạn rơi từ trên cao xuống khi mưu sinh bằng nghề này nhưng thật may mắn khi được thần chết chối từ.
Hoạ sĩ khi cầm cọ bắt đầu vẽ một bức tranh thường chú trọng đến đường nét, màu sắc cho họa phẩm của mình. Bùi Quang Lâm thường chọn gam màu lạnh và nhiều tác phẩm, anh đã mượn sắc màu thay thế luôn nét vẽ. Với những họa sĩ có nghề, đây là việc không khó, vấn đề là kỹ thuật học hành được họa sĩ vận dụng ra sao.
Họa sĩ “làm thơ” bằng màu sắc
Có khiếu vẽ từ nhỏ, nhưng khi đang học trung học phổ thông, Bùi Quang Lâm phải gác lại chuyện học hành và giấc mơ họa sĩ. Anh nhập ngũ cầm súng đánh giặc xâm phạm bờ cõi Tây Nam. Làm nhiệm vụ ở Campuchia, và ra quân khi là thương binh của cuộc chiến. Bùi Quang Lâm nói: “Qua chiến cuộc mà mình còn sống chắc nhờ thần chết chối từ”.
Bùi Quang Lâm nổi tiếng là họa sĩ vẽ tranh từ thơ, nhạc và thậm chí là nhật ký chiến trường. Anh đã vẽ thành tranh sau khi nghe các ca khúc của nhạc sĩ Thế Hiển, Nguyễn Văn Hiên, thơ Trần Ngọc Thọ…
Tranh của Bùi Quang Lâm ngoài để xem, mỗi bức họa thường khiến người xem dừng lại lâu hơn để đọc. Đọc ở đây không phải để hiểu nội dung họa sĩ muốn thể hiện gì. Đọc để cảm thêm chiều sâu không gian, những tàng ẩn phía sau lớp màu vật chất kia là một linh hồn luôn luôn cô độc.
Đến dự khai mạc Miền đất lạ có rất nhiều nhà thơ, phần lớn đánh giá Bùi Quang Lâm làm thơ bằng màu sắc chứ không đơn thuần là một họa sĩ. Xưa nay, "thi trung hữu họa", trong thơ có họa và ngược lại trong họa có thơ. Hơn thế, những bức - tranh - thơ của Bùi Quang Lâm còn là những bài "thơ có tứ", chứ không buông thả lan man, được đóng khung gọn gàng và nhẹ nhàng thấm sâu vào lòng người đọc, người xem.
Riêng hoạ sĩ Lê Kiệt, người theo dõi các triển lãm của Bùi Quang Lâm trong nhiều năm nay, nói rằng: "Gọi là Miền đất lạ, tức là anh Lâm đến với những vùng đất mới, nhưng thật ra anh đang trở về với gia đình và cũng là trở về với bản năng hội hoạ của chính anh. Tôi biết anh Lâm hiện sức khỏe không tốt, đi khám bệnh thường được kêu nhập viện. Đến một lúc nào đó, con người ta thường chọn trở về, trong nghệ thuật tôi nghĩ cũng thế".
Miền đất lạ là triển lãm cá nhân lần thứ 6 của Bùi Quang Lâm, anh cho biết: “Triển lãm là cái cớ để tôi gặp bạn bè khi xưa, như thời vừa xuất ngũ về lại Sài Gòn, nửa đêm tôi nhớ bạn xách balo xuống bến Bạch Đằng theo đường sông qua ngã Tân Châu trở lại Campuchia tìm đồng đội của mình”.
Từng đoạt giải do Osaka tài trợ Xuất ngũ về học khoa Văn (ĐH Tổng hợp TP.HCM). Anh vừa học vừa đi vẽ kiếm sống. Sau những giờ mưu sinh, Bùi Quang Lâm đi học vẽ với họa sĩ Trần Thanh Vân giảng viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Ngoài ra, anh rất chịu khó tự học vẽ, học kiến thức từ sách, báo. |
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất