Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Phan Quế - muốn thơ văn hồn nhiên như cây cỏ

04/01/2023 17:37 GMT+7 | Văn hoá

Có thể gọi Phan Quế là một ngòi bút "người lớn", vì 1 tập thơ, 3 trường ca và 20 tiểu thuyết đã xuất bản đều viết cho người lớn. Nên thật bất ngờ khi gặp bài thơ lục bát viết cho thiếu nhi của ông được chọn vào Tiếng Việt 3, tập 1, bộ Cánh diều.

Bài thơ lục bát ấy có tên là , văn bản trong Tiếng Việt 3 như sau: "Bà mình vừa ở quê ra/ Bà cho cả bưởi, cả na đi cùng/ Áo bà xe cọ lấm lưng/ Bưởi na bà bế bà bồng trên tay// Đường ra tỉnh rất là dài/ Qua một cái núi với hai cái cầu/ Rồi bao nhiêu mái nhà cao/ Bao nhiêu phố nữa với bao nhiêu đường...// Đón bà nhà rộn mùi hương/ Theo bà có cả cây vườn quê xa". 

Đưa thiên nhiên vào cuộc sống   

Người bà trong thơ Phan Quế như từ ca dao xưa, từ cổ tích bước vào hôm nay. Xưa, "Bà còng đi chợ trời mưa/Cái tôm, cái tép đi đưa bà còng"; xưa có người bà từng hứng đỡ cô Tấm trong hương thị. Người bà hôm nay của Phan Quế chẳng những cùng đi với quả na, quả bưởi, mà còn bồng còn bế chúng trên tay. Người bà che chắn, nâng giấc những bé em thiên nhiên ấy cho nên lưng áo bà có vết "lấm".

Cái vết "lấm" ấy như nút bấm để thơ chuyển từ trung cảnh tả thực ở khổ thứ nhất, sang toàn cảnh mang tính ước lệ. Ở khổ thơ thứ 2 chi tiết thơ không còn những tên riêng viết hoa mà chỉ còn là những danh từ chung phiếm chỉ, "núi", "cầu" (qua những con sông), "mái nhà", "đường","phố"… nối dài bằng những số đếm tăng dần 1 tới 2 rồi nhân rộng bằng điệp từ "rất nhiều", dùng tới 3 lần.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Phan Quế - muốn thơ văn hồn nhiên như cây cỏ - Ảnh 1.

Nhà văn Phan Quế

Nhịp thơ lục bát cứ nhịp nhàng tự nhiên đi tới điểm thăng hoa từ ngữ - "Đón bà nhà rộnmùi hương", khiến hương thơm na bưởi như nghe được bằng tai người đọc. Như đang rộn rã vang lên thông điệp cao hơn sự gắn bó máu thịt, vốn có trong quan hệ mẹ con, bà cháu - "Theo bà có cả cây vườn quê xa"...

Bà mang thiên nhiên vào cuộc sống cho cháu con chính là thi vị riêng Phan Quế đóng góp vào sách giáo khoa tiếng Việt trong mảng đề tài này. Khác với cách Nguyễn Văn Thắng cảnh báo trong bài Cháu nghe câu chuyện của bà: "Bà rằng: Gặp một cụ già/ Lạc đường, nên phải nhờ bà dẫn đi/ Một đời một lối đi về/ Bỗng nhiên lạc giữa đường quê, cháu à". Khác với nỗi ân hận của người cháu trong thơ Nguyễn Duy: "Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại/ Dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi/ Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!".

"Tôi muốn thơ văn của mình luôn hồn nhiên như cây cỏ mọc từ đất, không có sự lắp ghép, nhưng dĩ nhiên, phải có bàn tay chăm sóc" - nhà văn Phan Quế.

Từ hồn hậu tới hào hoa

Phan Quế là người cùng làng với kịch tác gia Tào Mạt (1930 - 1993), người viết bộ ba chèo nổi tiếng Bài ca giữ nước. Cùng làng với nhạc sĩ Phan Lạc Hoa của Tàu anh qua núi, với giai điệu ngập tràn niềm vui thống nhất non sông.

Từ làng cổ Hữu Bằng, Phan Quế vào đời qua "khung cửa chữ". Ông học chữ ở trường huyện Thạch Thất, trường tỉnh Sơn Tây, rồi đường chữ đưa ông tới làm giáo sinh trường sư phạm 10+2 Thái Bình. Từ đất biển Thái Bình, thầy giáo trẻ Phan Quế được phân công lên miền núi Lạng Sơn, dạy học sinh các dân tộc ít người, làm quen với văn hóa Tày-Nùng…

Ngay từ khi còn phấn bảng đứng lớp, thầy Phan Quế đã có thơ đăng báo Văn nghệ Lạng Sơn. Với khả năng sáng tác và thành công bước đầu như thế, năm 1969, Phan Quế được chuyển về làm việc tại Hội Văn nghệ tỉnh Lạng Sơn, gắn bó nghiệp văn bút, thành cây viết chuyên nghiệp.

Năm 1977, ông chuyển về Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tây. Từ năm 1987, ông thành công dân Hà Nội, công tác tại Nhà xuất bản Công an nhân dân, rồi về báo Văn nghệ Công an, với chức vụ Phó trưởng ban biên tập.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Phan Quế - muốn thơ văn hồn nhiên như cây cỏ - Ảnh 3.

Trang SGK có tác phẩm của Phan Quế

Mấy mươi năm từng trải nơi có biển, có núi, có văn hóa hồn hậu của người vùng cao và văn hóa hào hoa đất nghìn năm văn vật, đã giúp Phan Quế có sự nghiệp văn học dày dặn, đáng nể.

Ông tâm sự về mối quan hệ giữa cuộc sống và người viết: "Cuộc sống và con người xứ Lạng đã trở thành một phần máu thịt của tôi, như quê hương thứ 2 vậy. Sau này, ngoài những bài thơ viết về làng quê, về mẹ, tôi vẫn có một mảng thơ viết về miền núi. Khi về công tác tại Hà Tây, tôi vẫn có những bài thơ về xứ Mường…".

Phan Quế tiếp: "Rời miền núi về đồng bằng công tác, không gian sống mở rộng hơn, cảm xúc lan tỏa ra nhiều mảng khác nhau, nhưng những cảm xúc đầu đời vẫn lắng sâu, dường như không bao giờ có thể phai nhạt. Vì thế, tập thơ đầu tiên của tôi ra đời, mang tên Trái tim lang thang, là những cảm xúc sâu lắng về làng quê tôi, về hình ảnh người mẹ tảo tần, chắt chiu, hy sinh một đời cho những đứa con, về cuộc sống ở những nơi tôi từng qua, từng sống".

Hình ảnh bà mẹ tảo tần chắt chiu cũng chính là người cùng thiên nhiên bước vào sách giáo khoa Tiếng Việt 3 mà ta đã nói trên kia.

Đào sâu hơn về khía cạnh sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người trong thơ Phan Quế, nhà thơ Phạm Đình Ân phát hiện chúng không chỉcó trong thơ thiếu nhi, thơ thời bình, mà ngay trong chiến tranh, thiên nhiên đã vào thơ đánh giặc.

"Không chỉ người tiễn người, mà cả thiên nhiên đất trời quê hương xứ Đoài vào mùa Thu tươi sáng cùng đưa tiễn người lính trẻ. Mở đầu bài thơ Mùa Thu tiễn bạn của Phan Quếlà mây trắng nõn nà, mây xanh xanh ngắt, là thóc vàng sân phơi để cho:"Câu thơ bồn chồn tia nắng xuyên qua", là: "Củ khoai lim ủ mật trong lửa trấu/ Trái cam hiền, trái hồng đôn hậu/ Bát nước chè đồng áng đọng sao rơi". Rồi thì: "Có lưng áo bạc màu tro bếp/ Chái nhà, gốc mít/ Cái ngõ dài giọt nước giếng khơi/ Mái đình bay cánh phượng ngang trời/ Cô thợ dệt đêm trăng phơi lụa"Hồn quê xứ Đoài dân dã truyền thống nghìn năm như cũng theo người trai trẻ ra trận" - Phạm Đình Ân viết.

Gốc của văn học là cảm xúc

Trong bài thơ được trao giải Mùa Thu tiễn bạn, có nhiều câu rất sắc sảo, rất chắc tay, cài đặt chữ nghĩa của người lao động văn chương nghiêm túc. Có câu viết như hòa sắc: "Có đôi bàn tay ăn nhợt màu bùn/ Đường cày lật đỏ hoàng hôn". Trong thơ Việt hiện đại, Nguyễn Đình Thi từng viết: "Rũ bùn đứng dậy sáng lòa". Chất liệu "bùn" tới tay Phan Quế được xử lý kĩ lưỡng hơn, màu bùn nhợt trong màu da người lao động cực nhọc, vẫn tiếp sức để con người tạo thế "lật" đất, kéo dài thời gian một ngày, mở rộng không gian nghệ thuật.

Trong một bài tứ tuyệt, Phan Quế học cách mờ chồng của ngôn ngữ điện ảnh đề màu thủy chung "mắt xưa" lẫn vào màu tím hiện hữu hôm nay giữa đất trời. Để màu tím ấy nối vai đất với vai người: "Mừng thế như là mới đấy thôi/ Em về hoa bưởi rắc vai tôi/ Mắt xưa tím thế giờ sim tím/ Buồn thẫm vai nhau một vạt đồi".

Người viết bài đưa những thủ pháp tu từ vừa phân tích, xin ý kiến tác giả. Rất bất ngờ khi nhận được câu trả lời của Phan Quế: "Những yếu tố kỹ thuật trong thơ tôi không nhiều. Bởi tôi muốn thơ văn của mình luôn hồn nhiên như cây cỏ mọc từ đất, không có sự lắp ghép, nhưng dĩ nhiên, phải có bàn tay chăm sóc. Có người bảo thơ tôi đằm thắm, người nói thơ tôi cũ, tôi đều lắng nghe. Có chỗ tôi tiếp thu cái mới, để chuyển đổi, nhưng không đột ngột, mà vẫn giữ được giai điệu của chính mình và trân trọng cảm xúc cá nhân".

Ông nhắc lại một ý của mình, thay lời kết luận: "Gốc của văn học là cảm xúc. Cảm xúc lớn nhất là tình người. Không có tình người sẽ không có tình yêu với văn học. Dĩ nhiên, mỗi người sẽ có cách thể hiện không giống nhau và đó mới là văn học".

Vài nét về nhà văn Phan Quế


Nhà văn Phan Quế sinh 1945. Quê Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội. Ngoài những công việc đã nêu trong bài, ông cũng từng công tác tại Sở Giáo dục Lạng Sơn. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từ năm 1996. Hiện cư ngụ tại Hà Nội.


Năm ông 70 tuổi, trong một bài phỏng vấn, ông chia sẻ: "Tôi thấy mình được rất nhiều khi đắm mình trong sáng tác: Những cảm xúc của cá nhân được biến thành chữ nghĩa, thay mặt mình giãi bày cùng mọi người. Còn được đến đâu lại là tùy lượng trời và tùy vào lượng người. Bạn đọc đọc tác phẩm của mình đến đâu, là quý đến đấy. Tôi cũng hài lòng vì tất cả những gì mình viết, đều bắt đầu từ cảm xúc, dù không thể viết hết, do tài năng, nhưng được giải tỏa và giãi bày cảm xúc, là cái được lớn nhất của người sáng tác".

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm