Gần 500 người xuyên đêm leo Fansipan để bứt phá bản thân

18/12/2023 07:00 GMT+7 | Đời sống

Rừng núi mù sương, đen đặc bóng tối, nhiệt độ chỉ 3 – 5 độ C, dốc đá cheo leo dựng đứng… cũng không cản nổi quyết tâm chinh phục Fansipan của gần 500 "chiến binh".

Cao 3.143m, Fansipan được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương". Để chinh phục ngọn núi này bằng đường bộ, các "nhà leo núi" sẽ phải băng qua 22km đường rừng, trèo đèo lội sối, vượt qua những dốc đá hiểm trở, có đoạn phải leo bằng thang, có đoạn một bên là đường, một bên là vực thẳm. Leo Fansipan vào ban ngày đã khó, leo đêm còn khó khăn gấp nhiều lần và không phải ai cũng dám chinh phục. 

Xuất phát từ Trạm Tôn lúc 7h sáng ngày 14/12, đoàn leo núi gần 500 người của Học viện Minh Trí Thành được chia thành 8 đội và đến điểm nghỉ 2.800m vào khoảng 2h chiều. Không chọn phương án thông thường là nghỉ ở đây qua đêm, đợi trời sáng rồi leo tiếp lên đỉnh, đoàn đã tiếp tục hành trình lúc 3h sáng 15/12, khi rừng núi vẫn đang bị bóng đêm bao phủ và thời tiết lạnh sâu, chỉ khoảng 3 – 5 độ C.

Gần 500 người xuyên đêm leo Fansipan để bứt phá bản thân - Ảnh 1.

Đoàn leo núi đã trải qua chặng leo đêm đầy thử thách

Chia sẻ về điều này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) cho biết, leo núi đêm là một trải nghiệm đặc biệt mà học viện dành cho các học viên, giúp họ bứt phá bản thân.

Theo cô Lanh, khi sinh ra, chúng ta đều là những con người dũng cảm. Nhưng trải qua những lần bị chê bai, chỉ trích, không được ghi nhận, chúng ta dần hình thành suy nghĩ, cảm xúc, hành vi tiêu cực, mâu thuẫn nội tâm và niềm tin giới hạn. Chúng che phủ đi những đức tính tuyệt vời, khiến chúng ta thường trực những nỗi sợ, mất niềm tin vào chính mình.

Leo Fansipan vào ban đêm là hành trình phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm – "chất xúc tác" kích hoạt lòng can đảm. Các học viên phải vượt qua nỗi sợ lạnh, sợ bóng tối, sợ độ cao, sợ mình không làm được… Từ đó, tìm lại con người tài giỏi, dũng cảm của mình.

Gần 500 người xuyên đêm leo Fansipan để bứt phá bản thân - Ảnh 2.

Cô Lanh chia sẻ: Khó khăn trên hành trình leo núi sẽ kích hoạt lòng can đảm của mỗi người

Trở về từ Mỹ để tham gia leo núi lần này, chị Mary Ngọc cho biết, chị bị sợ độ cao sau một sự cố xảy ra từ 10 năm trước. Khi ấy, chị cùng chồng và những người bạn đi leo núi ở nước ngoài. Có một đoạn phải leo qua bậc thang nhưng vì muốn đi nhanh hơn, chị đi ra một vị trí khác rồi nhảy qua thì bị ngã. May mắn, chị tóm được một cục đá nên không bị rơi xuống vực. Tuy nhiên, tình huống nguy hiểm đó và cảnh tượng vực thẳm ngay dưới tầm mắt đã trở thành nỗi ám ảnh đeo bám chị suốt nhiều năm.

Đăng ký leo Fansipan, chị muốn vượt qua nỗi sợ hãi ấy. Chị kể: "Chặng leo đêm là thách thức lớn nhất với tôi. Bóng tối, sương lạnh, chân bị đau mà đường đi toàn các dốc đá cao khiến nỗi sợ trỗi dậy. Tự trấn an bản thân bằng niềm tin mạnh mẽ nhất định mình sẽ làm được, cuối cùng tôi đã lên đỉnh thành công".

Gần 500 người xuyên đêm leo Fansipan để bứt phá bản thân - Ảnh 3.

Vượt qua nỗi sợ để bứt phá bản thân

Ở tuổi 60, chú Nguyễn Tiến Hiệp (TP.HCM) cũng có một hành trình bứt phá đầy ấn tượng. Leo Fansipan với người trẻ đã là thử thách, với người đang mang đủ thứ bệnh tuổi già như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống thì càng gian nan.

Trên đường leo, cũng có lúc chú chùn chân, mỏi mệt, đặc biệt là chặng leo lúc 3h sáng, núi rừng tối đen, đường đá trơn trượt, có đoạn phải leo bằng thang. Nhờ bám sát các đồng đội, chú ý ánh đèn để dõi theo từng bước chân của mình, chú đã không gặp bất kỳ sự cố nào.

Gần 500 người xuyên đêm leo Fansipan để bứt phá bản thân - Ảnh 4.

Chú Hiệp đã có chuyến leo núi đầy ấn tượng, bứt phá bản thân

"Đây là lần thứ 3 tôi tới Fansipan nhưng 2 lần trước là bằng cáp treo, đây là lần đầu tiên tôi đi bằng chính đôi chân của mình. Tôi như vỡ òa sung sướng và tự hào khi đặt chân lên đỉnh", chú nói.

Ông Phạm Minh Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) cho biết, đoàn leo núi của Học viện Minh Trí Thành có số lượng đông, lại có chặng leo đêm nên công tác tổ chức rất chú trọng đến yếu tố an toàn. Trước chuyến hành trình, phía học viện và VQG Hoàng Liên đã xây dựng phương án an toàn cho những khu vực nguy hiểm. Suốt quá trình leo, các học viên được đội ngũ nhân viên y tế, bộ phận leo núi chuyên nghiệp của VQG Hoàng Liên theo sát, đảm bảo cứ 3 – 4 học viên thì có một người hỗ trợ.

Gần 500 người xuyên đêm leo Fansipan để bứt phá bản thân - Ảnh 5.

Đoàn leo núi chinh phục thành công đỉnh Fansipan

Cô Nguyễn Thị Lanh chia sẻ thêm, nếu chỉ chọn làm những thứ dễ dàng thì sẽ không thể khám phá ra bản thân tài giỏi đến thế nào. Trên hành trình leo núi gian khó lần này, các học viên đã bỏ lại trên đường con người yếu đuối, sợ hãi, để khi xuống núi đều là phiên bản tốt hơn của chính mình - phiên bản mạnh mẽ và bản lĩnh.

Minh Trang. Ảnh: BTC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm