Alberto Zaccheroni: “Tất cả như một trò chơi điện tử”

10/08/2011 06:13 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH Cuối tuần) - Một người Italia chiến thắng ở Nhật Bản. Đấy có thể là một cái tít hấp dẫn mà người ta có thể viết về Alberto Zaccheroni, người từ nhiều năm nay đã không còn là một cái tên lớn ở Italia nữa sau Scudetto 2009 cùng Milan. Nhưng “cũ người mới ta”, Zac đã thành công với đội tuyển Nhật Bản. Và ông trở về Italia để nghỉ hè như một người anh hùng.

Alberto Zaccheroni giành chức vô địch Asian Cup 2011 cùng đội tuyển Nhật Bản - Ảnh Getty

Từ một năm qua, Zaccheroni là HLV đội tuyển Nhật Bản và đã đưa đội bóng xử sở Phù Tang đến chiến thắng ở Cúp châu Á 2010. “Tôi đang phấn khích trước vận hội mới. Cả thế giới đang chơi bóng đá, và tôi muốn chứng kiến sự thú vị của vòng loại World Cup 2014 của khu vực châu Á. Tôi hơi ngại Iran, Saudi Arabia và Australia. Cả 3 đội tuyển này đều muốn tôi về làm HLV cho họ, nhưng tôi từ chối. Tôi chỉ muốn đến Nhật Bản, và cùng đội này đến World Cup 2014”, HLV người Italia chia sẻ. Dưới tay Zac, Nhật Bản đang trẻ hóa mạnh mẽ và được coi là một trong những đội bóng giàu tiềm năng nhất châu lục và bóng đá thế giới. Ông trả lời phỏng vấn nhật báo Italia “La Repubblica”.

* Zac, sau 10 tháng sống ở Nhật, ông đã nói được tiếng Nhật chưa?

- Tôi luôn có một người phiên dịch riêng, nhưng ít ra mở mồm nói một câu tiếng Nhật nào đó thì tôi cũng không còn nói sai từ nữa. Ngay trong bữa ăn thân mật đầu tiên với LĐBĐ Nhật Bản khi tôi vừa kí xong hợp đồng với họ, tôi đã vô tình gây ra một sự cố hiểu nhầm khi áp dụng một tình huống giao tiếp kiểu Italia vào khung cảnh Nhật. Một lần khác, khi tôi nhắc các cầu thủ là hãy giữ cho cơ thể đừng có béo quá, tôi giơ ngón tay út lên, thì mặt các cầu thủ đỏ hết cả lên. Hóa ra, ngón ấy hàm ý nghĩa bóng là “bồ nhí”. Khi nào tôi cảm thấy không biết phải diễn giải thế nào nữa, tôi la lên “ganbarimasu”, nghĩa là “chúng ta hãy cố gắng hết mình”.

* Hãy nói cho chúng tôi về Nhật Bản của ông đi.

- Đấy là một đất nước tuyệt vời và rất năng động. Chỉ riêng ở Tokyo đã có 80.000 nhà hàng, nhưng quá khứ thì lại hiển hiện ở cố đô Kyoto, nơi thời gian như ngừng lại, hoặc những kí ức Hiroshima. Nhật Bản có những tòa lâu đài như bừng sáng trong đêm, những dòng xe cộ đi lại nườm nượp trên đường phố... tất cả với tôi hệt như trò chơi điện tử. Biển thì thật là tuyệt vời. Nhìn những bãi biển từ cửa sổ máy bay, tôi tưởng tượng ra những dãy ghế bố và ô người ta có thể dựng lên trên đó. Và con người, họ lúc nào cũng tươi cười, sẵn sàng giúp đỡ bạn, kể cả trong những lúc khó khăn nhất như lúc này, khi họ đang khắc phục những hậu quả của trận động đất và sóng thần vào tháng 3. Tôi nhìn thấy nỗi đau trong mắt các cầu thủ của tôi.

* Ông thấy đội bóng thế nào?

- Triết lí của dân tộc này là không làm phiền đến những người khác và các cầu thủ của tôi rất lịch sự và nhẹ nhàng, ngăn nắp cất đồ của họ sau mỗi buổi tập, lấy vali khi đi thi đấu xa của họ, cầm khăn trong tay và đi về nhà. Một lần, có một cầu thủ ngủ quên nên đến chậm bữa trưa. Anh ấy đã đến xin lỗi cả đội!

* Serie A có Nagatomo và Morimoto...

- Nagatomo nhanh, có sức chiến đấu tốt, chơi được cả hai chân, chỉ hơi thiếu thể hình và sự ma lanh một chút thôi. Morimoto không ra sân nhiều và mới mổ đầu gối. Nếu cậu ấy cứ chơi tốt, tôi sẽ triệu tập cậu ta.

* Honda đã sẵn sàng đến Italia chưa?

- Điều đó còn phụ thuộc nhiều thứ. Tôi có đọc được trên báo là Juventus muốn mua cầu thủ đang chơi ở Nga này về. Các CLB Italia nên chú ý đến những cái tên, như Ryo Myiachi của Feyenoord được Arsenal cho mượn, và Usami của Bayern. Tôi cũng muốn khuyên các đội Italia mua một cầu thủ Hàn Quốc, Ki Sung-Yueng, tiền vệ của đội Celtic, một người khổng lồ.

* Bây giờ, ông đang tạo ra một sự khác biệt lớn đối với nền bóng đá Italia.

- Người Italia đến SVĐ trong trạng thái căng thẳng, luôn gặp tắc đường, những hàng dài trước sân và những hàng rào sắt. Còn ở Nhật Bản, các trận đấu như những ngày hội, trong đám đông khán giả có không ít người là phụ nữ và người ta không chiếu lại các pha quay chậm để lôi ra mổ xẻ trên tivi sau các trận đấu như ở Italia. Các cầu thủ chơi bóng văn minh, ít lỗi. Trong khi ấy thì Serie A ngày càng trở nên nghèo đi. Các HLV giỏi nhất đều đã ra nước ngoài làm việc, từ Capello, Trapattoni, Ancelotti, Spalletti cho đến Mancini, và có lẽ sắp tới, cả Lippi nữa.

* Ông là một trong số rất ít các HLV đã từng dẫn dắt cả Milan, Inter và Juventus...

- Nhưng chỉ có ở Milan, tôi mới cầm quân từ đầu mùa. Kể từ bây giờ, tôi không phải tham gia các cuộc tập trung chuẩn bị mùa giải mới vào mùa Hè nữa. Tôi đã giành chiến thắng ở tất cả các hạng đấu, trừ Serie B. Tôi cũng không cần một người đại diện môi giới và cũng không cần ai để làm “ô” cho mình. Nhưng hiện tại LĐBĐ Italia đang muốn kiểm soát cả hình ảnh cũng như các mối quan hệ của các HLV. Điều này tôi nghĩ là rất quan trọng.

- Các HLV lớn đã rời Italia ra đi, nhưng calcio vẫn còn có Allegri, Gasperini và Conte.

- Allegri đã giành Scudetto ngay trong năm đầu tiên dẫn dắt Milan, giống như tôi. Anh ấy rất chú trọng vào việc tạo ra sự cân bằng trong lối chơi và hiện đã thuộc loại có “số má” trong làng HLV ở Italia. Tuy nhiên, phải thấy là, ở mùa bóng rồi, các đối thủ của Milan đều đã thất bại nặng nề, trong khi hồi tôi cầm quân ở Milan, thì Serie A vẫn còn “7 chị em” (Milan, Inter, Juventus, Roma, Lazio, Fiorentina và Parma - TT&VH Cuối tuần) cạnh tranh nhau Scudetto. Gasperini đem đến một thứ bóng đá chất lượng, đẹp mắt. Tôi hơi ngạc nhiên là Inter chỉ đưa ông này về vào giữa tháng 6, khi ông ấy nằm trong số những HLV chưa có việc làm. Conte là có một lợi thế. Anh là một cựu Juventus. Nhưng anh ấy cần phải chiến thắng. Tiếc là Juventus luôn khởi đầu tất cả từ con số 0. Từ nhiều năm nay, Juventus có quá nhiều cầu thủ bị chấn thương, và một số người đã đổ lỗi cho sân tập Vinovo là không đúng quy chuẩn và quá ẩm ướt. Cái đó thì tôi không biết.

* Allegri có trong đội hình Pato, “con rể tương lai” của Berlusconi...

- Tôi nghĩ đất không phải là một vấn đề lớn. Điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến những quyết định của một ngài chủ tịch đội bóng. Nếu là tôi thì tôi luôn quyết định mọi thứ bằng cái đầu của mình.

* Berlusconi có gọi điện thoại chúc mừng ông sau khi ông cùng đội Nhật Bản đoạt chức vô địch Asian Cup không?

- Tôi chưa nghe thấy tiếng ông ấy đã 5 năm nay rồi. Tôi không muốn làm phiền ông ấy.

* Ông thích Mourinho hay Guardiola?

- Tôi không khoái Mourinho lắm, nhưng ở bất cứ nơi nào đi qua, ông ấy đều chiến thắng. Guardiola thì cần phải chứng tỏ được tài năng của mình kể cả khi anh ấy không còn làm HLV cho Barcelona.

* Zaccheroni, ông nhớ tới Italia về điều gì?

- Các nhật báo Italia vào giờ ăn sáng.

Một người Italia chinh phục châu Á

Kể từ tháng 8/2010, Zaccheroni nhận một nhiệm vụ mới, ở một nơi ông mới chỉ đến trong kì nghỉ nhiều năm trước kia: Tái thiết đội tuyển Nhật Bản sau thất bại ở World Cup 2010. Bản thân Zac vào thời điểm ấy cũng được coi là một người thất bại, bị Juventus rũ bỏ sau cuộc phiêu lưu đầy chán chường. Zaccheroni chỉ cần 4 tháng để đưa Nhật Bản đến chức vô địch Asian Cup 2011. Dù không dẫn dắt đội Nhật trong 2 trận đầu do trục trặc visa, Zac có trận ra mắt hoành tráng khi cùng Nhật Bản đánh bại Argentina 1-0 và đỉnh cao của hành trình là trận hạ gục Australia 1-0 trong trận chung kết Asian Cup ở Qatar. Thắng lợi ấy đã đưa Zac thành một người hùng ở xứ sở Phù Tang, được các fan Nhật gọi một cách trìu mến là “Zaccheroni San” (Ngài Zaccheroni). Chiếc Cúp vàng cũng là danh hiệu quốc tế đầu tiên mà Zac nhận được trong cuộc đời HLV đội tuyển mới mở ra.

Thắng lợi này là gì, nếu so với Scudetto mà ông đã đưa Milan đoạt được ở mùa bóng 1998-1999? Ông bảo: “Chiến thắng đẹp nhất bao giờ cũng là chiến thắng gần nhất. Người ta vẫn bảo thế. Rồi chiến thắng tiếp theo. Nhưng một trong những ước nguyện của đời tôi, là được thấy lối đá của Udinese sống lại”. Giờ thì Zac, 58 tuổi, sắp gia nhập “CLB 60” của những HLV người Italia thành công ở nước ngoài, mà Trapattoni (72 tuổi) và Capello (65 tuổi), những người sẽ tiếp tục theo đuổi những cuộc phiêu lưu mới không phải trên đất Italia. Bây giờ Zac vẫn còn đang rất thích thú với những gì đã đoạt được, và đang háo hức với cuộc đua mới cho một suất dự World Cup 2014 ở Brazil, khi Nhật rơi vào bảng đấu với Triều Tiên, Syria và Uzbekistan mà chỉ có giành được ngôi đầu bảng, các học trò của Zac mới vào được vòng bảng thứ 2 để đi tiếp đến chặng cuối cùng của vòng loại.

Thư Anh (lược dịch)




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm