Biến tấu cùng EURO: Tìm lại chìa khóa tình yêu lỡ đánh rơi…

17/06/2016 08:53 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Khóa vào thanh cầu một mối tình/ Chìa tung xuống đáy sông xanh hững hờ/ Thả đi ước vọng ngày xưa/ Nổi trôi sóng nước thuở chưa biết sầu…

1. Ai có dịp qua Prague, hòn ngọc châu Âu, thủ đô của Czech, thì không thể không ghé qua chiếc cầu Charles nối hai bờ sông Vltava. Đây được coi là một trong những cây cầu đá cổ nhất của châu Âu, được xây từ khoảng thế kỷ thứ 10 mang tên hoàng hậu Judith (vợ vua Vladislav II), người đã chuẩn y việc xây cầu.

Theo tài liệu lưu lại, ban đầu cầu Judith được xây bằng đá sa thạch đỏ, dài 500m, rộng 7m và có đến 27 vòm trên mặt sông. Nhưng đến năm 1342 cầu Judith đã bị phá hủy bởi một trận lũ lịch sử. Vào năm 1357,  cầu được xây lại cao hơn nhiều so với cầu cũ, được gọi nôm na là cầu Đá. Cây cầu mới này rộng hơn cầu cũ 4,5 m do một kiến trúc sư nổi tiếng thời đó Petr Parléř đảm nhiệm dưới sự phê chuẩn, giám sát của vua Charles IV (Karel IV), sau này vào năm 1870 thì cây cầu được đổi sang tên chính vị vua này.

Cầu Charles dài 516m, rộng 10m với 16 trụ cầu, hai đầu cầu có hai tháp như vọng gác thiết kế theo kiến trúc Gothic mang tên Staré Město - được xem là tháp cầu đẹp nhất ở châu Âu do các chi tiết trang trí điêu khắc phong phú. Ba thế kỷ sau, khi trào lưu Phục hưng lan rộng châu Âu, các nhóm tượng đã được dựng lên trên các trụ cầu, gồm 75 bức. Nhưng đến đầu thế kỷ 20, để bảo tồn nên các bức tượng đã được đem cất giữ tại bảo tàng quốc gia và thay thế bằng các bản sao.

2. Sở dĩ tôi nhắc đến cầu Charles, dù bắc ngang dòng Vltava có tới gần hai chục cây cầu, trước hết bởi nó được những người Việt sống tại Czech đã đặt cho nó cái tên mới rất lãng mạn: Cầu Tình. Tên gọi này có lẽ xuất hiện do hình ảnh những chiếc ổ khóa nơi chân cầu của các đôi tình nhân mong ước khóa chặt đời nhau, đó cũng là câu chuyện của tuyển Czech ngày hôm nay.

Không phải là một đội bóng trong Top những kẻ mạnh, nhưng tuyển Czech lại có bản lĩnh của những người Bohemia dũng mãnh luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ. Trong số “những kẻ ngáng đường vĩ đại” tại đấu trường châu Âu thì tuyển Czech có thành tích khá ấn tượng. Họ từng là Á quân của EURO 1996 sau một trận chung kết mà tuyển Đức chỉ có thể thắng ở bàn thắng vàng của hiệp phụ. Tám năm sau, tại EURO 2004, họ cũng vào đến bán kết và chỉ dừng chân trước “Thần thoại Hy Lạp, đội tuyển lên ngôi một cách kỳ tích mùa giải đó.  Dù  không còn các hảo thủ như vài mùa giải trước, tên tuổi lớn nhất mà Czech sở hữu chính là thủ môn Peter Cech và niềm hy vọng đặt vào tài năng trẻ Ladislav Krejci, Czech đã vượt qua vòng loại EURO khá ấn tượng, với 7 trận thắng, đứng đầu bảng đấu, trong đó có Hà Lan. Nhưng có thể coi là đen đủi khi Czech rơi vào bảng đấu được coi là tử thần cùng với đương kim vô địch Tây Ban Nha và các đối thủ kỵ dơ Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia.  

Sau khi để thua đầy đáng tiếc trước Tây Ban Nha vào phút 87 của trận mở màn, dù đã có một thế trận không tồi, trận đối đầu với Croatia được coi là chìa khóa để mở cánh cửa đi tiếp của Czech. Nếu thắng Croatia, thì việc gặp lại đối thủ đã thua cả hai lần ở vòng loại Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là khá khả quan.

Nhưng đây không phải nhiệm vụ dễ dàng, Croatia sở hữu một dàn hảo thủ, đội quân đánh thuê tinh nhuệ ở hầu hết các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu. Croatia cũng đầy tham vọng chiến thắng trận này (kết quả đối đầu giữa hai đội hiện đang nghiêng về phía Croatia với 1 trận hòa và 1 trận thắng) để chắc chắn vượt qua vòng loại không cần phải quyết đấu với TBN.

3. Trở lại với Cầu Tình, đi từ phía quảng trường Con Gà sang bên kia dòng Vltava có rất nhiều nhóm tạp kỹ trình diễn những những bản pokal truyền thống hay phô diễn những kỹ năng độc đáo điệu nghệ với đủ các loại đạo cụ. Để mở được chiếc khóa tình yêu đã cùng ước nguyền với những người hâm mộ, khi mà chìa đã lỡ thả xuống sông sau trận thua TBN, tuyển Czech cần như những nhóm tạp kỹ đó.

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm