Góc CHIẾN THUẬT: Khi Đức tìm mãi vẫn không thấy ‘điểm G’

17/06/2016 04:59 GMT+7 | Tranh cãi

(Thethaovanhoa.vn) - Trận đầu tiên ở EURO kết thúc không có bàn thắng. Bàn thắng là khoái cảm của bóng đá mà ngay cả ĐKVĐ World Cup cũng không thể làm cho người hâm mộ của họ cũng như khán giả trung lập được hưởng thụ cái khoái cảm ấy thì dễ hiểu vì sao người ta buồn ngủ.


Cả trận đấu mà “cỗ máy chiến tranh” từng tàn phá Brazil tới 7-1 ở World Cup 2014, từng hạ Argentina để đăng quang chỉ tung ra được đúng 3 pha dứt điểm trúng đích nhưng đều không thành bàn thĩ rõ ràng là chuyện không bình thường.

Vì Đức còn thiếu chút gì đó để tìm thấy “điểm G” hay vì Ba Lan đã phòng ngự quá xuất sắc? Chính xác là cả hai. Trận thắng Ukraine, ông Joachim Loew không dùng tiền đạo thực thụ nào nhưng Đức vẫn thắng. Trận này ông cũng cho Die Mannschaft xuất phát mà không có tiền đạo đúng nghĩa nhưng Đức không thắng ngay cả khi “số 9” thực thụ là Mario Gomez vào sân.

Ngay khi trận đấu đang diễn ra, cựu thủ môn lừng danh của Đức một thời Oliver Kahn bình luận” Ba Lan tổ chức phòng thủ quá tốt. Có thể là sự xuất hiện của Mario Gomez sẽ giúp giải quyết vấn đề”. Ông Joachim Loew đã làm theo đúng gợi ý của Kahn khi tung số 9 đích thực của Đức vào sân trong hơn 20 phút cuối. Kết quả: vẫn không ăn thua.


Ba Lan dùng xe bus 2 tầng ngay từ đầu trận. Chiến thuật không có gì mới hay bất ngờ nhưng họ đã thành công. So với “xe bus 2 tầng” của các đội khác thì hệ thống phòng thủ 2 lớp của Ba Lan không chỉ được bố trí rất gần nhau mà quan trọng là khả năng bịt khoảng trống và bọc lót cho nhau của họ quá tốt. Cũng vì thế nên họ hạn chế được cả khả năng đột phá lẫn sút xa của người Đức. Hậu vệ Ba Lan cũng chống bóng bổng rất thiện nghệ. Để hy vọng tạo đột biến trước một đội chơi phòng thủ vừa đông, vừa bọc lót tốt như thế thì người ta cần phải tích cực sút xa và dùng kỹ thuật cá nhân đột phá để ít nhất cũng kiếm những quả phạt nhằm tận dụng cơ hội từ các tình huống bóng chết.

Nhưng sút xa thì trận này người Đức lại thực hiện được quá ít so với trận gặp Ukraine. Còn đột phá cá nhân thì họ thực hiện cũng không nhiều mà nhìn vào đội hình của họ cũng không có một ngôi sao nào có khả năng đi bóng qua người siêu hạng. Đó có lẽ là hạn chế quan trọng trong cỗ máy của Joachim Loew. Có thể thấy trận này Đức không có nhiều cơ hội sút phạt (hàng rào) còn phạt góc thì Ba Lan chống quá tốt.


Xem Đức và Ba Lan hòa nhau không bàn thắng

Nhiều người cho rằng vấn đề của Đức là họ chơi mà không có tiền đạo thực thụ nhưng thật khó nói đó là nguyên do vì ngay cả khi vô địch World Cup 2014, dấu ấn của “số 9” (Klose) trong lối chơi của họ cũng không hề nổi bật mà mối đe dọa từ các tiền vệ (Kroos, Khedira), tiền đạo lùi (Mueller) hay trung vệ (Boateng, Hummels...), tức là sự đa dạng trong các phương án tấn công và dứt điểm, mới là sức mạnh đáng sợ của Die Mannschaft. Hãy xem cách họ hủy diệt Brazil ra sao và đánh bại Argentina ở chung kết như thế nào?

Dù sao thì trận hòa này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến cơ hội vào vòng 1/8 của nhà vô địch World Cup khi Đức đã có 4 điểm sau 2 trận. Ba Lan cũng hoàn toàn có lí do để hài lòng vì họ vẫn còn cơ hội đi tiếp khi đấu Ukraine ở lượt cuối vòng bảng và đã phòng ngự quá hay. Những người thất bại thực sự là khán giả trung lập và có lẽ là một bộ phận fan của Die Mannschaft vốn chờ đợi chiến thắng cho đội nhà.

Một trận đấu có quá ít tình huống tấn công nguy hiểm, đẹp mắt từ cả hai đội và không có bàn thắng được ghi. Vì Đức không tìm thấy “điểm G” (viết tắt của từ “bàn thắng” trong tiếng Anh) nên các fan của họ không thể “lên đỉnh” và dĩ nhiên là CĐV trung lập thì lại càng không thể “lên đỉnh” sau một trận đấu buồn tẻ thế này.


HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm