Đường tới Siêu Kinh Điển: Hỏi Xỏ - Đáp Xiên

10/12/2011 12:00 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Online) - Thế giới bóng đá đang đếm ngược từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây cho trận đại chiến “giữa các vì sao”: Real Madrid vs Barcelona. Đàn kền kền trắng Real Madrid dường như đang… bay giữa ngân hà, sải cánh dài vô tận, và thực hiện những cú bổ nhào “nhanh nhạy- mạnh mẽ - chính xác” như tên lửa hành trình Tomahawk. Còn Barcelona? Vẫn còn đó nét kiêu sa, đậm đà, nồng thắm của một đóa hồng… đầy gai. Làm thế nào để “bứt” đóa hoa này mà không bị “đứt” tay?


Phần 1: Cuộc chiến “một ngàn ngày” của Real.

Trong cuộc chiến “tất cả cho tất cả” này, không có gì là không thể. Hãy cùng theo dõi màn khiêu chiến giữa “phóng viên” Xỏ và “giáo sư” Xiên trước giờ bóng lăn trên sân Santiago Bernabeu cuối tuần này.

Phóng viên Xỏ (PV): El Classico có phải là cuộc chiến “được ăn cả, ngã về không” với Barcelona?

Giáo sư Xiên (GS): Với Barcelona, đó là cuộc chơi. Ngược lại, với Real đó mới là cuộc chiến, cuộc chiến “một ngàn ngày”.

PV: Hơn 3 năm đại bại dưới chân Barcelona là quá đủ?

GS: Anh nghĩ như vậy là đủ chưa?

PV: Tôi nghĩ rằng một trận hòa vẫn là khả năng mà Real Moudrid đang tính tới.

GS: Với tính cách Mourinho thì anh có lý khi nghĩ ra khả năng đó. Nhưng Mourinho cũng đã ở Madrid đủ lâu để hiểu giá trị của trận siêu kinh điển và chiếc cúp La Liga.

PV: Vô địch La Liga mà không có những chiến thắng long trời lở đất ở El Classico thì cũng như là một đóa hoa giả?

GS: Fabio Capello đến Real 2 lần và rời đi với 2 chiếc cúp. Nhưng chẳng mấy ai nhận thấy vì chiếc cúp đó giống như một cái chuông “ có kêu nhưng không có vang”.

PV: Nhưng một phương án an toàn trước Barcelona “vĩ đại nhất lịch sử” không hẳn là một nỗi hổ thẹn của đội bóng Hoàng gia?

GS: Người Madrid không nhìn thấy ai trên đỉnh đầu của mình. Barca bay ngang qua nhưng không phủ bóng lên Real. Real có mọi thứ để chứng minh “Barca không phải là nhất ở nơi này”.

PV: Vâng! Chính Pep Guardiola mới đây cũng thừa nhận Barca không đủ tốt để dẫn đầu bảng xếp hạng La Liga.

GS: Nhắc lại lần nữa. Real đang có mọi thứ để chứng minh “Barca không phải là số một ở nơi này”.

PV: Họ sẽ chơi tấn công và đè bẹp đội quân sọc đỏ xanh để tô điểm cho chiếc cúp vô địch?

GS: Đó là cách Madrid đã làm, đang làm, và sẽ làm.

PV: Nhưng đội bóng này đang ở trong tay Jose “special” Mourinho. Các Madridista sẽ nghĩ gì nếu Real chọn lối chơi thực dụng?

GS: Cổ động viên Real có lý do để thông cảm với Mourinho. Sự thận trọng là dễ hiểu trong bối cảnh đội bóng vừa bước ra khỏi… 1001 đêm “đen”.

PV: Như vậy thì các Madridista sẽ nói gì với các Cule?

GS: Nói gì cũng vô ích. Nhiều cổ động viên Barcelona giờ này thậm chí còn trông đợi việc đội bóng của họ được đối đầu với… người ngoài hành tinh hơn là trận kinh điển này.

PV: Cule đang lãng tránh thực tế?

GS: Có thể. Nhưng họ nên biết rằng đội bóng ngoài hành tinh đó giờ đang ở sân Bernabeu.

Phần 2: Guardiola vs Mourinho

Hai huấn luyện viên tượng trưng cho 2 thế hệ, cho 2 phong cách bóng đá. Đụng độ mấy lần, có thành có bại. Với Guardiola thì “Mourinho là ông chủ khốn kiếp trong phòng họp báo”. Với Mourinho thì “Guardiola là mẫu HLV thứ ba: trọng tài làm đúng cũng la, trọng tài làm sai cũng… la”. Hãy quay trở lại với PV Xỏ và GS Xoay!

PV:  Mourinho đã thay đổi Real rất nhiều?

GS: Ông ấy đã khiến “cánh tay phải” của Ngài chủ tịch phải ngậm ngùi ra đi. Ông ấy đã thiết lập quyền lực tuyệt đối ở phòng thay đồ. Ông ấy đã biến các “ngôi sao trình diễn” ở Real thành những “võ sĩ giác đấu”.

PV: Ông ấy là tất cả?

GS: Cho tới trước trận thua Levante và hòa Racing Santander thì có vẻ là vậy. Nhưng cuộc “khủng hoảng mini” và nhất là bữa tiệc sau đó do Mourinho tổ chức cho các cầu thủ đã tố cáo nhiều điều.

PV:…?

GS: Đã có nhiều tin đồn về cái gọi là “một cuộc nổi dậy của nhân dân” ở sân Bernabeu khi một nhóm các cầu thủ Tây Ban Nha và nhóm các “chiến binh bị lãng quên” cất tiếng nói phản đối chính sách “nhất bên trọng nhất bên khinh” của Mourinho.

PV: Song điều đó có làm Mourinho thay đổi?

GS: Ví dụ rõ ràng nhất là sự trọng dụng trở lại của Kaka và Lass Diarra.

PV: Mourinho rõ ràng là rất biết tự thích ứng với hoàn cảnh?

GS: Truyền thống bấy lâu ở Real là luôn chọn yếu nhân là các ngôi sao thi đấu trên sân chứ không phải trên băng ghế huấn luyện. Mourinho đã cố thay đổi điều đó nhưng thành công dang dở.

PV: Và một người thông minh thì: nếu không thể thay đổi được người khác thì tốt nhất là… thay đổi chính mình?

GS: Có lẽ lại là một sự… buồn ngủ gặp chiếu manh. Không ngờ sau đó mọi thứ với Real lại tốt lên trông thấy.

PV:  Mọi thứ tuyệt đến nỗi người ta thấy ở Mourinho như không còn sự vướng mắc nào. Đến nỗi ông ấy có thể hồn nhiên “cưỡi ngựa” trên lưng học trò để chúc mừng bàn thắng.

GS: Trước đây Mourinho vẫn được xem là quý ông thời trang ngoài đường pitch nhưng nay thì vị thế đó mất đi với sự nhập cuộc của một loạt các HLV trẻ trung- sành điệu: Guardiola, Roberto Mancini, Leonardo, Antonio Conte, A.V. Boas,… Mourinho nay “teen” theo cách khác chăng?

PV: Không chắc! Nhưng mọi người vẫn đang rất tin tưởng vào mùa bóng thứ hai của Mourinho.

GS: Vâng! Mùa bóng thứ hai ở Inter Milan. Nhưng cũng đừng quên… mùa bóng thứ ba ở Chelsea.

PV:  Mourinho hay gây “tiếng vang” trong các trận đấu lớn. Liệu lần này ông ta có gây “ồn ào” gì không?

GS: Mourinho tự nhận rằng mình “nghĩ gì nói ấy” và “nghĩ gì làm ấy” nên cũng không biết đâu mà lần.

PV: Điều đó ít ra cũng nói lên rằng Mourinho không phải là loại người đạo đức giả hay ngụy quân tử?

GS: Ranh giới giữa sự bộc trực và sự thô lỗ là rất nhỏ. Cũng như vậy là ranh giới giữa sự thẳng thắn và thiếu tế nhị. Mourinho nhiều lần “chạy qua chạy về” trên hai ranh giới đó.

PV: Nó có đáng bị mổ xẻ không?

GS: Trên sân bóng thì kể ra đó không phải là thứ quan trọng nhất để phán xét. Có điều, Mourinho quá phức tạp để có thể lấy làm gương cho trẻ con.

PV: Mourinho là cả một sự khác biệt với Guardiola?

GS: Sự tương phản đó không đem lại sự hủy diệt. Nó là điều tốt lành cho bóng đá. Ở trận kinh điển sắp tới, mọi thứ sẽ đều nóng bỏng từ khung thành, vòng tròn giữa sân, băng ghế dự bị, trên khán đài, và tất nhiên là cả trên vạch chỉ đạo- nơi có hai HLV xuât sắc bậc nhất thế giới.

Phần 3: Messi vs Ronaldo

Hai siêu sao. Hai hình ảnh đại diện cho hai câu lạc bộ. Khi Ronaldo đi bóng, lập tức các cổ động viên đối địch hô vang “Messi! Messi!”. Khi Messi lập cú đúp giúp Barcelona đánh bại Real tại bán kết Champions League, Ronaldo chẳng hề ấn tượng: “ai mà làm chẳng được trong tình hình đó (Real bị mất người)”. Mùa bóng trước, khi Messi đang trên đà giành Pinichi thì đùng một cái, Ronaldo ghi liền một tá bàn thắng để giật danh hiệu Chiếc giày vàng. Sự so kè tài năng ở mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, trong lịch sử các trận kinh điển, thành tích của Messi đang dẫn trước Ronaldo. Liệu gió có đổi chiều sau ngày 10 tháng 12 này?

PV: Cả Ronaldo và Messi đều lọt vào danh sách 3 cầu thủ đoạt danh hiệu của năm của bóng đá châu Âu. Ai sẽ là người thắng cuộc?

GS: Năm 2010 Ronaldo giành được vỏn vẹn 3 phiếu bầu vàng. Năm nay có lẽ sẽ… tương tự. Messi vừa có một mùa giải không còn gì để phàn nàn với Barcelona, dù họ còn lỡ chiếc cúp Nhà vua.

PV: Nhưng thành tích với Barcelona không lặp lại ở tuyển Argentina. Rừng nào cọp ấy? Messi chỉ là chú mèo không hơn không kém ở quê nhà?

GS: Ronaldo cũng chỉ giúp đội nhà Bồ Đào Nha qua vòng play-off của Euro 2012.

PV: Messi rất khó khăn trong việc ghi bàn vào lưới các đội bóng do Mourinho dẫn dắt?

GS: Messi, ngược lại, rất có duyên trong việc ghi bàn vào lưới Real Madrid.

PV: Mourinho sẽ tìm cách “bắt chết” Messi?

GS: Ông ấy sẽ tái sử dụng “liệu pháp Pepe”? Nhưng không ai tắm 2 lần trên một dòng sông. Messi chỉ có một đối thủ duy nhất, đó là… bản thân Messi.

PV: Thế còn Ronaldo? Liệu Ro “điệu” có xóa được định kiến “cầu thủ lớn của những trận cầu nhỏ” không?

GS: Điều đó còn tùy thuộc vào chiến thuật của HLV. Nhưng nếu thiếu khoảng trống thì Ronaldo sẽ khó vẽ vời được gì. Ronaldo luôn vượt trội trong các đường bóng phản công.

PV: Chờ đợi sự sơ hở của đối phương trong một trận cầu như kinh điển có đáng không?

GS: Biết làm sao được, khi phẩm chất của người ta là vậy.

PV: Nhưng kỹ năng dứt điểm của Ronaldo khá đa dạng: từ đá phạt, sút xa, đánh đầu, chớp thời cơ,…

GS: Bù lại, Messi lại có lối chơi đa dạng và có thể đá ở nhiều vị trí khác nhau trên hàng công từ tiền đạo cánh, mũi nhọn, cho tới tiền vệ kiến tạo,… Trong khi, Ronaldo hầu như chỉ đóng đinh ở một vị trí.

PV: Ông có hình dung về việc một ngày nào đó Messi và Ronaldo sẽ cùng thi đấu trong một đội hình?

GS: Ngoại trừ thời kỳ nguyên thủy, còn lại thì hễ có bầy đàn, phe nhóm, tập thể,… thì phải có thứ tự trước sau, trên dưới. Nếu hai cái “nhất” ở cùng một nơi thì nguy nhiều hơn là may.

PV: Sẽ không bao giờ có sự hi sinh?

GS: Sự ganh đua sẽ lấn át sự nhường bước. Messi sẽ khó mà chuyền cho Ronaldo, khi mà Messi biết rất rõ rằng “mình hoàn toàn có thể ghi bàn từ tình huống này”.

PV: Messi chơi bóng khá đồng đội đấy chứ?

GS: Chỉ riêng mình Messi mới hiểu được thôi.

PV: Messi luôn biết cách lấy lòng dư luận?

GS: Với Messi thì “tôi là một người bình thường chơi bóng để kiếm sống”. Còn với Ronaldo thì “người ta thấy tôi giàu có, đẹp trai, giỏi giang thì ganh tị”.

PV : Messi có vẻ như đang đi trên ranh giới giữa sự khiêm tốn và sự giả tạo?

GS : Ronaldo thì đang đi trên ranh giới giữa sự tự tin và sự cao ngạo? Tóm lại chuyện này không phải là quan trọng nhất, bởi những gì trên sân mới là quyết định tất cả.

PV: Ronaldo sẽ trở lại là cầu thủ xuất sắc nhất sau kinh điển?

GS: Đây mới chỉ là sự khởi đầu cho sê ri siêu kinh điển mùa giải 2011-2012 nên chí ít là Messi vẫn chưa bị Ronaldo đánh bại sau trận này, dù Ronaldo có ghi vào lưới Barcelona tới 5 bàn.

Phần cuối: nếu điều đó xảy ra

Vâng! Đây chỉ mới là trận kinh điển mở màn cho một loạt các trận đối đầu có thể có giữa Barcelona và Real Madrid mùa giải này trải dài từ sân chơi Liga, tới Cúp Nhà vua và cao nhất là đấu trường Champions League. Kết quả trận đấu này liệu có mở ra một cánh cửa, hay khép lại một cánh cửa? Điều gì sẽ xảy ra?

PV: Real Madrid có thể vô địch La Liga mà không cần kết quả ở kinh điển?

GS: Real vẫn có thể vui khi đoạt cúp theo cách đó, nhưng niềm vui dĩ nhiên chỉ dừng lại ở lý do “đã ngăn chặn thành công sự thống trị của Barcelona” .

PV: Real không được phép thất bại?

GS: Nếu thất bại thì Real vẫn còn dẫn Barca 3 điểm và vẫn có thể vô địch. Nhưng như đã nói, có những chức vô địch chỉ là con số thống kê thôi. Phải có những thắng lợi kiểu “bàn tay nhỏ”, hay “set tennis 6-2”,… thì đó mới là những khoảnh khắc vĩnh cửu.

PV: Liệu Real có đủ dũng khí để theo đuổi một khoảnh khắc vĩnh cửu?

GS: Real vừa trải qua chuỗi trận thắng hủy diệt và không lý do gì họ lại không làm điều mà họ có thể làm.

PV: Nhưng Barca là một đội bóng kỳ lạ. Họ có Messi vừa đá vừa nôn (ói) trên sân mà vẫn có kết quả tốt như ở các trận tranh siêu cúp hồi đầu mùa.

GS: Đừng nói là Barca không có điểm yếu.

PV: Real có thể tận dụng yếu điểm nào của Barca?

GS: Nếu Barca thi đấu đúng sức thì các điểm yếu của họ sẽ bị triệt tiêu. Nhưng thật may cho Real là hiện tại Barca vẫn đang trong quá trình… đổi mới. Các nhân tố mới như Fabrigas, Thiago hay Alexis mang lại sự mới mẻ trong lối chơi, nhưng mặc khác lại khiến Guardiola khá “đau đầu” trong việc ổn định một bộ khung.

PV: Barca chẳng phải là đã có một bộ khung hoàn hảo rồi sao?

GS: Bộ khung đó hoàn hảo, nhưng đó là chuyện của mùa giải năm ngoái, năm kia, năm kìa. Còn năm nay, mọi sự đã khác.

PV: Real sẽ chơi pressing rắn mặt để ngăn chặn Barca đan bóng?

GS: Điểm mạnh của Barca vẫn sẽ là sự gắn kết qua nhiều năm nhưng Real ở mùa giải thứ hai của Mourinho cũng nhanh chóng chứng tỏ sự nhuần nhuyễn. Hơn thế, nó được thực hiện ở tốc độ rất cao. Real không nhất thiết phải đá rắn.

PV: Real quá mạnh?

GS: Nói về Real lúc này, nếu bỏ qua những điểm mạnh thì chẳng còn gì để nói nữa.

PV: Hàng hậu vệ “yếu ớt” của Barca làm thế nào để cản bước các pha tấn công điện xẹt từ Ronaldo, Benzema, Oezil, Kaka, Di Maria?

GS: Phải kiểm soát được tiền vệ trung tâm Alonso. Các pha lấy bóng và tỉa bóng từ khu vực giữa sân của Alonso luôn đặt các cầu thủ trên hàng công Real vào thế một chọi một hoặc 3 đánh 2 với hậu vệ đối phương. Và kỹ thuật cá nhân điêu luyện cộng với khoảng trống sẽ giúp Ronaldo và đồng đội dễ dàng gây rối loạn cho đối thủ.

PV: Mourinho sẽ chọn ai, Benzema hay Higuain, hay cả hai?

GS: Không có đủ chỗ cho cả hai, đơn giản vì Real cần thêm người cho cuộc chiến ở khu vực giữa sân. Chiến đấu với Xavi và Inesta thì Alonso và Kheidira là không đủ.

PV: Nhưng hệ thống phòng ngự gần đây của Real rất chắc với sự có mặt của Sergio Ramos?

GS: Real có một trung vệ giỏi thì cũng đồng thời mất đi một hậu vệ cánh chắc chắn.

PV: Tất cả đã quá quen với Messi rồi. Liệu cậu ấy có còn “bài” nào không?

GS: Giữa Ramos và Pepe vẫn còn khe hở và với các hậu vệ “rắn nhưng thô” này thì các pha đi bóng lắc léo của Messi thật sự là một cơn ác mộng.

PV: Sẽ có những khoảnh khắc tỏa sáng của cá nhân làm thay đổi cục diện trận đấu?

GS: Đó là một trận đấu của lý trí. Sự tập trung cao độ. Việc trông chờ vào vận may là không tưởng . Và như thế, chỉ có thể trông đợi vào sự sáng tạo của Messi và Xavi.

PV: Nhân nói tới vận may, Real Madrid vẫn hay nói về sự thiên vị giành cho Barca.

GS: Con số thống kê cho thấy hiện Real đang được hưởng penalty nhiều hơn Barca.

PV: Thế còn những nhạo báng về cái gọi là “sự ăn vạ thô thiển” của cầu thủ Barca.

GS: khái niệm đó hình như là được sinh ra sau khi Mourinho khai sinh ra ý tưởng “Pepe - tấn công tất cả”.

PV: Trở lại. Có thể nói, Real là một cỗ máy được lập trình?

GS: Gần như là vậy. Nhưng siêu kinh điển là một câu chuyện khác. Sức ép đang dồn lên vai các cầu thủ Real.

PV: Thế còn Barca?

GS: Barca đã chứng tỏ được nhiều điều. Và giờ họ phải chứng tỏ một điều khó khăn nhất trong mọi điều khó khăn: giữ được chiến thắng dài lâu. Đó là điều khó khăn, và cũng hết sức lãng mạn. Barca vẫn là đội bóng trẻ với những trụ cột ở tuổi 24 như Messi – Fabrigas – Pique – Busquets. Barca vẫn sẽ tiếp tục là đội bóng đầy thách thức và khám phá những giới hạn.

PV: Nếu Real có thể đoạt hết mọi thứ mùa này, liệu Mourinho có ở lại nữa không?

GS: Ít ra thì trong quá khứ Mourinho chưa từng (dám) làm điều đó.

PV: Và nếu Barca thất bại, liệu Guardiola có đặt bút ký tiếp vào bản hợp đồng một năm?

GS: Kinh điển sắp tới rồi. Nhưng ở trận đấu cuối thuộc vòng bảng Champions League vừa rồi, Guardiola còn mải mê với việc đưa các cầu thủ trẻ ra sân rèn luyện. Đó là một minh chứng còn lớn hơn là chữ ký trong hợp đồng.

PV: Mourinho đã giới thiệu được cầu thủ trẻ nào ở Real chưa?

GS: Chưa! Nhưng Mourinho nói “đội hình này có thể ổn định trong… 10 năm”.

PV: Barca có rất nhiều cầu thủ trong đội tuyển Tây Ban Nha. Trong khi đó ở Real thì có vẻ “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

GS: Chính sách “giải ngân hà”  của Perez là hệ quả tất yếu. Nói thêm, “sự lung linh” của Barca một phần là nhờ vào việc họ đóng góp rất nhiều vào thành tích của tuyển Tây Ban Nha. Sự thịnh vượng của Barca là sự thịnh vượng chung của bóng đá Tây Ban Nha.

PV: Real có nhận ra sự thật này không?

GS: Có lẽ Real còn mải lo việc trả mối nợ “một ngàn ngày”. Trả nợ xong, có thể họ sẽ quay trở lại theo cách khác.

PV: Nếu không thể “trả nợ” được?

GS: Chắc sẽ lại nghe bài hát “What will be wil be” (chuyện gì đến sẽ đến).

PV: Giáo sư sẽ chọn ai?

GS: Real có lợi thế lớn về phong độ nhưng chú bò tót này sẽ bị giải khăn đỏ xanh Barcelona làm cho hoa mắt. Messi sẽ kéo mọi thứ trở lại đúng giá trị của nó.

PV: Vâng! Cảm ơn Giáo sư. Còn tôi, tôi chọn kết quả hòa. Hòa cũng đủ hả hê.

YsseM


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm