Dương Thụ tìm người tri kỷ

29/10/2012 15:37 GMT+7 | Âm nhạc

Nhạc sĩ Dương Thụ đang "một mình" chuẩn bị một chương trình âm nhạc đầu tiên của riêng mình, sau 40 năm.

Tác giả của hàng trăm ca khúc, người lặng lẽ đứng sau thành công của hàng loạt sô âm nhạc lớn nhỏ, vậy là cuối cùng cũng muốn tự mình làm một cuộc "ra mắt" để bộc bạch về chính mình. Và ông bộc bạch với Tuổi Trẻ.



Nhạc sĩ Dương Thụ - Ảnh: Nguyễn Á   

* Bài hát của ông nhiều người đã quen thuộc và yêu thích nhưng Dương Thụ vẫn là một cái tên lặng lẽ, kiệm lời. Chọn lựa này nói lên điều gì, thưa ông?


- Có hai lý do, một thuộc về bản tính, còn lại thuộc về cái gọi là sự trưởng thành của bản thân. Về bản tính, tôi là người hướng nội, sống với bản thân nhiều hơn là sống bằng những nhận xét của người khác, ngại chỗ đông người, ngại va chạm, và một cách tự nhiên không để ý đến những giá trị mình có thể có.

Bằng chứng là tôi làm tới gần 20 album riêng và chung với người khác, những album này không đến nỗi nào nhưng bản thân chẳng giữ một cái nào và cũng chẳng đi khoe, hoặc mang đi tặng ai đến nỗi bạn cũ gặp họ trách: "Cậu viết nhạc nghe được đấy nhưng viết ít quá. Sao lười thế Thụ?".

Tôi thường làm ở phòng thu, xong là xong, chẳng muốn nghe lại nó làm gì. Các ca sĩ, người bỏ tiền ra làm đĩa biếu tôi bao nhiêu, có ai xin thì cho hết. Các bài phỏng vấn, bài viết chân dung, rồi những bài tôi viết cho các báo, rồi ảnh người ta chụp mình, bây giờ chẳng biết vì sao thất lạc đâu cả. Chẳng lưu giữ một cái gì là một thiếu sót. Ðiều này thật vô tâm và chẳng hay ho gì.

Còn lý do thứ hai là tôi bây giờ đã 70 tuổi rồi. Tôi biết mình cũng làm được một cái gì đó, nhưng so với thành quả sáng tạo của nhiều người khác thì mình cũng chỉ bình thường thôi. Tôi tự trọng nhưng không quá tự hào về bản thân.

"Nghệ thuật mới, đất sống của nó nằm trong một bộ phận công chúng nhỏ, những người ưa thích và ủng hộ sự sáng tạo. Nó không mơ được ra đám đông, không mơ kiếm được tiền, không mơ nổi danh. Nhưng nó mơ có những “con mắt xanh”, những người đồng hành và cổ vũ mà không kèm theo những điều kiện về tiền bạc. Nó cần những “bà đỡ” có khả năng, có ưu thế về mặt tổ chức, phương tiện và tài chính"

Nhạc sĩ Dương Thụ

* Nhắc đến Dương Thụ, khán giả nghe nhạc sẽ nằm lòng những Họa mi hót trong mưa, Mong về Hà Nội, Tháng tư về, Cho em một ngày, Vẫn hát lời tình yêu, Cầm tay mùa hè...Nhưng còn một Dương Thụ rất tha thiết với những vỉa hè, quán xá lề đường, những con người lao động như trong Tìm em 36 phố phường Hà Nội thì hình như ít người biết hơn. Phải chăng những ca khúc quen thuộc chỉ là bề nổi của một "tảng băng chìm" rất sâu mà ông đang muốn giữ cho riêng mình?

- Tôi chẳng muốn giữ riêng cho mình một cái gì cả, chẳng qua chỉ là chuyện thời cuộc. Ở miền Bắc trước năm 1977 tôi viết nhiều và viết bởi lý do cá nhân, không bởi lý do xã hội như các nhạc sĩ sáng tác của ta cùng thời. Về mặt nào đó tôi là "kẻ bên lề". Bài Tìm em 36 phố phường Hà Nội nằm trong loạt bài đó.

Thời ấy mọi người đều chống chủ nghĩa cá nhân, viết như tôi, dù chẳng để cho ai, dù chỉ "âm thầm" thôi cũng là một khuyết điểm. Tôi biết.

Viết cho thỏa lúc bỗng dưng ôm đàn để "nghe thấy" cái đang dâng lên trong trái tim mình. Viết xong, thôi, quên nó đi vì chẳng để làm gì. Bây giờ thì khác rồi. Từ sau năm 1977 vào định cư ở TP.HCM, đỡ mặc cảm hơn, tôi vẫn viết chỉ vì muốn viết, nhưng những thứ tôi viết đã tìm được bạn. Và khi tôi lần lượt lập ban Mùa Hè (ca sĩ chính là Lệ Thu), CLB Thể nghiệm (với Sỹ Ðan), CLB Mùa Xuân (với Bảo Chấn, Ðình Huấn - Ngọc Quyên, Ngọc Bích), hợp tác với quận 10 để lập tụ điểm ca nhạc và ban nhạc lúc đó là với Quốc Dũng, Bảo Yến, tôi mạnh dạn hơn, và nhạc Dương Thụ bắt đầu "vào đời" để các bạn thấy được cái mà bạn gọi là "bề nổi" của tảng băng. Còn phần "chìm" vẫn chưa "nổi" lên được vì không có nhà đầu tư nào dám mạo hiểm. Năm 2011, ca sĩ Ðức Tuấn đã liều làm việc đó nhưng có vẻ cuộc đầu tư này không thành công lắm. Tôi ước một ngày nào đó sẽ có người muốn nghe và muốn đầu tư cho những gì mình viết từ trước năm 1977.

* Nhiều lần đến với "Café thứ bảy" - một địa chỉ văn hóa khá quen thuộc, người ta vẫn bắt gặp hình ảnh một vị nhạc sĩ tên tuổi cứ chạy lăng xăng lo nước nôi, đèn đóm, đĩa phim (nếu hôm đó chuẩn bị trình chiếu phim). Sống và hoạt động nghệ thuật khá lâu ở Sài Gòn, chắc hẳn với người và đất ở đây ông cũng có những cảm xúc riêng?

- Tôi biết ơn nơi này vì nó cho tôi được là Dương Thụ như các bạn biết. Cả một phần đời quan trọng là ở đây. 35 năm là quãng thời gian rất dài của một đời người.

Thật ra tôi không phải là người Sài Gòn mà là người TP.HCM, nên tôi không có những cảm xúc như những người ở Sài Gòn trước 1975. Họ sinh ra ở đấy. Cái ký ức quan trọng nhất, nó ở sâu trong tâm hồn ta nhất là ký ức tuổi thơ, là khi mẹ ẵm ta ra phố, hay ta theo bố vào một quán cà phê, là quãng đời "mài đũng quần" trên ghế nhà trường... Tất cả dân Sài Gòn đều đầy ắp cái ký ức đó, còn tôi thì không.

Tôi biết thành phố này khi tôi đã 35 tuổi, khi đổi tên thành TP.HCM, khi cái phần sâu nhất trong nội tâm tôi đã chứa đầy Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, đã chứa đầy miền Bắc.

Tôi yêu thành phố này bằng ký ức của người lớn tuổi và cái tình yêu của người đang sống ở đó. Nên dân Sài Gòn thứ thiệt, xa xứ khi trở về có thể thấy hụt hẫng và cho rằng thành phố này mỗi ngày một xấu đi, tôi lại thấy thành phố này mỗi ngày một đẹp lên, văn minh lên, thậm chí hơn cả Hà Nội.



Nhạc sĩ Dương Thụ trong chương trình Con đường âm nhạc do VTV thực hiện năm 2005 - Ảnh: T.T.D.

Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi sẽ diễn ra trong hai đêm 9 và 10-11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. 19 ca khúc chọn lọc sẽ được thể hiện qua các giọng ca Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Tùng Dương, Trọng Tấn, Hà Linh.

Chương trình chưa diễn ra, kịch bản chưa được hé lộ nên không ít người đã lo lắng về “khoản giao lưu” của nhạc sĩ Dương Thụ. Cái người ăn nói chậm rãi như ông giáo làng, lại ít sôi nổi và ưa sự lặng lẽ, thủ thỉ như thế thì “khuấy động” được sân khấu có lẽ là điều khó khăn. Nhưng biết đâu đó, thay bao lời muốn nói bằng những tự sự âm nhạc thật thà có khi vẫn là cách Dương Thụ “chinh phục” khán giả của mình. Như bao lâu nay vẫn thế...

* Vậy sao trong "những câu chuyện" lần này của ông lại không "dành đất" cho khán giả Sài Gòn, bằng chứng là hai đêm nhạc chỉ công diễn ở Hà Nội, và hình như cũng chỉ có những bài về Hà Nội...?

- Bạn bè tôi khuyên nên diễn ở trong này. Tôi rất do dự vì êkip làm chương trình ngoài tôi, anh Bảo Chấn, cô Hồng Nhung, Nguyên Thảo, còn đều Hà Nội cả. Mấy chục con người mà đi máy bay, ở khách sạn thì lấy tiền đâu ra mà trả.

Còn chuyện chương trình không có bài hát nào về Sài Gòn thì bạn ạ, ông Chế Lan Viên đã viết câu thơ rất có lý: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng (cũng) hóa tâm hồn. Còn tôi nghĩ rằng ta chỉ biết được thật sự tình yêu của mình khi ta mất nó. Vì lẽ đó tôi mới có bài về Hà Nội để diễn trong chương trình đấy.

* Với hai đêm nhạc của riêng mình, cái tên Dương Thụ xuất hiện từ khâu viết kịch bản, biên tập âm nhạc, chọn lựa êkip. Sản phẩm âm nhạc Dương Thụ làm cho chính mình hẳn phải có điều khác biệt?

- Chương trình tôi làm là để "nghe" chứ không phải để "xem nhạc" nên không có xịt khói, không có vũ đoàn múa phụ họa, không có dàn cảnh theo kiểu sân khấu hóa, không có người từ trên trời đáp xuống, hoặc đi xe đạp trong mây... là những cái vô cùng hấp dẫn trong các show diễn giải trí.

Cái duy nhất để "xem" chính là hình ảnh của ca sĩ và dàn nhạc trên sân khấu với phong cách biểu diễn và vẻ biểu cảm của họ khi hát và chơi nhạc. Vì lẽ đó có thể một số người xem sẽ thất vọng "Tưởng thế nào chứ thế này thì đâu có hay bằng người khác làm". Nhưng như thế hóa ra lại tốt, để khán giả khỏi ngộ nhận những cái hay mà tôi không có.

Khi tôi viết thì chẳng nói làm gì, nhưng khi mình mang ra diễn tức là mình muốn tìm bạn, tìm người tri kỷ. Liệu có ai là người tri kỷ? Tôi tự nhủ cứ làm đi thì biết.

* Nhưng nhiều người đang rất tò mò "Những câu chuyện kể của tôi" sẽ kể cho họ nghe những gì khi pha trộn giữa phong cách thính phòng đương đại với nhạc nhẹ? Nghe có vẻ không giản dị, bình dân như ông vẫn nói về âm nhạc của mình?

- Nếu bình dân theo nghĩa "cơm bình dân" thì không phải. Sự giản dị, gần gũi trong nghệ thuật đâu nhất thiết phải là "cơm bình dân". Công chúng của tôi có thể ít và không hoành tráng như nhiều nhạc sĩ khác nhưng là những người khó tính. Họ rất tinh tế. Ðáp ứng được những đòi hỏi của họ về tác phẩm, về chất lượng biểu diễn, về âm thanh, ánh sáng, về địa điểm và thậm chí cả cách tổ chức nữa thật không dễ chút nào. Những gì tôi muốn làm cho chương trình chính là biểu thị sự tôn trọng của tôi với khán giả của mình.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm