Dunga, biểu tượng của chiến thắng

01/07/2009 15:08 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Dù không thích cái cách Dunga xây dựng bộ mặt Selecao, người Brazil không thể không thừa nhận ông là một HLV tài năng, biết cách giành lấy chiến thắng và danh hiệu.

Khi được bổ nhiệm thay thế Carlos Alberto Parreira vào ngày 24/7/2006, Dunga không nhận bất cứ sự ủng hộ nào khác ngoài LĐBĐ Brazil. Ông quá trẻ, không có kinh nghiệm trong khi chiếc ghế HLV Brazil là chiếc ghế nóng nhất thế giới cấp ĐTQG. Là HLV đội bóng từng 5 lần VĐTG, Dunga phải đối mặt với vô số sức ép, từ dư luận của một đất nước mà mỗi người hâm mộ tự xem mình là một HLV, từ giới truyền thông khó tính bậc nhất thế giới, từ các siêu sao đầy quyền lực và chính từ các đối thủ vốn luôn xem chiến thắng trước Brazil là kỳ tích.

Dunga, biểu tượng chiến thắng của Selecao

Giờ đây, Dunga không còn non trẻ. Ông đã 45 tuổi, độ tuổi thích hợp nhất để các HLV khẳng định mình và gặt hái thành công, như Frank Rijkaard hay Jose Mourinho. Ông cũng đã có 3 năm kinh nghiệm, không quá khủng khiếp nhưng đủ đương đầu với thử thách, mà bằng chứng là ông đã thành công vượt qua hết sóng gió này đến sóng gió khác. Điều quan trọng nhất, tính đến thời điểm hiện tại, Dunga chưa từng thất bại ở bất cứ mục tiêu nào đề ra cho cấp ĐTQG (thất bại duy nhất của ông là tại Olympic 2008).

Chiến thắng và danh hiệu

3 năm qua, ông đã gặt hái các danh hiệu cần thiết và chúng đều có dấu ấn của Dunga. Tại Copa America 2007, Dunga vẫn có thể đưa một Brazil thiếu vắng hàng loạt ngôi sao sáng nhất (ở thời điểm ấy là Kaka, Ronaldinho, Adriano) lên đỉnh cao. Trong trận CK, Brazil của Dunga, với thành phần là những cầu thủ chỉ đóng vai trò dự bị tại World Cup một năm trước đó, đã giành chiến thắng khó tin 3-0 trước Argentina, vốn có đủ những cầu thủ tốt nhất như Messi, Tevez, Riquelme, Mascherano, Veron...

Brazil của Dunga không giữ được sự ổn định suốt vòng loại World Cup 2010 khu vực Nam Mỹ. Nhưng bây giờ, khi vòng loại chỉ còn 4 vòng, Brazil của ông đang đứng ở vị trí cao nhất và hơn Ecuador của vị trí thứ 5 (vé play-off) đến 7 điểm. Nhiệm vụ của Dunga ở vòng loại World Cup coi như đã xong, dù trong suốt thời gian ấy, ông nhiều lần không có sự phục vụ của các ngôi sao tốt nhất như Kaka, Fabiano.

Brazil của Dunga không phải là ƯCV số 1 cho danh hiệu VĐ Confederations Cup 2009. ĐKVĐ châu Âu Tây Ban Nha mới được đánh giá cao nhất. Nhưng cuối cùng, Brazil vẫn thành công bảo vệ vương miện, thâu tóm mọi danh hiệu từ cấp đội bóng (VĐ, giải Fairplay) đến cấp cá nhân (Cầu thủ xuất sắc nhất, Vua phá lưới). Đã có những khó khăn nhất định trên hành trình chinh phục danh hiệu. Nhưng ở những thời điểm ấy, Dunga đã trực tiếp tháo gỡ bằng những quyết định nhạy cảm và khôn ngoan của mình. Trong trận gặp chủ nhà Nam Phi ở bán kết, Dunga bất ngờ tung Alves vào sân, đá ở vị trí cánh trái và cầu thủ của Barca đã ghi bàn duy nhất bằng cú sút phạt. Đến trận gặp Mỹ ở chung kết, 2 quyết định thay đổi nhân sự của ông cũng đã phát huy hiệu quả. Lại vào thay Andre Santos, Alves đã gây sức ép đáng kể ở hành lang cánh trái và không phải vô cớ mà bàn gỡ hòa 2-2 lại đến từ một pha đột phá của Kaka ở biên trái. Lucio đã đóng vai trò người hùng với cú đánh đầu mang lại chiến thắng 3-2. Nhưng nên nhớ, bàn thắng đó xuất phát từ quả đá phạt góc của Elano, người được tung vào sân để thay Ramires giữa hiệp 2.

Dunga cần được thừa nhận

Báo chí Brazil chỉ nhắc đến sự tỏa sáng của Fabiano, vai trò linh hồn của Kaka hay sự khẳng định từ những nhân tố mới như Melo. Hình ảnh của Dunga trên các mặt báo quá mờ nhạt. Có lẽ, ác cảm về Dunga chưa bị đẩy lùi, ác cảm về thứ bóng đá khô khan, thực dụng, nặng toan tính mà ông áp dụng ở ĐT Brazil. Nhưng dù sao, Dunga vẫn được thừa nhận là biểu tượng của chiến thắng. Ông là đội trường Brazil vô địch World Cup 1994. Ông là người duy nhất giành chức VĐ Confed Cup ở cả 2 vai trò cầu thủ và HLV. Ông cũng đã có danh hiệu tầm khu vực, với chức VĐ Copa America 2007. Nếu ở nước Anh chẳng hạn, Dunga sẽ nhận được sự tôn vinh cao nhất. Nhưng ở Brazil, người ta vẫn đòi hỏi hơn nữa: thứ bóng đá cống hiến, trình diễn, đậm chất samba, lãng mạn, bay bổng... tóm lại là những nét đẹp cổ điển.

Brazil năm 1994 là đội bóng đầu tiên và có lẽ duy nhất trong lịch sử bị chỉ trích dù mang cúp Vàng về nước. Là đội trưởng lúc bấy giờ, Dunga tất nhiên hiểu rõ đòi hỏi về cái đẹp từ người hâm mộ. Nhưng ông không thể bỏ qua một thực tế rằng, cái thời lãng mạn ấy đã qua lâu rồi. Trong bóng đá hiện đại, chiến thắng và danh hiệu mới có tiếng nói quyết định. Chẳng phải Brazil đẹp và lãng mạn của Carlos Alberto Parreira đã nếm mùi cay đắng ở World Cup 2006 đó sao?!
 
Đ.LỘC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm