Dùng hàng Việt là thông minh

21/11/2009 15:01 GMT+7 | Dư luận

Người nước ngoài mua hàng Việt Nam dùng vì nhu cầu thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, thức uống, văn phòng phẩm… Họ không tin và không mua hàng vì quảng cáo hay khuyến mãi.

Đó kết quả cuộc thăm dò bỏ túi 100 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM (70 người) và Hà Nội (30 người) về quan điểm tiêu dùng của họ đối với hàng Việt Nam, do báo Sài Gòn Tiếp Thị đã thực hiện từ 15.10 đến 15.11.2009.

Người nước ngoài xài hàng Việt

Người nước ngoài tại Việt Nam thường không thích những sản phẩm thực phẩm được “công nghiệp hoá” vì e ngại hoá chất bảo quản. Ảnh: Lê Quang Nhật

Jon Dillingham, người Mỹ 25 tuổi, chọn mua hàng với hai tiêu chí rõ ràng: “Mua những thứ sản xuất tại địa phương đáng tin, mua hàng được sản xuất ở gần mình nhất, thì giá cả hàng hoá sẽ rẻ hơn, vì không phải trả những chi phí đóng gói, vận chuyển, thuế và chi phí quảng bá. Điều này còn giúp bảo vệ môi trường. Điều thứ hai, không phải những gì các mẫu quảng cáo nói là đúng. Tôi thường mua những thứ đáp ứng nhu cầu và phù hợp sở thích, không vì thấy người khác dùng mà mình dùng”. Mỗi lần phải đi mua gạo, anh thường mua gạo sản xuất ở Long An hoặc miền Tây. Anh cho rằng thật vô lý khi Việt Nam trồng được gạo, lại thấy người Việt Nam mua gạo trồng từ Thái Lan hay Đài Loan. Một điều khác anh cũng lấy làm lạ khi thấy nhiều người thích “công nghiệp hoá sản phẩm nông nghiệp”. Theo anh, điều này chỉ khiến chất lượng sản phẩm hàng hoá giảm đi vì khi công nghiệp hoá sản phẩm nông nghiệp, người ta sẽ đưa nhiều hoá chất vào, sản phẩm sẽ không còn tự nhiên nữa.

Anh Miles Fah người Canada 43 tuổi, trước đây rất thích các loại bia Tiệp, Đức, nhưng hiện đang chọn uống bia Sài Gòn. Ban đầu anh chỉ tò mò muốn biết bia làm từ gạo khác bia làm từ lúa mạch như thế nào, uống thấy hợp khẩu vị, từ đó thích uống bia Sài Gòn hơn. Miles cũng rất chuộng và mỗi lần về nước thường mua về làm quà là cà phê Trung Nguyên. Còn anh Jon Dillingham lại thích uống cà phê Highlands vì thích không gian của Highlands, nhiều khi đến đó không phải để uống cà phê. Điều đặc biệt là Highlands và Trung Nguyên đều được đánh giá cao hơn Starbuck, cả về không gian quán lẫn chất lượng cà phê. Đồng quan điểm này, ông Lee One Seek – Hàn Quốc cho biết, trước khi sang Việt Nam, ông thường uống Starbuck, tuy nhiên từ khi đến Việt Nam ông không bao giờ uống cà phê Starbuck nữa vì cà phê Việt Nam rất ngon.

Một nhóm nhân viên người Hàn Quốc làm việc tại công ty Hàn – Việt Media hiện sống tại khu Sky Garden – Phú Mỹ Hưng lại rất thích dùng nước tương Chinsu. Họ thường dùng sữa Vinamilk và nước suối Việt Nam để uống tại cơ quan, trong hội thảo. Đối với các sản phẩm phục vụ cho công việc của công ty khi phải tổ chức sự kiện, họ thường mua hàng Việt Nam như thẻ đeo, giấy bút… tại các nhà sách, hoặc quà tặng cho khách như khăn lụa, khung tranh của Khai Silk.

Karla (người El Salvado), sống cùng chồng và con tại Phú Mỹ Hưng kể, cách đây năm năm khi mới đến Việt Nam, chị chọn mua bộ đồ gốm sứ Minh Long. Năm năm qua, hàng xài rất bền mà vẫn sáng. Chị không ngờ hàng Việt cũng có loại tốt như vậy nên giới thiệu cho bạn bè cùng mua dùng.

Hàng Việt: dịch vụ chưa tốt

Jon Dillingham rất thích uống xá xị của Chương Dương. Tuy nhiên, anh chỉ mua được sản phẩm này ở một vài nơi bán ngoài đường hoặc tiệm tạp hoá, nhiều khi anh vào các quán nước lớn, gọi xá xị không có.

Còn anh Tejendra Singh Ấn Độ, thường dùng mật ong rất nhiều, nhưng chưa bao giờ mua được loại mật ong vừa ý. Khi vào siêu thị mua hàng, anh thấy những người bán hàng thường gặp khó khăn khi giao tiếp với người nước ngoài, bản thân họ cũng không giải thích được cho người mua tất cả những thông tin về hàng hoá mà người mua cần biết.

Một trong những khó khăn mà cô Karen Amber, người Mỹ gặp phải là cô khó nhận biết nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá bán tại các cửa hàng. Khi hỏi chủ hàng hoặc người bán, một là họ không biết, hai là họ không nói thật. Cô từng mua nhiều món hàng khi không vừa ý, đành phải bỏ đi chứ không mang trả lại được. Cô cũng không hiểu vì sao nhiều món hàng của Việt Nam được gói quá nhiều lớp, khi dùng phải bỏ rác nhiều, không tốt cho môi trường.

Ông Tony Magnifico tự nhận mình là người quá khổ, nên rất khó tìm kiếm quần áo vừa kích cỡ tại Việt Nam. Ông cho biết đã từng mua một chiếc quần tại chợ Bến Thành, chưa mặc mà chỉ đã bật ra, ông bỏ luôn và từ đó không mua quần áo tại Việt Nam nữa. Ông cho rằng rất khó có thể mang hàng đi đổi nếu như không vừa ý, thậm chí khi hàng hoá bị hư, mang đi bảo hành hoặc sửa chữa cũng rất khó. “Khi khách hàng phàn nàn thì chẳng bao giờ là lỗi của người bán cả, mà khách hàng luôn luôn sai...”, Tony rất tiếc khi thấy điều này phổ biến nhiều ở Việt Nam.

Chị Karla rất khó chọn mua quần áo ở Việt Nam, vào những cửa hàng nhỏ, rẻ tiền, thì không có loại vừa kích cỡ. Ở đây chỉ bán những loại phù hợp với người Việt. Nếu vào các cửa hàng như Parkson, Diamond… thì giá quá đắt, đôi khi toàn là hàng nhập từ nơi khác về. Đi may đo tại các tiệm cũng bị lấy đắt gấp đôi hoặc ba so với người Việt.

Nếu hàng Việt thoả mãn được hơn 100.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam, họ sẽ là những đại sứ truyền thông tuyệt vời, mở ra nhiều cánh cửa cho hàng Việt hơn nữa.

Theo SGGP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm